Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 98,7% so với tháng 2/2009 do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2010 có dấu hiệu phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp gần bằng các năm trước khủng hoảng kinh tế năm 2009. Tính chung 2 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 114,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,1% (khu vực kinh tế Trung ương tăng 11,2%; khu vực kinh tế địa phương giảm 3,0%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 15,4%. Các sản phẩm công nghiệp như: điện tăng 19%, than sạch tăng 8,7%, khí đốt tăng 12,3%, điều hoà nhiệt độ tăng 85,7%, tủ lạnh tủ đá tăng 49,6%, thuốc lá tăng 13,3%, bia tăng 18,8%, ... đã góp phần rất lớn vào việc ổn định sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương có mức tăng trưởng cao 22,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tốc độ tăng của một số doanh nghiệp cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng 21,1%; Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam tăng 39,5%; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp tăng 88,3%; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp tăng 27,5%; Tổng công ty Thiết bị điện tăng 75,4%; Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam tăng 20,4%; Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần; Tổng Công ty Giấy Việt nam tăng 65,8%, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tăng 20,8%; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tăng 34,4%; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tăng 18,7%;..

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm 2 tháng tăng so với cùng kỳ như: Hà Nội tăng 5,1%, Hải Phòng tăng 14,8%; Vĩnh phúc tăng 53,2%; Hải Dương 26,4%; Phú Thọ 61,0%; Quảng Ninh tăng 15,6%; Thanh Hoá tăng 14,9%; thành phố Đà Nẵng tăng 44,1%; Khánh Hòa tăng 6,0%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 17,9%; Bình Dương tăng 35,1%; Đồng Nai tăng 19,3%; Cần Thơ tăng 5,4%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 2 ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng 2/2009, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 1,85 tỷ USD, tăng 16,5%; doanh nghiệp trong nước ước đạt 1,74 tỷ USD, giảm 42,2%. Tính chung 2 tháng ước đạt 8,91 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ; trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,24 tỷ USD, tăng 49,3%; doanh nghiệp trong nước ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 24,3%.

Xét theo nhóm hàng: tháng 2, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 0,79 tỷ USD, giảm 23,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 0,45 tỷ USD, giảm 29,9%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 2,01 tỷ USD, giảm 33,4% so với tháng 2/2009. Tính chung 2 tháng, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 1,84 tỷ USD, tăng 2,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,12 tỷ USD, giảm 11,7%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 4,62 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu 2 tháng của một số mặt hàng chủ yếu như: dầu thô ước đạt 1,36 triệu tấn, giảm 51,3% về lượng và giảm 15,4% về kim ngạch; dệt may 0,15 tỷ USD, tăng 16,8%; da giày 0,68 tỷ USD, tăng 4,0%; sản phẩm gỗ 0,47 triệu USD, tăng 29,2%; linh kiện điện tử 0,41 tỷ USD, tăng 30,6%; thuỷ sản 0,23 tỷ USD, tăng 19,2%; gạo 781 nghìn tấn, giảm 24,9% về lượng và giảm 6,8% về kim ngạch.

Tuy nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm có sự tăng trưởng nhẹ do giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện như: giá hạt điều tăng 20,6%, chè các loại tăng 2,4%, hạt tiêu tăng 12,6%, gạo tăng 24,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 91,9%, than đá tăng 44,7%, dầu thô tăng 74,0%, cao su tăng 84,5%... Như vậy, riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 604 triệu USD.

Sự phục hồi của nền kinh tế một số nước trong khối EU chậm nên xuất khẩu tháng 2 vào một số thị trường chính giảm nhẹ 2,2% so với tháng 2/2009. Tuy nhiên, với thị trường Châu Á tăng 4,6%; Hoa Kỳ tăng 23,8%; Trung Quốc tăng 26,3%. Tính chung 2 tháng , xuất khẩu vào một số thị trường chính so với cùng kỳ như sau: Châu Á tăng 31,9%; EU tăng 0,5%; Hoa Kỳ tăng 25,8%; Trung Quốc tăng 54,4%. Thị phần kim ngạch xuất khẩu 2 tháng của các khu vực như sau: Châu Á chiếm 48,7%; Châu Âu chiếm 19,0%; Châu Mỹ chiếm 23,5%; Châu Phi chiếm 1,3%; Châu Đại Dương chiếm 4,5%; thị trường khác chiếm 2,9%

Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 2 ước đạt 4,7 tỷ USD, giảm 21,1% so với tháng 1, trong đó, kim ngạch của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 20,7%, chiếm tỷ trọng 40,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu; doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 74,8%, chiếm tỷ trọng 59,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 2 tháng ước đạt 10,66 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ chủ yếu do nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 51,2%.

Nhóm hàng cần thiết nhập khẩu 2 tháng ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng cần phải kiểm soát nhập khẩu ước đạt 0,72 tỷ USD, tăng 46,8%; nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 70,5%.

So với cùng kỳ, tình hình nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 2 tháng như sau: xăng dầu giảm 19% về lượng và tăng 20% về kim ngạch; thép các loại tăng 39,8% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch; phân bón tăng 20,3% về lượng và 16,8% về kim ngạch; giấy các loại tăng 5,6% về lượng và tăng 23,7% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu tăng nhẹ về lượng nhưng tăng tới 45,9% về kim ngạch, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện tăng 59,7%;...

Cũng như xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao: giá xăng dầu các loại tăng 48,2%; khí đốt tăng 44,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 43,2%; sợi các loại tăng 34,6%; phôi thép tăng 18,9%; kim loại thường tăng 53,0%;... Như vậy, riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng 602 triệu USD.

Tháng 2, tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các thị trường chính so với cùng kỳ: Châu Á tăng 10,4%; Châu Âu tăng 1,6%; Châu Mỹ tăng 29,7%; Châu Đại Dương tăng 11,2%. Tính chung 2 tháng: Châu Á tăng 41%; Châu Âu tăng 29,3%; Châu Mỹ tăng 66,2%; Châu Đại Dương tăng 35,4%;... Thị phần kim ngạch nhập khẩu 2 tháng của một số thị trường so với cùng kỳ: Châu Á chiếm 78,8%; Châu Âu chiếm 10,7%; Châu Mỹ chiếm 6,0%; Châu Đại Dương chiếm 1,6%;...