Đạm Phú Mỹ (DPM): Phục hồi theo đà tăng của giá phân bón và tỷ giá

Hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ được nhận định sẽ ở mức tích cực trong nửa cuối năm nay khi giá phân bón phục hồi và hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng.

Giá phân bón đã tạo đáy và đang dần phục hồi

Doanh thu Đạm Phú Mỹ DPM Tạp chí Công Thương
Doanh thu thuần, lãi ròng và biên lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ qua các năm. (Nguồn: BCTC công ty, ABS Research)

Trong nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) đối mặt nhiều yếu tố bất lợi trên thị trường khi giá bán các loại phân bón đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp phân bón này mới hoàn thành 40,1% mục tiêu doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Theo đánh giá của ABS Research, hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ trong nửa cuối năm nay sẽ có sự phục hồi, chủ yếu nhờ giá bán các loại phân bón được cải thiện. ABS Research nhận định giá phân bón thế giới đã tạo đáy trong tháng 6/2023 và đang trên đà hồi phục với tốc độ chậm.

Giá phân bón thế giới
Diễn biến giá phân ure trên thị trường quốc tế những tháng gần đây. (Nguồn: TradingView, ABS Research)

Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho phân bón tại Trung Quốc đang giảm sâu kể từ tháng 7/2023 do một số nhà máy tại nước này đóng cửa bảo dưỡng và nhu cầu tăng cao cho vụ Hè. Đồng thời, việc Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen khiến tình hình giao thương hàng hoá, bao gồm ngũ cốc và phân bón, qua khu vực Biển Đen gặp khó khăn. Hiện nhiều quốc gia đang lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực có thể xảy ra và đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng lên.

Đối với thị trường trong nước, sản lượng tiêu thụ phân bón của Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh giá nhiều loại nông sản đạt mức cao, thúc đẩy nông dân mở rộng canh tác, kéo theo đó là lượng phân bón được sử dụng nhiều hơn. Tổng sản lượng Đạm Phú Mỹ đã bán ra trong nửa đầu năm nay là 480.400 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng quý 2/2023 ghi nhận sản lượng kinh doanh đạt 267.200 tấn, tăng 25,3% so với quý 1/2023 và tăng 31% so với quý 2/2022. Qua đó cho thấy nhu cầu tiêu thụ đã được cải thiện rõ rệt.

Sản lượng phân bón Đạm Phú Mỹ
Cơ cấu sản lượng các sản phẩm phân bón của Đạm Phú Mỹ qua các năm. (Nguồn: ABS Research)

ABS Research lưu ý, việc giá lúa gạo tăng cao kỷ lục sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng lên, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được xem là “vựa lúa” cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng khi Ấn Độ và một số quốc gia khác ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu gạo.

Thêm vào đó, ngành nông nghiệp tại hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Indonesia và Philippines có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của El Nino trong thời gian tới. Triển vọng tích cực về giá phân bón và sản lượng bán hàng sẽ được phản ánh rõ ràng hơn trong quý 4 khi bắt đầu vào vụ lúa Đông – Xuân.

Xem thêm: "Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt xa Thái Lan, thị trường "nín thở" đợi sản lượng vụ Hè Thu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hưởng lợi từ tỷ giá tăng, nền tảng tài chính vững mạnh

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ được nhận định sẽ hưởng lợi khi tỷ giá tăng. Doanh thu từ xuất khẩu đóng góp 18% tổng doanh thu của doanh nghiệp phân bón này trong năm 2022.

Tỷ giá USD/VND đã tăng 2,2% kể từ đầu năm đến nay và dự báo tiếp tục tăng khi sắp tới mặt bằng lãi suất tại Việt Nam có thể tiếp tục giảm. Điều này sẽ giúp giá phân bón Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu phân bón cao như Đạm Phú Mỹ sẽ được hưởng lợi. Trong tháng 7 vừa qua, doanh thu xuất khẩu của Đạm Phú Mỹ đã đạt hơn 1 triệu USD, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, do hàng tồn kho giá cao của Đạm Phú Mỹ đã được bán và hạch toán chi phí trong 2 quý vừa qua nên trong các quý tới, chi phí đầu vào sẽ giảm xuống, cùng với việc giá bán tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tính đến cuối quý 2/2023, các khoản phải thu của Đạm Phú Mỹ đạt 597 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm đã giảm 40% so với đầu năm, xuống còn 2.338 tỷ đồng. Số ngày hàng tồn kho giảm từ 99 ngày trong quý 1/2023 xuống còn 86 ngày trong quý 2/2023.

Dự án Đạm Phú Mỹ DPM
Danh sách các dự án phân bón và hoá chất của Đạm Phú Mỹ trong giai đoạn 2023 - 2030. (Nguồn: Đạm Phú Mỹ, ABS Research)

ABS Research nhận định Đạm Phú Mỹ là một trong số ít các doanh nghiệp phân bón có sức khoẻ tài chính tốt. Tổng nợ vay tính đến ngày 30/06/2023 của Đạm Phú Mỹ là 641 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 237 tỷ đồng (tăng 17% so với đầu năm), nợ dài hạn là 404 tỷ đồng (giảm 20% so với đầu năm). Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) của Đạm Phú Mỹ chỉ ở mức 0,05 lần, thấp hơn so với mức trung bình ngành là 0,17.

Doanh nghiệp phân bón này cũng đang nắm giữ 7.968 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 53% tổng tài sản (tính đến ngày 30/06/2023).

Về triển vọng dài hạn ABS Research đánh giá Đạm Phú Mỹ vẫn còn dư địa phát triển nhờ vào các dự án phân bón và hóa chất giai đoạn 2023 – 2030. Cụ thể, Đạm Phú Mỹ hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng Ure với 46% thị phần, tuy nhiên, thị phần mảng NPK còn khiêm tốn ở mức 19%. Nhà máy NPK của Đạm Phú Mỹ mới chỉ hoạt động 62% công suất trong năm 2022. Theo đó, sản lượng và thị phần NPK của doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng khi nhà máy hoạt động với công suất tối đa.

Các dự án hóa chất trong giai đoạn 2023 – 2026 của Đạm Phú Mỹ cũng được kỳ vọng đem lại lợi nhuận tốt khi mảng hóa chất tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng do nguồn cung còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu.

Quỳnh Trang