Đã đến lúc chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất nông sản với tín hiệu thị trường

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định các giải pháp thị trường đang được xúc tiến mạnh mẽ, tuy nhiên ngành nông nghiệp cần làm tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường.

Phát biểu tại Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 7/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tựu chung lại 3 vấn đề mà các đại biểu quốc hội quan tâm có liên quan đến ngành Công Thương, hay cũng là 3 câu hỏi, 3 bài toán cần có lời giải:

Một là, nông sản của chúng ta có trở thành hàng hóa được không, có bán ra thế giới được không và nếu bán thì phải làm thế nào?

Hai là, làm thế nào để kiềm chế việc giá vật tư đầu vào cao, giúp cho người sản xuất nông nghiệp có lãi?

Ba là, làm thế nào để hạn chế câu chuyện “được mùa mất giá”?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 7/6/2022
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 7/6/2022

"Công - nông liên minh"

Trước hết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, từ rất nhiều năm qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quan hệ rất tốt. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai ngành đã có một chương trình phối hợp toàn khóa, kế hoạch hàng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố từng việc. Có thể nói, nhờ vậy, nhiều vấn đề bức xúc cũng đã được giải quyết. 

Tuy nhiên, tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, để từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa, tức là sản xuất cái mà thị trường cần chứ không phải làm những thứ mà mình vẫn làm theo truyền thống, theo thói quen; rồi sang tư duy kinh tế nông nghiệp như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ; thì “đó là cả một câu chuyện rất lớn mà chúng ta phải nỗ lực rất cao”.

Nông nghiệp truyền thống - nông nghiệp hàng hóa - kinh tế nông nghiệp là bước chuyển đổi tất yếu. Nền nông nghiệp của Việt Nam tuy đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường, nhưng vẫn mang đậm tính tự túc, tự cấp; sản xuất quy mô manh mún, nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường, kể cả tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu ra nước ngoài.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa thông qua nhiều hoạt động:

Thứ nhất, khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường. 

Thứ hai, làm tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất. Sử dụng hiệu quả lực lượng cán bộ thương vụ của Việt Nam ở ngoài nước để thường xuyên hàng tháng, hàng quý cung cấp thông tin thị trường của các nước; khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu này. 

Thứ ba, trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, phối hợp đàm phán để đưa các sản phẩm trái cây, nông sản vào thị trường nước ngoài. 

Thứ tư, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục, thuận lợi hóa thương mại quốc tế.

Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 7/6/2022

Để nông sản tự tin ra thế giới

Từ giác độ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định nông sản của chúng ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới.

Việt Nam giờ là thành viên của 17 FTA với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng gần 7 tỷ người tiêu dùng. Thị trường của chúng ta rất rộng mở.

Sản phẩm nông sản của Việt Nam từng vào được những thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều này minh chứng rằng những sản phẩm xuất khẩu được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

“Như vậy là người sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi ở đây đã quán triệt được tinh thần là bán ra những cái mà thị trường cần chứ không phải là bán cái mà mình có. Việc sản xuất này đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, đã theo tín hiệu thị trường”, Bộ trưởng phân tích.

Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam bước dài hơn ra thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu một số giải pháp:

Một là, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các ngành chức năng làm thật tốt việc thông tin thị trường và thông qua việc thông tin thị trường thì định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương. 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán để đưa các sản phẩm của chúng ta vào thị trường các nước và khai thác được lợi thế của 17 FTA thế hệ mới Việt Nam đã ký.

Ba là, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với các Bộ, ngành tháo gỡ, thuận lợi hóa các thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại để hàng hóa của ta xuất khẩu ra nước ngoài thuận lợi hơn, giảm các chi phí. 

Bốn là, triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu theo đường chính mà Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng. Đến nay Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo đề án và đang lấy ý kiến của một số Bộ, ngành, địa phương. Hiện mới có 18/63 địa phương có ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm có ý kiến để Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt Đề án trong tháng 6/2022, làm cơ sở cho việc thực hiện. 

Năm là, tham mưu cơ chế khuyến khích xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông sản, phải theo hướng chính ngạch.

Sáu là, đẩy mạnh thương mại điện tử. Một mặt phát triển thương mại truyền thống, phát triển thị trường trong nước nhưng cũng phải phát triển mạnh thị trường ngoài nước và thương mại điện tử. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ngày 7/6/2022

Đối với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị làm tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi; tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, cần có sự liên kết trong quá trình sản xuất, không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, “không ai khác, chính chúng ta phải làm tốt cho mình thì mới làm tốt được cho khách hàng”. 

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là rất quan trọng. 

“Thực tiễn chứng minh là vừa qua nếu ở đâu cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, thay cho vai trò của hợp tác xã truyền thống trước đây, thì ở đó sản phẩm nông sản chúng ta trở thành hàng hóa được”.

Liên quan đến câu chuyện “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng giải pháp trước mắt vẫn là khuyến cáo các địa phương phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường. 

Trong dài hạn, Bộ trưởng đề nghị tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, tức là phải tích tụ đất đai rồi là liên kết sản xuất để có quy mô sản phẩm lớn, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. 

Hai là, gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường. 

Ba là, tổ chức các hệ thống phân phối thương mại cả trong nước và ngoài nước theo hướng hiện đại. 

Bốn là, liên kết các mô hình nông dân, mô hình hợp tác xã kiểu mới. 

Năm là, phối hợp trong các khâu sản xuất, thu gom, chế biến.

Cuối cùng, tăng cường cơ chế kiểm soát để có thể bảo vệ sản phẩm của ta ra nước ngoài đạt kết quả cao nhất. 

Hỗ trợ người dân bằng công cụ giảm thuế - kiểm soát thị trường - chính sách an sinh 

Liên quan đến vấn đề giá vật tư đầu vào tăng cao mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay tình trạng giá vật tư tăng cao và khan hàng là khá phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao bởi chính sách kích cầu của nhiều quốc gia. 

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, đã bằng mọi công cụ chính sách, đặc biệt là chính sách giảm một số loại thuế; các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm tiền điện, giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất. 

Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ việc tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu, theo đó hạn chế xuất khẩu những mặt hàng mà trong nước cần và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục áp dụng những chính sách, biện pháp nêu trên; đặc biệt sẽ cùng với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền để có thể nghiên cứu điều chỉnh lại một số loại thuế, hoặc trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào hay giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì phải sử dụng những công cụ chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế.

Theo Bộ trưởng, để tiếp tục “bám biển”, vươn khơi làm chủ biển và đồng thời cũng là phát huy khai thác kinh tế biển, thì rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần phải một mặt bằng các công cụ thuế, quỹ bình ổn để chúng ta kiểm soát và kiềm tốc độ gia tăng của giá; thứ hai là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; và điều thứ ba quan trọng hơn là phải có những chính sách an sinh hỗ trợ cho những đối tượng này.

“Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh, thông qua việc hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển”, Bộ trưởng nhận định.

Thy Thảo