Cục ATMT lấy ý kiến hoàn thiện chi tiết Thông tư hướng dẫn về an toàn điện

Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Chuyên đề “An toàn điện” qua đó lấy ý kiến tham vấn, góp ý từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến công tác an toàn điện.

Để hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết về an toàn điện trình Bộ Công Thương ban hành, sáng ngày 12/10/2020, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Cục ATMT) - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Chuyên đề “An toàn điện” qua đó lấy ý kiến tham vấn, góp ý từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến công tác an toàn điện.

Cụ thể là thảo luận, trao đổi về những bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư số 31/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện và Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp yêu cầu thực tế đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các thông tư trước đó.

hình ảnh hội thảo
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, thông tư hướng dẫn chi tiết này đã tích hợp, thay đổi, bổ sung hướng dẫn cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

Dự thảo Thông tư này bao gồm 7 chương 28 điều quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện trong đó phạm vi điều chỉnh bao gồm: Huấn luyện an toàn, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện; Nối đất kết cấu kim loại của nhà ở, công tình trong và liền kề hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không đối với điện áp từ 220kV trở lên phòng tránh nhiễm điện do cảm ứng; Biển báo an toàn điện; Thỏa thuận khi xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, các vi phạm đối với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, chế độ báo cáo tai nạn điện; Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng, vận hành công trình điện lực.

Trước đó, Cục ATMT đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường; Cục An toàn lao động, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương các địa phương và một số đơn vị, doanh nghiệp… có liên quan trực tiếp đến các nội dung, phạm vi điều chỉnh.

Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực toàn điện từng bước được hoàn thiện, đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc quản lý an toàn điện ngày càng hoạt động có hiệu quả và ổn định trên địa bàn cả nước. Với mục tiêu đảm bảo chất lượng thiết bị (không để lọt thiết bị điện kém chất lượng), sự an toàn hoạt động cung cấp điện, theo ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục ATMT, trong bối cảnh công nghệ nói chung ngành Điện nói riêng liên tục có sự phát triển, thông tư hướng dẫn chi tiết này đã tích hợp, thay đổi, bổ sung hướng dẫn cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

Trong khuôn khổ Hội thảo chuyên đề các đại biểu đã thảo luận, trao đổi làm rõ nhiều khái niệm, góp ý chi tiết về nhiều nội dung được điều chỉnh tại thông tư như các quy định chi tiết về cấp thẻ an toàn điện, thời hạn định kỳ hàng năm, đơn vị tổ chức hoạt động tập huấn an toàn điện hay những thực trạng và các giải pháp để các biển báo an toàn điện phát huy được hiệu quả; Những quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật các thiết bị điện, đơn giá kiểm định… Hiện, Dự thảo Thông tư cũng đang được đăng tải công khai trên Website của Bộ Công Thương để tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện, mục tiêu sớm ban hành văn bản này vào cuối năm 2020.

P. Vi