Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng các đề án khuyến công

Thời gian vừa qua hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, tạo diện mạo mới cho các cơ sở sản xuất tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp khi nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công đều đã đi vào hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, Mặt khác, đã khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã triển khai thực hiện 16/16 đề án. Tuy nhiên, vì diễn biến dịch covid-19 phức tạp nên có 2 đề án không kịp triển khai theo tiến độ nên đã không nghiệm thu được. Do vậy, nghiệm thu, thanh quyết toán 14/16 đề án với tổng kinh phí thực hiện 4.899 tỷ đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 1.759 tỷ đồng, kinh phí đối ứng 3.140 tỷ đồng. 

Theo đó, Trung tâm đã chú trọng triển khai thực hiện được 12 đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đúng theo mục tiêu của chương trình khuyến công như: Hỗ trợ dây chuyền chế biến nấm; ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất bột cacao, socola, cà phê bột, bún, trà mãng cầu và gia công tôn trên địa bàn các huyện Ea Súp, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Cư M’gar, EaKar, KRông Năng và Thành phố Buôn Ma Thuột.

Các cơ sở CNNT ứng dụng các máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm

Có thể thấy, quy mô và chất lượng các đề án Khuyến công tỉnh Đắk Lắk ngày càng nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển CNNT ở một số địa phương. Các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị nghiệm thu và đưa vào hoạt động đã giúp cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng các máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho các cơ sở CNNT. Các đề án hỗ trợ khuyến công đã giúp lan tỏa, khuyến khích các cơ sở CNNT đổi mới, cải tiến công nghệ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, có những đề án, mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tăng giá trị sản xuất CNNT, giảm nghèo bền vững, là mô hình mẫu, tác động nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác học tập, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm lực của ngành công nghiệp khu vực nông thôn, đưa ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk (Trung tâm) đang thực hiện 23 đề án thuộc kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 năm 2022, bao gồm các đề án. Với tổng kinh phí là 5,374 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2,515 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là 2,859 tỷ đồng. Phần lớn nguồn kinh phí năm 2022 được dùng để thực hiện nội dung hỗ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận công nghệ và và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Quy mô và chất lượng các đề án Khuyến công tỉnh Đắk Lắk ngày càng nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển CNNT ở một số địa phương

Đồng thời, năm 2022 Trung tâm tiếp tục mục tiêu triển khai xây dựng thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả, đúng tiến độ, tăng cường hoạt động tư vấn công, tư vấn có thu, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ khác khi được giao.

Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế Thị xã, Thành phố để hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thụ hưởng trong quá trình thực hiện việc lập kế hoạch, lập đề án và triển khai thực hiện đề án; Xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án của đơn vị thụ hưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo việc hoàn thành, nghiệm thu đề án đúng tiến độ, bảo đảm việc hỗ trợ có hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu, đúng quy định của Pháp luật..

Với việc thực hiện đồng bộ các mục tiêu trên sẽ giúp hoạt động khuyến công tỉnh Đắk Lắk góp phần thúc đẩy công nghiệp khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Bảo Khánh