TÓM TẮT:

Hoạt động giám sát tài chính là việc thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động của thị trường tài chính trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Ngân hàng, chứng khoản và bảo hiểm. Do đặc thù của lĩnh vực tài chính, cơ quan đảm trách vai trò giám sát các hoạt động kinh doanh tài chính là một thiết chế đặc biệt tại mỗi quốc gia. Trong bài báo này, chúng tôi giới thiệu về các cơ quan đang thực hiện chức năng giám sát tài chính tại 3 quốc gia châu ÁTrung Quốc, Hàn Quốc và Singapore.

Từ khóa: Giám sát tài chính, Châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, thị trường tài chính.

1. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore tại Singapore

Singapore là quốc gia có nền kinh tế phát triển với hệ thống tài chính bao gồm các tổ chức tài chính hoạt động kinh doanh đa dạng tập trung ở ba khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore -“MAS”) là cơ quan quản lý duy nhất ở Singapore có trách nhiệm giám sát quy định đối với ngành dịch vụ tài chính trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đồng thời là ngân hàng trung ương của Singapore (Group of Thirty: 2008, tr.163). MAS thực hiện 6 chức năng giám sát riêng biệt để đạt được các mục tiêu của mình gồm: đưa ra các quy định liên quan đến các yêu cầu về vốn và hạn chế rủi ro; hoạt động như “người gác cổng” cho các tổ chức muốn cung cấp dịch vụ tài chính ở Singapore; giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính, bao gồm các biện pháp bảo đảm an toàn, chống rửa tiền và việc tài trợ cho khủng bố (“AML/CFT”); giám sát tài chính; thực thi hành động chống lại những tổ chức và cá nhân vi phạm các yêu cầu về an toàn, AML/CFT và quy tắc ứng xử thị trường; và thực hiện quyền phân giải đối với các tổ chức tài chính. Tương ứng với các mục tiêu đó, có 5 cơ quan được thiết lập trong MAS gồm: Bộ phận giám sát ngân hàng; Bộ phận giám sát các tổ chức phức hợp; Bộ phận giám sát bảo hiểm; Bộ phận chính sách đảm bảo an toàn; Bộ phận chuyên gia giám sát rủi ro. Trong 5 cơ quan trên, Bộ phận chuyên giám sát rủi ro và Bộ phận chính sách đảm bảo an toàn còn có chức năng giám sát các hoạt động của ba cơ quan còn lại, đồng thời nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ chính sách và đánh giá rủi ro áp dụng cho tất cả các tổ chức tài chính (MAS, 2017).

MAS sử dụng khung đánh giá rủi ro Comprehensive Risk Assessment Framework and Techniques (CRAFT) - để đánh giá rủi ro của một tổ chức tài chính bất kể lĩnh vực dịch vụ tài chính mà tổ chức đó đang hoạt động. CRAFT sử dụng các hoạt động kinh doanh chính của tổ chức tài chính làm cơ sở đơn vị đánh giá rủi ro. Thông qua cách tiếp cận dựa trên hoạt động, CRAFT đủ linh hoạt để được áp dụng một cách nhất quán cho tất cả các loại tổ chức tài chính do MAS giám sát. Việc đánh giá rủi ro cũng được sử dụng làm cơ sở để xây dựng kế hoạch giám sát nhằm giải quyết các rủi ro đã được xác định. Cách tiếp cận dựa trên hoạt động giúp MAS hiểu sâu hơn về các yếu tố bên ngoài và bên trong có thể ảnh hưởng xấu đến tổ chức tài thông qua các hoạt động mà tổ chức đó tiến hành, đồng thời điều chỉnh tốt hơn quá trình đánh giá rủi ro. Cách tiếp cận như vậy cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tập trung sâu hơn vào phân tích rủi ro và mối đe dọa liên quan đến các hoạt động và thúc đẩy thực hành quản lý và kiểm soát rủi ro theo hoạt động cụ thể (MAS: 2017).

2. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán và Bảo hiểm tại Trung Quốc

Giám sát tài chính tại Trung Quốc hoạt động theo phương pháp tiếp cận thể chế có kết hợp với một số yếu tố giám sát chức năng (Group of Thirty: 2008 tr.24). Theo cấu trúc quy định trước đây, tất cả các hoạt động giám sát tài chính được hợp nhất trong chức năng của ngân hàng trung ương - là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Thông qua một loạt các cải cách trong 25 năm qua, Trung Quốc đã chuyển dần sang cách tiếp cận thể chế trong hoạt động giám sát tài chính khi mà hoạt động của ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm được giám sát bởi các cơ quan riêng biệt. Từ năm 1998, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và điều tiết ngành chứng khoán và tương lai. Nó chịu trách nhiệm cho các công ty niêm yết, công ty chứng khoán và thị trường, tập trung vào việc bảo vệ các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Cũng trong năm 1998, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) được thành lập để giám sát ngành bảo hiểm.

Năm 2003, trách nhiệm chính trong giám sát và điều tiết ngành ngân hàng đã được chuyển từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sang Cơ quan quản lý Ngân hàng Trung Quốc mới Ủy ban (CBRC), có trách nhiệm bao gồm ngân hàng, công ty quản lý tài sản tài chính, công ty ủy thác và đầu tư và các tổ chức tài chính lưu ký khác. Trách nhiệm của nó bao gồm phê duyệt các tổ chức ngân hàng mới, xây dựng các quy tắc và quy định thận trọng và tiến hành kiểm tra. Vai trò của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện nay chỉ giới hạn trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách tiền tệ và duy trì sự ổn định tài chính và vẫn giữ một vai trò trong xây dựng chính sách (Group of Thirty: 2008, tr.26).

Với sự phát triển của thị trường tài chính, phương pháp tiếp cận thể chế trong hoạt động giám sát tài chính ở Trung Quốc đang phải đối mặt với yêu cầu phải thay đổi khi ngành dịch vụ tài chính ngày càng hội nhập và ranh giới giữa ngân hàng truyền thống, chứng khoán và kinh doanh bảo hiểm trở nên mờ nhạt (Xu Bu: 2010, tr. 932-934). Thông qua các công ty mẹ, các ngân hàng và các tổ chức khác đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm bên ngoài các lĩnh vực hoạt động truyền thống của họ, do đó tạo ra các vấn đề về đặc quyền giám sát. Các vấn đề như vậy phát sinh với tần suất ngày càng tăng khi sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi các ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm trở nên giống nhau hơn. Điều này gây áp lực lớn hơn cho các giám sát viên phối hợp trước khi họ hành động. Theo nhận định từ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc được nhiều nghiên cứu dẫn chiếu thì quốc gia này thể hiện sự tự tin rằng những nỗ lực phối hợp của họ nói chung đã thành công (Douglas J. Elliott và Kai Yan: 2013).

3. Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc

Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS) là cơ quan quản lý tài chính tổng hợp của Hàn Quốc có nhiệm vụ kiểm tra và giám sát các tổ chức tài chính dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát Tài chính (FSC). Trước khi FSS được thành lập, hệ thống giám sát tài chính tại Hàn Quốc với mỗi lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và phi ngân hàng do một cơ quan riêng quản lý và điều tiết. FSS được thành lập cho một mục đích đặc biệt nhằm quản lý các vấn đề độc lập với các chính phủ trung ương và địa phương. FSS đóng vai trò là người giám sát điều hành và thực hiện việc kiểm tra các tổ chức tài chính cùng với các hoạt động thực thi và giám sát khác theo chỉ đạo hoặc yêu cầu của FSC. Nó cũng đảm nhiệm vai trò cố vấn và giải quyết tranh chấp tài chính (FSS: 2015).

Chức năng Giám sát cơ bản của FSS bao gồm xem xét các đơn xin cấp phép (đối với ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng, công ty đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm,...), xem xét các điều kiện của các tổ chức tài chính; giám sát tính lành mạnh của các hoạt động kinh doanh. FSS cũng tiến hành kiểm tra các định chế tài chính như phân tích và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty tài chính, tình hình tài chính và năng lực quản lý rủi ro; xác minh sự tuân thủ của các công ty với các quy chế liên quan. Với thị trường vốn, FSS vận hành hệ thống công bố thông tin nhằm duy trì hoạt động lành mạnh của thị trường sơ cấp và thứ cấp, điều tra thị trường vốn để ngăn chặn các hành vi thương mại không công bằng. Hoạt động giám sát kế toán của FSS bao gồm kiểm tra sự phù hợp của các chuẩn mực kế toán với các chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch; giám sát hoạt động kế toán để đảm bảo hoạt động công bằng của hệ thống kiểm toán bên ngoài. FSS cũng bảo vệ khách hàng của các dịch vụ tài chính thông qua việc tư vấn và xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến dịch vụ tài chính; bảo vệ quyền lợi của khách hàng thông qua hòa giải tranh chấp; giáo dục tài chính của người tiêu dùng (FSS: 2015).

Mục tiêu của FSS hướng đến việc thực hành hoạt động giám sát và kiểm tra của một cơ quan quản lý tài chính mà thị trường và người tiêu dùng tin tưởng. FSS cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho những người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và tập trung vào việc tăng cường bảo vệ người tiêu dùng. Các mục tiêu chính của FSS gồm: ổn định hệ thống tài chính thông qua tăng cường quản lý thanh khoản ngoại tệ và khuyến khích các công ty tài chính trích lập thêm các khoản dự phòng rủi ro cho vay; bảo vệ người tiêu dùng tài chính; bảo vệ người có thu nhập thấp và doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tăng cường xử lý các hành vi tài chính bất hợp pháp, giúp giảm bớt khó khăn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa họ và các công ty lớn; thúc đẩy hệ thống giám sát thông qua việc khuyến khích áp dụng hệ thống quản trị phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu và nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; đồng thời, FSS cũng thúc đẩy việc cải tổ toàn diện khung giám sát và giao tiếp tốt hơn với người tiêu dùng để khôi phục niềm tin với thị trường (Lee, Jung-yoon: 2011).

Cách thức các cơ quan giám sát tài chính được xây dựng và vận hành tại 3 quốc gia nêu trên là những ví dụ khá điển hình cho cách các quốc gia tại châu Á xây dựng và vận hành hệ thống này nhằm đảm bảo an ninh cho thị trường tài chính của họ. Cho đến nay, trên thế giới chưa có một mô hình giám sát tài chính nào được coi là phổ biến và hoàn chỉnh nhất. Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và điều hành cơ quan giám sát tài chính tại các nước có quan hệ kinh tế gần gũi sẽ có ích cho Việt Nam trong quá trình thực hiện cải cách và đổi mới hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. MAS. (2015). Objectives and principles of Financial Supervision in Singapore, [online] Available at: https://www.mas.gov.sg/publications/monographs-or-information-paper/2004/objectives-and-principles-of-financial-sector-oversight-in-singapore Truy cập ngày 10/8/2020
  1. MAS (2017), MAS’ Framework for Impact and Risk Assessment of Financial Institutions [online] Available at: https://www.mas.gov.sg/publications/monographs-or-information-paper/2007/mas-framework-for-impact-and-risk-assessment-of-financial-institutions Truy cập ngày 10/8/2020.
  1. Group of Thirty (2008), The Structure of financial supervision - Approaches and Challenges in a Global Marketplace, The Group of Thirty, Washington DC.
  2. Xu Bu (2010), Research on Problem and Solutions of China’s Financial Reguilatory System, Proceedings of the 7th International Conference on Innovation & Management, Vũ Hán Trung Quốc, Wuhan University of Technology, ngày 3-5 tháng 12/2010, 932-935.
  3. Douglas J. Elliott and Kai Yan (2013), The Chinese Financial System - An Introduction and Overview, The John L. Thornton China Center at Brookings, Washington, DC.
  4. FSS (2015), About FSS, Available at: http://www.fss.or.kr/fss/eng/main.jsp Truy cập ngày 10/8/2020
  1. Lee, Jung-yoon (2011), New FSS head vows tougher steps, Korea Joongang Daily ngày 2011-03-29, [online] Available at: https://koreajoongangdaily.joins.com/article/view.asp?aid=2934071 Truy cập ngày 10/8/2020.

 Financial monitoring agencies of some Asian countries

Master. Nguyen Thi Ho Diep

Institute of Social Sciences Information

ABSTRACT:

Financial monitor is the implementation of the supervision function of competent state agencies over operations of financial markets in three main areas, including banking, securities and insurance fields. Due to the specific characteristics of financial sectors, the agency which in charge of overseeing financial operations is a unique institution in each country. This article is to introduce the financial monitoring agencies of China, Korea and Singapore.

Keywords: Financial monitor, Asia, China, Korea, Singapore, financial market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]