Cử tri quan tâm tái cơ cấu nông nghiệp và tiêu thụ nông sản

(Chinhphu.vn) – Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được chất vấn của 13 đại biểu với 23 câu hỏi. Nổi lên trong các vấn đề các ĐBQH quan tâm là k

Tái cơ cấu nông nghiệp là cả một quá trình, mà một trong những thước đo quan trọng cho hiệu quả của quá trình này là chất lượng tiêu thụ nông sản, gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ở các địa phương, chủ trương và Đề án tái cơ cấu cũng đã được quán triệt và triển khai thực hiện. Đa phần các địa phương đã xây dựng Kế hoạch hoặc Đề án cụ thể tại địa phương mình. Nhiều địa phương đã triển khai có kết quả khá rõ trong thực tiễn. Có thể thấy rằng, các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết, đúng đắn và kịp thời của chủ trương này.

Tuy nhiên, mức độ, hình thức tổ chức thực hiện và kết quả đạt được là khác nhau. Ở một số địa phương còn có việc chậm xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu, vấn đề này trước hết thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự quan tâm, chỉ đạo thiếu sâu sát quyết liệt của cấp có thẩm quyền. Mặt khác, có sự lúng túng trong việc xác định nội dung, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ở địa phương; nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu hạn chế.

Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị tập trung chỉ đạo một số giải pháp như đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển thị trường; chỉ đạo sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhìn vào hiệu quả của việc tiêu thụ nông sản trong thời gian qua còn nhiều bất cập, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ những nguyên nhân ngắn hạn là do: Sản xuất cung vượt cầu (cao su); vướng mắc về thị trường tiêu thụ (năng lực thông quan dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn tháng 4-5/2015; Indonesia dừng nhập khẩu hành tím từ Việt Nam...).

Nguyên nhân dài hạn được chỉ ra là do khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp còn thấp; tổ chức sản xuất còn cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.

Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh việc thực hiện giải pháp theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống. Cụ thể hơn, đó là việc cần tập trung phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc; đàm phán với Indonesia để tái xuất khẩu hành tím; phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá... Cùng với đó sẽ đồng bộ việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình thị trường.

Tuy nhiên, về lâu dài theo Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, làm cơ sở khắc phục các nguyên nhân dài hạn nêu trên.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ