Đại biểu quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá thế nào về phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh?

Trong căn phòng nhỏ trên gác ba, nơi nhìn ra đường Trần Hưng Đạo nhộn nhịp dòng xe cộ, nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong những đại biểu Quốc hội lâu năm nhất, liên tục từ 2002 đến nay, chia sẻ cảm nhận của mình về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương trong sáng 7/11/2019
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, sáng ngày 7/11/2019

Chất vấn giúp điều chỉnh chính sách

Là người có cơ hội được tham gia các cuộc chất vấn ở Quốc hội khá lâu, tôi có thể thấy rõ sự thay đổi, và tất nhiên, thay đổi là tiến bộ, gắn với chất lượng các cuộc chất vấn.

Cái tôi quan tâm nhất là tâm thế người trong cuộc. Nếu thời kỳ đầu cách đây 5-7 năm trở về trước, người ta luôn có cảm giác là bị chất vấn, mang ra chỗ đông để  “quay”.

Thế nhưng ngày càng thấy tâm thế có thay đổi. Các Bộ trưởng cảm nhận được chất vấn là một cơ hội, là dịp để thể hiện mình, giải đáp những cái thắc mắc trong đời sống, và đưa ra những thông điệp của mình, của ngành; tìm sự chia sẻ cũng như nghiêm túc chấp nhận những đóng góp, ý kiến của xã hội đối với lĩnh vực của mình.

Và người ta cũng thấy cái chất lượng ở cả ba chiều: người hỏi, người trả lời, và công tác điều hành.

Những phiên chất vấn trở thành nơi để người ta thuyết phục nhau, là nơi có thể thu thập ý kiến người dân. Thông qua đối đáp làm rõ thêm một số vấn đề, giúp cho những nhà điều hành có thể điều chỉnh được chính sách, kể cả hành vi, tác phong, cung cách làm việc của mình.

Với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương năm nay, ai cũng biết đây là lĩnh vực rất năng động và phức tạp, điều hành rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Và đương nhiên việc điều hành phải kế thừa các cái nhiệm kỳ trước, đã để lại những di sản để tiếp thu, phát triển, và những di sản cần phải khắc phục.

Chẳng hạn những vụ việc, những công trình bị thất thoát, dự án không hiệu quả, đắp chiếu gây rất nhiều những bức xúc. Hơn nữa, việc điều hành cũng nằm trong cái tổng thể phát triển của xã hội. Bởi lẽ chúng ta hội nhập với thế giới, chúng ta phải chịu ràng buộc rất nhiều cam kết, với nhiều tác động không phải từ phía mình, đó là điều khiến cho sự điều hành phải rất nhạy bén, linh hoạt. Chính vì thế, cách thể hiện, cách trình bày, cách thuyết phục người khác không đơn giản.

Tôi rất chú ý khi thấy phương tiện truyền thông đưa những thông điệp của người dân, của cử tri, nhất là những cử tri gắn liền với những tác động của hoạt động ngành Công Thương. Rõ ràng người ta đòi hỏi rất nhiều. Và từ chủ trương, chính sách, đường lối đi vào đến đời sống là sự vận hành của cả bộ máy. Cho nên Bộ trưởng là người ở trên thượng tầng, Bộ trưởng nắm được những cái lớn, cho dù người sâu sát đến mấy cũng không thể phản ánh được hết tính đa dạng của đời sống và sự đa dạng của ngành của mình.

Thuyết phục nhân dân cùng tham gia

Khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời một loạt các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, điện mặt trời, đưa điện về nông thôn, một số vấn đề về quản lý thị trường, cái tôi muốn nhìn ở Bộ trưởng là bản lĩnh; nghĩa là làm sao để sáng tỏ vấn đề. Về phía người nghe, cuối cùng mỗi người sẽ có nhận thức khác nhau, kể cả sự phán quyết về đúng sai, nên hay không nên.

Nhân dân có thể tham gia vào giải quyết những vấn đề của ngành điện thông qua đóng góp ý kiến của cử tri hay sử dụng tiết kiệm điện
Nhân dân có thể tham gia vào giải quyết những vấn đề của ngành điện thông qua đóng góp ý kiến của cử tri hay bằng hành động sử dụng tiết kiệm điện

Tôi lấy ví dụ như những câu chuyện liên quan đến điện hiện nay, là một trong những lĩnh vực chủ công và quyết định cho sự phát triển chung của ngành Công Thương. Rõ ràng phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhiệm vụ đặt ra và hạ tầng cho phép, bản thân người sử dụng điện nữa. Thiếu điện thì nhà nước chỉ có một cách duy nhất là tăng nguồn điện thôi, nhưng quan trọng nhất là làm sao cho người dân tiết kiệm điện, sử dụng điện có hiệu quả. Đó là điều không đơn giản.

Nên tôi rất là muốn khi mà nêu lên những khó khăn, hay những vướng mắc trong ngành của mình, thì làm sao Bộ trưởng thuyết phục được rằng chính yếu tố có thể giải quyết được một cách bền vững và căn bản là người dân phải tham gia vào quá trình này, chứ không phải chỉ đứng ngoài quan sát hay tiêu thụ, hiểu theo mối quan hệ kinh tế, thì đó là thành công.

 Nghe Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời hàng loạt vấn đề, tôi nghĩ Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, cho nên có thể đáp ứng được số đông, nhưng chắc chắn còn những vấn đề đi vào những vụ việc cụ thể thì khó có thể giải quyết hết được trên một diễn đàn như này.

Tôi rất tin là chất vấn có thể tạo ra cái tập quán đáng ghi nhận, là các cơ quan chủ quản của ngành rất nghiêm túc trong việc trả lời các đại biểu quốc hội, nhất là những đại biểu không có cơ hội phát biểu trong cuộc chất vấn ấy. Kinh nghiệm của tôi chẳng hạn, tất cả những gì chúng tôi có văn bản thì đều được trả lời tương đối nghiêm túc.

Tôi cho đây cũng là một cách tạo mới quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Quốc hội và cơ quan hành pháp. Cuối cùng tôi cho rằng phiên chất vấn sẽ thành công nếu như cảm xúc chung của cả người hỏi và người đáp là ở chỗ cùng chia sẻ trách nhiệm.

Phương Thảo - Tứ Liên (ghi)