Ngày 5/6/2020, Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” đã chính thức được diễn ra với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam.

Hội nghị nhằm cung cấp, trao đổi thông tin thông tin chuyên sâu về tiếp cận thị trường và đánh giá các tác động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam khi thực thi Hiệp định, đồng thời đưa ra định hướng về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EVFTA, đưa ra những giải pháp thiết thực, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được lợi ích, cơ hội mà EVFTA mang lại.

Hỗ trợ Doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi Hiệp định EVFTA
Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” thu hút sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu cùng hàng ngàn đại biểu theo dõi trực tuyến tại đầu cầu của 62 tỉnh, thành phố

Tham luận tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho biết, Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Trần Thanh Hải nhận định, mặc dù một số nước khác có lợi thế về ưu đãi EBA, GSP+, nhưng với Hiệp định EVFTA, chúng ta có thế mạnh rất lớn.

“Các nước có Hiệp định với EU rất ít, ở khu vực Châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Đón đầu những cơ hội mà EVFTA mang lại, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cũng đưa những giải pháp chiến lược, giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh vào thị trường EU. Cụ thể:

Tổ chức triển khai thực thi ngay các quy định EVFTA

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị trong giai đoạn trước và sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 932/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương chuẩn bị cho phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giai đoạn từ nay đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Các đơn vị của Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện các nhiệm vụ trên. Trong đó, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Hiệp định EVFTA với 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm Công tác trọng tâm.

cục xuất nhập khẩu bộ công thương
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải đưa ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm, giúp các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs tận dụng tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh

Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trước mắt, cần thu hút thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là các dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện môi trường.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, không chỉ có vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp của các Bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong phát triển từng ngành, từng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Chính phủ đề cập nhiều. Tuy nhiên, đối với thị trường EU với nhiều tiêu chuẩn, chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, tổ chức hoạt động sản xuất, xuất khẩu cần được đặc biệt chú trọng.

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi cũng là vấn đề cần được nghiên cứu, triển khai ứng dụng.

Thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU

Các địa phương cần nghiên cứu các lợi thế có được từ EVFTA và trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động, sản xuất để có kế hoạch phát triển sản xuất, xuất khẩu thông qua thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ngành hàng mà địa phương có lợi thế.

Tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã được Bộ Công Thương xây dựng cụ thể; trước mắt là nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước thực thi các quy định và tuyên truyền cho doanh nghiệp, Hiệp hội, người dân hiểu rõ các quy định, các cơ hội từ Hiệp định.

Sau đó là các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn chuyên sâu về các quy định đặc thù, như cộng gộp nguyên liệu trong quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp có thể tận dụng hơn nữa các cơ hội, tiếp tục khai thác thị trường.

Xúc tiến thương mại và thông tin thị trường

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu, vốn là yếu tố quan trọng nhất đến thị hiếu của người tiêu dùng EU và ứng dụng xúc tiến thương mại trực tuyến, là hình thức mới hiện nay.

Trong bối cảnh Covid-19, Bộ chỉ đạo xây dựng một số đề án xúc tiến thương mại gọn nhẹ, lên kế hoạch khả thi, phương án triển khai cụ thể và chuẩn bị trước để có thể tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các nước.

Bộ sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài củng cố, tăng cường công tác thông tin, cung cấp cho doanh nghiệp các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường.

Hiểu rõ, hiểu đúng về quy tắc xuất xứ

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.

Do vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.

Đối với doanh nghiệp SME, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp SME Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.