Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Những sáng kiến bạc tỷ

Năm 2018, Hội đồng khoa học, sáng kiến, tiết kiệm của Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã công nhận 362 đề tài, sáng kiến của 875 tác giả với giá trị làm lợi trên 78 tỷ đồng.

Tiêu biểu nhất phải kể đến Giải pháp cải tạo hệ thống hấp thụ Xí nghiệp Supe 1. Các thiết bị của hệ thống hấp thu khí flo tại Xí nghiệp Supe 1 do thời gian hoạt động từ năm 1962 và đã sửa chữa hàng năm nhiều lần nên đã xuống cấp. Toàn bộ hệ thống có trở lực lớn, nên sức hút khí sinh ra trong thùng trộn và thùng hóa thành yếu, dễ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Hệ thống vòi phun tháp hấp thu hay bị tắc nên chưa đảm bảo hiệu suất hấp thụ xử lý khí thải của bộ phận, chưa đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu cải tạo sửa chữa hệ thống hấp thụ là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trước tiên, Công ty đã cải tạo thay bể hấp thụ cũ hình khối chữ nhật có chiều dài 12m, rộng 2,5m, cao 2,5m bằng 2 bể hình trong đặt nối tiếp nhau có đường kính bể Ф2,8m, chiều dài 7,5m, mỗi bể có 3 que vẩy. Ưu điểm của bể hình tròn là hiệu suất hấp thụ cao do tiếp xúc 2 pha khí - lỏng tốt hơn, dễ vệ sinh. Thứ hai, Công ty cho tháo bỏ các tháp hấp thụ số 1, số 2 và số 3 cũ; cải tạo tháp hấp thụ số 4 từ hệ thống 3 giàn phun (mỗi giàn có 3 vòi phun kiểu xoắn ốc) thành tháp hấp thụ có 4 giàn phun (mỗi giàn có 4 vòi phun kiểu phản xạ).

Nhờ đó, hệ thống đường ống dẫn khí thải được rút ngắn lại và đi thẳng nên giảm trở lực của toàn hệ thống hấp thụ. Cụ thể, trước cải tạo, hệ thống đường ống có chiều dài 130,8m và 21 cút, khuỷu, Sau cải tạo, hệ thống đường ống rút ngắn xuống còn 53,7m và 11 cút, khuỷu, tổng trở lực hệ thống còn 300 mmH2O (giảm đi 100 mmH2O). Cuối cùng là xây mới bể tuần hoàn dung dịch axit H2SiF6 có V= 150m3 nhằm mục đích lắng cặn và làm nguội dung dịch trước khi bơm tuần hoàn trở lại tháp hấp thụ; giảm tần suất tắc vòi phun, nâng cao hiệu suất tiêu thụ. Hệ thống hấp thụ sau khi cải tạo đảm bảo làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Đặc biệt, khả năng hấp thụ xử lý khí thải flo của hệ thống tốt nên đảm bảo đáp ứng quy chuẩn môi trường về khí thải flo theo cột B QCVN21:2009/BTNMT: hàm lượng F≤45mg/m3 khí thải.

supe

Những giải pháp trên đã mang lại giá trị cao về kinh tế, xã hội và môi trường như:

- Giá trị tiết kiệm do giảm thiết bị: Trước khi cải tạo sử dụng 6 bộ bơm, sau cải tạo chỉ sử dụng 2 bộ bơm (giảm 4 bộ), tiết kiệm được 145.600.000 đồng;

- Giá trị tiết kiệm  về điện năng: Sản lượng sản phẩm supe lân của Xí nghiệp Supe 1 sản xuất khi áp dụng giải pháp tính từ tháng 12/2017 đến tháng 11/2018 là 435.497 tấn. Từ khi áp dụng giải pháp, định mức tiêu hao điện năng tính cho 1 tấn sản phẩm giảm 5,927 KWh/tấn sản phẩm, tiết kiệm được hơn 3.695.544.965 đồng.

- Giá trị về nhân công: Trước khi áp dụng sáng kiến, số công nhân vận hành hệ thống hấp thụ là 6 người. Sau khi áp dụng sáng kiến, số công nhân vận hành hệ thống hấp thụ còn 4 người (giảm 2 người), tiết kiệm về chi phí nhân công 1 năm là 144.000,000 đồng.

Như vậy, với chi phí đầu tư mới để cải tạo hệ thống hấp thụ là 4.105.095 đồng, tính thời gian khấu hao là 5 năm thì giá trị làm lợi của giải pháp tính trong 1 năm là 3.164.133.165 đồng.

Sáng kiến cũng đã cải thiện điều kiện làm việc, giảm cường độ lao động cho công nhân vận hành và sửa chữa hệ thống; Đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị; Đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu phát thải quy định trong cột B QCVN 21: 2009/BTNMT đối với khí thải flo (hàm lượng F≤45mg/m3 khí thải).

Một giải pháp khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao là Giải pháp tiếp nhận axit H2SO4 về kho chứa axit số 1 đảm bảo an toàn và tiết kiện chi phí. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018 do Công ty thiếu axit H2SO4 cung cấp cho sản xuất supe lân nên phải mua bên ngoài hơn 10.000 tấn H2S04. Trước đây Công ty có bộ phận tiếp nhận axit nhập từ bên ngoài vào theo sơ đồ: xe téc chở axit về xả xuống thùng chứa đặt thấp dưới cos 0-0, dùng bơm chìm đẩy lên các thùng chứa trong kho axit sunfuric. Hiện tại, sau nhiều năm không sử dụng, các téc chứa axit làm bằng thép đen đã bị ăn mòn, thủng nhiều chỗ không khắc phục được.

Để tiếp nhận theo hệ thống cũ sẽ phải thay thế thùng chứa axit mới; sửa chữa lắp đặt hệ thống bơm chìm, đường ống, nguồn cấp điện… chi phí rất cao và không đáp ứng được tiến độ. Qua khảo sát, Công ty đã đưa ra phương án dùng bơm để nhận axit. Sau khi đo đạc thực tế thấy vị trí đường ống sau van xả của téc chứa axit đặt trên sàn xe ô tô cao hơn vị trí đặt bơm 6-30 là 500m. Từ đó, chế tạo một đường ống hút bằng thép đen Ф 108 dài 10m một đầu nối với đường hút của bơm ra đến gần xe ô tô (cách khoảng 2m) và lắp 01 van thép trắng Dy 100 ly 16 tại đầu còn lại.

Đoạn đường ống nối giữa đường ra của van xả axit trên xe tec với đường hút của bơm dài 3m là đoạn ống nhựa mềm chịu axit có gân tăng cứng bằng thép đảm bảo ống chịu lực, không bị bóp bẹp, chịu được axit nồng độ ≥98% H2SO4. Một đầu nối được bắt cố định với van hút của bơm, đầu còn lại nối với van xả axit của xitec bằng van chuyên dùng có thể mở ra đóng vào dễ dàng thuận tiện an toàn. Nhờ vậy, đảm bảo tiếp nhận axit nhập về thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, tiết kiệm chi phí, đáp ứng kịp thời nguyên liệu axit phục vụ sản xuất sản phẩm supe lân. Mang lại giá trị kinh tế là 970 triệu đồng.

Nguyên Vỵ