Đánh giá chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự và các vấn đề đặt ra

Đánh giá chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự và các vấn đề đặt ra do TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Viện Nhà nước và Pháp luật) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các thuộc tính của chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự (TTDS) bao gồm tính khách quan, tính hợp pháp, tính có liên quan trên cơ sở các đặc thù của chứng cứ điện tử, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử trong TTDS ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: chứng cứ điện tử, tố tụng dân sự, thuộc tính của chứng cứ, dữ liệu điện tử.

1. Đặt vấn đề

Bất kỳ hành vi nào khi được thực hiện đều để lại những dấu vết với ý nghĩa là sự phản ánh vật chất, do đó, khi xem xét quan hệ pháp luật đang bị tranh chấp, tòa án phải căn cứ vào các chứng cứ để đảm bảo sự phù hợp với các quy luật tự nhiên. Chứng cứ được thừa nhận là có giá trị trong TTDS phải đảm bảo được các thuộc tính sau: tính hợp pháp, tính liên quan… Chứng cứ điện tử về mặt bản chất là dạng tồn tại mới so với các chứng cứ truyền thống, vì vậy, có những thách thức nhất định đối với việc đánh giá chứng cứ điện tử trong TTDS.

2. Tổng quan về chứng cứ điện tử

Chứng cứ điện tử là một vấn đề được ghi nhận trong khoa học pháp lý và thực tiễn pháp luật các quốc gia cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và những phương thức tồn tại mới của thông tin.

Theo Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu, chứng cứ điện tử có thể ở dạng văn bản, video, hình ảnh hoặc bản ghi âm, bắt nguồn từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc phương thức truy cập khác nhau, chẳng hạn như điện thoại di động, trang web, máy tính tích hợp hoặc máy ghi GPS, bao gồm dữ liệu được lưu trữ trong không gian lưu trữ ngoài tầm kiểm soát của chính bên đó1. Đây là những hướng dẫn nhằm thống nhất cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến chứng cứ điện tử trong TTDS và tố tụng hành chính ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Ở Trung Quốc, chứng cứ điện tử được xác định theo phạm vi, bao gồm thông tin được đăng trên các nền tảng trực tuyến, thông tin liên lạc qua các dịch vụ mạng, thông tin về hồ sơ như đăng ký người dùng, nhận dạng danh tính…2

Bên cạnh đó, các quan điểm khoa học cũng xác định “chứng cứ điện tử cũng có thể là bất kỳ thông tin nào lưu trữ hoặc truyền dưới dạng kỹ thuật số”3 hay là những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử như máy tính và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay các thông tin, dữ liệu từ mạng máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số… cũng như từ internet4.

Theo pháp luật TTDS Việt Nam, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục TTDS và được tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án, cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp5. Chứng cứ được thu thập từ các nguồn khác nhau, trong đó có dữ liệu điện tử6. Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023, dữ liệu điện tử (DLĐT) là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử7. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử và được dùng làm chứng cứ theo pháp luật tố tụng. Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác8.

Như vậy, có thể xác định chứng cứ điện tử là những thông tin được tạo ra, được gửi, nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử được thu thập giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục TTDS và được tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

3. Các yêu cầu đối với chứng cứ điện tử theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Thứ nhất, tính khách quan. Trong giải quyết tranh chấp dân sự, việc làm rõ được các quan hệ pháp luật đang tranh chấp là cơ sở cho các phán quyết của tòa án. Bất kỳ quan hệ pháp luật nào hình thành, thay đổi và chấm dứt đều được thể hiện dưới những hình thức nhất định của vật chất theo quy luật về mối liên hệ phổ biến của sự vật, hiện tượng. Chứng cứ, với ý nghĩa là những gì phản ánh sự hình thành, thay đổi và chấm dứt đó, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án, phải đảm bảo được tính khách quan.

Tính khách quan của chứng cứ nói chung được hiểu là chúng tồn tại không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Sự không phụ thuộc này được hiểu theo nghĩa tương đối. Ví dụ hợp đồng là sự thể hiện ý chí thống nhất giữa các bên ký kết, có nghĩa nó được thiết lập và phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Tuy nhiên, khi xem xét hợp đồng với ý nghĩa là chứng cứ cho sự tồn tại của giao dịch dân sự giữa các bên nó phải đảm bảo tính khách quan, rằng sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ bên nào kể từ thời điểm được thiết lập.

Tuy nhiên, một trong những đặc trưng của DLĐT là tính dễ bị can thiệp9. DLĐT được lưu trữ trong các thiết bị điện tử, trong hệ thống máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ… luôn có nguy cơ bị thay đổi, tiêu hủy, bởi người có quyền truy cập hoặc do các rủi ro không thể kiểm soát khác. Do vậy, để đảm bảo tính khách quan, chứng cứ điện tử phải được thu thập, bảo quản nhằm duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu, việc đánh giá tính khách quan của chứng cứ điện tử cũng căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo ra chứng cứ điện tử đó.

Thứ hai, tính hợp pháp. Với vai trò là hạt nhân của TTDS, chứng cứ phải đảm bảo tính hợp pháp. Việc thu thập, đánh giá, nghiên cứu, sử dụng, bảo quản phải tuân thủ theo các trình tự nhất định. Các trình tự thủ tục này là sự đảm bảo cho tính khách quan của chứng cứ, cũng như đảm bảo cho hoạt động chứng minh đạt được kết quả cuối cùng. Tính hợp pháp của chứng cứ cũng được đặt ra nhằm ngăn chặn việc thu thập, sử dụng, bảo quản chứng cứ mà ảnh hưởng đến quyền riêng tư, quyền sở hữu, an ninh quốc gia… Với đặc trưng dễ sao chép, dễ bị sửa đổi, chứng cứ điện tử như các thông tin nội bộ của cơ quan tổ chức hoặc dữ liệu đời tư (ảnh chụp, văn bản trong điện thoại, máy tính…) cá nhân có thể bị thu thập hoặc thay đổi do hoạt động xâm nhập trái phép vào các phương tiện điện tử, can thiệp trái phép vào dữ liệu của cơ quan, tổ chức. Cách thức thu thập này cũng đặt ra các vấn đề về tính hợp pháp của chứng cứ.

Về vấn đề chấp nhận chứng cứ, pháp luật các nước có các quy định về nguyên tắc trung thực trong xác định nguồn chứng cứ10, pháp luật TTDS Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu xác nhận xuất xứ nguồn chứng cứ là tài liệu nghe được, nhìn được11. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện báo, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Các phương tiện điện tử không chỉ là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn là tài sản chứa thông tin, là phương tiện trao đổi thông tin riêng tư khác. Do đó việc truy cập trái phép vào các phương tiện điện tử thu thập dữ liệu điện tử thì cũng là hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Vì vậy, khi không được cấp quyền bởi chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, DLĐT thu được từ hoạt động trên không được coi là hợp pháp.

Thứ ba, tính có liên quan. Chứng cứ là cơ sở cho việc xác định sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định. Do vậy, giữa bản thân chứng cứ và những sự kiện pháp lý đó phải có mối liên hệ nhân quả, trong mối quan hệ đó, cái này là kết quả tất yếu của cái kia và cái kia phải là nguyên nhân tất yếu dẫn đến cái này. Bên cạnh đó, tính liên quan còn thể hiện trong mối quan hệ giữa các chứng cứ trong cùng một vụ việc. Theo đó, các chứng cứ có thể khác nhau ở trạng thái, thời điểm hình thành… nhưng đều cho thấy mối liên quan với cùng một sự kiện pháp lý thuộc vấn đề đang phải giải quyết.

4. Các vấn đề đặt ra và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đánh giá chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự

Thứ nhất, cần đảm bảo tính thống nhất về thuật ngữ liên quan đến chứng cứ điện tử.

Điều 94 BLTTDS năm 2015 quy định nguồn chứng cứ bao gồm “tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, DLĐT …”; Điều 95 BLTTDS quy định về xác định chứng cứ “Thông điệp DLĐT được thể hiện dưới hình thức trao đổi DLĐT, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định về thông điệp dữ liệu (khoản 4 Điều 3), dữ liệu điện tử (khoản 7 Điều 3). Theo đó, DLĐT (là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử) là nguồn chứng cứ, chứa chứng cứ là thông điệp DLĐT. Tuy nhiên, trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023 chỉ quy định về thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử và được dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về tố tụng. Để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, cần quy định một cách thống nhất về thuật ngữ đối với nguồn chứng cứ điện tử và chứng cứ điện tử, làm cơ sở cho việc nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật.

Thứ hai, cần xác định rõ về cách thức thu thập DLĐT làm cơ sở cho việc thừa nhận tính hợp pháp và khách quan của chứng cứ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được thu thập tài liệu, chứng cứ trong đó có thông điệp dữ DLĐT. Tuy nhiên, Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP chỉ quy định về thu thập chứng cứ là các tài liệu đọc được nội dung, các tài liệu nghe được, nhìn được theo quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 mà chưa quy định về thu thập DLĐT. Chính vì vậy, trong giải quyết tranh chấp dân sự, tòa án thường yêu cầu đương sự khi giao nộp chứng cứ điện tử cần thực hiện theo thủ tục như đối với tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được. Theo đó, chứng cứ là DLĐT cần phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến khởi tạo chứng cứ điện tử đó, nếu không sẽ không được coi là chứng cứ.

Tuy nhiên, DLĐT dù có một hoặc một số đặc tính có thể tác động đến các giác quan của con người, nhưng xuất phát từ trạng thái tồn tại của nó mà DLĐT có những thuộc tính riêng. Nếu DLĐT đó được khởi tạo, lưu trữ trong các phương tiện điện tử mà đương sự không thể kiểm soát thì cách thức thu thập này đã làm hạn chế quyền của đương sự.

Trong Bản án số 370/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 về tranh chấp đòi tài sản12, nguyên đơn là Công ty TNHH FPTV, bị đơn là ông Phạm Duy A. Bị đơn xác nhận có mượn nguyên đơn 250.000.000 đồng có phiếu chi và trả khoản này bằng hình thức cấn trừ hoa hồng bán hàng, yêu cầu được gửi qua email của công ty do nguyên đơn tạo và cấp cho bị đơn để thực hiện công việc. Công ty đã trả lời email đồng ý với yêu cầu trên. Tuy nhiên, tại tòa thì bị đơn trình bày do đã nghỉ việc tại Công ty (có email thông báo qua địa chỉ email được cấp) nên không thể truy cập vào email lại được. Phía nguyên đơn xác nhận có lập địa chỉ email nêu trên. Sau khi bị đơn nghỉ việc, nguyên đơn đã xóa địa chỉ email này, nên nguyên đơn cũng không thể phục hồi được địa chỉ email này.

Trong vụ việc trên, các DLĐT trao đổi giữa các bên đương sự được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu thuộc quyền quản lý của nguyên đơn, bị đơn, mặc dù có yêu cầu truy xuất nhưng nguyên đơn đã xóa địa chỉ email này, dẫn đến việc bất lợi của bị đơn trong việc thu thập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Trong vụ án tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông K. (ngụ tại Tân Bình) kiện Công ty TNHH V. (trụ sở tại quận Phú Nhuận) tại Tòa án nhân dân TP. H. ông K. cung cấp cho tòa một đĩa CD chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, trong đó có ảnh chụp màn hình điện thoại nội dung trao đổi giữa ông K. với ông N. - người quản lý điều hành và ông B. - đại diện theo pháp luật của công ty V. qua ứng dụng WhatsApp. Việc chụp này được văn phòng thừa phát lại lập vi bằng, tuy nhiên các bản chat gốc không còn. Về chứng cứ chat, theo ông N. (người làm chứng) những chứng cứ này còn lưu trữ trong điện thoại và laptop của ông B. nhưng vì thời gian đã lâu, các tin nhắn đã trôi đi, tìm lại rất khó khăn.

Theo HĐXX, căn cứ theo Điều 95 BLTTDS về chứng cứ, các điều của Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin thì có cơ sở để xác định các hình ảnh ông K. nộp không được công nhận là chứng cứ nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K. đòi công ty V. nhận lại làm việc, trả lương và bồi thường hơn 410 triệu đồng.

Có thể thấy, việc các bên cung cấp chứng cứ điện tử nhưng không đảm bảo được các yêu cầu về tính khách quan, tính hợp pháp của dữ liệu xuất phát từ nhiều lý do.

Thứ nhất, pháp luật về chứng cứ chưa quy định rõ trình tự thủ tục thu thập chứng cứ là DLĐT. BLTTDS năm 2015 bổ sung nguồn chứng cứ này nhưng hiện nay vẫn áp dụng Nghị định số 04/2012 mà chưa ban hành văn bản mới điều chỉnh vấn đề này.

Thứ hai, do chưa có quy định cụ thể về thủ tục thu thập chứng cứ điện tử nên các tòa án hiện nay yêu cầu đương sự khi nộp chứng cứ điện tử phải tuân thủ theo yêu cầu như nộp tài liệu nghe được, nhìn được, bao gồm văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó. Trong trường hợp như vụ án thứ nhất, bị đơn nếu cần truy xuất dữ liệu trong email công ty hoặc đã truy xuất nhưng cần có văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu thì cũng rất khó khăn do chủ thể xác nhận lại chính là nguyên đơn.

Thứ ba, cần có văn bản hướng dẫn về hoạt động công chứng điện tử và ủy thác tin cậy làm cơ sở cho việc thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Thứ tư, xác định giá trị pháp lý của các biện pháp thu thập chứng cứ thông qua dấu thời gian hay công nghệ blockchain.

5. Kết luận

Chứng cứ điện tử đã được ghi nhận trong pháp luật TTDS Việt Nam trong nhiều văn bản, tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và hợp pháp của chứng cứ điện tử, cần xác định các khái niệm liên quan một cách thống nhất, xây dựng trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ điện tử phù hợp tương ứng với các loại chứng cứ điện tử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

1The Committee of Ministers of the Council of Europe, (2019). Electronic evidence in civil and administrative proceedings, tr.15.

2Đinh Thị Ngọc Hà, (2023). Chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật kỳ 1 (số 376), tr.43.

3Orin S. Kerr, (2005). Digital evidence and the new criminal procedure, Colombia Law Review, tr. 279.

4Nguyễn Thành Minh Chánh, (2021). Pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24 (448).

5Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Điều 93.

6Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Điều 94.

7Quốc hội (2023). Luật Giao dịch điện tử 2023. Khoản 7 Điều 3.

8Quốc hội (2023). Luật Giao dịch điện tử 2023. Khoản 2 Điều 11.

9Nigel Jones and authors, (2020). Electronic Evidence Guide: A basis guide for police officers, prosecutors and judges, CyberCrime@IPA project of the European Union and Council of Europe (Version 2.0), tr.12.

10Nguyễn Minh Hằng, (2007). Chế định chứng minh trong tố tụng dân sự Việt Nam, Luận án tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr 51.

11Điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, ngày 3 tháng 12 năm 2012.

12Tòa án nhân dân quận Gò Vấp - Thành phố Hồ Chí Minh (2022). Bản án số 370/2022/DS-ST về việc tranh chấp kiện đòi tài sản. Truy cập tại https://congbobanan.toaan.gov.vn/3ta1181219t1cvn/

EVALUATION OF ELECTRONIC EVIDENCE

IN CIVIL PROCEEDINGS AND RAISING ISSUES

• Ph.D NGUYEN THI THU THUY

Institute of State and Law, Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

This paper analyzes the properties of electronic evidence in civil proceedings in terms of objectivity, legality, and relevance based on the characteristics of electronic evidence. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve current Vietnamese regulations on electronic evidence in civil proceedings.

Keywords: electronic evidence, civil proceedings, properties of evidence, electronic data.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương