Công khai thông tin dự án PPP phục vụ hoạt động giám sát của cộng đồng - bất cập và kiến nghị

CAO THỊ THÙY NHƯ (Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Minh bạch hóa dự án PPP là một trong những hoạt động mang tính cấp thiết nhằm đảm bảo dự án được triển khai đúng hướng, mang lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Để dự án PPP được minh bạch, cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ nhiều phía, trong đó có giám sát của cộng đồng. Có nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả giám sát của cộng đồng, trong đó thông tin về dự án được xem là yếu tố quan trọng. Bài viết sẽ làm rõ tầm quan trọng của việc công khai thông tin dự án PPP đối với hoạt động giám sát của cộng đồng, phân tích quy định pháp luật về vấn đề công khai thông tin dự án PPP, đánh giá thực tiễn triển khai các quy định pháp luật đó và đưa ra một số quan điểm kiến nghị.

Từ khóa: Dự án PPP, giám sát cộng đồng, công khai thông tin.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang là xu hướng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là mô hình thích hợp để xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ở nước ta trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp. Thời gian qua, nước ta đã triển khai nhiều dự án PPP nhưng chất lượng, hiệu quả của các dự án này mang lại chưa cao, bằng chứng là hàng loạt các dự án phát sinh sai phạm đã bị phát hiện và xử lý, gây bức xúc trong nhân dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là do cơ chế giám sát dự án quá lỏng lẻo.

Vậy nên, cải thiện được vấn đề giám sát chính là một trong những giải pháp giúp mô hình PPP phát triển đúng bản chất, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Điều này đã được chứng minh trong bài viết “Research on the Optimal Supervision Level of Government in Highway Under PPP Model” của nhóm tác giả Ying-hui Jian và Dan Xu. Bài viết trên đã vận dụng lý thuyết trò chơi để phân tích hành vi của Chính phủ, công chức được Chính phủ ủy quyền, nhà đầu tư và người dân để chứng minh rằng nhà đầu tư chỉ thực hiện đúng hợp đồng dự án khi có sự giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, bài viết cũng vận dụng lý thuyết về chi phí giao dịch để chỉ ra rằng thiệt hại mà Chính phủ và người dân phải gánh chịu nếu dự án PPP xảy ra sai phạm sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí mà Chính phủ và người dân bỏ ra để giám sát.

Cơ chế giám sát dự án PPP bao gồm nhiều “mô-đun”. Mỗi mô-đun thực hiện một chức năng của mình và phối hợp nhịp nhàng với nhau để vận hành hệ thống giám sát. Cộng đồng dân cư chính là một mô-đun trong cơ chế giám sát này. Sở dĩ giám sát của cộng đồng có vai trò quan trọng và là một mô-đun trong cơ chế giám sát dự án PPP vì họ chính là người vừa có quyền lợi, lại vừa có nghĩa vụ liên quan đến dự án. Với vị thế đó, cộng đồng sẽ có thái độ tích cực hơn trong việc giám sát dự án để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình, bởi họ cảm nhận gánh nặng về tài chính nhiều hơn so với khi sử dụng dịch vụ công truyền thống được cung cấp bởi Nhà nước.

Hiện nay, quyền giám sát của cộng đồng đối với dự án PPP đã được pháp luật công nhận và điều chỉnh tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP. Quyền này có thể được thực hiện thông qua hai hình thức là giám sát trực tiếp (người dân trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát) và giám sát gián tiếp (người dân giám sát thông qua một chủ thể khác mà mình ủy quyền, đó là Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, gọi tắt là BGSĐTCĐ). Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả hoạt động giám sát của cộng đồng chưa cao, kể cả giám sát trực tiếp lẫn giám sát gián tiếp.

Có nhiều nguyên nhân cản trở hoạt động giám sát của cộng đồng. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng đó là do cộng đồng thiếu thông tin về dự án. Để hạn chế tình trạng trên, pháp luật phải can thiệp để các bên có đủ các thông tin cần thiết. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến việc công khai thông tin dự án PPP, chỉ ra thực tiễn áp dụng các quy định này và đề xuất một số kiến nghị.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Đánh giá thực trạng pháp luật về công khai thông tin dự án PPP và kiến nghị

2.1.1. Quy định pháp luật về công khai thông tin dự án PPP

Hiện tại, mặc dù được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư theo hình thức PPP được điều chỉnh chủ yếu tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 63) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nhận thức được tầm quan trọng của việc công khai thông tin, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã đưa ra một số quy định mang tính bắt buộc đối với các chủ thể có liên quan (cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư) trong việc công khai thông tin về dự án PPP.

Theo quy định tại Nghị định 63, dự án PPP được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Có thể liệt kê một số giai đoạn quan trọng của dự án bao gồm: (i) Quyết định chủ trương đầu tư; (ii) Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; (iii) Lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án; (iv) Triển khai thực hiện dự án; và (v) Chuyển giao công trình dự án[1].

Trong mỗi giai đoạn, việc công khai thông tin được pháp luật quy định như sau:

(i) Giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư:

Đây là giai đoạn hình thành ý tưởng về dự án. Trong giai đoạn này, cơ quan nhà nước (Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) hoặc nhà đầu tư sẽ đề xuất dự án. Sau đó, chủ thể đề xuất dự án sẽ có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được thẩm định và cùng với các tài liệu khác được trình lên để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Nếu dự án được quyết định chủ trương đầu tư thì đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận ý tưởng ban đầu của dự án và cho phép các chủ thể liên quan tiến hành các bước tiếp theo của dự án.

Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, dự án sẽ được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cả dự án do cơ quan nhà nước lập và dự án do nhà đầu tư đề xuất. Chủ thể có trách nhiệm công khai thông tin là Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Nội dung công bố bao gồm những thông tin cơ bản về dự án. Riêng dự án do nhà đầu tư đề xuất, nếu dự án có nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc các thỏa thuận huy động vốn để thực hiện dự án cần bảo mật, nhà đầu tư thỏa thuận với Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh về nội dung thông tin công bố.

(ii) Giai đoạn phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi:

Sau khi hình thành ý tưởng sơ bộ ở các giai đoạn sau là: (i), cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giao cho đơn vị trực thuộc hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án (đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất) hoặc nhà đầu tư trúng thầu (đối với dự án công nghệ cao) lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đây là tài liệu trình bày một cách chi tiết, cụ thể về sự cần thiết, tính hợp lý, tính khả thi của dự án và là cơ sở để dự án được quyết định đầu tư. Sau khi được lập, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được tổ chức thẩm định và được trình lên để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu được phê duyệt, đồng nghĩa với việc cấp có thẩm quyền đã cho phép triển khai thực hiện dự án.

Đây cũng được xem là một giai đoạn quan trọng. Tuy nhiên, theo khảo sát của tác giả, Nghị định 63 không có quy định liên quan đến việc công khai thông tin trong giai đoạn này.

(iii) Giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án:

Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư hoặc chỉ định thầu đối với một số dự án đặc biệt theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Sau đó, nhà đầu tư trúng thầu sẽ thành lập doanh nghiệp dự án (không bắt buộc đối với dự án nhóm C). Nhà đầu tư/ doanh nghiệp dự án và phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành ký kết hợp đồng dự án. Đây chính là nền tảng pháp lý quan trọng để nhà đầu tư triển khai xây dựng, vận hành dự án cũng như xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.

Trong giai đoạn này, Nghị định 63 chỉ có một quy định liên quan đến việc công khai thông tin về hợp đồng dự án, kể cả những nội dung được sửa đổi, bổ sung sau khi ký kết. Trách nhiệm công khai thông tin là phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là bên mời thầu. Kênh đăng tải thông tin bắt buộc là Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ngoài ra, pháp luật khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

(iv) Giai đoạn triển khai thực hiện dự án:

Đây là giai đoạn nhà đầu tư tiến hành xây dựng, vận hành, khai thác công trình. Dự án sẽ phát sinh doanh thu từ phí dịch vụ do Nhà nước hoặc người dân sử dụng dịch vụ chi trả.

Trong giai đoạn này, pháp luật quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán liên quan đến dự án. Kênh đăng tải thông tin, cách thức và thời hạn đăng tải không được quy định cụ thể tại Nghị định 63, mà dẫn chiếu đến các quy định khác của pháp luật có liên quan và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

(v) Giai đoạn chuyển giao công trình:

Đây là giai đoạn cuối cùng trong vòng đời của dự án theo loại hợp đồng BOT, BLT, hoặc các loại hợp đồng tương tự khác. Sau khi hoàn thành giai đoạn vận hành, khai thác và thu phí dịch vụ để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ tiến hành chuyển giao lại công trình cho Nhà nước.

Trong giai đoạn này, pháp luật quy định một năm trước ngày chuyển giao hoặc trong thời hạn thỏa thuận tại hợp đồng dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải đăng báo công khai về việc chuyển giao công trình, thủ tục, thời hạn thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ.

Trên đây là các quy định Nghị định 63 về công khai thông tin dự án PPP. Đánh giá chung, trong hầu hết các giai đoạn của dự án, pháp luật có đưa ra yêu cầu về nội dung công khai, chủ thể có trách nhiệm công khai, thời hạn và phương thức công khai. Đây chính là cơ sở pháp lý để các chủ thể có liên quan thực hiện trách nhiệm của mình trong việc công khai thông tin dự án PPP.

2.1.2. Đánh giá quy định pháp luật về công khai thông tin dự án PPP và kiến nghị

Căn cứ thực trạng pháp luật đã nêu ở phần 2.1.1, có thể nhận thấy rằng việc công khai thông tin chỉ được quy định cụ thể trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn ký kết hợp đồng dự án. Ở các giai đoạn khác, việc công khai thông tin chưa được quy định hoặc quy định không rõ ràng. Sau đây, tác giả sẽ đưa ra quan điểm đánh giá và kiến nghị theo từng giai đoạn thực hiện dự án.

Thứ nhất, trong giai đoạn phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Như đã trình bày, Nghị định 63 không có quy định về việc công khai thông tin trong giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP. Điều này có nghĩa là báo cáo nghiên cứu khả thi không cần phải được công bố. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chủ thể đề xuất dự án hình thành định hướng chi tiết về dự án, kế hoạch thực hiện dự án và có thể dự án sẽ được triển khai theo định hướng trong báo cáo nghiên cứu khả thi. Vậy nên, công chúng cần được biết thông tin này để có ý kiến phản biện. Việc phản biện nếu được thực hiện càng sớm ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thiệt hại của dự án (nếu có) sẽ thấp.

Theo tác giả, quá trình lập và thẩm định báo cáo là hoạt động nội bộ của nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước nên việc công khai thông tin cũng không cần thiết. Thế nhưng, sau khi phê duyệt, toàn bộ nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, kết quả thẩm định báo cáo và quyết định phê duyệt báo cáo cần phải được công bố đến công chúng. Nếu trong báo cáo có những nội dung ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong giai đoạn đấu thầu thì có thể không công khai, nhưng cần có sự giải trình về những nội dung bảo mật đó để tránh việc các bên lợi dụng quy định linh hoạt của pháp luật để bưng bít thông tin.

Thứ hai, trong giai đoạn vận hành dự án.

Như đã trình bày, Nghị định 63 có quy định yêu cầu nhà đầu tư công khai thông tin báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng dự án. Tuy nhiên, theo đánh giá của tác giả, quy định này không rõ ràng ở 2 điểm sau:

Một là, quy định trên không thể hiện rõ căn cứ pháp lý làm cơ sở cho việc công khai thông tin. Nói cách khác, chưa rõ nhà đầu tư sẽ công khai thông tin bằng phương thức nào, vào thời điểm nào, dựa trên quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và làm cách nào để xác định nhà đầu tư đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hay chưa.

Hai là, nếu công khai theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án thì có nghĩa là phía cơ quan nhà nước và nhà đầu tư sẽ được quyền tự quyết nội dung, thời hạn, phương thức công khai. Điều này là không phù hợp bởi việc công khai thông tin để phục vụ cho hoạt động giám sát của cộng đồng, để bảo vệ lợi ích công cộng, vậy nên pháp luật cần có những quy định mang tính ràng buộc. Hơn nữa, nếu công khai thông tin theo thỏa thuận thì điều này chỉ mang tính chất trao đổi thông tin giữa hai bên trong hợp đồng (nhà nước và nhà đầu tư) chứ không phải công khai thông tin cho công chúng (bên thứ 3 chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án).

Đây có thể xem là giai đoạn nhạy cảm nhất của dự án, bởi nó liên quan đến nghĩa vụ tài chính của người dân. Nếu người dân không có thông tin, họ sẽ dễ suy diễn theo hướng tiêu cực và dẫn đến những hành động tiêu cực. Vậy nên, báo cáo tài chính của dự án cũng như kết quả kiểm toán báo cáo tài chính đó nên được công khai cho công chúng định kỳ hằng năm. Việc công khai báo cáo tài chính sẽ giúp minh bạch tiến độ thu hồi vốn của dự án. Còn việc công khai kết quả kiểm toán vừa để chứng minh tính chính xác của báo cáo tài chính, lại vừa thể hiện trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với dự án PPP.

Thứ ba, trong giai đoạn chuyển giao công trình.

Như đã trình bày, trong giai đoạn này, Nghị định 63 chỉ có một quy định yêu cầu nhà đầu tư phải đăng báo công khai về việc chuyển giao công trình, thủ tục, thời hạn thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ. Theo đánh giá, mục đích của việc công khai này chỉ là để các đối tác của nhà đầu tư/ doanh nghiệp dự án chủ động giải quyết các giao dịch giữa họ với nhà đầu tư/ doanh nghiệp dự án có liên quan đến dự án, đặc biệt là bên cho vay có nhận thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án. Ngoài mục tiêu trên, quy định này không có nhiều tác dụng trong việc minh bạch hóa dự án PPP đến công chúng.

Theo tác giả, pháp luật cần quy định thêm việc công khai thông tin về kết quả giám định công trình và bên tiếp nhận công trình sau chuyển giao. Những thông tin này sẽ giúp công chúng nắm được tình trạng chất lượng công trình, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ bảo dưỡng công trình của nhà đầu tư, đồng thời biết được thông tin để liên hệ với chủ thể có trách nhiệm nếu chất lượng công trình không còn được đảm bảo.  

2.2. Đánh giá thực tiễn triển khai các kênh thông tin về dự án PPP và kiến nghị

2.2.1. Đánh giá thực tiễn triển khai các kênh thông tin về dự án PPP

Hiện nay, ngoài Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là kênh thông tin đăng tải Quyết định chủ trương đầu tư dự án và hợp đồng dự án theo quy định của Nghị định 63 như đã phân tích ở trên thì thông tin về dự án PPP còn được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Trang thông tin điện tử đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đây là hai kênh thông tin không được quy định trong Nghị định 63 nhưng vẫn được xây dựng và triển khai trong thời gian qua. Đây là nỗ lực của Chính phủ trong việc minh bạch hóa dự án PPP.

Các kênh này đã cung cấp tương đối chi tiết các thông tin cơ bản về dự án PPP như địa điểm xây dựng, phạm vi dự án, quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, vị trí đặt trạm thu phí, mức phí, thời gian thu phí… Các website cũng được thiết kế phù hợp giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Mặc dù vậy, vẫn còn 2 vấn đề cần được tiếp tục thảo luận, cụ thể như sau:

Một là, thông tin về dự án chưa được cập nhật đầy đủ.

Hiện nay, Cổng thông tin về các dự án PPP do Bộ Giao thông Vận tải quản lý chỉ cung cấp thông tin về một số dự án PPP giao thông, vẫn còn một số dự án chưa được cập nhật. Trong mỗi dự án, các thông tin được cung cấp chỉ là những thông tin cơ bản của dự án. Đặc biệt, chưa có sự giải thích rõ về lợi ích xã hội đạt được từ dự án, chưa công bố hợp đồng dự án và chưa có thông tin liên hệ với chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của người dân về dự án. Riêng Trang Thông tin điện tử các dự án PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý vẫn chưa hoàn thiện, chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp một số văn bản hướng dẫn về PPP, chưa có thông tin về các dự án cụ thể.

Hai là, rất ít người dân biết về các Cổng thông tin này.

Để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã tiến hành khảo sát 100 người dân với 3 câu hỏi: (i) Bạn có quan tâm đến việc giám sát dự án PPP không?; (ii) Bạn có biết thông tin liên hệ với người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin sai phạm từ dự án PPP (nếu có) không?; và (iii) Bạn có biết Cổng thông tin điện tử về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư không?. Kết quả cho thấy, 68% người được khảo sát cho biết họ có quan tâm đến vấn đề giám sát dự án PPP; 10% người được khảo sát cho rằng có biết về BGSĐTCĐ - chủ thể thay mặt người dân thực hiện quyền giám sát, nhưng không biết cách tiếp cận với BGSĐTCĐ; 62% người được khảo sát không biết Cổng thông tin điện tử về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Như vậy, nếu Chính phủ có nỗ lực công khai thông tin nhưng không có giải pháp để giúp người dân nắm bắt thông tin thì cũng không mang lại hiệu quả.

Tóm lại, qua khảo sát thực tiễn triển khai các kênh thông tin về dự án PPP trong thời gian qua, tác giả đánh giá rằng chúng ta đã có bước tiến đáng kể trong nỗ lực minh bạch hóa dự án PPP. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục cập nhật trên các cổng thông tin cũng như cần có giải pháp giúp người dân tiếp cận các cổng thông tin này.

2.2.2. Kiến nghị hoàn thiện các kênh thông tin về dự án PPP

Trên cơ sở những bất cập đã nêu ở phần 2.2.1, tác giả đề xuất một số quan điểm cá nhân nhằm góp phần hoàn thiện các kênh thông tin về dự án PPP trong thời gian tới. 2 giải pháp chính được đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Trang thông tin điện tử đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong quá trình hoàn thiện, cần cân nhắc một số vấn đề sau:

Cập nhật đầy đủ các dự án PPP trong tất cả các lĩnh vực, không riêng lĩnh vực giao thông. Ở thời điểm hiện tại, có thể lý giải rằng, dự án PPP giao thông đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong toàn bộ các dự án PPP và việc xây dựng cổng thông tin về dự án PPP giao thông là bước đầu tiên trong nỗ lực minh bạch hóa dự án PPP của Chính phủ. Trong thời gian tới, khi mô hình PPP đã phát triển hơn và mở rộng sang các lĩnh vực khác, cần tiến tới bổ sung thông tin về dự án PPP trong các lĩnh vực khác.

 Khi cung cấp thông tin từng dự án cụ thể, cần giải thích chi tiết hơn về mục tiêu của dự án và lợi ích xã hội dự kiến sẽ đạt được khi thực hiện dự án. Đây chính là thông tin quan trọng để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích mà họ nhận được khi phải chấp nhận trả phí dịch vụ cho dự án. Nếu được, có thể cung cấp thêm thông tin về dự án đầu tư công song song với dự án PPP mà người dân có thể lựa chọn nếu không muốn sử dụng dịch vụ từ dự án PPP.

Cần có thêm thông tin liên hệ của chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân đối với dự án PPP, chẳng hạn thông tin về thành viên BGSĐTCĐ phụ trách giám sát dự án đó.

Cần quy tất cả thông tin dự án về cùng một đầu mối để người dân tiện theo dõi. Mặc dù pháp luật đã có quy định công khai một số thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng theo tác giả, cũng nên cân nhắc đưa tất cả thông tin của dự án (bao gồm những thông tin đang được công bố theo quy định pháp luật đấu thầu và những thông tin tác giả đã kiến nghị bổ sung ở phần 2.1.2) lên các cổng thông tin về PPP và sắp xếp theo từng dự án. Điều này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận, tra cứu thông tin về dự án. 

Thứ hai, song song với việc hoàn thiện cổng thông tin, cần chú trọng thêm vấn đề tuyên truyền để người dân biết về các cổng thông tin này.

Cách thức tuyên truyền phù hợp nhất là thông qua các kênh truyền hình quốc gia/ địa phương nơi có dự án hoặc báo chí. Radio cũng là một kênh tuyên truyền hiệu quả đối với nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng dịch vụ từ dự án PPP, đó là tài xế. Thông qua các kênh này, cộng đồng sẽ hiểu rõ hơn về quyền giám sát của mình cũng như cách thức tiếp cận thông tin và phản ánh thông tin với cơ quan chức năng.

Trên đây là một số quan điểm kiến nghị của tác giả liên quan đến vấn đề hoàn thiện các kênh thông tin về dự án PPP và cách thức tuyên truyền để người dân tiếp cận với các kênh thông tin này. Trong hai giải pháp trên, giải pháp thứ nhất là giải pháp cấp thiết hơn cả, bởi nếu thông tin không đầy đủ, việc tuyên truyền cho người dân biết về các cổng thông tin này cũng không phát huy nhiều tác dụng.

3. Kết luận

Giám sát của cộng đồng là một kênh quan trọng để Nhà nước nắm được tình hình thực hiện dự án, mặt khác còn thể hiện tính dân chủ trong nhà nước pháp quyền. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin về dự án PPP chính là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho người dân thực hiện quyền giám sát. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đã phân tích những quy định của Nghị định 63 về trách nhiệm công khai thông tin trong các giai đoạn thực hiện dự án PPP, đánh giá và đưa ra một số quan điểm cá nhân. Bài viết cũng đã khảo sát một số kênh thông tin khác được Chính phủ xây dựng trong thời gian qua nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin về dự án PPP, khảo sát phản ứng của người dân đối với các kênh thông tin này và đề xuất một số quan điểm kiến nghị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
  2. Đặng Thị Kim Ngân (2018), “Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng”, Thanh tra, 08, tr. 29-32.
  3. Phạm Quốc Trường (2015), “Khung chính sách cho mô hình hợp tác công tư ở Việt Nam”, Tài chính, 09, tr. 89-91.
  4. Ying-hui Jian, Dan Xu, “Research on the Optimal Supervision Level of Government in Highway Under PPP Model”, The 19th International Conference on Industrial Engineering and Engineering Management, Berlin, Germany, 2013, pp. 141-149.
  5. http://ppp.mt.gov.vn
  6. http://ppp.mpi.gov.vn

Disclosure of information about PPPprojects for the community supervision: Shortcomings and Solutions

 CAO THI THUY NHU

Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

Transparency is an important factor which ensures that PPP projects are implemented properly to bring benefits to the State, investors and service users. In order to increase the transparency of PPP projects, it is necessary to have close supervision from many sides, including community supervision. There are many factors that affect the effectiveness of the community supervision, of which information about the projects is considered as an important factor. This article clarifies the importance of information disclosure about PPP projects, analyzes legal provisions related to this issue, assesses and makes some recommendations for this issue.

Keywords: PPP project, community supervision, disclosure of information.