Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong tháng 9 mặc dù tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các sở, ngành và lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, không niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết.

Cụ thể, trong vòng một tháng (từ 31/8 đến hết 18/9), các lực lượng chức năng Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 725 vụ; xử lý hành chính 631 vụ. Khởi tố 2 vụ, với 5 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 57 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 4 vụ, gian lận thương mại 570 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước 140,675 tỷ đồng.

Cục QLTT Hà Nội
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hoá vi phạm

Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố, kịp thời tham mưu các văn bản chỉ đạo trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu thập thông tin, các hiện tượng nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm để xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát thông tin địa bàn, lĩnh vực được giao trong diễn biến mới của dịch Covid-19 nhằm ổn định thị trường. Ngăn ngừa tình trạng lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dự trữ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, bán hàng hoá cao hơn giá niêm yết, qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh, sản xuất, vận chuyển các mặt hàng về phòng, chống dịch Covid-19, các hàng hoá không đảm bảo chất lượng, hàng hoá vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm thu lợi bất chính.

Trong tháng, đơn vị kiểm tra 33 vụ, xử lý 17 vụ, xử phạt hành chính 396 triệu đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm 306 triệu đồng.

Cùng với đó, Công an Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật đối với đối tượng, ổ nhóm lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; lập danh sách các đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ tính riêng trong tháng, lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý 72 vụ, phạt hành chính 898 triệu đồng, truy thu thuế 15,844 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 18,180 tỷ đồng. Khởi tố hình sự 2 vụ với 5 đối tượng.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan Hà Nội đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại khu vực cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, chuyển phát nhanh và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát của hải quan; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố, để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu, thúc đẩy sản xuất trong nước. Đặc biệt đấu tranh quyết liệt với các đối tượng buôn lậu có hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng trọng điểm như vũ khí, ma tuý, xăng dầu, vât liệu nổ, động vật hoang dã…

Kết quả trong tháng, lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ 45 vụ, xử lý 45 vụ vi phạm về khai hải quan, quản lý nguyên liệu đối với hàng hoá gia công, và các vi phạm khác kiên quan đến mã số, trị giá tính thuế… Xử phạt hành chính 172 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm 556 triệu đồng.

Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn lậu hàng cấm, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh không để phát sinh điểm nóng gây bức xúc dư luận.

Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và công chức quản lý địa bàn. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn quản lý nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vi phạm nghiêm trọng kéo dài.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm ATTP trên hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị để người dân biết. Vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cam kết không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật.