Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM) tiếp tục kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT

Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, hai doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn nhất cả nước, vừa có kiến nghị khẩn thiết đến Quốc hội và Chính phủ về việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT.

Giá thành tăng tới 8% do phải hạch toán thuế VAT đầu vào vào chi phí

Phân bón Đạm Cà Mau Tạp chí Công Thương

Theo kiến nghị của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, việc hạch toán phần thuế VAT đầu vào vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng lên từ 5% - 8%.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) đã cùng có những kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ về việc sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật số 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 0% hoặc 5%.

Cụ thể, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015.

Khi Luật số 71/2014/QH13 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về Thuế được thực thi, mặt hàng phân bón đã được chuyển từ diện áp dụng thuế Giá trị gia tăng (VAT) 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT từ năm 2015 đến nay. Theo đó, toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón của các doanh nghiệp không được khấu trừ, do đó doanh nghiệp phải hạch toán phần thuế này vào phần chi phí.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ là đối tượng tác động trực tiếp cũng như là đối tượng điều chỉnh giá bán.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phân bón đầu tư nhà xưởng, máy móc..., các khoản mục này đều phải tính thuế VAT. Tuy nhiên, do giá bán phân bón không tính thuế VAT nên không được khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất.

Xem thêm: "Nhu cầu chững, giá bán giảm tiếp tục thách thức ngành thép trong quý 3/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo kiến nghị của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, việc hạch toán phần thuế VAT đầu vào vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng lên từ 5% - 8%. Thực tế này buộc Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác trong nước phải tăng giá bán thành phẩm để bù đắp phần chi phí phát sinh.

Từ đó, người nông dân phải mua phân bón sản xuất trong nước với giá cao hơn. Một số đại diện doanh nghiệp phân bón trong nước cho biết những lúc giá phân bón biến động tăng mạnh nhưng giá sản phẩm nông sản bấp bênh như năm 2022 vừa qua thì doanh nghiệp vừa khó bán hàng ra, nông dân cũng khó mua được phân bón, lợi nhuận của người nông dân cũng bị thu hẹp.

Đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà

Phân bón Đạm Cà Mau

Việc giá phân bón trong nước buộc phải bán ở mức giá cao đang gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành phân bón trong nước đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu.

Các chuyên gia ngành phân bón cũng cho biết chính sách thuế VAT phân bón như hiện nay còn khiến cho ngành phân bón Việt "thua ngay trên sân nhà" vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ở các nước khác, do thuế VAT đối với mặt hàng xuất khẩu là 0% nên nhà sản xuất được hoàn thuế VAT đối với toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế VAT và giá thành sản phẩm xuất khẩu của họ không bao gồm thuế VAT của chi phí đầu vào.

Hơn nữa, do được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp phân bón nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước lại chịu bất công như trên, một số chuyên gia ngành phân bón chia sẻ.

Xem thêm: "Tập đoàn Novaland (NVL): Kiến nghị đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Những thực tế này đi ngược lại hoàn toàn so với mục tiêu ban đầu khi xây dựng chính sách thuế VAT phân bón của Luật thuế số 71/2014/QH13. Đây cũng là những vấn đề được các doanh nghiệp phân bón trong nước kiến nghị trong gần 8 năm vừa qua. Đây là bất cập kéo dài từ nhiều năm nay, mặc dù đã có nhiều phản hồi từ Hiệp hội Phân bón, tọa đàm, hội thảo nhưng chưa được giải quyết.

Với thực trạng trên, nhiều quan điểm đồng thuận về việc chính sách thuế đối với phân bón cần có sự thay đổi phù hợp tình hình và theo đúng định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón. Do đó, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kiến nghị cấp bách đến Quốc hội, Chính phủ sớm có những điều chỉnh, sửa đổi để chính sách thuế đối với phân bón thật sự mang lại lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

Duy Quang