Công ty Tiến Nông & Đại học Bách Khoa Hà Nội: Hợp tác đào tạo nghiên cứu phát triển sản phẩm mới R&D

Đây là hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ hợp tác, nghiên cứu & phát triển giữa Viện Công nghệ Sinh học, Viện Công nghệ Thực phẩm và công ty Tiến Nông.

Vừa qua, tại Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) đã diễn ra lễ khai mạc khóa đào tạo nghiên cứu phát triển sản phẩm mới R&D. Khóa đào tạo sẽ diễn ra 3 ngày tại công ty và 10 ngày tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (CNSH & CNTP), Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đây là hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ hợp tác, nghiên cứu & phát triển giữa Viện Công nghệ Sinh học, Viện Công nghệ Thực phẩm và công ty. 

Tại lễ khai mạc, bà Kim Anh - Giám đốc tài chính Công ty Tiến Nông cho biết: “Ban Lãnh đạo công ty luôn đánh giá con người là yếu tố quan trọng và đi đầu trong tất cả các hoạt động trong sự phát triển của công ty. Từ năm 2017 đến nay công tác nghiên cứu phát triển được coi là 1 trong 5 trụ cột phát triển. Công ty đã thường tổ chức các khóa học, các hoạt động sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng nhân sự, phát huy tư duy, ý tưởng sáng tạo của mỗi cán bộ, nhân viên và người lao động.”

Bà Phan Thị Kim Anh - Giám đốc tài chính đã phát biểu khai mạc

 

10 năm trước đây, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đã có sự hợp tác trong nghiên cứu công nghệ sản xuất với các Khoa, Viện trong trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, từ công nghệ sản xuất rây phân tử ứng dụng sản xuất phân bón của Tiến Nông hay những hoạt động tư vấn và phát triển công nghệ gần đây với Viện CNSH & CNTP.

Với khóa học lần này, ban Lãnh đạo công ty mong muốn các giảng viên truyền đạt đến cán bộ nhân viên công ty hiểu được sự quan trọng của công việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới R&D, những kiến thức cơ bản và nâng cao để nghiên cứu, phát triển và đánh giá sản phẩm mới. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty mong muốn khóa học giúp lựa chọn ra những người có đam mê để xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về nghiên cứu phát triển sản phẩm mới R&D trong lĩnh vực thực phẩm. Được biết, trong thời gian quý IV/2019, công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy sấy, xay xát, chế biến lúa gạo và các sản phẩm sau gạo.

TS. Hoàng Quốc Tuấn - Giảng viên của Viện CNSH & CNTP cho biết: Viện CNSH & CNTP thực phẩm luôn mong muốn được đồng hành, cộng tác cùng các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ, phát triển & đa dạng hóa sản phẩm. Khóa học lần này là hoạt động thiết thực, cụ thể trong sự hợp tác giữa Viện và công ty. 

Ông Hoàng Quốc Tuấn cho biết Viện CNSH & CNTP luôn mong muốn được đồng hành, cộng tác cùng các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ

 

Thư ký tổng giám đốc kiêm phó ban ISO của công ty Tiến Nông - Anh Trương Xuân Hùng chia sẻ: “Quá trình chuẩn bị tổ chức lớp học gặp nhiều thuận lợi do được sự ủng hộ của ban Lãnh đạo, ban Giám đốc, các trưởng phòng và anh em nhân viên công ty, số lượng 80 học viên tham gia đợt này là con số khá cao vượt quá dự kiến của ban tổ chức, điều này cho thấy sự nhận thức đúng đắn và sự quan tâm của đông đảo của cán bộ nhân viên của công ty”. 

Anh Bùi Văn Trường – nhân viên công ty cho biết thêm: “Là nhân viên kinh doanh của công ty công tác tại các huyện miền núi như Như Thành, Như Xuân, Thường Xuân của tỉnh, chúng tôi khá bận rộn với công việc. Khi nhận được thông tin về khóa học, được sự đồng ý của ban lãnh đạo, các anh em đều thu xếp thời gian để về tham dự khóa học đầy đủ. Tôi cho rằng, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới R&D là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng khi đến với khóa học sẽ được trang bị kiến thức, được trao đổi và học hỏi kinh nghiệm đến từ các giảng viên có kinh nghiệm, để từ đó các học viên ứng dụng được vào trong công việc.”

Một số hình ảnh, hoạt động tại khóa học:

Nghi lễ hát bài hát truyền thống của công ty Tiến Nông trước lễ khai mạc

 

Ban Lãnh đạo công ty tham dự lễ khai mạc khóa đào tạo

 

Cán bộ, giảng viên Viện CNSH & CNTP tham gia khóa đào tạo

 

Tiến sĩ Từ Việt Phú giảng dạy tại khóa đào tạo

 

Các học viên của công ty trao đổi tại khóa đào tạo

 

Toàn cảnh lớp đào tạo nghiên cứu phát triển sản phẩm R&D

 

Hoàng Dương