Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến du lịch cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long

THS. NGUYỄN ANH LỢI (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) )

TÓM TẮT:

Việc xây dựng môi trường văn hóa được triển khai ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, trong đó xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bài viết phân tích khảo sát thực tiễn tại các điểm DLCĐ và những nghiên cứu liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp và hàm ý quản trị nhằm phát huy mặt tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL.

Từ khóa: môi trường văn hóa, du lịch cộng đồng, đồng bằng sông Cửu Long, điểm đến du lịch.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh thị trường du lịch ngày càng đa dạng và phát triển, các điểm đến du lịch có xu hướng bị bão hòa, thiếu điểm nhấn để thu hút khách du lịch, hoạt động du lịch ĐBSCL được đánh giá là chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm tương tự nhau, dễ gây nhàm chán. Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường du lịch có xu hướng trở nên cạnh tranh hơn. Do đó, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm DLCĐ”. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm khám phá và xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL. Đây là cơ sở để xây dựng nên bản sắc riêng lợi thế cạnh tranh của một điểm đến, giúp khách hàng có thể dễ dàng nhận biết hình ảnh, thương hiệu, các sản phẩm du lịch khác biệt của điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Việc xây dựng, khai thác các yếu tố, các giá trị của môi trường văn hóa trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai tại nhiều cộng đồng địa phương. Theo Đỗ Huy (2001): “Môi trường văn hóa chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong các quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình”. Đinh Xuân Dũng (2004) nhận định: “Môi trường văn hóa là tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định, trong một thời gian và không gian cụ thể, ở đó, các cá nhân tác động lẫn nhau, nơi đó có vai trò quyết định đến nhân cách con người trong quá trình sống”. Với DLCĐ, sản phẩm du lịch được tạo ra từ các giá trị của bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực, lối sống của cộng đồng, cũng như các giá trị khác về cảnh quan thiên nhiên, các điều kiện tự nhiên xung quanh.  

2.2. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

2.2.1. Giả thuyết nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu từ các nghiên cứu liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ của eu-eSRT (2015), Đỗ Huy (2001), Vũ Nam (2021) cùng bối cảnh thực tiễn của du lịch ĐBSCL, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL với 4 yếu tố, bao gồm (1) hành vi tích cực của cộng đồng địa phương; (2) thể chế và quản lý điểm đến; (3) nhận thức của khách du lịch; (4) truyền thông và quảng bá điểm đến.

Giả thuyết H1: Hành vi tích cực của cộng đồng địa phương có tác động cùng chiều đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL

Giả thuyết H2: Nhận thức của khách du lịch có ảnh hưởng cùng chiều đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL.

Giả thuyết H3: Truyền thông và quảng bá điểm đến có ảnh hưởng cùng chiều đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL.

Giả thuyết H4: Thể chế và quản lý điểm đến có ảnh hưởng cùng chiều đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL

2.2.2. Mô hình nghiên cứu

Các phân tích ở trên cho thấy, môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ có mối liên hệ với 4 yếu tố độc lập đưa vào mô hình nghiên cứu (Hình 1).

Trong nghiên cứu này tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu với 4 yếu tố độc lập tác động đến yếu tố phụ thuộc là môi trường văn hóa với  21 biến quan sát ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL (Bảng 1).

Bảng 1. Các yếu tố và biến quan sát

STT

Các yếu tố và biến quan sát

Hành vi tích cực của cộng đồng địa phương

1

Giao tiếp và văn hóa ứng xử

2

Giữ gìn môi trường cảnh quan

3

Văn hóa kinh doanh và đảm bảo an toàn, an ninh

4

Sự tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống

Nhận thức của khách du lịch

1

Tham gia tuyên truyền vềmdu lịch có trách nhiệm

2

Đóng góp vào việc bảo bảo tồn giá trị văn hóa bản địa

3

Đóng góp vào bảo vệ môi trường tự nhiên

4

Muốn trải nghiệm các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao

Truyền thông và quảng bá

1

Thực hiện hiệu quả tuyên truyền về du lịch có trách nhiệm

2

Triển khai đa dạng hoạt động đóng góp vào việc bảo bảo tồn giá trị văn hóa bản địa

3

 Kiểm soát tốt các hoạt động đóng góp vào bảo vệ môi trường tự nhiên

4

 Thực hiện thường xuyên, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng

Thể chế và quản lý điểm đến

1

Các quy định về xây dựng, bảo vệ kiến trúc truyền thống và cảnh quan thiên nhiên

2

Các quy chế, hương ước liên quan đến việc bảo tồn, duy trì các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống

3

Các quy định liên quan đến hành vi ứng xử văn minh

4

Quy định về văn hóa kinh doanh và bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng

5

Quy định về đảm bảo an ninh trật tự của điểm đến, quy định an toàn cho khách du lịch

Môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ

1

Tác động tích cực đến phát triển DLCĐ

2

Môi trường văn hóa tạo nên sự khác biệt của điểm đến du lịch

3

Tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương

4

Sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng môi trường văn hóa

Nguồn: Tác  giả tổng hợp và đề xuất năm 2022

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Theo Hair và ctg (2006), đối với kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá EFA thì kích thước mẫu tối thiểu là n = 5 * m (m là số lượng biến quan sát), cần có kích thước mẫu là 105 (5 x 21). Trong quá trình khảo sát để hạn chế thấp nhất sự sai lệch, nên tác giả đã tiến hành phỏng vấn với 300 mẫu quan sát.

Bảng câu hỏi được thiết kế theo 4 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL và thang đo Likert từ 1 - Rất không đồng ý đến 5 - Rất đồng ý.

Việc nghiên cứu được tiến hành thông qua quá trình thảo luận với các nhà chuyên môn và với du khách nhằm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các yếu tố phản ánh môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ. Sau đó tiến hành điều tra thử 20 khách du lịch với mục đích nhằm hoàn thiện bảng hỏi phục vụ quá trình điều tra khảo sát. Tiến hành điều tra mở rộng bằng bảng hỏi trực tuyến, bảng hỏi được xây dựng bằng mẫu của tiện ích Google form. Sau khi tiến hành khảo sát 300 khách du lịch, kết quả sau khi thu thập mẫu quan sát có 29 mẫu không đạt yêu cầu khảo sát. Tổng số có 271 bảng hỏi được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 nhằm đánh giá mức độ tác động đến môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thông tin chung về mẫu điều tra

Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối với 271 khách du lịch, trong đó với tỷ lệ nữ chiếm 58%. Tập trung đông hơn và chiếm đa số với 82% có trình độ trung học phổ thông trở lên. Nhóm tuổi tập trung đông nhất trên 45 tuổi, với tỷ lệ 55%.

3.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi kiểm tra độ tin cậy Cronbach’s Alpha, tất cả các biến có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3 được đưa vào phân tích nhân tố khám phá để đánh giá lại mức độ hội tụ của các biến quan sát.

KMO = 0.795, thỏa mãn điều kiện 0.5 < KMO < 1, do đó phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu điều tra. Kiểm định Barlett có Sig. < 0.05 điều này cho thấy các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Trị số phương sai trích là 64.092%, điều này có nghĩa là  64.092% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát. 

3.3. Phân tích hồi quy các yếu tố ảnh hưởng

Để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL, nghiên cứu đã sử dụng mô hình hồi quy. Mô hình hồi quy tổng thể có dạng:

MTVH = β0 + β1.X1 + β2.X2 + β3.X3 + β4.X4 ei

Trong đó:

 MTVH: Môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL

X1: Hành vi tích cực của cộng đồng địa phương

X2: Thể chế và quản lý điểm đến

X3: Nhận thức của khách du lịch

X4: Tuyên truyền và quảng bá điểm đến

ei:  là các yếu tố ảnh hưởng khác.

Kết quả F = 218.064 với mức ý nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05, chứng tỏ rằng mô hình hồi quy xây dựng phù hợp với dữ liệu thu thập được. Giá trị R2 hiệu chỉnh  là 76.3% cho thấy các biến độc lập đưa vào mô hình giải thích được 76.3% sự thay đổi của biến phụ thuộc là môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL, còn lại 23.7 % là ảnh hưởng các các yếu tố khác ngoài mô hình và sai số ngẫu  nhiên. VIF của các biến độc lập đều bé hơn 2 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến. Kết quả kiểm định hệ số hồi quy cho thấy các biến độc lập (Sig.) < 0.05, chứng tỏ 4 yếu tố này có sự tương quan với  biến phụ thuộc với độ tin cậy trên 95%. (Bảng 2)

Kết quả kiểm định của mô hình hồi quy:

MTVH =  -0.368 + 0.481*X1 + 0.269*X2 + 0.264*X3 + 0.106*X4 + ei

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy

Biến phụ thuộc: Môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL

Số quan sát: 271

 

Biến độc lập

Hệ số

chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê đa cộng tuyến

B

Std. Error

Beta

Độ chấp nhận của biến

VIF

 

Hằng số

-0.368

0.151

 

-2.431

0.016

   

X2

Thể chế và quản lý điểm đến

0.269

0.034

0.256

7.799

0.00

0.814

1.228

X1

Hành vi tích cực của cộng đồng địa phương

0.481

0.03

0.534

15.946

0.00

0.782

1.278

X4

Tuyên truyền và quảng bá điểm đến

0.106

0.022

0.146

4.852

0.00

0.967

1.034

X3

Nhận thức của khách du lịch

0.264

0.029

0.301

9.153

0.00

0.812

1.231

R2  hiệu chỉnh: 76.3%

Giá trị F: 218.064

 (sig. = 0.000 < 0.05)

Nguồn: Kết quả phân tích số liệu điều tra năm 2022

4. Hàm ý quản trị

Để phát huy mặt tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ, cần giải quyết các vấn đề cụ thể sau:

Đối với yếu tố “Hành vi tích cực của cộng đồng địa phương”, đây là yếu tố chính tạo nên môi trường văn hóa của cộng đồng, tạo ra sự khác biệt về môi trường văn hóa tại điểm đến của cộng đồng này với điểm đến của cộng đồng khác, là yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch. Do đó, cần (i) Nâng cao kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử giữa giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch; (ii) Tích cực giữ gìn môi trường cảnh quan sạch, đẹp, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc địa phương trong việc phục vụ khách du lịch; (iii) Phát huy và bảo tồn giá trị bản sắc, văn hóa truyền thống của cộng đồng dưới nhiều hoạt động khác nhau (biểu diễn nghệ thuật, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, các cuộc thi…); (iv) thể hiện sự hiếu khách, niêm yết công khai và bán đúng giá, kinh doanh dịch vụ giải trí phong phú giàu bản sắc văn hóa địa phương, luôn sẵn sàng và cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ khách du lịch đầy đủ và tiện lợi; (v) tích cực tham gia công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du lịch.  

Đối với yếu tố “Nhận thức của khách du lịch” các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL cần phải (i) cung cấp và phổ biến trước những giá trị, ý nghĩa cũng như những nội quy của di tích lịch sử văn hóa, bản sắc giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng địa; (ii) phối hợp với các công ty lữ hành chủ động xây dựng những thông điệp ứng xử văn minh, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa những hành vi phản cảm khi tham gia du lịch; (iii) triển khai một số quy tắc cần được cụ thể hóa bằng các văn bản luật với chế tài xử lý nghiêm minh, rõ ràng; (iv) có chế tài xử phạt nghiêm để người dân và du khách có ý thức và trách nhiệm hơn khi tham gia vào các hoạt động tham quan, tìm hiểu tại các điểm di tích lịch sử văn hóa bằng hành chính có thể cần áp dụng cả biện pháp phạt lao động công ích.

Đối với yếu tố “Truyền thông và quảng bá điểm đến”, để thực sự phát huy được vai trò môi trường văn hóa trong phát triển cộng đồng nói chung và phát triển DLCĐ nói riêng cần (i) triển khai đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình tuyên truyền, giáo dục khách du lịch về hành vi có trách nhiệm với môi trường văn hóa ở các điểm du lịch; (ii) kêu gọi sự tham gia của khách du lịch thực hiện các hoạt động như đóng góp quỹ bảo tồn di sản của địa phương, các hoạt động bảo vệ môi trường; (iii) kiểm soát chặt chẽ việc truyền thông điểm đến của các bên liên quan trong quá trình trước khi khách đến, đón tiếp và phục vụ khách du lịch; (iv) các chương trình này có thể được triển khai độc lập hoặc có thể được lồng ghép với nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá điểm đến được thực hiện thường xuyên hoặc theo định kỳ.

Đối với yếu tố “Thể chế và quản lý điểm đến” cần được xây dựng cụ thể, hướng vào việc điều chỉnh hành vi của cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong hoạt động phát triển DLCĐ. Nên cần (i) quán triệt và áp dụng nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa. Các điểm DLCĐ cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng những quy định về việc bảo vệ môi trường văn hóa tại cộng đồng gắn với hoạt động phát triển du lịch; (ii) thường xuyên đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường văn hóa, xây dựng những chuẩn mực về lối sống, hành vi trong giao tiếp, trong ứng xử văn minh trong cộng đồng địa phương, trong đón tiếp và phục vụ khách du lịch cũng như trong các hoạt động kinh doanh du lịch khác tại cộng đồng; (iii) triển khai hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa tại các điểm DLCĐ cùng với những hướng dẫn tiêu chuẩn quốc gia về DLCĐ và bộ tiêu chuẩn ASEAN về du lịch dựa vào cộng đồng; (iv) vận động cộng đồng địa phương chủ động tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch; (v) nâng cao vai trò hướng dẫn địa phương, mỗi người dân đóng vai trò là một hướng dẫn viên để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của địa phương đến du khách, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến, bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống, ý thức hơn và thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường.

5. Kết luận

Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các điểm DLCĐ ở ĐBSCL được cấu thành bởi tổ hợp các yếu tố trong bối cảnh phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 hiện nay, yếu tố “hành vi tích cực cộng đồng địa phương” với β = 0.481 có mức độ ảnh hưởng mạnh nhất, tiếp theo là yếu tố về “thể chế và quản lý điểm đến” với β = 0.269, sau đó là “nhận thức của khách du lịch” với β = 0.264 và có ảnh hưởng thấp nhất là yếu tố “truyền thông và quản bá điểm đến” với β = 0.106. Trong 4 yếu tố trên cho thấy yếu tố “hành vi tích cực của cộng đồng địa phương” có ảnh hưởng mạnh nhất, chiếm hơn 40%.

Kết quả kiểm định cho thấy 4/4 giả thuyết nghiên cứu được ủng hộ. Điều này cho thấy yêu cầu đối với việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm DLCĐ là cần thiết để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Kết quả của nghiên cứu này là nền tảng cốt lõi để thấy được sự tác động của các yếu tố đến môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL là nền tảng để đưa ra các chiến lược phát huy các yếu tố tác động tích cực đến môi trường văn hóa có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển DLCĐ bền vững, làm gia tăng sự hài lòng, cũng như lòng trung thành của khách du lịch đối với điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL.

Kết quả của nghiên cứu này được thực hiện trong điều kiện dịch Covid-19, vì vậy mẫu được khảo sát hoàn toàn bằng trực tuyến với cỡ mẫu đảm bảo điều kiện nhưng chưa lớn là 271. Mặt khác, 4 yếu tố độc lập sau phân tích hồi quy chỉ phản ánh được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến môi trường văn hóa tại các điểm DLCĐ ở ĐBSCL là 76.3%. Vì vậy, hướng nghiên cứu tiếp theo nên tăng kích thước mẫu và đưa thêm vào mô hình nghiên cứu một số yếu tố độc lập để tăng độ phù hợp của mô hình và phản ánh được các yếu tố tác động đến điểm đến môi trường văn hóa tại các điểm đến DLCĐ ở ĐBSCL ở mức cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Du lịch (2015). Sổ tay Du lịch cộng đồng Việt Nam. Dự án EU-eSRT.
  2. Dyer, P., Gursoy, D., Sharma, B., Carter, J. (2007). Structural modeling of resident perceptions of tourism and associated development on the Sunshine Coast, Australia. Tourism Management, 28, 409-422.
  3. Hanafiah, M. H., Jamaluddin, M. R., Zulkifly, M. I. (2013). Local Community Attitude and Support towards Tourism (Development in Tioman Island Malaysia). Procedia -Social and Behavioral Sciences, 105 (2013) 792-800.
  4. Đỗ Huy (2001). Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay - Từ góc nhìn giá trị học. NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội, 35.
  5. Vũ Nam (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại đểm đến du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 473.
  6. Kim, K., Uysal, M., Sirgy, M. J., (2012). How does tourism in a community impact the quality of lifeof community residents? Tourism Management, (12), 1-14.
  7. Nunkoo, R., Ramkissoon, H. (2011). Developing a community support model fortourism. Annals of Tourism Research, 38(3), 964-988.
  8. Nguyễn Thị Minh Nghĩa và Nguyễn Thị Thúy Vân (2019). Mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh. Tạp chí Khoa học - Đại học Huế: Khoa học Xã hội Nhân văn, 28 (6D), 17-
  9. Nguyễn Đình Thọ (2001). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, 233-241.

Exploring factors affecting the cultural environment at community tourism destinations in the Mekong Delta region

Master. Nguyen Anh Loi

Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

The development of a cultural environment in the Mekong Delta region has been implemented in many aspects. In which, the development of a cultural environment at community tourism destinations plays an important role in the strategy of sustainable tourism development in the Mekong Delta region. This study conducts filed surveys at the Mekong Delta region’s community tourism destinations and explores the factors affecting the cultural environment at local community tourism destinations. Based on the study’s findings, some solutions and  governance implications are proposed to promote the positive aspects and minimize the negative impacts of the factors affecting the cultural environment at community tourism destinations in the Mekong Delta region.

Keywords: cultural environment, community tourism, Mekong Delta, tourist destination.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10  năm 2022]