Công tác phòng, chống tham nhũng của lãnh đạo Huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội

LÊ THỊ DUNG (Học viên cao học Chính trị học K23.2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng luôn đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công hay thất bại của cuộc chiến “chống giặc nội xâm”. Bài viết phân tích công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Lãnh đạo huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Từ khóa: Công tác phòng, chống tham nhũng, huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội.

1. Thành tích đạt được

Thực tế cho thấy công tác lãnh đạo phòng, chống tham nhũng của huyện ủy Mê Linh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một là, huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội thường xuyên xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động về công tác PCTN và quán triệt thực hiện.

Bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị định của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, trong thời gian qua, huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác PCTN, đồng thời tổ chức quán triệt, phổ biến thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo các Chi, Đảng bộ trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên nội dung Nghị quyết lần thứ 3 của BCH Trung ương khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng”. Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác PCTN, LP theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, trọng tâm là Nghị quyết TW3 (khóa X), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của BCHTW Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản”.

Huyện ủy Mê Linh chỉ đạo thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.

UBND huyện đã ban hành một số văn bản chỉ đạo thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn huyện: Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 23/01/2018 của UBND huyện Mê Linh về việc triển khai thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2018"; Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 27/02/2018 về việc thành lập Bộ phận Thường trực thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ năm 2018; Văn bản số 926/UBND-NV ngày 28/02/2018 về việc thực hiện kỷ cương hành chính năm 2018; Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 01/3/2018 về Cải cách hành chính nhà nước gắn với việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2018" của huyện Mê Linh, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, giải pháp cụ thể triển khai trong năm 2018 của huyện. Trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện, các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch CCHC gắn với việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2018" và thực hiện các nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị. Tóm lại, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành đồng bộ trên tất cả các khâu, tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công khai minh bạch các nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm đảm bảo tính khách quan chính xác và kịp thời.

UBND huyện tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn, các ban ngành đoàn thể để quán triệt tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng; đã có 18/18 xã, thị trấn tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng.

UBND huyện giao phòng Tư pháp phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên loa đài truyền thanh năm 2018. Năm 2018, UBND huyện thường xuyên, rà soát và thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ PCTN như: các chế độ, định mức, tiêu chuẩn để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi cho phù hợp pháp luật hiện hành, với thực tế hoặc ban hành các quy định mới đảm bảo chặt chẽ, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đổi mới phương thức thanh toán, công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn với kiện toàn, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, luân chuyển công tác, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, vì dân.  

Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Kế hoạch số 115-KH/TU của Thành ủy ngày 29/4/2014, Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Thành ủy quản lý; huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND, ngày 08/7/2014 để triển khai thực hiện; chỉ đạo Thanh tra huyện kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị. Công tác kê khai tài sản thu nhập đã dần đi vào nề nếp, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách.

Thời quan qua, huyện ủy Mê Linh cũng tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và tố cáo tham nhũng, lãng phí nói riêng; xây dựng trình duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra kinh tế xã hội năm 2018 với trọng tâm: quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý thu chi, ngân sách... Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Tổ chức thành lập các Đoàn Thanh tra, Đoàn kiểm tra,… theo đơn thư (nếu có), độ xuất và khi có dấu hiệu vi phạm thường xuyên giám sát định kỳ và giám sát theo chuyên đề để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí. Năm 2018, UBND huyện thành lập các Đoàn thanh tra theo Kế hoạch và ngoài kế hoạch như sau: Tổng số cuộc thanh tra được triển khai: 31 cuộc (bao gồm các cuộc thanh tra từ kỳ trước chuyển sang). Tổng số cuộc thanh tra đã kết thúc: 18 cuộc với 43 đơn vị (trong đó có 08 cuộc từ kỳ trước chuyển sang). Tổng số đơn vị thanh tra: 69 đơn vị.

Thời gian qua, huyện ủy thường xuyên chỉ đạo UBND huyện rà soát và thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ PCTN như: các chế độ, định mức, tiêu chuẩn để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi cho phù hợp pháp luật hiện hành, với thực tế hoặc ban hành các quy định mới đảm bảo chặt chẽ, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đổi mới phương thức thanh toán, công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn với kiện toàn, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, luân chuyển công tác, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, vì dân.  

Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát xây dựng chính quyền, đấu tranh PCTN; MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện Mê Linh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện tập trung giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ tố cáo liên quan đến tham nhũng, lãng phí; giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, xây dựng nông thôn mới...

2. Hạn chế

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song, trong sự lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, huyện ủy Mê Linh còn bộc lộ nhiều hạn chế như:

Một là, việc ban hành các quyết định, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ để lãnh đạo PCTN, tổ chức học tập, quán triệt các quyết định của cấp ủy, việc xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ PCTN của huyện ủy còn mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; mục tiêu, nhiệm vụ công tác đặt ra nhiều song kết quả thực hiện chưa đạt được như mong muốn. Việc thực hiện ở nhiều cấp uỷ cơ sở chỉ dừng lại ở việc đề ra các chương trình, kế hoạch, chưa đưa công tác PCTN thành một nội dung thường xuyên để quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện.

Huyện ủy chưa lãnh đạo tốt việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm vụ công tác PCTN của các cấp ủy Đảng cơ sở, việc xây dựng chương trình, kế hoạch chưa đồng đều, nhiều nơi chưa xây dựng được chương trình công tác riêng mà còn lồng ghép trong công tác chuyên môn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ chương, nghị quyết của đảng, pháp luật của nhà nước về PCTN ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ trong PCTN chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa tin vào năng lực lãnh đạo và quyết tâm chính trị của huyện ủy trong công tác PCTN.

Hai là, huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội lãnh đạo chính quyền các cấp của huyện PCTN chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả

Huyện ủy lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các quy định về PCTN ở một số cơ quan nhà nước chưa nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời nhất là chính quyền cấp cơ sở. Một số cơ chế, chính sách quy định về quản lý kinh tế - xã hội của huyện khi soạn thảo xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, chưa bám sát các quy định trong Luật PCTN nên quá trình thực hiện bộc lộ còn nhiều thiếu sót, sơ hở, dễ tạo điều kiện phát sinh tham nhũng. Công tác CCHC của cơ quan nhà nước từ huyện đến cơ sở tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.

Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu trong công tác PCTN còn hạn chế; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân, nhất là trong các khâu làm thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; thẩm định hồ sơ dự án, đầu tư; duyệt quyết toán, quy hoạch, cấp phép.

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội đối với xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác PCTN chưa thật sự ngang tầm với nhiệm vụ phức tạp hiện nay.

3. Một số giải pháp

Để góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn của huyện ủy Mê Linh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

Huyện ủy Mê Linh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong huyện phải coi công tác PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở những quy định chung và đặc điểm tình hình đặc thù của từng đơn vị, huyện ủy Mê Linh và các cấp ủy trong toàn huyện phải đưa công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, của tổ chức Đảng, của cơ quan, đơn vị, trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, của tổ chức Đảng phải có nội dung về công tác PCTN. Cần cụ thể hóa công tác PCTN cơ quan, đơn vị bằng các chương trình, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn theo nhiệm kỳ hoặc năm công tác.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (theo quy định tại Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND Thành phố). Rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp, để sắp xếp, bố trí cho phù hợp, rõ trách nhiệm, trách trùng chèo chống tiêu cực.

Các cơ quan Nội chính ở huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội là cơ quan tham mưu cho huyện ủy, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực huyện ủy Mê Linh, thành phố Hà Nội về công tác nội chính và PCTN của Đảng bộ huyện; Cần chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và tuyển chọn đội ngũ cán bộ về Khối Nội chính huyện ủy. Những cán bộ được tuyển chọn phải là những người thực sự tâm huyết với công tác PCTN, có thái độ cương quyết, dũng cảm chống tham nhũng, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, có trí tuệ, bản lĩnh và lối sống trong sạch.

Nâng cao tính chiến đấu, thực hiện dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình trong công tác PCTN; trong sinh hoạt Đảng và nhận xét, đánh giá đảng viên hàng năm phải có nội dung đánh giá về PCTN. Trong bối cảnh tham nhũng ngày càng trầm trọng, yêu cầu trong công tác đấu tranh chống tham nhũng phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên. Không ngừng đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Huyện ủy phải tăng cường lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc đổi mới việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết bằng việc tổ chức học tập, quán triệt gắn với thảo luận, xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết. Trong giai đoạn này, cần tập trung học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh lần thứ X, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI; Chỉ thị số 50-CT/TW về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Luật PCTN (sửa đổi bổ sung 2012); Chương trình Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 trên địa bàn huyện để nâng cao nhận thức, ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Huyện ủy Mê Linh (2018), Báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
  2. UBND huyện Mê Linh (2018), Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 01/3/2018 về Cải cách hành chính nhà nước gắn với việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2018" của huyện Mê Linh.
  3. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
  4. Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản”.

THE ANTI-CORRUPTION WORK OF THE LEADER OF THE DISTRICT PARTY COMMITTEE OF ME LINH DISTRICT, HANOI CITY

LE THI DUNG

Postgraduate student, Class of Political Science K23.2, Academy of Journalism and Communication

ABSTRACT:

The anti-corruption work is determined by the Communist Party of Vietnam and the Vietnamese government as an important, frequent, urgent, complicated and long-term task. The leadership of the Party always plays an important role, making a decisive role in the success or failure of the anti-corruption work. This article analyzes the anti-corruption work of the leader of the District Party Committee of Me Linh District, Hanoi city.

Keywords: Anti-corruption work, District Party Committee of Me Linh District, Hanoi city.