Công nghiệp hỗ trợ trong nước cần gì sau những sóng gió dịch bệnh?

tính tự chủ của các ngành công nghiệp vẫn là vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới, cả về năng lực cạnh tranh và cơ cấu khu vực kinh tế.

Lực đẩy mới cho công nghiệp chế biến, chế tạo

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sức sống mãnh liệt của ngành Công nghiệp hỗ trợ trong nước

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra yêu cầu tái cấu trúc đối với các tập đoàn đa quốc gia theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hoá và phân tán rủi ro. Những thay đổi này đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn.Trên thực tế, các doanh nghiệp trong nước đã rất linh hoạt để duy trì hoạt động trong mọi hoàn cảnh, tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành.

Bộ Công Thương đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành Công nghiệp hỗ trợ để các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này có thể được tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn cho doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota,… để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực bản thân, nâng cao trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Đơn cử, trong Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành tháng 8/2020, một điểm nhấn là quy định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm cơ khí trọng điểm được hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất, tối đa lên đến 5%. Đây là chính sách cần thiết và quan trọng đối với các doanh nghiệp công  nghiệp hỗ trợ của Việt Nam để có được lợi thế cao hơn từ xuất phát điểm ban đầu là vốn vay đầu tư.

Doanh nghiệp cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mô hình sản xuất hiện đại

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA)
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA)

Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam. Đối với Apple, có đến 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng này đã chuyển sang Việt Nam, hoặc mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron,… Với Samsung, quyết định phát triển mạnh hơn tại Việt Nam đã khá rõ ràng khi xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Samsung cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đầu năm nay, Đồng Nai đã cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án 100 triệu USD của nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc).

Bên cạnh những doanh nghiệp đó thì còn khá nhiều doanh nghiệp điện tử khác trong các lĩnh vực công nghệ cao đã đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng và cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị lớn, tuy nhiên để nắm bắt cơ hội này các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân, đặc biệt tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mô hình sản xuất hiện đại trên thế giới.

Ngành Công nghiệp hỗ trợ cần tăng cường công tác dự báo

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO)
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO)

Trong khoảng 10 năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất da giày đã phát triển mạnh mẽ hơn với đà tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ nội địa hóa ngành Da - Giày ở mức khoảng 40% vào vài năm trước nay đã nâng lên mức 55%. 

Đặc biệt, đối với những mặt hàng giày xuất khẩu chủ lực tỷ lệ nội địa hóa đã tăng mạnh, như giày vải Việt Nam đã chủ động đến gần 90% nguyên phụ liệu, trong khi mặt hàng giày xuất khẩu sang EU nhiều nhất là giày thể thao tỷ lệ nội địa hóa cũng ở mức 70-80%. 

Khi chúng ta chủ động được nguyên phụ liệu, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng da giày là rất lớn, nhưng trong thời gian tới ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cần tăng cường công tác dự báo, nắm bắt tốt hơn xu hướng tiêu dùng và xu thế thời trang toàn cầu để có kế hoạch mở rộng đầu tư và phát triển những loại nguyên phụ liệu, vật liệu mới phục vụ các mặt hàng xuất khẩu giá trị gia tăng cao hơn và nhu cầu lớn như như giày da thời trang, giày bảo hộ lao động,…

Doanh nghiệp Việt Nam cần chinh phục các tiêu chuẩn toàn cầu

Ông Kim Dong Hwan - Phó Tổng Giám đốc phụ trách trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam
Ông Kim Dong Hwan - Phó Tổng Giám đốc phụ trách trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam

Nhằm tìm kiếm nhà cung cấp bản địa, mỗi năm Samsung Việt Nam đều tổ chức triển lãm công nghiệp phụ trợ quy mô lớn 2 lần. Đặc biệt, sau chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp Việt Nam được triển khai từ năm 2015, 260 doanh nghiệp đã được hỗ trợ cải tiến và hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất. Các doanh nghiệp này đều đã có nhiều cải tiến ngoạn mục, góp phần nâng cao năng lực sản xuất.

Trong 3 năm (2018-2020), Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo hơn 327 chuyên gia tư vấn người Việt Nam một cách rất bài bản và có hệ thống. Đồng thời, năm 2020 Samsung cũng đã triển khai dự án hỗ trợ đào tạo 200 kỹ thuật viên trong 4 năm (2020-2023) về lĩnh vực khuôn mẫu nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tự chủ về khuôn mẫu cho các ngành sản xuất cơ bản của Việt Nam.

Ý nghĩa sâu sắc hơn của hoạt động đào tạo này chính là việc những chuyên gia sau quá trình đào tạo đã trở thành những người tiên phong trong việc khởi xướng và thực hiện các hoạt động cải tiến khác tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Tôi mong rằng, thông qua những chương trình đào tạo đa dạng như thế này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam có thể tiến gần thêm một bước trong hành trình chinh phục các tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó giành được nhiều hơn những cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI hàng đầu thế giới.

Khó khăn đầu tiên là quản lý và nhân sự

Ông Đặng Trần Thùy - Giám đốc Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo
Ông Đặng Trần Thùy - Giám đốc Công ty Cổ phần Đúc kim loại Kyoyo

Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa trong nước, một trong những khó khăn đầu tiên là liên quan đến quản lý và nhân sự. Chất lượng nhân sự từ cán bộ quản lý đến công nhân sản xuất trực tiếp còn chưa cao, chưa theo kịp bước tiến của ngành công nghiệp hỗ trợ, chưa hiểu rõ các yêu cầu, điều kiện dẫn đến chưa đảm bảo chất lượng để tham gia vào chuỗi cung ứng. Mặt khác, điều kiện tài chính không dồi dào cũng dẫn đến hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp rất kỳ vọng Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đã có hệ thống sản xuất chuẩn hóa, đang cung cấp được sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia để chúng tôi học hỏi thêm. Cũng mong muốn Bộ tổ chức nhiều lớp đào tạo, nâng cao trình độ quản lý đối với cán bộ cấp cao của doanh nghiệp; hay đào tạo thực tế liên quan đến Kaizen, 5S, quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động để các cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp có thể tiếp nhận những văn hóa sản xuất mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.

Tăng cường liên kết để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi bước ra thị trường thế giới

Ông Chu Trọng Thành - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Cao su Giải Phóng 
Ông Chu Trọng Thành - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Cao su Giải Phóng 

Năm 2021, dù trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng tăng trưởng của Cao su Giải Phóng vẫn đạt 40% nhờ có những kế hoạch phát triển thị trường đúng đắn ngay từ thời điểm ban đầu và tận dụng cơ hội từ chuyển dịch các chuỗi cung ứng. Với thị phần chủ yếu khoảng 60% tại trong nước và 40% xuất khẩu, chúng tôi đã phát triển mới nhiều đối tác nước ngoài quan trọng như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Philippines,… Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng tiếp cận nhiều khách hàng hơn không chỉ tại thị trường trong nước mà cả ở các thị trường lớn như Bắc Mỹ và châu Âu. 

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh chúng tôi nhận thấy các khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn nhà cung cấp rất nhanh, và một trong những yêu cầu quan trọng họ đặt ra là tiến độ giao hàng. Điều này khá dễ hiểu, bởi tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn trong hoạt động logistics đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất và giao hàng của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, Cao Su Giải Phóng, ngoài  chiến lược mở rộng tìm kiếm khách hàng, đối tác, còn tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước. Chúng tôi hy vọng bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế, Bộ Công Thương có thể tổ chức nhiều hơn các chương trình kết nối để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường liên kết với nhau trong chuỗi cung ứng, tạo ra lợi thế cạnh tranh khi bước ra thị trường quốc tế.

Thy Thảo (thực hiện)