Đang diễn ra Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương

Sáng nay, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ tại Hội nghị.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng

Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 5,99% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm tăng 3,36% so với năm trước , cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. (Quý I tăng 5,1%; quý II tăng 1,1%; quý III tăng 2,34%; quý IV tăng 4,80%).

Tính chung 5 năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (VA công nghiệp theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7,0%/năm.

Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019.

Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, IIP cả năm 2020 tăng 3,4% so với năm 2019. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 7,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,1%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,3%. 

Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng liên tục từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% vào năm 2019. Năm 2020 tỷ trọng thấp hơn năm 2019 (đạt 27,54%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nếu tính cả xây dựng thì tỷ trọng trong GDP tăng từ 32,7% năm 2016 lên 34,5% năm 2019 và ước đạt 33,7% năm 2020, đạt mục tiêu Kế hoạch (30 - 35% ).

Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể:

Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và 6,72% năm 2019 và ước chỉ còn 5,55% năm 2020).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%  (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,38%; quý III tăng 3,86%; quý IV tăng 8,63%).

Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,7% vào năm 2020).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cải thiện tích cực

Kết thúc năm 2020, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra.

Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam gây tác động đến tâm lý người dân và ảnh hưởng tới thị trường các hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các địa phương.

Theo đó, yêu cầu các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ "chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ" và 3 sẵn sàng "chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”; chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, diễn biến dịch bệnh để ổn định tâm lý của người dân, tránh việc “đổ xô” đi mua hàng hóa tích trữ gây mất cân đối cung cầu; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa trong những giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm hàng hóa được cung ứng cho các địa bàn liên tục, không gián đoạn...

 Bên cạnh việc bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống, Bộ Công Thương cũng đã triển khai tích cực, kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất, phân phối, cung ứng các sản phẩm khẩu trang vải cho thị trường nhằm giảm áp lực đối với khả năng cung cấp khẩu trang y tế còn hạn chế, nhanh chóng ổn định thị trường khẩu trang như việc kết nối nhà sản xuất khẩu trang với doanh nghiệp phân phối, tổ chức hơn 3.000 điểm bán khẩu trang bình ổn thị trường trên toàn quốc, kết hợp cùng với việc chỉ đạo sản xuất, cung ứng dung dịch rửa tay sát khuẩn đã hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả.

Do thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường ngay trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid 19 (hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu luôn đáp ứng đủ nhu cầu tăng mạnh của người dân kể cả giai đoạn giãn cách xã hội) nên đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm như dịp lễ, Tết.

 

Đông Triều