Kinh tế Mỹ latinh thập kỷ 2010 và những triển vọng hợp tác

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thập kỷ 2010 sẽ là giai đoạn kinh tế phát triển thịnh vượng của khu vực Mỹ la tinh. Theo đó, quan hệ thương mại giữa các nước Mỹ Latinh và các khu vực khác cũng sẽ phát t

Kinh tế phục hồi nhanh hơn dự báo 

Nhờ nền tảng vững chắc như các quy chế tài chính được hoàn thiện, thặng dư ngân sách, dự trữ ngoại tệ lớn, khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã đứng vững trong cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 và tiếp tục phát triển.

Cơ sở cho nhận định lạc quan trên xuất phát từ dự đoán nhu cầu tiêu dùng của khu vực này sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Những làn sóng đầu tư sẽ đổ vào Rio de Janeiro, nơi sẽ diễn ra Olympic 2016.

Theo báo cáo cuối năm của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), kinh tế khu vực này tăng trưởng 6% trong năm 2010. Sự hồi phục sau khủng hoảng được thể hiện rõ nét ở hầu hết tất cả các quốc gia với các chỉ số tích cực. Trong đó, các nước thuộc khu vực của Nam Mỹ tăng trưởng bình quân 6,6%; các nước Trung Mỹ và Mehicoo đạt 4,9% và các nước vùng Caribe nói tiếng Anh và Hà Lan 0,5%. Dẫn đầu khu vực là Paraguay với tỷ lệ tăng trưởng 9,7%, tiếp theo là Uruguay 9%, Peru 8,6%, Achentina 8,4%, Braxin 7,7%, Dominica 7%, Panama 6,3%, Chi Lê 5,3%, Costa Rica 4%, Colombia 4%, Bolivia 3,8%, Ecuador 3,5%, Nicaragua 3%, Honduras 2,5%, Guatemala 2,5%, Cuba 1,9%, El Salvador 1,5%.

Haiiti và Venezuela là hai quốc gia duy nhất tăng trưởng âm lần lượt -7% và -1,6%. Nguyên nhân là do năm qua Haiti bị thiên tai hoành hành ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và tình hình lạm phát tại Venezuela.

Năm nay, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đạt chỉ số tăng trưởng cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây. Có được những kết quả trên là do các chính sách công mà Chính phủ của các nước áp dụng, sự hồi phục kinh tế chung của nền kinh tế thế giới và nhất là của các nền kinh tế châu Á (một số nền kinh tế châu Á là những bạn hàng quan trọng của các quốc gia Nam Mỹ).

Tỷ lệ thất nghiệp của toàn khu vực đã giảm từ mức 8,1% năm 2009 xuống 7,6% năm 2010. Theo tính toán của CEPAL, với đà hồi phục và tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực sẽ tiếp tục giảm và có thể xuống chỉ còn khoảng 7,3% trong năm 2011.

Các quốc gia thuộc khối Mercosur đạt chỉ số tăng trưởng mạnh nhất nhờ vào nền kinh tế đầu tàu Braxin. Nền kinh tế này đã tạo ảnh hưởng tích cực và hỗ trợ mạnh mẽ tới các đối tác thương mại nội khối Mercosur (Achentina, Uruguay, Paraguay).

Một yếu tố khác đóng góp vào sự tăng trưởng trên là các quốc gia trong khu vực đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản, nhất là năm qua sản xuất đậu tương được mùa do gặp thời tiết thuận lợi hơn so với những năm trước.

Giá dầu lửa trong năm 2010 biến động mạnh đã ảnh hưởng xấu tới một số nền kinh tế phụ thuộc chính vào lĩnh vực này, trong đó nổi lên là nền kinh tế Venezuela đã gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động khai thác dầu khí bị đình trệ.

Nhìn chung, kinh tế Mỹ Latinh và Caribe trong năm tới có một viễn cảnh tươi sáng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước và những ảnh hưởng tích cực của một số chính sách công mà các Chính phủ áp dụng kể từ thời điểm cuối năm 2008 cho đến nay.

Quan hệ kinh tế Việt Nam với các nước châu Mỹ Latinh. 

Những năm 1990, quan hệ buôn bán của Việt Nam mới chỉ mở ra với số ít nước Mỹ Latinh. Năm 1995, thị trường xuất khẩu còn hạn hẹp chủ yếu với Cuba, Mehico, Braxin và Achentina. Từ mức kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt vài chục triệu USD vào những năm 1990, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 145 triệu USD vào năm 2000 và tăng lên 2,4 tỷ USD vào năm 2009, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt hơn 30%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ La tinh năm 2010 ước có thể đạt 1,75 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng kim ngạch hai chiều có thể đạt 3,5 tỷ USD. Sự tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm sắp tới.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ Latinh trong năm 2010 gồm giầy dép đạt trên 325,5 triệu USD, chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ Latinh. Mặt hàng xuất khẩu đứng thứ nhì là gạo, đạt giá trị kim ngạch 205,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 15,3%. Tiếp theo là mặt hàng dệt may có giá trị xuất khẩu hàng năm trên 100 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,4%. Mặt hàng thủy sản, chủ yếu là cá tra và cá basa tuy mới thâm nhập vào một số thị trường như Mehico, Braxin, Colombia nhưng đã tăng nhanh, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD ở mỗi nước. Một số mặt hàng khác như vali, túi xách, sản phẩm nhựa, cao su và sản phẩm từ cao su, cà phê đã có chỗ đứng ở Mỹ Latinh từ nhiều năm qua. Gần đây hàng điện, điện tử, tin học, cơ khí, thiết bị, máy, động cơ điện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, xi măng, sắt thép, sản phẩm gỗ đang thâm nhập, đạt giá trị kim ngạch hàng chục triệu USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có xu thế tăng dần sản phẩm công nghiệp.

Cảnh giác trước nhiều thách thức 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo những thách thức lớn của khu vực như tình trạng đói nghèo, năng suất lao động thấp so với các nước phát triển, đầu tư cho giáo dục không cao, thiếu vốn và tín dụng cho các công ty vừa và nhỏ. WB kêu gọi khu vực này cần tập trung đổi mới, tiếp tục đa dạng hóa các mặt hàng, kết nối rộng rãi hơn với các thị trường thế giới và tự chủ trong kinh doanh.

Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ACLAC) vừa công bố, trong năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu khiến khu vực Mỹ Latinh và Caribe bị thiệt hại hơn 150 tỷ USD.

ECLAC cho rằng thời kỳ xấu nhất của nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe đã qua, nhưng cảnh báo sự phục hồi này chưa thực sự bền vững vì những nhân tố bên ngoài chưa ổn định vẫn có thể chi phối nền kinh tế khu vực. Do khủng hoảng kinh tế thế giới số người rơi vào tình trạng nghèo đói ở khu vực này đã tăng thêm 9 triệu người trong năm 2009, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao tới 8,3%.

ECLAC nhấn mạnh chính sách giảm lãi suất và tăng chỉ tiêu công đã giúp các nước Mỹ Latinh và Caribe đối phó hiệu quả với những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng khu vực này cần tiếp tục cải tổ hệ thống an sinh xã hội và thực hiện đồng thời cả những biện pháp khẩn cấp ngắn hạn và các biện pháp chiến lược dài hạn.

Tuy nhiên, để thực sự tận dụng cơ hội nguyên liệu thô tăng giá hiện nay cũng như những cơ hội trong tương lai, điều quan trọng là các nước Mỹ Latinh phải tăng các khoản đầu tư cho phép nâng cao nhu cầu nội địa và năng suất của nền kinh tế trong dài hạn.

Nhìn chung khu vực Mỹ Latinh đang mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho quan hệ thương mại với các khu vực khác. Vùng đất nhiều tiềm năng vẫn còn nhiều thị trường chưa được khai thác và sẽ là điểm đến cho các nhà kinh doanh toàn cầu trong thập kỷ tới.

  • Tags: