Covid-19 sẽ tạo ra những xu hướng mới với chuỗi cung ứng thủy sản

Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trọng chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt...

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), quý I/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn giới, nhất là những nước đang NK nhiều thủy sản của Việt Nam khiến kết quả XK thủy sản của cả nước giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 1,62 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Những thị trường bị tác động giảm nhiều nhất gồm Trung Quốc, giảm -27%, EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 11% và ASEAN giảm gần 7%. Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của dịch Covid, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh.

Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm, tác động giảm giá trung bình XK các sản phẩm thủy sản.Trong các sản XK cá tra giảm mạnh nhất trên -29%, mực bạch tuộc giảm -24%, cá ngừ giảm -10% trong khi XK tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trọng chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh DN phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến DN chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Có thể kể đến một số thách thức như sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”. Sẽ có một số doanh nghiệp bị đào thải (đóng cửa/phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác).

Bên cạnh đó, nợ xấu có thể sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến cả các ngành có liên quan (bảo hiểm, ngân hàng, các ngành phụ trợ như SX thuốc, hóa chất, bao bì vật tư,…), chi phí sản xuất tăng cao. Tình trạng treo ao xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao. Chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn cũng như lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng, lao động sẽ thiếu và ngày càng khó khăn cũng là những thách thức không nhỏ đối với ngành Thủy sản trong thời gian tới đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn cũng có những cơ hội của ngành thủy sản để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.

Cơ hội đầu tiên đó là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã gia tăng đáng kể. Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách chống dịch quyết liệt, quyết tâm, kịp thời ngăn chặn Covid-19 lây lan. Và đây là lợi thế đầu tiên, đại diện VASEP nhấn mạnh.

Cơ hội thứ hai được VASEP chỉ ra, đó là do các nước có thế mạnh sản xuất thủy sản cùng với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador... đều đã và đang bị phong tỏa do ảnh hưởng của Covid-19 nên sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng giảm.

Cơ hội thứ ba, hiện nay, trên thế giới đang có trào lưu chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra. Nếu chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất để đón nhận trào lưu này, chúng ta sẽ có cơ hội đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và xuất khẩu ngành thủy sản.

Cơ hội thứ tư, nhu cầu sơ chế nguyên liệu từ Việt Nam cũng sẽ có xu hướng tăng, nhất là đối với các sản phẩm có tính tiện dụng để giao online. Bởi hiện nay, xu hướng mua hàng, giao hàng online đang phát triển mạnh ở thị trường Trung Quốc cũng như nhiều thị trường xuất khẩu khác, do đó, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đang đẩy mạnh chế biến những sản phẩm tiện lợi, để thúc đẩy sự tăng trưởng của bán lẻ thủy sản trực tuyến.

Ngoài ra, các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng đươc ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Các ngành hàng phụ trợ cho SX thủy sản (SX thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho NTTS, chế biến,…) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các DN thủy sản chủ động hơn trong SX

VASEP dự báo diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình XK chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. DN chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

XK thủy sản trong tháng 4 và cả quý II sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch covid, nhất là thị trường EU. XK sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

Dự báo XK thủy sản quý II sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2,0 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

T.Xuân