Cùng nông dân kiến tạo thế giới xanh bằng nông nghiệp hữu cơ

Thông qua sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp Việt đã cùng nông dân Việt đang kiến tạo một thế giới xanh trên thực địa, và trong mắt người tiêu dùng khắp hành tinh này.
nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ: Cánh cửa mới

Nông nghiệp hữu cơ đã mở ra một cánh cửa mới cho nông sản Việt Nam ra thế giới trong bối cảnh người nông dân và doanh nghiệp  gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm.

Hiện có khá nhiều sản phẩm hữu cơ trong nước được chào đón trên thị trường thế giới. Cú chơi lớn hơn cả là Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã cho gần 13.000 hộ nông dân trồng mía tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk… nơi có nhà máy của TTC vay vốn để sản xuất mía hữu cơ với tổng dư nợ lên đến 1.000 tỷ đồng. Hiện ngành mía đường vừa trải qua một thời kỳ “ảm đạm” do chu kỳ của thị trường nhưng đường hữu cơ vẫn tươi sáng. Toàn bộ sản lượng đường hữu cơ của TTC được một doanh nghiệp lớn của Anh bao tiêu hết với giá trị xuất khẩu gấp 3 lần đường bình thường.

Theo tính toán, các hộ nông dân hay doanh nghiệp phải mất hơn 3 năm để cải tạo nguồn nước, đất, cây trồng… mới đáp ứng tiêu chuẩn trồng nông sản hữu cơ. Nhưng cái giá phải trả khá dễ chịu vì nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng mới đây do Nielsen thực hiện, 4 trong 5 người tiêu dùng cho thấy họ quan tâm sâu sắc đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ravà mong muốn biết rõ chất cấu tạo nên thức ăn họ sử dụng hàng ngày. 80% số người khảo sát ưu tiên sử dụng sản phẩm không chứa chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản nhân tạo.

Là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành tại Việt Nam với hơn 50 năm hoạt động, TTC đang dẫn đầu thị trường nội địa với gần 50% thị phần ngành đường. TTC  xác định lấy hoạt động kinh doanh thương mại theo nhu cầu thị trường làm trọng tâm, đẩy mạnh hoạt động R&D trở thành doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao - thương mại tiêu dùng tích hợp. Tiến tới khẳng định vị thế là nhà cung cấp các Giải pháp nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng phát triển bền vững, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị nông nghiệp, hàng hóa toàn cầu.

Tiên phong chuyển mình ngoạn mục, TTC hợp tác với người nông dân cùng nhau kiến tạo thế giới xanh cho nền nông nghiệp Việt Nam đón đầu xu thế mới với công nghệ làm nền tảng. Trên nền tảng đó,  TTC từng bước xây dựng thương hiệu TTC như một “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, thông qua việc tích hợp vấn đề Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) vào toàn bộ hoạt động. TTC cũng đặt tâm huyết cao cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ công ty sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp, theo định hướng chuyển đổi toàn diện Mô hình quản trị từ thuần Kỹ thuật Sản xuất sang Sản xuất - Xuất Nhập khẩu - Thương mại dịch vụ Nông nghiệp trên nền tảng phát triển đa quốc gia.

TTC hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh công nghiệp (B2B) và kinh doanh tiêu dùng (B2C): với hơn 75 dòng sản phẩm đường, trong đó có 8 dòng sản phẩm đường organic đạt chuẩn EU và USDA; 12 dòng sản phẩm Cạnh đường, Sau đường; 6 sản phẩm nước uống và 1 sản phẩm Điện mặt trời; Thuộc Top 20 cổ phiếu có điểm Phát triển bền vững tốt nhất thị trường với điểm ESG đạt hơn 90%; Hệ thống phân phối rộng khắp hơn 86.200 điểm bán lẻ và là nhà cung cấp đường lớn cho các công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành thực phẩm, đồ uống, dược phẩm…; Đáp ứng đa dạng các kênh khách hàng nội địa cũng như hơn 29 thị trường xuất khẩu - trong đó có những thị trường rất khắt khe về kiểm định chất lượng như Mỹ, Úc, châu Âu, Singapore…

Trước môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt cùng những thách thức chuyển dịch không ngừng của thị trường, Công ty nhận thức rõ ràng nông nghiệp hữu cơ mà công nghệ là yếu tố then chốt dẫn đến thành công cho những doanh nghiệp dám bứt phá để thay đổi cuộc chơi. Theo đó, TTC đã chủ động:

- Triển khai nền tảng Oracle Cloud ERP đồng bộ cho 34 đơn vị tại 5 nước Việt Nam, Úc, Singapore, Lào và Campuchia với mục tiêu tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính.

- Ứng dụng phần mềm quản lý đồng ruộng - FRM, ứng dụng điện toán đám mây để thu thập, phân tích thông tin canh tác giúp tối ưu công tác quản lý nông vụ và sản xuất cho Công ty cũng như người nông dân.

- Hướng tới quản trị toàn diện bằng công nghệ trên hệ sinh thái xuyên suốt và thống nhất chuẩn bị sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn trên thị trường quốc tế và khẳng định thế mạnh cạnh tranh.

Mang chuông ra nước ngoài

Cánh cửa hữu cơ cũng có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư khác. Năm 2018, L'amant Café là sản phẩm đặc biệt của Công ty CP Quốc tế L'amant của người Việt trên vùng đất đỏ bazan Gia Lai đã nhận được chứng nhận Organics của tổ chức USDA - Hoa Kỳ. Công ty bỏ hàng trăm tỷ đồng áp dụng các quy trình khoa học, nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 45 hécta theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Hoa Kỳ. Theo đó, nông trại hữu cơ USDA phải tránh sử dụng các hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay phân bón nhân tạo, những chất mà sau về dài sẽ gây hại cho môi trường. Đồng thời, môi trường làm việc của người lao động cũng được đảm bảo cho sức khỏe tốt nhất.

Với tiêu chí ba “Không”: Không pha trộn; Không tạp chất; Không tẩm ướp hương liệu phụ trợ, L’amant Café đã mang lại cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước những ly cà phê chất lượng và đúng chuẩn, sạch từ nông trại đến ly cà phê.

Ngày 25/2/2021, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu cà phê của Việt Nam vinh dự xuất lô sản phẩm cà phê đầu tiên đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Để vào được thị trường này, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường.

L’amant Café cũng là một trong những thương hiệu đại diện ngành hàng cà phê Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023), được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, từ ngày 16-19/9/2023. Trong sự kiện này, L’amant Café cho biết đã có hàng loạt biên bản ghi nhớ cùng các nhà phân phối Trung Quốc. Với bước đi này, L’amant Café chính thức bước chân vào thị trường trên 1 tỷ dân.

Trong khuôn khổ Hội chợ Cà phê quốc tế 2023 tại Ấn Độ, ngày 26/9/2023, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thương hiệu L’amant Café) đã ký kết biên bản ghi nhớ phân phối sản phẩm với đối tác tại thị trường Ấn Độ. Điều này lần nữa đánh dấu cột mốc mới trong hành trình mang cà phê hữu cơ Việt Nam ra thế giới của L’amant Café.

Như vậy, chỉ trong tháng 9 năm nay, cà phê hữu cơ Việt Nam đã “mang chuông” đến đánh tại 2 thị trường có số dân đông nhất hành tinh.

Kiến tạo thế giới xanh

Không chỉ ở trong nước, người Việt còn ra nước ngoài làm hữu cơ.  Mới đây, Nutifood đã quyết định đặt nhà máy sản xuất các sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ của mình tại Thụy Điển nhằm cung cấp cho thị trường EU và châu Á. Ngược lại, các nhà đầu tư FDI cũng đầu tư vào Việt Nam. Quỹ đầu tư SEAF của Mỹ rót vốn vào Công ty thực phẩm hữu cơ Organica. Nhận được vốn, Organica đã đầu tư cho nhiều hộ nông dân chuyển sang canh tác nông nghiệp không hóa chất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là một cánh cửa mới cho tiêu thụ nông sản nước ta. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xếp Việt Nam hạng thứ 51/179 quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; có 50 công ty Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với các mặt hàng nông sản gồm rau, củ, dừa và sản phẩm dừa, gạo, trái cây sấy…

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm hữu cơ nước ta hiện diện ngày càng nhiều ở nước ngoài. Các sản phẩm Việt Nam gồm các loại Gạo hữu cơ thương hiệu OrgaGro, bột ca cao thương hiệu T-Bros, Túi xách từ xơ sợi, Quần áo Bảo hộ lao động và các sản phẩm làm vườn từ chất liệu xơ dừa... đã tham gia triển lãm tại Hội chợ Go Green Expo, New Zealand. Trong những ngày Hội chợ, khách tham quan được dùng thử 7 loại gạo hữu cơ được nấu tại chỗ như gạo Jasmine, Ngọc An, Phú Qúy, Japonica (gạo sushi), gạo Lứt Jasmine, Lài Tím và Lứt Thảo dược và bột ca cao hiệu T-Bros… đã đánh giá cao chất lượng vượt trội và giá thành hợp lý của các sản phẩm gạo hữu cơ của Việt Nam. Kết quả là, đầu năm nay, 7 sản phẩm gạo hữu cơ thương hiệu Orgago của Việt Nam đã được đưa vào hệ thống bán lẻ của chuỗi siêu thị thuộc tập đoàn Foodstuffs, một trong hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất New Zealand sở hữu các thương hiệu siêu thị gồm New World, Pak’nSave, Four Square và Gilmours.

Năm 2019, Công ty TNHH thực phẩm Amazon ký với Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) xuất khẩu đi Nhật Bản 1.000 thanh chocolate hữu cơ sản xuất theo quy trình hữu cơ. Con số 1.000 thanh chocolate khiêm tốn đã vượt qua được những tiêu chí khắt khe của người tiêu dùng, nên hiện Tập đoàn Cpoint Corporation (Nhật Bản) quyết định mở rộng hợp tác với Công ty Amazon nước ta trồng 40 ha ca cao hữu cơ tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm nâng công suất xuất khẩu sang Nhật Bản. Từ đó đến nay, Công ty tiếp tục mở rộng thị trường chocolate hữu cơ sang các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Sự hiện diện sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp Việt tại trong và ngoài nước đã mở ra một cánh cửa mới cho nông nghiệp nước nhà. Nhưng quan trọng hơn, thông qua sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp Việt đã cùng nông dân Việt đang kiến tạo một thế giới xanh trên thực địa, và trong mắt người tiêu dùng khắp hành tinh này.

Hoàng Long