Covid - 19 và bài học áp dụng cho những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Th.S NGUYỄN LÂM TRÂM ANH (Giảng viên Khoa Luật - Đại học Sài Gòn (SGU))

TÓM TẮT:

Năm 2020 Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ khi là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới thể hiện được năng lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 lây lan, đồng thời duy trì được khả năng chống chịu đáng chú ý của nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển kinh tế luôn song hành với sự đánh đổi những rủi ro về môi trường. Bài viết làm rõ bối cảnh kinh tế sau đại dịch Covid -19 năm 2020, phân tích các bài học kinh nghiệm từ Covid -19 và đề xuất các giải pháp để áp dụng những bài học đó đối với với những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: Covid-19, biến đổi khí hậu, thách thức về môi trường trong Covid-19.

1. Bối cảnh kinh tế và những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu cho phục hồi, phát triển của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 và những năm tiếp theo

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Theo đó, Chính phủ cũng xác định tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, cao hơn mức 6% Quốc hội giao.

Với những kết quả Việt Nam đã đạt được sau đại dịch Covid-19 trong năm 2020, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo đầy triển vọng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Theo đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% sau khi là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương ở khu vực và trên thế giới trong năm 2020; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng ở mức 6,1% và mức GDP dự kiến tăng 6.5%, lạm phát ở mức 4% trong dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Triển vọng tích cực cho 3 năm tới, theo kịch bản cơ sở, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức khoảng 2,8% trong năm 2020 lên đến 6,8% trong năm 2021 và 6,5% trong năm 2022.

Quá trình hồi phục sẽ còn được tăng cường nhờ cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Với 3 hiệp định tiêu biểu được ký kết trong năm 2019 và 2020 là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); kết hợp với nhau, 3 hiệp định đó bao trùm khoảng 81% giao dịch thương mại của Việt Nam, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với toàn cầu hóa, cải cách thể chế và hệ thống pháp luật, đổi mới sáng tạo cũng như áp dụng công nghệ số, bảo vệ môi trường (BVMT). Tương lai của Việt Nam do vậy không thể tách rời với những thách thức về quản lý nguồn tài nguyên của quốc gia và những rủi ro liên quan đến khí hậu.

Trong báo cáo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI), đứng thứ 91 trên 191 quốc gia về chỉ số rủi ro “INFORM Risk Index” năm 2019, chủ yếu do những nguy cơ với thiên tai. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ phải hứng chịu các cơn bão nhiệt đới và các hệ lụy đi kèm rất cao.

Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng cho Việt Nam 2016 đưa ra dự báo đến năm 2050, nhiệt độ tăng khoảng 1 - 2 độ C; lượng mưa có sự thay đổi nhỏ với xu hướng giảm và tác động tương đối nhỏ đến lượng nước bốc hơi. Kết hợp giữa giảm nhẹ lượng mưa và tăng nhẹ lượng nước bốc hơi dẫn đến giảm nhẹ giá trị trung bình/trung vị của chỉ số độ ẩm khí hậu, nghĩa là thời tiết có vẻ khô hơn. Thay đổi dòng chảy cũng nhỏ và khả năng giảm nhẹ và tăng nhẹ như nhau. Nước biển dâng tạo ra tác động kinh tế lớn nhất, đặc biệt khi nước biển dâng cao và khi nước biển dâng kết hợp với bão. Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt dễ tổn thương với tỷ trọng lớn diện tích đất bị ngập.

Nhìn chung, BĐKH sẽ có tác động tiêu cực đến tương lai tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy tác động đó cũng không quá lớn, nhưng giá trị hiện tại ròng của thiệt hại cho thấy, tác động kinh tế vĩ mô của BĐKH có thể đáng phải xem xét và cần có những chính sách thích ứng kịp thời, đặc biệt là những chính sách về môi trường, ứng phó với BĐKH.

2. Những bài học từ Covid-19 về môi trường và BĐKH

Khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 được cho là đang mở rộng con đường hướng tới nền kinh tế xanh hơn hay sạch hơn ở nhiều nơi trên thế . Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên xác định mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về phục hồi xanh. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định về BVMT, trên cơ sở áp dụng những bài học từ Covid-19 do vậy, trở nên cần thiết.

Theo WB, có 2 kinh nghiệm được rút ra qua quản lý thành công khủng hoảng Covid-19 nên được áp dụng cho các quốc gia để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường trong tương lai: (i) cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết; (ii) ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể - đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu. Riêng đối với Việt Nam, hai bài học lớn được xác định, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xác định khôi phục theo hướng “xanh” phải là ưu tiên hàng đầu

Nhiều quốc gia ngày nay lựa chọn biện pháp phục hồi “xanh” là trọng tâm trong các gói kích thích kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế còn lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động thiếu bền vững. Ngoài những lợi ích rõ rệt về môi trường gắn liền với phục hồi xanh, các chính sách xanh và đầu tư xanh cũng có thể tạo thêm việc làm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách tích cực. Thuế các-bon là một ví dụ điển hình. Thông qua hoạt động đánh thuế, có thể làm giảm ô nhiễm không khí và tăng thêm nguồn thu cho Chính phủ. Những chính sách kết hợp đầu tư xanh với thuế nhiên liệu cũng đem lại hiệu ứng số nhân cho nền kinh tế như tại Hoa Kỳ, mỗi đồng đô-la chi tiêu đầu tư vào năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phục hồi đất đai có thể tạo số việc làm cao gấp 2 lần so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Kinh nghiệm quốc tế hiện nay cho thấy, có 7 chính sách và hành động đầy tiềm năng vừa tạo tác động số nhân kinh tế vừa có thể cải thiện các tiêu chí đo lường tác động khí hậu mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm khôi phục kinh tế theo hướng “xanh”:

(i) Ưu tiên đầu tư cho năng lượng sạch hơn hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp cắt giảm mạnh lượng thải, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng các-bon;

(ii) Điều chỉnh hoạt động định giá các tài nguyên không tái tạo hoặc gây ô nhiễm để khuyến khích hành vi có trách nhiệm, bao gồm bỏ trợ cấp và/hoặc áp thuế (thuế các-bon);

(iii) Tài trợ, cho vay, và ưu đãi thuế cho giao thông và vận tải bền vững, xử lý nước, quản lý rác thải, kinh tế tuần hoàn và nghiên cứu về năng lượng sạch thông qua hệ thống tài chính bằng cách yêu cầu các ngân hàng đầu tư ít hơn vào nhiên liệu hóa thạch và nhiều hơn vào các nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu;

(iv) Hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo;

(v) Có các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái, coi đây là cơ sở hạ tầng xanh thiết yếu (như rừng ngập mặn nguyên vẹn làm giảm sóng biển dâng do bão), bao gồm môi trường sống giàu các-bon và nông nghiệp thân thiện với khí hậu;

(vi) Đảm bảo sự phát triển cơ sở hạ tầng mới có cân nhắc đến rủi ro thiên tai và khí hậu, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế có thể chịu được tác động của thiên tai nhằm tránh tạo ra những rủi ro mới;

(vii) Đầu tư cho những biện pháp thích ứng thông qua các khoản đầu tư kết hợp giữa những chiến lược bảo vệ xanh và xám để giảm rủi ro cho con người và tài sản với những rủi ro thiên tai và khí hậu.

Thứ hai, Chính phủ cần mạnh dạn đề ra giải pháp mới và quyết liệt trong hành động

Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 cho thấy, việc Chính phủ nhận diện đầy đủ các thách thức từ rủi ro và khủng hoảng đã góp phần định hình và thực hiện hiệu quả các chính sách mới. Theo đó, thách thức về môi trường và khí hậu cũng có những những trở ngại riêng cần lưu ý.

Một là, thách thức về môi trường không dừng lại ở biên giới quốc gia. Tài nguyên và môi trường vừa là hàng hóa công cộng vừa là hàng hóa toàn cầu nên rất khó quản lý. Các cá nhân có xu hướng đầu tư thấp hơn mức cần thiết nếu nhìn trên góc độ tập thể, vì lợi ích của cá nhân thấp hơn lợi ích của xã hội.

Hai là, thị trường không phải lúc nào cũng tính đến mức giá đúng của tài nguyên do khó xác định những rủi ro liên quan đến thiên tai hoặc các hiện tượng khác.

Ba là, tác động bất lợi của khí nhà kính (KNK) có tính chất “ngoại ứng” với thị trường. Doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm phát thải chỉ vì lý do đạo đức chứ không phải vì động cơ kinh tế, thể hiện rõ nét sự thất bại thị trường trong hoạt động BVMT.

Bốn là, động lực hạn chế ở một số bên liên quan trong nước để điều chỉnh hành vi của họ với những thách thức về khí hậu và môi trường.

Từ việc nhận diện những thách thức trên, ưu tiên của Chính phủ chính là tạo điều kiện cho hoạt động thử nghiệm và đổi mới sáng tạo các chính sách về môi trường và BĐKH, trên cơ sở đảm bảo 4 nguyên tắc sau: (i) Sử dụng ưu đãi khéo léo để tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp; (ii) Coi trọng tâm lý ngại chế tài; (iii) Tạo lòng tin của người dân thông qua việc thông tin, truyền thông rõ ràng, minh bạch, sâu rộng về hành động và kết quả. Có như vậy, Chính phủ mới nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, vì lợi ích chung mà thực hiện hiệu quả các chính sách mới được đề ra.

3. Áp dụng những bài học từ Covid-19 cho những thách thức về môi trường, BĐKH ở Việt Nam

Báo cáo Đánh giá lần thứ 5 (2013) của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đã xác định, con người chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra BĐKH. Thông qua quá trình khai thác các yếu tố của môi trường, con người đã làm mất đi sự cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm và dẫn đến BĐKH. Tuy nhiên, con người cũng chính là chủ thể sẽ đảm bảo cho hoạt động ứng phó với BĐKH được thực hiện một cách hiệu quả. Vì vậy, muốn bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trước hết phải tác động đến con người.

Pháp luật, với tư cách là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành để điều chỉnh hành vi của con người, sẽ có tác động rất lớn trong việc BVMT, ứng phó với BĐKH. Những bài học từ Covid-19 do WB đề xuất cùng với những kinh nghiệm của thế giới trong việc giải quyết các vấn đề về kinh tế và môi trường, được áp dụng lồng ghép trong những giải pháp mang tính chất pháp lý, chắc chắn sẽ đem lại những kết quả cao cho nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam. Các giải pháp cụ thể cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, ít phảt thải và mau phục hồi. Mục tiêu ngắn hạn trước mắt là đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi các công nghệ “xanh và sạch”; mục tiêu lâu dài là xây dựng thành công các đô thị các-bon thấp. Nội dung này gắn liền với việc phát triển năng lượng thay thế và sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng; theo đó, ngành công nghiệp và sản xuất, kinh doanh sẽ phải được lưu tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Do vậy, Nhà nước cần thiết sớm ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ, vốn, thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp tái chế các sản phẩm thải ra từ năng lượng tái tạo. Song song đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn các dự án năng lượng điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình, hướng đến hình thành các đô thị các-bon thấp.

Thứ hai, xây dựng thành công thị trường mua bán các-bon trong nước và tham gia vào thị trường các-bon thế giới. Nội dung này đã được luật hóa trong Luật BVMT 2020 với quy định tại Điều 139. Ngoài việc quy định các biện pháp mang tính chất hành chính để kiểm soát lượng khí các-bon phát thải như xác định hạn ngạch lượng phát thải trong chiến lược quốc gia, theo dõi kết quả kiểm kê và xây dựng lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện của quốc gia và cam kết quốc tế. Khoản 4 điều này cũng quy định cách thức tham gia thị trường các-bon như trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, các quy định trên vẫn chưa thực sự phản ánh yêu cầu xây dựng thị trường các-bon “với cơ chế định giá hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế” với các điều ước quốc tế (như CPTPP và EVFTA) vì chưa nêu được các nguyên tắc chủ đạo trong việc xây dựng và phát triển thị trường này cũng như thể hiện được nguồn gốc của các nguyên tắc và mô hình thị trường các-bon mà Việt Nam đang hướng tới. Cơ chế định giá các-bon sẽ được hình thành với sự tham gia của những chủ thể nào, dựa trên những nguyên lý cơ bản gì cũng chưa được nêu rõ.

Do đó, trong thời gian tới, việc định giá các-bon, xây dựng thị trường các-bon cần phải được xem xét và quy định một cách chi tiết cụ thể, đầy đủ trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020 và trong Luật BĐKH (theo lộ trình sẽ trình dự án Luật này vào năm 2025). Cùng với yêu cầu trên, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình Giảm khí phát thải từ mất và suy thoái rừng (REDD) và thực hiện các hoạt động chuẩn bị nhằm giúp các quốc gia tham gia vào các cơ chế REDD+ (Angelsen 2008).

Các Bộ, ngành có liên quan phải tập trung nghiên cứu để đề xuất xây dựng và áp dụng bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 và thực hiện nguyên tắc địa phương nào phát triển nhiều công nghiệp, thải nhiều khí CO2  thì phải mua chỉ số các-bon; hướng đến ban hành các quy định pháp luật cho việc xây dựng hệ thống kiểm kê KNK, hệ thống giám sát phát thải KNK và ước tính phát thải ở cấp quốc gia, vùng, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thiện bộ tiêu chí xác định hạn mức phát thải KNK đối với từng ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất.

Thứ ba, thông tin, truyền thông cần rõ ràng, minh bạch. Điều này là cần thiết trong việc tạo lập lòng tin của người dân đối với các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo quyền con người trong bối cảnh BĐKH; thúc đẩy việc tham gia hiệu quả các các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong các vấn đề về môi trường. Các quy định pháp luật về tổ chức xã hội; đảm bảo tính minh bạch của các cơ quan nhà nước, các bên có liên quan trong các dự án về môi trường, do vậy cần được bổ sung và hoàn thiện.

Covid-19 vẫn đang diễn ra, những thách thức về phát triển và phục hồi của các quốc gia, trong đó có Việt Nam được đặt trong bối cảnh khó dự liệu, mặc dù các kịch bản đều được xây dựng. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong năm 2020, Việt Nam đầy triển vọng cho khả năng phục hồi trong năm 2021 và các năm sau nữa. Những bài học từ Covid-19 sẽ cần được lưu tâm cho việc xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách cũng như pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH.

Nội dung trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT và các Luật khác có liên quan nhằm định giá các-bon, xây dựng thành công thị trường các-bon trong nước, hướng đến chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, ít phảt thải và mau phục hồi. Nếu có thể xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với Covid-19, Việt Nam sẽ thành công trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về môi trường, BĐKH trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020), Luật số 72/2020/QH14: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2020.
  2. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
  3. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 01/NQ-CP 01 tháng 01 năm 2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển – kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
  4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, NXB Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam.
  5. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  6. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
  7. Nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển Khoa Kinh tế -Đại học Tổng hợp Copenhagen, Viện Nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương và Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới - Trường Đại học Liên Hợp Quốc (2012), Tác động của BĐKH tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam đến năm 2050, NXB Thống kê.
  8. ADB (2013), Vietnam environment climate change essessment, ISBN 978-92-9254-131-6 (Print), 978-92-9254-132-3 (PDF) Publication Stock No. RPS135693
  9. WB (2020), Từ Covid-19 đến Biến đổi khí hậu - Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong Phục hồi xanh. World Bank, truy cập tại [http://documents1.worldbank.org/curated/en/436501607981697037/pdf/Taking-Stock-From-COVID-19-to-Climate-Change-How-Vietnam-Can-Become-the-Champion-of-Green-Recovery.pdf], (truy cập ngày 10/3/2021)
  10. OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) (2020). Making the Green Recovery Work for Jobs, Income and Growth.” Organisation for Economic Co-operation and Development, Paris, October. http://www.oecd.org/coronavirus/policy-responses/making-the-green-recovery-work-forjobs-income-and-growth-a505f3e7/#section-d1e692.
  11. Trần Thọ Đạt, Vũ Thị Hoài Thu (2012), Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển, Hà Nội: NXB Giao thông vận tải.
  12. Minh Ánh (2020). MF dự báo mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021, Báo điện tử Lao động, truy cập tại https://laodong.vn/kinh-te/imf-du-bao-muc-tang-truong-cua-kinh-te-viet-nam-nam-2021-855771.ldo.
  13. Phạm Thu Thủy (2011), Vấn đề chính sách REDD+ được thể hiện trong thông tin đại chúng Nghiên cứu điểm tại Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu sở 83. Tr.2, https://www.cifor.org/publications/pdf_files/wpapers/wp83pham.pdf.
  14. USAID (2014), Công bằng trong biến đổi khí hậu và REDD+. Sổ tay hướng dẫn cho thúc đẩy viên cơ sở.

15 WB (2021). Tổng quan về Việt Nam, https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview.

  1. Huy Vũ (2021). Triển vọng tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu, báo điện tử nhân dân, truy cập tại https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/trien-vong-tang-truong-moi-cua-kinh-te-toan-cau-634760.
  2. Opendevelopment Vietnam (2019). Biến đổi khí hậu, website vietnam.opendevelopmentmekong.net, truy cập tại https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/climate-change
  3. Baranzini, A., M. Chesney, and J. Morisset. (2003). The Impact of Possible Climate Catastrophes on Global Warming Policy. Energy Policy, 31(8), 691-701.

 Covid-19 pandemic and experience for Vietnam in tackling environmental and climate change challenges in the future

Master. Nguyen Lam Tram Anh

Faculty of Law, Sai Gon University

ABTRACT:

Vietnam was one of the few economies in the world to record net positive GDP growth and successfully contain the Covid-19 pandemic in 2020. However, the economic development is a trade-offs for environmental protection. This paper clarifies the post-Covid-19 economic context, analyzes lessons learned from this pandemic and proposes some solutions to help Vietnam tackle environmental and climate change challenges in the future.

Keywords: Covid-19, climate change, environmental challenges during the Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]