Cổ phần hóa Vinatex: Phương thức nào tối ưu?

Cổ phần hóa: Phương thức nào tối ưu? Việc Vinatex, Tập đoàn Dệt May với vai trò nòng cốt, đầu kéo quan trọng của ngành Dệt May Việt Nam tiến hành cổ phần hóa (CPH) đang gây sự chú ý của các nhà đầu tư

Việc Vinatex, Tập đoàn Dệt May Việt Nam với vai trò nòng cốt, đầu kéo quan trọng của ngành Dệt May Việt Nam tiến hành cổ phần hóa (CPH) đang gây sự chú ý của các nhà đầu tư lớn cũng như công chúng và dư luận. Vậy phương thức cổ phần hóa như thế nào được Vinatex lựa chọn?

Tăng vốn để đầu tư tạo sự bứt phá

Thực hiện chủ trương  của  Chính phủ về tái cấu trúc các DN nghiệp Nhà nước, tạo đà cho sự phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thực hiện tiến trình cổ phần hóa công ty mẹ Tập đoàn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam ngày 6/5/2014. Ngày 23/6/2014 dự kiến sẽ phát hành thông báo cáo bạch thông tin CPH Tập đoàn. Ngày 2 và 4/7/2014 sẽ tổ chức Roadshow tại Hà Nội (KS Hilton) và TP.Hồ Chí Minh (KS. Caravelle). Ngày 22/7/2014 Tập đoàn chính thức IPO tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM.


Về cơ bản Vinatex sẽ chọn các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh, sẵn sàng chia sẻ với Tập đoàn về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn, biết tôn trọng và phát huy các giá trị truyền thống của Vinatex. Tập đoàn đang xây dựng các tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược báo cáo Bộ Công Thương, song song đó tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có thể tiến hành IPO đúng vào ngày 6/8 năm nay.

Vinatex thực hiện CPH theo phương thức bán một phần vốn nhà nước hiện có tại Tập đoàn, kết hợp phát hà nh thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Khi điều kiện thị trường thuận lợi có thể bán tiếp cổ phần Nhà nước, sao cho tỷ lệ cổ phần Nhà nước giảm xuống dưới 51%. Đây là bước đi giảm dần tỷ lệ sở hữu Nhà nước, tạo điều kiện cho đối tác trong nước và nước ngoài mua thêm cổ phần, tăng nguồn lực cho Vinatex, tiếp theo sẽ tăng vốn điều lệ của Vinatex tương thích với tốc độ phát triển, tiềm năng và cơ hội của Tập đoàn trong thị trường.

Trong đó, phần vốn tăng lên sẽ được Vinatex tập trung cho đầu tư mới, nhằm bổ sung thêm lực lượng sản xuất mới để tạo sự bứt phá. Trong giai đoạn này, phần vốn tăng thêm sẽ tập trung cho những dự án đầu tư mới của Vinatex chủ yếu vào mảng SX nguyên liệu (vải dệt kim, dệt thoi) nhằm tạo ra chuỗi cung ứng khép kín từ đầu vào nguyên, phụ liệu và đầu ra là tiêu thụ sản phẩm, tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thuế suất xuất khẩu giảm dần bằng không, tạo điều kiện để Tập đoàn tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, nâng cao lợi nhuận sau khi thành lập chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Đối tượng CPH

Đối tượng cổ phần hóa bao gồm Công ty Mẹ và 4 công ty TNHH MTV: Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Công ty TNHH MTV Dệt 8/3, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương, Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam.

Với Vinatex, mục tiêu tái cấu trúc các đơn vị thành viên không chỉ gói gọn trong việc tăng/giảm vốn, mua bán sáp nhập doanh nghiệp mà còn phải đảm bảo được nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển Tập đoàn, cải thiện được mối quan hệ giữa các đơn vị thành viên, hình thành được thị trường nội bộ, xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đến phân phối, cải thiện các chỉ tiêu tài chính và nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm dệt may của Tập đoàn.


Theo lộ trình, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên tái cấu trúc lại ngành nghề, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dệt may, tổ chức hoạt động theo nhóm ngành kinh doanh, theo địa lý để khắc phục tình trạng cạnh tranh nội bộ, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ cấp Tập đoàn cho đến cấp đơn vị. Hình thành các đơn vị mạnh trong mỗi ngành Sợi, Dệt Nhuộm, May và Phân phối của chuỗi cung ứng để làm nòng cốt và hỗ trợ các đơn vị cùng ngành nhưng có hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Gia tăng đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị chất xám trong mỗi sản phẩm. Đảm bảo các đơn vị nòng cốt của Tập đoàn có khả năng làm chủ việc thiết kế quy trình công nghệ, lựa chọn thiết bị, tối ưu hóa hoạt động của các khâu: Sản xuất nguyên liệu, sản xuất sợi cao cấp, sản xuất vải dệt thoi vải dệt kim, may và thiết kế thời trang để tiến tới có khả năng chủ động từ khâu thiết kế cho đến khâu chào hàng, chuyển dịch từ hình thức sản xuất FOB sang ODM.

Giá trị DN và giá trị phần vốn Nhà nước được xác định để CPH

 Giá trị doanh nghiệp để CPH tại thời điểm ngày 31/12/2011 theo QĐ 4373/QĐ-BCT ngày 28/6/2013 về việc xác định giá trị Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam thuộc BCT để CPH và Quyết định 10132/QĐ-BCT ngày 30/12/2013 sửa đổi Điều 1 và 2 Quyết định 4373/QĐ-BCT ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương về các định giá trị Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam thuộc Bộ Công Thương để CPH: Giá trị thực tế của doanh nghiệp: 4.840 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước: 4.300 tỷ đồng. Sau CPH, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 500 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 255.000.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3.000.850 cổ phần, chiếm 0,6% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 120.000.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 121.999.150 cổ phần, chiếm 24,40% vốn điều lệ.

Chủ động chuẩn bị nguồn vốn

Trong thời gian chuẩn bị cho tiến trình CPH, Vinatex đã tiến hành tập trung hoạt động trong ngành nghề cốt lõi, tạo một môi trường vốn thuận lợi cho các doanh nghiệp Vinatex hoạt động. Tập đoàn đã tiến hành các giải pháp khả thi cùng với năng lực của mình, giành được những hỗ trợ tối ưu từ các ngân hàng, thể hiện uy tín cũng như khả năng điều tiết vốn tốt của Tập đoàn trong giai đoạn có nhiều khó khăn trong thị trường tài chính.


Thành công bước đầu trong việc thu xếp vốn là kế hoạch ngân hàng BIDV sẽ tài trợ cho Vinatex và các doanh nghiệp thành viên 600 triệu USD, trong đó: 350 triệu USD vốn dài hạn và 250 triệu USD vốn vay ngắn hạn với thời gian ưu đãi và lãi suất cạnh tranh. BIDV cũng sẽ mua lại các khoản nợ theo yêu cầu của Vinatex nhằm cơ cấu lại thời gian cho vay dài hơn và lãi suất tốt hơn.

Cũng phải kể đến thành công của Tập đoàn trên thị trường tài chính quốc tế, khi tính minh bạch cùng vị thế, uy tín của Vinatex được khẳng định, và Ngân hàng ADB đã lựa chọn Vinatex để đầu tư khoản cho vay 200 triệu USD trong những năm tới với lãi suất ưu đãi.

Vinatex còn tiếp tục xem xét hợp tác với 1 hoặc 2 ngân hàng nhằm mục tiêu hỗ trợ và tạo môi trường nguồn vốn tốt nhất cho các doanh nghiệp để hoạt động.