Công ty Cổ phần công nghệ Plasma Việt Nam: Hành trình khởi nghiệp “vòng phát triển xoắn ốc”

Công ty cổ phần công nghệ Plasma Việt Nam được thành lập vào năm  2014 với sản phẩm thiết bị phát tia plasma nhiệt độ thấp, áp suất thường (gọi tắt là plasma lạnh) ứng dụng điều trị vết thương hở. Sản phẩm ban đầu là một đề tài cấp cơ sở từ những năm 2012 -2014, do TS. Đỗ Hoàng Tùng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu.

Công ty cổ phần công nghệ Plasma Việt Nam được thành lập vào năm  2014 với sản phẩm thiết bị phát tia plasma nhiệt độ thấp, áp suất thường (gọi tắt là plasma lạnh) ứng dụng điều trị vết thương hở. Sản phẩm ban đầu là một đề tài cấp cơ sở từ những năm 2012 -2014, do TS. Đỗ Hoàng Tùng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu.

Sau rất nhiều nỗ lực cùng các cộng sự, đến nay đã phát triển thành một sản phẩm hoàn chỉnh với các tính năng điều khiển hiện đại và đã được cấp bằng sáng chế độc quyền vào năm 2015.

Song song với đó, sản phẩm là một thiết bị dùng trong y tế nên doanh nghiệp đã liên tục hợp tác cùng các bệnh viện, Viện nghiên cứu Y Sinh, đặc biệt là đại học Y Hà Nội và Khoa Y dược – Đại học quốc gia Hà Nội để từng bước hoàn chỉnh các bước nghiên cứu lâm sàng đảm bảo tính hiệu quả điều trị và tính an toàn trong sử dụng thiết bị.

Cho đến nay, sau 5 lần cải tiến lớn và hàng chục cải tiến nhỏ, sản phẩm thương mại đã đạt những yêu cầu khắt khe của ngành thiết bị y tế và được các cơ sở y tế trong cả nước đón nhận sử dụng điều trị cho bệnh nhân. Những kiến thức và kĩ năng chúng tôi luôn cập nhật chính là kiến thức khoa học lâm sàng, tiến bộ trong chuyên ngành khoa học plasma Y sinh và ứng dụng các công nghệ thân thiện với người sử dụng để ngày càng hoàn thiện sản phẩm hơn nữa đáp ứng được nhu cầu của nhiều chuyên ngành điều trị khác nhau.

Sản phẩm máy phát tia plasma lạnh điều trị vết thương được đăng ký thương hiệu dưới tên PlasmaMED là kết quả nhiều năm nghiên cứu phát triển nhằm nâng cao công dụng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân cũng như các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Thời gian đầu khởi nghiệp, những người làm nghiên cứu như chúng tôi thực sự không nắm rõ chiến lược, mô hình kinh doanh sản phẩm hay phương án marketing sản phẩm. Rất may mắn, chúng tôi đã được đào tạo những kiến thức ban đầu do chương trình hỗ trợ khởi nghiệp IPP (Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan) giảng dạy và tư vấn.

Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, chương trình giới thiệu sản phẩm khoa học Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt nam tổ chức hoặc các hội chợ công nghệ Techmart, Tech-Fest đều là cơ hội để chúng tôi marketing sản phẩm.

Khi sản phẩm đã được khách hàng chấp nhận, hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế chính  thước đo để khẳng định giá trị mà sản phẩm của chúng tôi mang lại. Hơn nữa, quá trình chăm sóc và lắng nghe phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm phù hợp nhu cầu và khắc phục các nhược điểm là điều chúng tôi luôn tâm niệm.

Có thể nói, mỗi một hành trình khởi nghiệp sản phẩm hay dịch vụ đều rất khác nhau. Từ góc nhìn của chúng tôi, có thể tóm tắt dưới dạng “vòng phát triển xoắn ốc” bao gồm các công đoạn: nghiên cứu phát triển sản phẩm/dịch vụ ---> phân phối ---> phản hồi từ khách hàng ---> tái đầu tư/tăng vốn ---> nghiên cứu phát triển. Sau mỗi vòng, quy mô, chất lượng, vốn đầu tư, doanh thu đều tăng lên và để thành công, chúng ta cần tạo được càng nhiều vòng trong một khoảng thời gian hoạch định càng tốt.

“Nhà phát minh máy PlasmaMED TS. Đỗ Hoàng Tùng báo cáo kết quả ứng dụng PlasmaMED trong chăm sóc vết mổ tại hội nghị sản khoa toàn quốc”

Sản phẩm/dịch vụ được thị trường chấp nhận và bạn có những lợi nhuận đầu tiên hoặc gọi được vốn để phát triển có thể coi như khởi nghiệp thành công. Quá trình đó thường không bằng phẳng và bạn phải vượt qua nhiều thách thức. Dưới góc nhìn của chúng tôi có 03 yếu tố cần lưu ý: Đặt con người làm trọng tâm; Mọi sai lầm đều là bài học giá trị; Tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ trước khi nghĩ đến doanh thu.

Nói rõ hơn: yếu tố đặt con người làm trọng tâm được hiểu ở cả 2 phía: bên trong doanh nghiệp và đối tượng mà sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp bạn phục vụ. Nhân sự trong doanh nghiệp của bạn luôn được tạo điều kiện tốt để cống hiến, để làm việc với tinh thần không ngại khó giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Còn bên ngoài doanh nghiệp, bạn đặt mình vào vị trí khách hàng, đối tác, người trợ giúp... để thấy được những điểm mạnh, những thiếu sót của sản phẩm, dịch vụ để ngày càng đáp ứng yêu cầu cao hơn và từ đó doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu.

Hai nhà nghiên cứu trao đổi về thiết kế chế tạo máy PlasmaMED

Sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp tạo ra là kết quả làm việc của con người và sẽ không tránh khỏi những sai sót, những quyết định sai lầm hoặc chậm đáp ứng sự biến đổi như vũ bão của công nghệ và thời cuộc. Mọi sai lầm đều cần được xem xét kĩ lưỡng để rút ra bài học. Biết chấp nhận sai để tiến bộ cũng đồng thời chín chắn trong quyết định để tránh những sai lầm không thể sửa chữa theo chúng tôi cũng là một yếu tố quan trọng.

Cuối cùng, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp thường là một sản phẩm mới, việc tập trung để được thị trường chấp nhận và đo lường dung lượng thị trường tốt hơn việc chúng ta tìm mọi cách để tối ưu doanh thu trong ngắn hạn.  Khi đã đo đếm được thị trường bạn sẽ có đủ dữ liệu để cân bằng vốn đầu tư (kể cả thời gian) và doanh thu kỳ vọng. Do vậy yếu tố này cũng rất quan trọng trong hành trình khởi nghiệp.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.

Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg