Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

TS. LƯU THẾ VINH và ThS. PHẠM THỊ THU HƯƠNG (Trường Đại học Hùng Vương)

TÓM TẮT:

Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, mặc dù vậy đến nay du lịch Phú Thọ phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của mình. Từ khi Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy được ban hành và triển khai thực hiện, du lịch Phú Thọ cũng có những bước thay đổi đáng kể. Bài viết này đề cập đến một số những kết quả trong lãnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ thời gian qua.

Từ khóa: Phú Thọ, du lịch, Nghị quyết số 14-NQ/TU, kinh tế mũi nhọn.

1. Mở đầu

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết là định hướng quan trọng và thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Năm 2017 là năm đầu tiên Phú Thọ triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Phú Thọ về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ là một trong bốn khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, du lịch Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ:

2. Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết được triển khai kịp thời

Phú Thọ là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, cũng như du lịch khám phá, du lịch tâm linh. Từ khi Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 02/1/2006 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân đã quan tâm cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản nhằm phát triển du lịch Phú Thọ thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, như: Chương trình số 987/CTr-UBND ngày 01/6/2006 về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010; Đề án số 3020/ĐA-UBND ngày 28/9/2009 về xây dựng điểm du lịch tạo các tuyến du lịch lễ hội giai đoạn 2009 - 2015; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 19/10/2011 về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011- 2015; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2012/NQ-HĐND ngày 17/12/2012 về Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 654/KH-UBND ngày 05/3/2012 về phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2015, thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ, thành lập Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ; Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 4772/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch Số 1573/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2017… Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 04/4/2017 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và ban hành kế hoạch số 1573/KH-UBND ngày 21/4/2017 về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2017.

Việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch được quan tâm đặc biệt và chỉ đạo hết sức sát sao, đến nay 100% các đơn vị địa phương đã xây dựng kế hoạch, lồng ghép các nhiệm vụ phát triển du lịch cùng thực hiện với các nhiệm vụ chuyên môn, trong đó 08/13 huyện xây dựng nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển du lịch, 05/13 huyện xây dựng nội dung phát triển du lịch lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện[1]. Đặc biệt trong năm 2017 đã tiến hành lập dự án Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 và xin chủ trương bổ sung Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn vào danh mục các khu du lịch quốc gia trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng Quy hoạch Bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng đề án Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các ngành dịch vụ thành phố Việt Trì giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị đã thực hiện việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch để khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành, thị đã nghiêm túc tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Tỉnh tới cán bộ, đảng viên (100% cấp ủy Đảng các huyện, thành, thị đã tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết). Công tác phổ biến, tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch bền vững với môi trường và xã hội, cũng như trong tổng thể nền kinh tế - xã hội tại các cấp, ngành, các huyện, thành, thị được tăng cường thực hiện, qua đó nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận của cộng đồng địa phương góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.

Vai trò chỉ đạo, tham mưu phát triển du lịch của các cơ quản quản lý được nâng lên: Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các huyện, thành, thị từng bước được kiện toàn; Các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xuyên được tổ chức; Các hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật, nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch cho cán bộ phụ trách du lịch tại các huyện, thành, thị, các đơn vị kinh doanh và người dân tham gia hoạt động du lịch được thực hiện với nhiều hình thức; Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các đoàn kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định để tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; Hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch được đổi mới.

3. Việc thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi và thu thút đầu tư phát triển du lịch

Thông tin về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh Phú Thọ được tuyên truyền quảng bá công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của tỉnh, các ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa thể thao và du lịch và các ngành có liên quan chủ động tổ chức các hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư vào tỉnh, tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc, trong nước và quốc tế. Các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh được ban hành và quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tất cả các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, kể cả dự án đầu tư mở rộng, ngoài việc được hưởng các ưu đãi đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, còn được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 12/1/2012 của Tỉnh về đất, về đầu tư hạ tầng và chi phí san lấp mặt bằng, các dịch vụ và xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và áp dụng những cơ chế ưu đãi cụ thể đối với từng dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh, như: "Nhà đầu tư được quyền lựa chọn địa điểm, diện tích đất để thực hiện dự án phù hợp với quy mô dự án và quy hoạch; Ủy ban nhân dân tỉnh bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án tỉnh khuyến khích, thu hút đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Doanh nghiệp được miễn phí khi tham gia các hội nghị và các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh" [2]…

Đến nay đã có hơn 30 lượt doanh nghiệp tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh, hơn 10 dự án đầu tư được Tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, như: Công ty cổ phần Ao Vua đầu tư dự án khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (500 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại Vincom (403 tỷ); Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Thao (215 tỷ đồng) đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng La Phù, Thanh Thuỷ; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư dự án khu du lịch Xuân Sơn - Đền Hùng (170 tỷ đồng); Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, quảng cáo, xây dựng địa ốc Việt Hân đầu tư khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao Tam Nông (40 tỷ đồng); Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Thăng Long đầu tư khu nghỉ dưỡng vườn Vua (159 tỷ đồng)[5]... Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm như: Tập đoàn Mường Thanh, Vingroup, Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô, Tổng công ty Saigontourist… Đã huy động được nguồn vốn đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Ao Giời - Suối Tiên; Tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư Khu du lịch Đầm Ao Châu và các dự án phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trên địa bàn huyện Hạ Hòa; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư khu đô thị sinh thái và du lịch phía Nam Đền Hùng, Khu du lịch và nghỉ dưỡng Bến Gót thành phố Việt Trì, khu dịch vụ, du lịch hai bên đường Nguyễn Tất Thành, đường Phù Đổng thành phố Việt Trì... Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển du lịch tỉnh đến năm 2018 đạt khoảng 4.355,96 tỷ đồng, đạt 63,75% kế hoạch trong đó: vốn ngân sách chiếm 23,78% (vốn ngân sách trung ương đạt 644,54 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đạt 373,22 tỷ đồng, ngân sách huyện 18,22 tỷ đồng), vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác huy động khá cao đạt 3.321,98 tỷ đồng (chiếm 76,22%)[5]. Nguồn vốn huy động tập trung chủ yếu cho các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại, du lịch dịch vụ và ưu tiên đầu tư vào các địa phương có thế mạnh phát triển du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của Tỉnh đã góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút các dự án trọng điểm về du lịch của Tỉnh.

4. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới

Công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ, thu hút đầu tư vào du lịch Phú Thọ được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm và hướng vào tiềm năng, thế mạnh của các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh. Tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực, các hội chợ chuyên đề về du lịch như Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc, Hội chợ du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh ITE, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội... Tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài (Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc...) và trong nước (Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh ITE,...). Thực hiện liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực và cả nước: Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Phú Thọ và Hiệp hội Du lịch Hà Nội; hợp tác phát triển du lịch Phú Thọ với tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh. Thành lập Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh; xây dựng 02 trang thông tin điện tử chính thức về du lịch Phú Thọ, tích hợp các tính năng chia sẻ, như: facebook, twitter, google plus, youtube, instagram thông qua trang web. Bổ sung các tiện ích trực tuyến như: đặt tour du lịch, phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống nhằm được hỗ trợ cho khu khách trong và ngoài tỉnh. Tạo đường link kết nối website du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng mới bộ lôgô du lịch Phú Thọ tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá. Tổng kinh phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch lên tới 5,95 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn Tỉnh đã có sự gắn kết với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Phú Thọ, như: Tham gia và tổ chức gian hàng trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ du lịch Tây Bắc mở rộng, hội chợ du lịch VITM, Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch các tỉnh Tây Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh... Ban Chỉ đạo đã tổ chức tiến hành xúc tiến đầu tư trực tiếp với hơn 30 lượt đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; qua đó đã mời gọi được một số nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản, như: Tập đoàn Trung Nam, Sungroup, sông Hồng Thủ Đô, Vingroup....

Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu một số sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được quan tâm và hỗ trợ sở hữu trí tuệ, như: Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm bưởi Đoan Hùng, nhãn hiệu tập thể chè xanh Chùa Tà, tương Dục Mỹ, ấm ủ Sơn Vy; các sản phẩm đang được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể như gà nhiều cựa Tân Sơn, mỳ gạo Hùng Lô, cá lồng Sông Đà, rau an toàn Tân Đức, hồng Gia Thanh... Các sản phẩm du lịch đặc trưng của Tỉnh được phát triển theo chiều sâu, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và thu hút khách du lịch. Năm 2017, Tỉnh đã tổ chức công bố sản phẩm du lịch “City tour Việt Trì”; tăng cường quảng bá cho sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ”; nâng cao chất lượng phục vụ các đoàn khách du lịch quốc tế đường sông; tập trung phát triển sản phẩm du lịch tâm linh (Đền Hùng, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đền mẫu Âu Cơ, đền Lăng Sương...) và du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn... Cùng với đó, Tỉnh đã cho triển khai hoạt động của Quầy thông tin du lịch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đảm bảo hoạt động tư vấn, giới thiệu về du lịch Phú Thọ tới du khách. Năm 2018, tiếp nhận hỗ trợ thông tin, quảng bá du lịch và tư vấn dịch vụ, hướng dẫn, giới thiệu cho trên 500.000 lượt khách tham quan tìm hiểu du lịch Phú Thọ [5].

5. Thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng du lịch có trọng tâm, trọng điểm

Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch dịch vụ trên địa bàn Tỉnh ngày càng phát triển nhanh đã góp nâng cao hình ảnh và chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ. Một số dự án xây dựng khu du lịch dịch vụ đã hoàn thành và đưa vào khai thác, như: Khách sạn Mường Thanh - Phú Thọ, khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ tại thành phố Việt Trì đạt tiêu chuẩn khách sạn 5 sao; một số hạng mục vui chơi, nghỉ dưỡng thuộc dự án khu du lịch vườn Vua; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, dự án khu đô thị sinh thái và du lịch phía Nam Đền Hùng, dự án khu du lịch đầm Ao Châu, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng bến Gót thành phố Việt Trì, dự án khu du lịch Ao Giời - Suối Tiên...

Dự án công viên Văn Lang giai đoạn 2 đã hoàn thiện một số hạng mục phục vụ cho nhân dân và du khách như khu vực sân khấu, khu Lạc Long Quân - Âu Cơ, hệ thống cây xanh... Miếu Lãi Lèn xã Kim Đức đã hoàn thành giai đoạn 2 và đưa vào phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức hát Xoan. Hạ tầng cảnh quan và các bãi đỗ xe tại khu di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục được xây dựng hoàn thiện. Đưa vào sử dụng một số hạ tầng giao thông trọng điểm như: Nút giao IC7 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối thành phố Việt Trì; cầu Ba Vì - Việt Trì.

Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư một số dự án giao thông tiêu biểu kết nối các điểm du lịch, như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B trên địa bàn huyện Thanh Thủy đi Hòa Bình; đường Thanh Thủy - Thanh Sơn. Huy động các nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây dựng nút giao thông IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai kết nối với các khu du lịch Ao Giời - Suối Tiên và đầm Ao Châu huyện Hạ Hòa; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục công trình Đình Đức Ông trong Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá các làng nghề có lợi thế nằm trên các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và có các sản phẩm đặc trưng để xây dựng thành điểm dừng chân tham quan cho khách du lịch: Chương trình City tour Việt Trì khai thác làng trồng rau Tân Đức, làng nghề Hùng Lô; tuyến Việt Trì - Xuân Sơn khai thác các làng nghề chè Địch Quả, chè Văn Luông, dệt thổ cẩm Kim Thượng; tuyến Việt Trì - Thanh Thủy khai thác các làng nghề như làng tương Bợ, làng nghề đan lát Ba Đông, nuôi trồng và chế biến nấm mộc nhĩ Đoan Thượng; tuyến Việt Trì - Hạ Hòa tập trung khai thác các làng nghề như làng tương Dục Mỹ, nón lá Sai Nga....

5. Một số kinh nghiệm

Một là, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật du lịch của Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư du lịch và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa hình thức huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư xây dựng, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy phát triển du lịch tại các trung tâm du lịch: Thành phố Việt Trì, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Thanh Thủy, Hạ Hòa. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch, chú trọng công tác cải cách hành chính trong đầu tư.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch tỉnh Phú Thọ bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú lại tỉnh.

Bốn là, tập trung phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, trong đó chú trọng đến việc phát triển sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm du lịch Phú Thọ. Chú trọng phát triển các làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh, có giá trị kinh tế cao gắn với hoạt động du lịch. Xây dựng các điểm nhấn tại các khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh để phục vụ nhu cầu thăm quan, chụp ảnh của du khách.

Năm là, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

6. Kết luận

Với việc xác định phát triển du lịch là khâu đột phá, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các huyện, thành, thị, du lịch Phú Thọ đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng tạo ra bước phát triển rõ nét. Tuy vậy, để có thể có những bước phát triển đột phá hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện, Phú Thọ cần đặc biệt quan tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc như: Hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch Phú Thọ còn ít, hiệu quả chưa cao. Việc thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Chưa có cơ chế thu hút, khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia vào hoạt động phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch đặc sắc có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách. Các tour, tuyến du lịch hình thành chưa thật sự rõ nét, hiệu quả khai thác còn thấp. Công tác kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để mời gọi đưa khách du lịch ngoài tỉnh, khách quốc tế về với Phú Thọ chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả còn thấp. Nhận thức và ý thức của người dân về phát triển kinh tế du lịch còn hạn chế nên chưa tích cực tham gia... Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và những giải pháp phù hợp du lịch Phú Thọ sẽ sớm thực sự trở thành khâu đột phá, ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2016), Báo cáo số 109/BC-UBND, ngày 7/7/2016, Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII về phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2012), Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND, ngày 12/1/2012, Quyết định về việc hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh Phú Thọ.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2016), Số 4772/KH-UBND, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2017), Số 1573/KH-UBND, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2017.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2018), Tổng hợp kết quả chỉ tiêu hoạt động du lịch giai đoạn 2016 - 2018, chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020.

PHU THO PROVINCIAL PARTY COMMITTEE LEADS

THE IMPLEMENTATION OF PROMOTING

THE PROVINCIAL TOURISM SECTOR TO A KEY ECONOMIC SECTOR  Ph.D LUU THE VINH

Master. PHAM THI THU HUONG

Hung Vuong University

ABSTRACT:

Phu Tho is a province with great potential for tourism development. However, the provincial tourism sector still not fully reach its potential. Since the implementation of Resolution No.14-NQ/TU of Phu Tho Province, the provincial tourism sector has changed significantly. This article is to present positive results that Phu Tho province’s tourism has achieved in recent time.

Keywords: Phu Tho Province, tourism, resolution N.14-NQ/TU, key economic sector.