Công viên khoa học - một giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Thầy LÊ HIẾU HỌC và thầy NGUYỄN ĐỨC TRỌNG (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Công viên khoa học ngày càng được hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia và được xem như một chiến lược phổ biến nhằm thúc đẩy sáng tạo, đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặt doanh nghiệp trong các công viên khoa học khích lệ việc thiết lập mạng lưới và hoạt động hợp tác - những yếu tố cần thiết nuôi dưỡng sáng tạo. Các công viên khoa học cung cấp một môi trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển năng lực công nghệ và sáng tạo. Cụ thể, các công viên khoa học mang đến một mạng lưới nguồn lực giúp các doanh nghiệp bên trong công viên có thể hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu. Bài báo này tổng hợp cơ sở lý luận về vai trò của các công việc khoa học trong việc tăng cường hợp tác trường đại học - doanh nghiệp và những kinh nghiệm triển khai công viên khoa học tại Malaysia; từ đó đề xuất một số kiến nghị đối với Việt Nam.

Từ khóa: Công viên khoa học, các trường đại học, hợp tác, giải pháp.


1. Giới thiệu tổng quan

1.1. Liên kết trường đại học - doanh nghiệp

Các trường đại học là nguồn cung cấp tri thức hết sức quan trọng và cũng là nơi tạo ra những nền tảng vững chắc cho hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực đang phát triển (Feldman and Kelly 2002). Sáng tạo ở đây được hiểu là việc tạo ra và giới thiệu thành công những sản phẩm và công nghệ mới ra thị trường. Như vậy, liên kết trường đại học - doanh nghiệp đã trở thành các yếu tố quan trọng của hệ thống sáng tạo quốc gia. Các trường đại học không còn hạn chế hoạt động của mình trong các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu truyền thống, mà ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Động lực của xu hướng này là áp lực của các trường đại học phải thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình để tạo ra doanh thu, bù đắp một phần chi phí hoạt động, bao gồm cả chi phí nghiên cứu. Thành công của nhiều nhà khoa học khi trở thành các doanh nhân trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau cũng là một yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Việc tham gia trực tiếp của trường đại học với doanh nghiệp có thể bao gồm các hoạt động như vay vốn cho nghiên cứu, đào tạo và các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tài trợ cho các trung tâm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu hoặc mời các nhà khoa học giữ các vị trí quản lý tại doanh nghiệp (Laursen and Salter 2003; Siegel, Westhead and Wright 2003).

Trường đại học thành lập các văn phòng nhằm hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ từ các phòng thí nghiệm của trường đại học ra thị trường và thiết lập cơ chế để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp (academic spin-offs). Sự phát triển của xu hướng trường đại học khởi nghiệp là một động lực của mô hình Triple Helix về liên kết trường đại học - doanh nghiệp - và chính phủ (Etzkowitz et al., 2000). Gắn liền với xu hướng này là việc thành lập các công viên khoa học do trường đại học thực hiện hướng đến các mục tiêu nói trên đã diễn ra thành công ở Vương quốc Anh.

1.2. Chiến lược công viên khoa học

Hiệp hội Công viên khoa học Vương quốc Anh và Hiệp hội Công viên khoa học quốc tế (IASP) đưa ra hai định nghĩa về công viên khoa học được sử dụng phổ biến nhất. Cả hai định nghĩa này đều chia sẻ ba thuật ngữ chính: (a) chuyển giao tri thức và công nghệ thông qua hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; (b) sự tăng trưởng của số lượng các doanh nghiệp dựa trên tri thức và sáng tạo; và (c) tạo ra môi trường hỗ trợ. Vai trò của việc tạo ra một môi trường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên nền tảng công nghệ, là rất quan trọng do các doanh nghiệp này có những đặc điểm cụ thể có thể giúp họ có phương tiện để tăng trưởng và phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Bảng 1. Đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế tri thức

Nguồn: Hiệp hội Công viên Khoa học quốc tế (International Association of Science Parks - IASP).

Công viên khoa học được thành lập nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên công nghệ và xúc tiến phát triển kinh tế địa phương. Sự cần thiết của việc xây dựng một công viên khoa học là giúp cho việc xây dựng một mạng lưới nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng trụ sở tại đó (Westhead and Storey, 1994). Các doanh nghiệp có trụ sở tại các công viên khoa học cũng được lợi từ những tri thức được lan tỏa từ các trường đại học và viện nghiên cứu lân cận (Vedovello, 1997). Điều này được chứng minh qua việc tất cả các công viên khoa học của Vương quốc Anh đều được thành lập bên trong hoặc ở gần các trường đại học (Siegel et al. 2003). Những công viên này cũng giúp tạo ra các doanh nghiệp spin-offs, khuyến khích năng suất nghiên cứu cao hơn và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Các công viên khoa học cũng bắt đầu xuất hiện nhanh chóng đáng kể tại các quốc gia đang phát triển và được xem như "những nhân tố cơ bản cho việc xây dựng năng lực nội tại của quá trình hỗ trợ phát triển công nghệ quốc gia" (UNIDO, 2004).

Bảng 2. Công viên khoa học là một mạng lưới nguồn lực

Nguồn: Lowegren (2001).

Công viên khoa học được xây dựng nhằm nuôi dưỡng quan hệ đối tác với trường đại học dẫn đến việc tận dụng nhiều hơn các kết quả nghiên cứu. Những công viên khoa học này được xem là cách thức tương tác hiệu quả giữa nghiên cứu của trường đại học và ứng dụng của doanh nghiệp, từ đó có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp (spin-offs) và tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu hàn lâm trở thành các doanh nhân. Cụ thể hơn, doanh nghiệp trong các công viên khoa học có thể tham gia vào các đề tài nghiên cứu cùng với các giảng viên và sinh viên, tham dự các sinh hoạt học thuật như seminar, hội thảo tạo cơ hội trao đổi những thông tin kỹ thuật mới nhất, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp và tận dụng các nguồn lực của trường đại học (thư viện, phòng thí nghiệm...). Các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và triển khai (R&D) có thể tạo ra sản phẩm hoặc quy trình sản xuất mới để thương mại hóa, cho dù hoạt động R&D có thể không phải là kết quả cần thiết trong sáng tạo.

Công viên khoa học đầu tiên trên thế giới là Công viên Nghiên cứu của trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ. Công viên này đã đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của Thung lũng Silicon. Thành công này đã khiến các nhà hoạch địch chính sách ở mọi nơi mô phỏng theo mô hình Thung lũng Silicon, tạo ra các công viên khoa học với các quy mô lớn nhỏ khác nhau, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 700 công viên khoa học.

2. Kinh nghiệm của Malaysia

2.1. Phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức

Malaysia đã trở thành một nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu lớn, với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Những thành tựu này gắn liền với một nền kinh tế công nghiệp phát triển, nhưng cũng mang theo câu hỏi về tiến bộ trong sáng tạo và công nghệ mà Malaysia đã đạt được để phản ánh mức độ "trưởng thành" công nghiệp. Kết quả kinh tế của Malaysia trong mấy thập kỷ gần đây thực sự ấn tượng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên các hoạt động sản xuất có tính công nghệ cao. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa công nghệ từ các tăng trưởng trong khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự khích lệ đối với Malaysia. Malaysia sẽ không thể tiếp tục dựa vào lợi thế chi phí nhân công thấp và các chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, việc chú trọng vào nền kinh tế tri thức và gia tăng mức độ phức tạp của công nghệ đòi hỏi các doanh nghiệp Malaysia phải tích lũy những tri thức và năng lực mới.

Malaysia đã triển khai chiến lược mạng lưới tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng những nhu cầu này và nâng cao năng lực công nghệ của mình. Những chiến lược này bao gồm việc phát triển các khu vực công nghệ cao như mô hình Thung lũng Silicon, ươm tạo công nghệ, công viên khoa học, quỹ đầu tư rủi ro và các công cụ khác cùng với chính sách công nghệ nằm trong hệ thống đổi mới quốc gia.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức của Malaysia phụ thuộc lớn vào khả năng đất nước này phát huy năng lực sáng tạo và đổi mới của nhân dân thông qua việc triển khai chính sách tạo ra một môi trường khích lệ hoạt động khởi nghiệp và tăng trưởng đầu tư vào R&D.

2.2. Sự phát triển của các trường đại học

Năm 1962, tại Malaysia chỉ có một trường đại học. Hiện nay, cả nước có 18 trường đại học công lập, 27 trường đại học tư và 532 trường cao đẳng tư nhân (http://www.malaysiauniversity.net). Việc gia tăng số lượng các trường đại học là do nhu cầu về giáo dục và chính sách tự do hóa của chính phủ nhằm biến Malaysia trở thành một trung tâm đào tạo đại học xuất sắc.

Các trường đại học ở Malaysia được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc đào tạo lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức đang phát triển. Điều này cũng được phản ánh trong định hướng khởi nghiệp của nhiều trường đại học địa phương cũng như trong liên kết trường đại học - doanh nghiệp ở mức độ phổ biến hơn.

Các trường đại học tại Malaysia đã thực hiện nhiều hình thức thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một nỗ lực đáng ghi nhận là các trường đã thực hiện đòn bẩy đầu tư hoặc đơn vị kinh doanh để quảng bá chuyên môn, kỹ năng và công nghệ có thể được các doanh nghiệp tư nhân khai thác. Một nghiên cứu tổng quát đã đưa ra đánh giá về hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp và thu được những kết luận rằng, các trường đại học không có đủ các sản phẩm sáng tạo để thương mại hóa, thiếu các kết quả nghiên cứu có giá trị có thể thương mại hóa, văn hóa thực hiện nghiên cứu có chất lượng chưa được lan tỏa rộng rãi, thiếu sự thuyết phục và cam kết của đội ngũ cán bộ giảng viên khi tham gia nghiên cứu.

Theo Ali (2003), những rào cản của hợp tác trường đại học - doanh nghiệp bao gồm:

- Sự lấn át của đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu.

- Thiếu hoạt động gây quỹ thực sự hiệu quả của chính phủ và doanh nghiệp

- Thiếu các nhà khoa học có năng lực cao đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn

- Các quỹ đầu tư mạo hiểm mới phát triển

- Không có các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo

- Trọng tâm của các trường đại học dồn vào hoạt động giảng dạy, do đó tạo ra sự lệch pha về mục tiêu giữa trường đại học và doanh nghiệp.

2.3. Hoạt động của các công viên khoa học

Chính phủ đã ủng hộ phát triển công nghệ trong nước bằng việc thành lập các công viên khoa học và công nghệ, các vườn ươm công nghệ... Những hoạt động phát triển đầu tiên bao gồm việc cung cấp không gian văn phòng với các trang thiết bị hiện đại (như viễn thông) và các đầu mối liên hệ với các nhà nghiên cứu, mạng lưới và gây quỹ đầu tư mạo hiểm. Chiến lược công viên khoa học đã được chính phủ thực thi nhằm khích lệ hoạt động sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng cường hợp tác trường đại học - doanh nghiệp. Đến nay, 5 công viên khoa học đã được thành lập, trải dài ở các khu vực khác nhau trên toàn quốc. Việc các công viên khoa học và khu công nghiệp này gần gũi với các trường đại học và viện nghiên cứu dự kiến để tăng cường triển vọng phát triển các doanh nghiệp dựa trên công nghệ thông qua hợp tác trường đại học - doanh nghiệp.

Bảng 3. Các công viên khoa học và vườn ươm công nghệ tại Malaysia

*N/A: không có số liệu

Bên cạnh các công viên khoa học, các trung tâm ươm tạo công nghệ cũng đã được thành lập ngay bên trong các trường đại học trong nước nhằm nuôi dưỡng sự lớn mạnh của các công ty công nghệ cao có quy mô nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Để kiểm chứng vai trò của các công viên khoa học trong việc thúc đẩy liên kết trường đại học - doanh nghiệp, Chandra Malairaja and Girma Zawdie (2011) đã thực hiện một nghiên cứu phân tích, so sánh giữa các doanh nghiệp đóng trong các công viên khoa học và một nhóm các doanh nghiệp tương xứng ở bên ngoài các khu công nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tương tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài công viên khoa học với các trường đại học tương đối mạnh mẽ.

Nhìn chung, các doanh nghiệp trong công viên khoa học liên kết nhiều hơn với các trường đại học. Các hình thức liên kết với trường đại học bao gồm: liên hệ không chính tắc với các giảng viên; mời các giảng viên làm chuyên gia tư vấn; thực hiện các nghiên cứu hợp tác hoặc liên kết; tài trợ các đề tài nghiên cứu/thử nghiệm; tiếp cận cơ sở vật chất và trang thiết bị; các trường đại học là khách hàng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.

Hầu hết các trường đại học ở Malaysia được cấp ngân sách từ chính phủ và cung cấp nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương khi mua sắm công nghệ, thiết bị và dịch vụ. Các trường đại học trong nước cần các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp phần mềm và CNTT, do vậy trở thành các khách hàng chủ yếu của các công ty công nghệ trong nước. Hình thức liên hệ không chính tắc với giữa doanh nghiệp và trường đại học diễn ra với tần suất cao, mô tả quan hệ trường đại học - doanh nghiệp ở Malaysia như kiểu "cánh tay nối dài".

Các doanh nghiệp có hoạt động hợp tác nghiên cứu với các trường đại học tương đối cao so với các kết quả nghiên cứu khác. Có ba lý do giải thích cho tỉ lệ cao hơn này. Thứ nhất, việc hợp tác với trường đại học là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp nhận được tài trợ cho hoạt động R&D từ chính phủ. Một yêu cầu quan trọng của tài trợ này là doanh nghiệp nhận tài trợ phải hợp tác với các nhà nghiên cứu trong trường đại học hoặc viện nghiên cứu trong một dự án nghiên cứu cụ thể. Lý do thứ hai là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp nhằm sử dụng các bí quyết khoa học do các trường đại học thực hiện trong những công nghệ cụ thể, như công nghệ sinh học và công nghệ nano. Lý do thứ ba là những nỗ lực có chủ đích của ban quản lý công viên khoa học và các cán bộ phụ trách chuyển giao công nghệ trong các trường đại học để kết nối các công ty với các cơ sở vật chất đa dạng của trường đại học. Trong khi một số công ty không cần những liên kết này bởi những lý do nêu trên, các công ty khác lại thấy thực sự cần thiết phải hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước.

3. Một số kiến nghị cho Việt Nam

Kết quả tìm được của nghiên cứu này có thể khẳng định rằng, công viên khoa học có thể được xem là một trong những hình thức hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ và phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia, mang lại những sản phẩm khoa học công nghệ thiết thực phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Tại Việt Nam, mô hình các công viên khoa học cũng đã bắt đầu được thành lập từ đầu những năm 2000, điển hình là Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Tuy nhiên, Khu công nghệ này do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý và có địa điểm khá xa các trường đại học. Do vậy, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này với các trường đại học để triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế.

Từ kinh nghiệm của các nước phát triển và của Malaysia, có thể đề xuất một số kiến nghị đối với Việt Nam khi triển khai mô hình công viên khoa học nhằm thúc đẩy liên kết trường đại học - doanh nghiệp như sau:

- Chính phủ, các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà quản lý trường đại học cần có nhận thức rõ: Nhu cầu tăng cường hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu là cần thiết.

- Các công viên khoa học được thành lập ngay trong hoặc gần các trường đại học để thuận tiện cho việc tham gia của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của các trường đại học.

- Cần xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) đặt trụ sở trong các công viên khoa học để "gần gũi" và có sự hỗ trợ tức thời của các nhà khoa học trong việc giải quyết các vấn đề công nghệ của doanh nghiệp. Có thể đưa việc đặt trụ sở trong các công viên khoa học là một trong những điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp nhận được tài trợ cho hoạt động R&D từ chính phủ.

- Các công viên khoa học cần cung cấp không gian văn phòng với các trang thiết bị hiện đại (như viễn thông) và các đầu mối liên hệ với các nhà nghiên cứu, mạng lưới và gây quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ việc thành lập các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, ngay trong khuôn viên các trường đại học.

- Các nhà quản lý của trường đại học sử dụng công viên khoa học như một kênh để truyền thông năng lực và kết quả nghiên cứu, các cơ sở hạ tầng khác có thể phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp thuê địa điểm.

- Lãnh đạo doanh nghiệp nên được mời tham gia vào hội đồng quản lý của các trường đại học. Đây cũng là một xu hướng đã được nhiều trường đại học công lập Việt Nam triển khai khi thực hiện cơ chế tự chủ.

- Các trường đại học cũng cần tuyển những người có chuyên môn không chỉ trong lĩnh vực luật sáng chế, cấp giấy phép hoặc chuyên môn kỹ thuật, mà còn cả kỹ năng marketing, và kinh nghiệm khởi nghiệp.

- Bên cạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, các trường đại học cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong công viên khoa học quốc tế hóa hoạt động của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ali, A. 2003. Engaging economic development through the commercialisation of research: The Malaysian experience. Paper presented at the General Conference of the Association of Commonwealth Universities, Belfast, 31 August - 4 September.

2. Chandra Malairaja and Girma Zawdie, 2011. 'Science Park and University - Industry Collaboration: An exprience from Malaysia'. inTheory and Practice of Triple Helix in developing countries. Saeed Mohammed and Zawdie Grimma, 2011. Routledge.

3. Etzkowitz, H., A. Webster, C. Gebhardt and B. R. C. Terra, 2000. The future of the university and the university of the future: Evolution of ivory to entrepreneurial paradigm. Research Policy 29:313–330.

4. Feldman, M., and M. R. Kelley. 2002. How state governments augment the capabilities of technology pioneering firms. Growth and Change 33 (2): 173–195.

5. Laursen, K., and A. Salter. 2003. Search low and high: What types of firms use universities as a source of innovation? DRUID Working Paper, No. 03–16, Danish Research Unit for Industrial Dynamics, Copenhagen, Denmark.

6. Lowegren, M. 2001. Advantages of a science park location: Case studies from the Ideon Science Park. Paper presented at the 17th Colloquium of European Group for Organisation Studies, Lyon, France, 5–7 July.

7. Siegel, D. S., P. Westhead and M. Wright. 2003. Assessing the impact of university sci- ence parks on research productivity: Exploratory firm-level evidence from the United Kingdom. International Journal of Industrial Organisation 21 (9): 1357–1369.

8. UNIDO. 2004. IPTs integrated institutional capacity building services and pro- grammes for technology centres and parks. Vienna: United Nations Industrial Development Organization.

9. Vedovello, C. 1997. Science parks and university–industry interaction: Geographi- cal proximity between the agents as a driving force. Technovation 17 (9): 491– 502.

10. Westhead, P., and D. J. Storey. 1994. An assessment of firms located on and off science parks in the United Kingdom. London: HSMO.

SCIENCE PARK: A SOLUTION TO PROMOTE

ENTERPRISE - UNIVERSITY COOPERATION

LE HIEU HOC

Hanoi University of Science and Technology

NGUYEN DUC TRONG

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT

Science parks are increasingly used in many countries as a popular strategy for promoting innovation, especially among small and mediumsized enterprises. The establishment of enterprises in science parks encourages networking and collaboration, which can foster the innovation. Science parks thus provide an environment that assist enterprises to develop their technological and innovative capabilities. In particular, science parks provide a network of resources that enables enterprises located in them to collaborate with universities and research institutions. This study summarizes the literature review on the role of science parks, the experience of Malaysia and some implications for promoting university - industry collaboration in Vietnam.

Keywords: Science park, universities, cooperation, solution.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây