Đà Nẵng: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng gấp đôi cả nước

Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP. Đà Nẵng ước đạt 83.895 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ, cao gấp đôi so với mức tăng của cả nước.

Thời gian qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP. Đà Nẵng tiếp tục được thúc đẩy với nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai.

bán lẻ hàng hóa
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP. Đà Nẵng ước đạt 83.895 tỷ đồng.

Nhu cầu mua sắm ưu tiên các mặt hàng thiết yếu

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố tháng 8/2023 ước đạt 10.977 tỷ đồng, giảm 7,5% so với tháng trước; tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 83.895 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước đạt 5.734 tỷ đồng, giảm 1% so với tháng trước và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán lẻ trong siêu thị và trung tâm thương mại ước đạt 276 tỷ đồng tăng 2% so với tháng trước và giảm 6,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022.

So với tháng 7/2023 có 6/12 nhóm ngành tăng, trong đó: vật phẩm văn hóa, giáo dục (+18,3%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+3,4%); xăng, dầu các loại (+3,2%); hàng may mặc (+3,1%); nhiên liệu khác trừ xăng, dầu (+2,3%); lương thực thực phẩm (+1,7%); 6/12 nhóm ngành giảm, gồm: ô tô các loại (-12,3%); phương tiện đi lại khác trừ ô tô (-8,1%); gỗ và vật liệu xây dựng (-6,2%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (-4,0%); sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ (-2,8%); hàng hóa khác (-0,6%).

So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ trong tháng 8 ước giảm 0,2%, trong đó các nhóm hàng giảm gồm: phương tiện đi lại khác trừ ô tô (-22,8%); nhiên liệu khác trừ xăng, dầu (-19,8%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (-11,8%); hàng may mặc (-11,4%). Sự sụt giảm của tổng mức bán lẻ trong tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm trước là do quý 3/2022 nói chung và tháng 8/2022 nói riêng được xem như là đỉnh của tăng trưởng năm 2022, trong khi sức mua năm nay (đặc biệt nhóm phương tiện đi lại và ô tô các loại) giảm đáng kể do tình hình kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng trong dân phần lớn ưu tiên tập trung vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Đà Nẵng
(Nguồn: Cục Thống kê TP. Đà Nẵng).

9/12 nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ

Tính chung 8 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 44.963 tỷ đồng tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 9/12 nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt có một số nhóm doanh thu tăng khá cao như: sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ (+30,8%); gỗ và vật liệu xây dựng (+22,7%); đồ dùng, trang thiết bị gia đình (+19,9%). Bên cạnh đó, có 3/12 nhóm hàng có doanh thu giảm gồm: hàng may mặc; ô tô các loại; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2023 của TP. Đà Nẵng tăng khá cao so với mức chung của cả nước.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 của cả nước ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).

Thanh Hà