Công bằng xã hội trong giáo dục theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin

LÊ THỊ VINH (Khoa Nhà nước và pháp luật - Trường Chính trị Nghệ An)

TÓM TẮT:

Tự do, bình đẳng và bác ái là những giá trị mà cả nhân loại đang cố gắng để đạt được. Công bằng xã hội cũng vậy, nó là giá trị mà loài người luôn mong đạt được trong cuộc sống hàng ngày. Theo nghĩa chung nhất, công bằng được hiểu là sự biểu hiện cụ thể cho tự do, bình đẳng và bác ái. “Bình đẳng là biểu hiện của sự công bằng”1. Bài viết này tập trung nghiên cứu về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về công bằng xã hội và công bằng xã hội trong giáo dục; đồng thời phân tích một số nội dung cơ bản về công bằng xã hội trong giáo dục theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Từ khóa: Công bằng xã hội, giáo dục, chủ nghĩa Mác - Lênin.

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về công bằng xã hội và công bằng xã hội trong giáo dục

Theo các nhà kinh điển Mác - xít, trong xã hội xã hội chủ nghĩa thì công bằng xã hội trong lĩnh vực kinh tế đóng vai trò cơ sở và quyết định các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội..., cụ thể là về phương diện quan hệ giữa cống hiến (thực hiện nghĩa vụ) ngang nhau thì hưởng thụ (được hưởng quyền lợi) ngang nhau. Hay nói cách khác, trong chủ nghĩa xã hội, công bằng cơ bản là làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít; sản phẩm được phân phối theo nguyên tắc làm theo năng lực hưởng theo lao động. Công bằng xã hội chỉ ra ở đây là công bằng xã hội mang tính tương đối, còn nhiều hạn chế, nó chỉ tồn tại ở giai đoạn thấp của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì xã hội này mới chỉ là giai đoạn quá độ từ tư bản chủ nghĩa - một xã hội bất công bằng, bất bình đẳng sang xã hội cộng sản chủ nghĩa - một xã hội có một sự công bằng tuyệt đối. Do vậy, công bằng xã hội trong xã hội xã hội chủ nghĩa còn nhiều khiếm khuyết, “Nhưng đó là những thiếu sót không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, lúc nó vừa lọt lòng từ xã hội tư bản chủ nghĩa ra, sau những cơn đau đẻ kéo dài. Quyền không bao giờ có thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”2. Quan niệm về công bằng xã hội trong chủ nghĩa xã hội sẽ bị thay đổi cùng với sự tự mất đi của chủ nghĩa xã hội để ra đời một xã hội cao hơn - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự mất đi sớm hay muộn tùy thuộc vào sự phát triển của sản xuất, sự phát triển của kinh tế - xã hội. Do vậy, công bằng xã hội là một khái niệm mang tính lịch sử. Để đạt được công bằng thực sự, một cách tuyệt đối chỉ khi con người không còn lệ thuộc vào phân công lao động nữa, lúc đó khoảng cách giữa lao động trí óc và lao động chân tay được rút ngắn tối đa, lao động không còn là phương tiện để sinh sống nữa mà là một nhu cầu hoạt động và phát triển. Khi đó, cá nhân được phát triển một cách toàn diện, sức sản xuất xã hội sẽ có sự tiến bộ vượt bậc chưa từng có trong lịch sử, của cải trở nên dư thừa “Chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!”3. Như vậy, theo chủ nghĩa Mác - Lênin: Trong giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản, mặc dù chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đã được thiết lập, song phương thức phân phối tương ứng đó vẫn chưa đạt tới sự công bằng thực sự. Đó mới chỉ là một bước tiến bộ nhất định bước đầu về công bằng xã hội. Điều quan trọng là cùng với chế độ công hữu thì sản xuất càng phải phát triển, mọi cá nhân phải có cơ hội phát huy mọi tiềm năng để vươn tới sự ngang nhau về năng lực, điều kiện, cơ hội, khi đó mới có thể đạt được sự công bằng tuyệt đối.

Ở phương diện khác, công bằng được hiểu theo 2 góc độ: Công bằng theo chiều ngang nghĩa là đối xử ngang nhau với những người có đóng góp như nhau. Công bằng theo chiều dọc nghĩa là đối xử khác nhau đối với những người có những khác biệt bẩm sinh hoặc có những điều kiện xã hội khác nhau. Nếu công bằng theo chiều ngang được thực hiện bởi cơ chế thị trường thì công bằng theo chiều dọc cần có sự điều tiết của nhà nước. Việc phân định như thế sẽ đảm bảo công bằng thực sự. Qua đây có thể thấy công bằng xã hội là một khái niệm rộng, hoàn chỉnh gồm cả các yếu tố: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Như vậy: “Công bằng xã hội là một giá trị định hướng để con người thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về đời sống vật chất và tinh thần trong mối quan hệ tương đối hợp lý giữa các cá nhân và nhóm xã hội, phù hợp với khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế- xã hội nhất định”4.

Trong lĩnh vực giáo dục, công bằng xã hội trong giáo dục được các nhà Mác - xít đặc biệt quan tâm, theo các ông, giáo dục có tầm quan trọng trong đời sống xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng một chế độ mới: “muốn thay đổi những điều kiện xã hội phải có một chế độ giáo dục thích hợp”5. Lẽ tất nhiên, công bằng trong giáo dục nhằm phục vụ đắc lực cho xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và chính xã hội đó đem lại sự công bằng xã hội trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Theo tinh thần đó, việc thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục chính là “tạo được nhiều cơ hội học tập phù hợp với mọi nhu cầu, nguyện vọng riêng cũng như khả năng của mỗi người dân trong xã hội, để ai cũng có điều kiện phát triển nghề nghiệp tài năng, hiểu biết”6.

Như vậy, hiện nay người lao động sẵn sàng chấp nhận tạm thời sự chưa bình đẳng, nhưng không chấp nhận sự không công bằng, công bằng phải được xây dựng trên cơ sở cống hiến và hưởng thụ ngang nhau. Mỗi cá nhân muốn cống hiến được cho xã hội thì cá nhân đó tối thiểu phải có 2 điều kiện cơ bản:

Thứ nhất, phải có môi trường thuận lợi nhằm vừa tạo điều kiện cho cá nhân có khả năng cống hiến, vừa là thước đo để đánh giá khách quan sự cống hiến của mỗi cá nhân, đó có thể gọi là “cơ hội xã hội”. Cơ hội xã hội là một điều kiện rất quan trọng mà không có nó thì dù cá nhân có nhiệt tình cống hiến đến mấy cùng với tài năng thực sự đôi khi cũng trở thành bất lực.

Thứ hai, muốn cống hiến thì phải có năng lực nhất định, năng lực càng cao thì khả năng cống hiến càng lớn. Trong nền kinh tế thị trường, năng lực không chỉ là sản phẩm bẩm sinh mà chủ yếu lại là do giáo dục, đào tạo mà có. Giáo dục, đào tạo có thể sẽ góp phần đắc lực cho việc bồi dưỡng năng lực cá nhân, làm cho mọi tiềm năng về năng lực cá nhân đều trở nên có những cơ hội như nhau hoặc tương đương nhau. Như vậy, công bằng trong giáo dục, đào tạo chính là cái gốc để giảm bớt bất công về năng lực. Một nền giáo dục công bằng sẽ tạo ra tối đa những năng lực lao động mới, đảm bảo cho xã hội tránh được những bất công.

Đương nhiên, không thể ảo tưởng rằng với một nền giáo dục nào đó, người ta có thể tạo nên sự ngang bằng về năng lực. Năng lực còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như di truyền, khí chất, sức khỏe... Song, một điều chắc chắn là: với một nền giáo dục công bằng cho toàn dân, chúng ta sẽ không để lọt hoặc để uổng phí các mầm mống tài năng và sẽ tạo được cơ hội không quá chênh lệch để mọi người cùng tự do phát triển. Nền giáo dục công bằng có khả năng tạo nên “cơ hội xã hội” theo đúng nghĩa.

2. Một số nội dung cơ bản về công bằng xã hội trong giáo dục theo chủ nghĩa Mác - Lênin

Thứ nhất, thực hiện chế độ giáo dục phổ thông, miễn phí và tạo điều kiện cơ sở vật chất cho học tập.

Công bằng trong giáo dục thể hiện thông qua việc mọi người trong xã hội đều được bình đẳng về quyền trong việc hưởng thụ những giá trị mà nền giáo dục đem lại: “nền giáo dục quốc dân phổ cập và ngang nhau với tất cả mọi người, do nhà nước đảm nhiệm. Giáo dục bắt buộc đối với tất cả mọi người. Học không phải mất tiền”7. Để thực hiện công bằng trong giáo dục, Nhà nước chủ trương “thực hiện nền giáo dục phổ thông không mất tiền và cưỡng bách, độc lập với giáo hội”8 cho mọi người đang trong đội tuổi theo học. Nhà nước quan tâm đến mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là trẻ em, thiếu niên; Nhà nước tạo mọi điều kiện tốt nhất để giáo dục trẻ ngày từ khi còn nhỏ: “đối với tất cả các trẻ em khi không cần đến sự chăm sóc của người mẹ nữa, thì đưa vào giáo dục trong các cơ quan nhà nước và bằng sự đài thọ của nhà nước”9. Sự thay đổi căn bản về cách đối xử với mọi người trong xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa và tạo cơ hội cho mọi người dân đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo được tiếp cận với giáo dục, đã khẳng định xã hội chủ nghĩa đã đảm bảo sự công bằng trong xã hội nói chung và công bằng trong giáo dục nói riêng: “giáo dục phổ thông do nhà nước cung cấp kinh phí cho tất cả trẻ em, không trừ một ngoại lệ nào”10. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa khác hẳn về chất so với nền giáo dục tư bản chủ nghĩa, nền giáo dục này phục vụ cho mọi người trong xã hội và đặc biệt quan tâm đến “người nghèo”: “Biện pháp ấy chỉ là một việc làm công bằng đối với anh nghèo chúng ta, vì không thể chối cãi được rằng mỗi người đều có quyền phát triển toàn diện tài năng của mình”11.

Việc thực hiện công bằng giáo dục đối với mọi người trong xã hội, được C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chủ trương thực hiện phổ cập giáo dục, nhà nước cấp học bổng, miễn học phí và cung cấp các điều kiện thiết yếu để học tập: “Giáo dục phổ thông và bách khoa (cung cấp những tri thức lý luận và thực tiễn về tất cả các ngành chủ yếu của sản xuất), miễn học phí và cưỡng bách, đối với tất cả các nam nữ trẻ em dưới 16 tuổi; (…) tất cả các em học sinh đều được cung cấp lương thực, quần áo và sách vở do nhà nước đài thọ”12. Đối với những cấp học cao hơn, nhà nước vẫn tạo điều kiện cho những ai muốn theo học và thực sự có nhu cầu muốn nâng cao trình độ trên mức phổ thông “bảo đảm cho tất cả ai muốn học đều được học”, mặc dù nhà nước không thể tiếp tục miễn học phí và cung cấp “lương thực, quần áo, sách vở” nhưng nhà nước vẫn tạo điều kiện cấp học bổng cho người theo học, đặc biệt đối với người nghèo.

Thứ hai, không có sự phân biệt giới tính, dân tộc, đẳng cấp trong việc hưởng thụ nền giáo dục mới - giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước thực hiện công bằng trong giáo dục thông qua việc cung cấp một nền giáo dục phổ thông toàn dân; mọi người dân đều được hưởng giá trị từ nền giáo dục đó đem lại. Không có sự phân biệt giới tính nam hay nữ, không phân biệt đảng cấp hay tầng lớp nào, giai cấp nào và không phân biệt dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, tất cả mọi người đều được hưởng nền giáo dục này theo những mức độ phù hợp khác nhau. Theo đó, nền giáo dục thống nhất áp dụng cho mọi người: “một nền giáo dục thống nhất cho tất cả mọi người, tiến hành cho đến lứa tuổi mà người ta có thể trở thành một thành viên độc lập của xã hội”13. Hơn nữa, công bằng trong giáo dục là nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến những đối tượng “yếu thế” trong xã hội, đó là những người nghèo, những người không có cơ hội học tập do điều kiện lịch sử để lại, nhà nước phải thực hiện chính sách giáo dục toàn dân, cho mọi người lao động có điều kiện thuận lợi tiếp cận học tập.

Thứ ba, đảm bảo nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp cho từng đối tượng, từng lứa tuổi.

Công bằng trong giáo dục không chỉ tạo điều kiện vật chất để mọi người được học tập, mà còn phải có những cách thức để đảm bảo giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Trong mỗi quốc gia do điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội nên các vùng miền, các dân tộc không có điều kiện để phát triển ngang nhau do đó trình độ dân trí cũng khác nhau: “Giữa các nước riêng biệt, các vùng riêng biệt và thậm chí giữa các địa phương sẽ luôn tồn tại một sự bất bình đẳng nào đó về điều kiện sống; có thể thu hẹp sự bất bình đẳng ấy đến mức tối thiểu”14. Do đó, khả năng tiếp nhận tri thức mới cũng khác nhau. Nhiệm vụ của nền giáo dục mới là làm thế nào để mọi người đều được nâng cao tri thức của họ dựa trên khả năng hiện tại của họ, nên việc thiết kế chương trình giáo dục cho phù hợp với từng đối  tượng là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho mọi người được học tập, vì vậy “trong điều kiện có một nền dân chủ thực sự thì hoàn toàn có thể đảm bảo được yêu cầu giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ, giảng dạy lịch sử quê hương,... mà không cần phải phân chia các trường thành từng trường dân tộc”15.

Công bằng trong việc truyền tải nội dung giáo dục đến người học với những phương pháp phù hợp cho từng đối tượng là biểu hiện tập trung nhất của sự công bằng trong giáo dục. Nhà nước đảm bảo nội dung, hình thức giảng dạy được thể hiện bằng ngôn ngữ “mẹ đẻ” của mỗi dân tộc: “nhân dân có quyền học tập bằng tiếng mẹ đẻ, quyền này được đảm bảo bằng cách lập ra các trường cần thiết cho việc học tập đó, phí tổn do nhà nước và các cơ quan tự trị địa phương đài thọ”16. Sự phù hợp từ phương pháp đến nội dung giáo dục cho mỗi đối tượng người học sẽ đem lại sự công bằng thật sự trong giáo dục.

Ngoài ra, nội dung, phương pháp và yêu cầu giảng dạy phải phù hợp với từng lứa tuổi: “các bài khóa ngày càng phức tạp dần về trí dục, thể dục và kỹ thuật bách khoa phải giải thích ứng với việc phân loại trẻ em công nhân theo các nhóm tuổi”17. Do yếu tố sinh lý tác động, nên mỗi nhóm tuổi chỉ có thể tiếp nhận một lượng tri thức về một số lĩnh vực nhất định, do vậy việc phân chia các nhóm tuổi trong giáo dục là một biện pháp để đảm bảo sự công bằng trong việc lĩnh hội tri thức của người học và đảm bảo tính khoa học, nên “cần phải phân trẻ em nam nữ  thành 3 nhóm để được đối xử khác nhau: nhóm thứ nhất phải gồm các trẻ em từ 9 đến 12 tuổi, nhóm thứ 2 - từ 13 đến 15 tuổi, nhóm thứ 3 - từ 16 đến 17 tuổi.”18.

Thứ tư, nhà nước thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Mục đích của nền giáo dục mới là đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, đủ khả năng xây dựng một xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh; với mục tiêu như vậy, V.I.Lênin chủ trương: “biến nhà trường từ một công cụ thống trị giai cấp của giai cấp tư sản thành một công cụ để đập tan nền thống trị đó, cũng như để hoàn toàn xóa bỏ sự phân chia giai cấp trong xã hội thành giai cấp”19. Xã hội xã hội chủ nghĩa không những đảm bảo sự công bằng xã hội dựa trên nguyên tắc phân phối theo lao động mà còn cung cấp những dịch vụ công miễn phí cho hầu hết mọi người đặc biệt đối với người nghèo, trong đó có dịch vụ giáo dục. Theo đó nhà nước thực hiện những chính sách giáo dục phổ thông miễn học phí, hỗ trợ học tập bằng các chính sách như: cấp học bổng, cung cấp các điều kiện vật chất phục vụ cho học sinh ăn, học. Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính công bằng thực sự trong giáo dục, nhà nước còn thực hiện chính sách giáo dục phổ thông “cưỡng bách” cho mọi người trong xã hội và nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em đang trong tuổi đi học: “chúng tôi tuyên bố rằng các bậc cha mẹ và các chủ xí nghiệp hoàn toàn không được phép sử dụng lao động trẻ em và của thiếu niên, nếu nó không được kết hợp với giáo dục”20.

Bên cạnh đó, để có những cơ sở vật chất cho xã hội thực hiện công bằng trong lĩnh vực giáo dục, nhà nước chủ trương “cần phải kết hợp giáo dục với lao động sản xuất” nhằm góp tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội: “việc kết hợp lao động sản xuất với giáo dục là một trong những biện pháp mạnh nhất để cải biến xã hội hiện nay”21, đây là nguồn vật chất to lớn để phát triển xã hội và là nguồn đầu tư cho phát triển giáo dục và là cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Ngoài ra, giáo dục kết hợp với sản xuất chính là góp phần vào bù đắp một phần kinh phí đào tạo của mỗi trường học đặc biệt đối với những trường ở bậc học trên phổ thông: “Những chi phí cho các trường bách khoa kỹ thuật phải được bù đắp lại một phần bằng việc bán các sản phẩm của trường đó”22. Kết hợp giáo dục với lao động sản xuất, lý thuyết kết hợp với thực hành là một trong những nguyên tắc của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Mọi người phải có nghĩa vụ lao động sản xuất, coi đây là nhiệm vụ “vinh quang” trong xã hội, nhà nước “cần phải buộc mọi người có nghĩa vụ tham gia sản xuất”23, người dân tham gia lao động sản xuất là thực hiện nghĩa vụ xã hội xây dựng đất nước và góp phần xây dựng nền giáo dục, là một trong những nhân tố góp phần vào tăng cường sự công bằng trong giáo dục.

Giáo dục ngày một phát triển, nhu cầu đầu tư cho giáo dục ngày một tăng lên, đáp ứng được yêu cầu này là việc làm thiết thực. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách lớn cho việc đầu tư phát triển giáo dục. Nhà nước vô sản luôn chú trọng đến nhiệm vụ này: “những khoản dùng để cùng chung nhau thoả mãn những nhu cầu, như trường học, cơ quan y tế... phần này lập tức tăng lên khá nhiều so với xã hội hiện nay, và xã hội mới càng phát triển thì phần đó càng tăng thêm”24. Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách bất bất bình đẳng trong xã hội khi làm cho các yếu tố tiềm ẩn gây bất bình đẳng trong xã hội bị triệt tiêu.

Thực hiện công bằng trong giáo dục là một phần của nội dung thực hiện công bằng xã hội ở nước ta trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và để thực hiện mục tiêu giáo dục là: đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Cho nên, cần phải tiếp tục thực hiện chống tái mù chữ, khắc phục tình trạng bỏ học trong học sinh con em các gia đình nghèo và đối tượng chính sách, nhất là ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có nhiều khó khăn. Cần giải quyết các bất hợp lý trong chính sách và cơ chế đầu tư dẫn đến thiếu công bằng trong giáo dục giữa nông thôn và thành phố; trong phân bổ ngân sách giữa các cấp học, bậc học; trong xây dựng cơ sở vật chất trường học. Cố gắng giảm dần chênh lệch về điều kiện học tập và chất lượng giáo dục giữa các khu vực. Chính sách học bổng, học phí, tín dụng học tập và các giải pháp hỗ trợ khác đã có cải tiến, nhưng vẫn còn chưa hợp lý, nhất là đối với con em nông dân, công nhân nghèo và các đối tượng chính sách, phấn đấu vì mục tiêu: “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngày trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn với quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ và bền vững hơn cho phát triển kinh tế - xã hội25”.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 839.

2C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 35 - 36.

3Sđd, tr. 36

4Bùi Đình Thanh, “Công bằng xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Tạp chí Cộng sản, (18), năm 1996, tr. 9.

5Sđd, tr. 771.

6TS. Nguyễn Minh Hoàn, “Về thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta”, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số tháng 7/2007.

7C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 49.

8C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 16, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 780.

9C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 471.

10Sđd, tr. 730.

11C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 730.

12V.I.Lênin, Toàn tập, tập 32, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 198.

13C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 730.

14C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 34, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 185.

15V.I.Lênin, Toàn tập, tập 24, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 276.

16V.I.Lênin, Toàn tập, tập 32, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 196.

17C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 16, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 1995, tr. 263.

18Sđd, tr. 262.

19V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 118.

20C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 16, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 268.

21C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 52.

22V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 263.

23C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, I.V.Xtalin bàn về giáo dục, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1976, tr. 112.

24C.Mác, Ph.Ăng - ghen, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 735.

25Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2006, tr. 101.

SOCIAL JUSTICE IN EDUCATION ACCORDING TO THE MARXIST-LENINIST

LE THI VINH

Faculty of State - Law, Nghe An Political School

ABSTRACT:

Freedom, equality and charity are values that all humanity is trying to achieve. For social justice, it is the value that all humanity always wants to achieve in everyday life. In the most general sense, justice is definied as a specific expression of freedom, equality and charity. "Equality is an expression of fairness." This article focuses on the view of Marxism - Leninism on social justice and social justice in education as well as analyzes some basic contents of social justice in education according to the Marxist-Leninist.

Keywords: Social justice, education, Marxism - Leninism.