Công nghệ số giúp thăng hạng môi trường kinh doanh

Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 (Global Competitiveness Index 4.0).
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng tại không gian giao dịch công nghệ số Vietcombank Digital Lab
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng tại không gian giao dịch công nghệ số Vietcombank Digital Lab

 

Chỉ số Môi trường kinh doanh từ vị trí 90 (trên 190 quốc gia) khi Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới (2016) đã lên vị trí 70 (trên 190 quốc gia) vào năm 2020.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0, dù không được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá vào năm 2020 do dịch COVID-19, nhưng đã được ghi nhận tăng 10 bậc từ vị trí 77 (trên 140 quốc gia) ở năm 2018 lên vị trí 67 (trên 141 quốc gia) vào năm 2019.

Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín này là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đã và đang đạt được thông qua sự chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, việc kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, và việc xây dựng chính quyền điện tử…

Bên cạnh việc chuyển dịch nền kinh tế từ tăng trưởng về lượng sang việc vừa bảo đảm giữa lượng và chất, Chính phủ cũng xác định tầm nhìn dài hạn dựa trên việc nuôi dưỡng, phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước cùng với quá trình thu hút có chọn lọc đối với các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam.

Những chính sách và hành động cải cách của Chính phủ kiến tạo tập trung mạnh mẽ vào doanh nghiệp – động lực phát triển và xây dựng một nền kinh tế tự cường - thể hiện ở những quyết sách đáng lưu ý như:

Tạo lập môi trường và nền tảng kinh doanh thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, liên tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều quy định và chi phí tuân thủ, thiết lập các cơ chế đối thoại công - tư liên tục và cởi mở;

Nỗ lực đặc biệt lớn trong việc hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công, trọng tâm là các dịch vụ công trực tuyến với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị đầu tiên của năm 2020, Chỉ thị 01/CT-TTg, hướng vào việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cho thấy trọng tâm phát triển của Việt Nam phải là chuyển đổi số để Việt Nam có thể đột phá và nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng đang bước đầu thực hiện chuyển đổi số.

Chỉ thị 01 đã trở thành động lực để hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới trong 12 tháng  bất chấp những khó khăn và đầy biến động ở cả trong và ngoài nước vừa qua.

Mức tăng trưởng này tương đương với mức tăng 28% của giai đoạn suốt 30 năm trở về trước và chỉ riêng ngành CNTT đã sử dụng 1,03 triệu lao động, đóng góp đến 14,3% GDP và 33,7% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước.

Không chỉ có doanh nghiệp công nghệ số được quan tâm thúc đẩy, những năm trước đó Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp nói chung để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Cụ thể như Nghị quyết số 35; số 19/NQ-CP qua các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, và các Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 và 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam nằm trong nhóm 04 nước đứng đầu ASEAN trong năm 2020.

Khi mà chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà đã là tất yếu, những cải cách của Chính phủ đều được xây dựng trên một nền tảng số lấy Chính phủ điện tử làm trọng tâm và lấy người dân làm trung tâm.

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 đã đánh dấu làn sóng cải cách TTHC thứ ba.

Trong đó có nhiều công cụ cải cách được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại để kích hoạt một chặng đường cải cách mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 Cải cách không chỉ dừng lại ở nền tảng thể chế mà còn ở cách thức cung cấp dịch vụ tới các đối tượng sử dụng dịch vụ trên cả nước.

Và những con số ghi nhận được chỉ sau một năm triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, 2.736 TTHC đã được cung cấp trên cổng với 739.416  hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng, đã thể hiện xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến của người dân và doanh nghiệp trong thời đại số hóa, và tính cấp thiết của việc tiếp tục đẩy mạnh trực tuyến hóa dịch vụ công trong thời gian tới.

Những số liệu trên cho thấy công nghệ số đã kích thích, giúp thăng hạng môi trường kinh doanh.

Long Thành