Cổ phiếu VNM lên mức cao nhất từ đầu năm, một thành viên SCIC thoái toàn bộ vốn khỏi Vinamilk

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC vừa cho biết đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Vinamilk trong bối cảnh cổ phiếu VNM đạt mức cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Sữa Vinamilk cổ phiếu VNM
SIC đã hoàn thất việc thoái vốn khỏi Vinamilk sau nhiều lần đăng ký thực hiện không thành công.

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC  (SIC) - thành viên thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa cho biết đã hoàn tất việc bán ra toàn bộ 965.000 cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Giao dịch này được thực hiện từ ngày 8/9 đến ngày 20/9/2023, theo phương thức thoả thuận. Như vậy, SIC đã thoái toàn bộ vốn khỏi Vinamilk.

Đóng cửa thị trường ngày 20/9, cổ phiếu VNM có mức giá chốt phiên là 78.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này thì SIC đã thu về khoảng 75,6 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn trên.

SIC đã nhiều lần đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu VNM đang nắm giữ nhưng không thành công với lý do “thị trường biến động”. Trước đó, từ ngày 3 – 31/8, SIC đăng ký bán 1.050.000 cổ phiếu VNM nhưng chỉ giao dịch thành công 85.000 đơn vị; qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của SIC tại Vinamilk xuống còn 0,046%.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VNM của Vinamilk từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ngoài sở hữu gián tiếp qua SIC, SCIC còn đang là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 36% vốn tại Vinamilk. Về người có liên quan, SCIC hiện có 3 đại diện quản lý vốn đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị Vinamilk, gồm ông Lê Thanh Liêm, ông Hoàng Ngọc Thạch và bà Đặng Thị Thu Hà. Trong đó, chỉ có duy nhất ông Liêm đang sở hữu cổ phiếu VNM với khối lượng là 493.381 đơn vị, tương đương 0,024% vốn cổ phần Vinamilk.

Trong một diễn biến có liên quan, Tại Hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & SSI tổ chức gần đây, các nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh doanh của Vinamilk khi sự cạnh tranh trên thị trường tăng lên.   

Đại diện Vinamilk cho biết với chiến lược tái định vị thương hiệu vừa qua, Vinamilk kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm 2023. Bộ nhận diện thương hiệu mới với màu sắc bắt mắt hơn, thiết kế trẻ trung, hiện đại sẽ giúp Vinamilk củng cố tệp khách hàng cũ và hướng tới những khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.

Theo các dữ liệu tổng hợp, Vinamilk đang giữ vị thế doanh nghiệp số 1 ngành sữa Việt Nam với 55% thị phần; trong đó các ngành hàng chủ lực như sữa nước, sữa chua và sữa đặc đều chiếm vị thế số 1; sữa bột chiếm vị thế số 2 toàn ngành. Tính đến quý 2/2023, doanh nghiệp này đang xếp thứ 36 về doanh thu trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp sữa toàn cầu.

Xem thêm: "Giá sữa bột giảm chưa thấy đáy, cổ phiếu VNM lên đỉnh 12 tháng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Vinamilk kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm 2023. Về triển vọng lợi nhuận, đại diện Vinamilk cho biết tăng trưởng lợi nhuận ròng dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu thuần nhờ xu hướng giảm của sữa bột nhập khẩu trong thời gian tới.

Tính đến đầu tháng 9/2023, giá hai loại sữa đầu vào chính của Vinamilk là sữa bột nguyên kem (WMP) và sữa bột tách kem (SMP) đã lần lượt giảm 28% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinamilk hiện đã chốt giá sữa nguyên liệu đến hết năm 2023, vì vậy trong nửa cuối năm nay, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ được cải thiện đáng kể nhờ tồn kho nguyên liệu giá thấp từ quý 2/2023.

Đại diện Vinamilk cho biết công ty vẫn chưa chốt giá nguyên liệu cho năm 2024 nhưng dự báo sẽ không có sự kiện nào có thể đảo ngược xu hướng giá sữa bột trong tương lai gần, và chờ đợi thời điểm hợp lý nhất để ký hợp đồng.

Quỳnh Trang