Đánh giá công tác thanh tra - kiểm tra thuế tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020

Trương Thị Nhi - Trần Thị Hồng Cúc (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long)

Tóm tắt:

Bài viết đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về thuế thông qua công tác thanh tra - kiểm tra thuế của các doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Vĩnh Long. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thảo luận nhóm và phương pháp thống kê, mô tả, so sánh để đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về thuế của các DN đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các số liệu phản ánh thực trạng vi phạm pháp luật thuế của DN được tổng hợp từ các báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế giai đoạn 2016 - 2020 của Cục Thuế Vĩnh Long. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác thanh tra - kiểm tra của các cơ quan thuế tại tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

Từ khoá: thuế, thanh tra - kiểm tra thuế, tỉnh Vĩnh Long.

1. Đặt vấn đề

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN), gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nhà nước, là khoản thu mang tính luật định, là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nêu rõ trách nhiệm của người nộp thuế là khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng trách nhiệm, vi phạm pháp luật gây thất thoát cho NSNN.

Giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan thuế tại Vĩnh Long đã thực hiện 2.215 cuộc thanh tra - kiểm tra, truy thu, phạt với số tiền 174.517 triệu đồng, góp phần giảm thất thu rất lớn cho NSNN. Kết quả kiểm tra - thanh tra thuế cho thấy, số lượng DN vi phạm pháp luật về thuế tăng dần qua các năm. Do đó, cần có giải pháp cụ thể để kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật về thuế, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách của địa phương, của quốc gia và nguồn tài chính cho Nhà nước thực hiện các chức năng nhiệm vụ.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

2.1.1 Khái niệm thuế

Theo Gaston (1934), thuế là một khoản trích nộp bằng tiền mặt, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp, do công dân đóng góp cho Nhà nước thông qua quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của Nhà nước. Trên góc độ kinh tế học, “thuế là một biện pháp đặc biệt, theo đó Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công nhằm thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước”.

Thuế là khoản đóng góp bắt buộc, được xây dựng và thu về cho Nhà nước bằng con đường quyền lực. Thuế chỉ được sử dụng phục vụ cho lợi ích chung của xã hội. Nộp thuế không được quyền đòi hỏi sự hoàn trả trực tiếp bất kỳ một hàng hóa, dịch vụ nào từ phía Nhà nước khi nộp thuế (Lê Quang Cường & cộng sự, 2012).

2.1.2. Hành vi vi phạm pháp luật thuế

Theo Singh (2003), hành vi vi phạm pháp luật thuế ở DN xảy ra khi xuất hiện các vi phạm về Luật Thuế như khai thiếu doanh thu hoặc khai khống chi phí được trừ. Những DN không khai báo đúng 2 yếu tố: thu nhập và chi phí hoặc không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đều được hiểu là vi phạm pháp luật thuế. Các biểu hiện hành vi vi phạm pháp luật thuế như sự không phù hợp về số liệu trên báo cáo tài chính, sẽ dẫn đến sự không phù hợp của các báo cáo thuế ở DN (Frank & cộng sự, 2004). Plumley (2005) cho rằng hành vi vi phạm pháp luật thuế ở DN, như: không kê khai, kê khai sai, nợ thuế đã kê khai. Sự không tuân thủ thuế là những chênh lệch giữa số thuế kê khai nộp và số thuế họ thực sự phải nộp cho Nhà nước (Gemmell & Hasseldine, 2012).

Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, ngày 13/6/2019 của Việt Nam quy định những hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế như sau:

- Hành vi vi phạm thủ tục thuế bao gồm: thời hạn (đăng ký thuế; thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế; nộp hồ sơ khai thuế); khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, trừ trường hợp người nộp thuế khai bổ sung trong thời hạn quy định; quy định cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

- Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bao gồm: Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn...; người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết nhưng số liệu cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thảo luận nhóm: Được tiến hành với đối tượng là các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý thuế, có kinh nghiệm làm công tác thanh tra - kiểm tra thuế từ 5 năm trở lên tại cơ quan quản lý thuế tỉnh Vĩnh Long để nhận được những ý kiến đánh giá về nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế.

- Phương pháp thống kê, mô tả, so sánh: Để đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế thông qua các cuộc thanh tra - kiểm tra của cơ quan quản lý thuế.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng thu ngân sách nhà nước tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020

3.1.1. Kết quả thu ngân sách nhà nước

Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng hơn, nhiều hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực đã góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng và phát triển. Hệ thống chính sách, pháp luật thuế đã dần hoàn chỉnh, từng bước cải cách thủ tục hành chính thuế, cải cách quản lý thuế, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho người nộp thuế phát triển sản xuất - kinh doanh. Ngành Thuế tỉnh Vĩnh Long được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND), sự phối hợp chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác quản lý thuế đã tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả thu NSNN các năm trong giai đoạn 2016 - 2020 cụ thể như sau:

Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2016 là 4.642.266 triệu đồng, đạt 103,2% so với dự toán pháp lệnh được Bộ Tài chính giao là 4.500.000 triệu đồng và đạt 102,6% so với dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND) giao là 4.525.600 triệu đồng. Tổng thu cả năm 2017 là 5.245.336 triệu đồng, so với dự toán pháp lệnh đạt 102,2%, so với dự toán HĐND tỉnh giao đạt 101,6% và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Năm 2018, ngành Thuế tỉnh Vĩnh Long có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Tỉnh đề ra. Cụ thể: dự toán pháp lệnh Bộ Tài chính giao cho Cục Thuế là 5.085.000 triệu đồng, HĐND tỉnh Vĩnh Long giao 5.085.130 triệu đồng. Tổng thu năm 2018 là 5.198.770 triệu đồng, đạt 102,2% so với dự toán pháp lệnh và dự toán HĐND tỉnh giao. Năm 2019, tổng thu NSNN do Cơ quan Thuế thực hiện là 5.512.129 triệu đồng, đạt 106,7% so với dự toán pháp lệnh và đạt 99,5% so với dự toán phấn đấu, nhưng tổng thu NSNN năm 2019 tăng 10,6% so với cùng kỳ và tăng 313.354 triệu đồng.

Năm 2020, mặc dù phải triển khai nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhưngngành Thuế tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt và đạt được kết quả tích cực. Tổng thu NSNN toàn tỉnh đạt 6.093.424 triệu đồng, đạt 105,1% so dự toán pháp lệnh Bộ Tài chính giao là 5.800.000 triệu đồng và HĐND giao 5.800.220 triệu đồng, đồng thời tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020

Trương Thị Nhi

Nguồn: Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016 - 2020 của Cục Thuế Vĩnh Long

3.1.2. Đánh giá thực trạng thu ngân sách nhà nước

3.1.2.1. Kết quả đạt được

Ngành Thuế Vĩnh Long thực hiện nhiệm vụ thu trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, dự toán pháp lệnh được Bộ Tài chính, HĐND tỉnh giao là khá cao. Song, với sự cố gắng nỗ lực, ngành thuế tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện ở các mặt sau:

Thực hiện tốt chức năng tham mưu với lãnh đạo cấp trên trong quản lý, điều hành nhiệm vụ quản lý thu ngân sách trên địa bàn; công tác tuyên truyền, hỗ trợ chính sách thuế được triển khai đầy đủ, kịp thời đến người thụ hưởng, người nộp thuế, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của các DN góp phần giúp ngành Thuế thực hiện hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách hàng năm;

Thực hiện tốt công tác dự báo, dự toán, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện ngay từ đầu năm và hàng tháng, quý, năm;

Xây dựng được đội ngũ công chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức lối sống, yêu ngành, yêu nghề, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ, có đủ năng lực, trình độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; Những chủ trương, chính sách, những quy trình, quy định được toàn thể công chức ngành Thuế thực hiện nghiên túc.

Lực lượng công chức thuế đã thực hiện tốt chức năng phối hợp và vận động thu hồi nợ đọng, đấu tranh có hiệu quả các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

3.1.2.2. Tồn tại và hạn chế

Cơ cấu nguồn thu thiếu tính bền vững, tổng thu còn phụ thuộc quá nhiều nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất.

Tỷ lệ đạt các nguồn thu không đồng đều. Nguồn thu chủ lực để đánh giá chất lượng quản lý thuế không đạt dự toán và tỷ lệ đạt rất thấp (DN ngoài địa phương, DN có vốn đầu tư nước ngoài, công thương nghiệp - ngoài quốc doanh).

Công tác thanh tra - kiểm tra tuy đã được về mặt số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đi sâu phân tích những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều rủi ro như: chuyển giá, mua bán tay ba, không ghi chép sổ sách; chưa chú ý phân tích báo cáo tài chính trên góc độ quản trị, các chỉ số về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên vốn, tỷ suất lợi nhuận bình quân theo ngành hàng, DN kê khai không phát sinh doanh thu, DN kê khai âm liên tục, chưa phân tích làm rõ nguyên nhân nên chưa tác động DN kê khai.

Công tác quản lý nợ: Nợ đọng về tổng thể cuối năm đã  giảm so với nợ đầu năm nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, vẫn còn đơn vị có số nợ đọng tăng so đầu năm; Việc phân loại nợ chưa kịp thời, hồ sơ thủ tục đối với khoản nợ khó thu chưa thật đảm bảo, đầy đủ;

Công tác kê khai chưa được lãnh đạo một số Chi cục quan tâm, còn để xảy ra tình trạng chênh lệch khá lớn giữa số hộ được cấp mã số thuế ở trạng thái hoạt động và số hộ quản lý thuế.

3.1.2.3. Nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước

Ngành Thuế tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiệm vụ công tác thuế trong bối cảnh tình hình kinh tế cả nước, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác huy động nộp NSNN. Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế tỉnh nhà vẫn bộc lộ những hạn chế, khó khăn làm ảnh hưởng đến tình hình thu NSNN.

* Nguyên nhân chủ quan

- Một số Chi cục thuế phân công, bố trí nguồn nhân lực chưa thật sự hợp lý, còn tình trạng vừa thừa vừa thiếu, thiếu quan tâm, đôn đốc, kiểm tra công chức thực hiện nhiệm vụ nên hiệu quả quản lý, hiệu quả công việc không cao;

- Một số phòng chức năng chưa thật sự quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn cho các Chi cục, nhiều vấn đề phát sinh chưa được nắm bắt kịp thời nên chưa tham mưu cho Lãnh đạo Cục thuế giải quyết;

- Lực lượng công chức nhìn chung còn thiếu, một số tuổi cao, trình độ tin học, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; một số chưa chủ động trong công việc cũng như chưa chủ động phối hợp với các ngành, chức năng trong thực thi công vụ, còn thiếu trách nhiệm, chưa có thái độ quyết tâm trong đấu tranh với người nộp thuế;

* Nguyên nhân khách quan

- Phần lớn nợ thuế thuộc về DN trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, trên đà phá sản, DN nợ ngân hàng, nợ khách hàng nên luôn tránh né thuế, trốn nợ, DN không còn khả năng thanh toán. Từ đó, dẫn đến DN không thanh toán được nợ vay ngân hàng, không thanh toán tiền nợ thuế nhưng theo Luật định thì chưa được khoanh nợ, chưa được xóa nợ, tiền chậm nộp vẫn phải tính liên tục từ đó nợ chồng lên nợ cho người nộp thuế.

- Một số DN nợ thuế, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hoạt động và đang dần phục hồi, những DN này tập trung thanh toán nợ ngân hàng (NH) và các khoản nợ khác có đảm bảo, chưa quan tâm đúng mức nợ thuế.

3.2. Thực trạng công tác thanh tra - kiểm tra thuế tại tỉnh Vĩnh Long

3.2.1. Kết quả thanh tra - kiểm tra thuế

Phát triển DN là một trong những động lực chính để phát triển nền kinh tế đất nước, phát triển địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội,… Số lượng DN đang hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long tăng dần qua các năm. Lũy kế đến cuối năm 2020, toàn Tỉnh có 3.694 DN đang ở trạng thái hoạt động, gồm 2.887 DN và 807 chi nhánh, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019, số tăng tuyệt đối là 277 DN (Bảng 2).

Bảng 2. Số lượng doanh nghiệp đã thanh tra - kiểm tra

Trương Thị Nhi

Nguồn: Báo cáo tổng kết năm 2016 - 2020 của Cục Thuế Vĩnh Long

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã giao kế hoạch thanh tra - kiểm tra thuế cho các Chi cục thuế, các phòng Thanh tra - kiểm tra thuế để phấn đấu thực hiện. Kết quả công tác thanh tra - kiểm tra giai đoạn 2016 - 2020 đều vượt so với kế hoạch. Năm 2016, cơ quan quản lý thuế tiến hành thanh tra - kiểm tra tại 411 DN, đạt 101,5% so với kế hoạch. Đến năm 2020, mặc dù do tác động của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhưng với tinh thần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, đến cuối năm, toàn Cục thuế đã thực hiện được 479 cuộc thanh tra - kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, tăng 101,9% so với kế hoạch. (Bảng 2)

Quản lý thuế theo cơ chế tự kê khai tự nộp như hiện nay, công tác thanh tra - kiểm tra thuế đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mà còn góp phần cảnh báo, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật thuế; từ đó tác động nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế, tạo sự bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, trong quá trình khai thuế, tính thuế và nộp thuế còn nhiều bất cập, vướng mắc trong việc xác định doanh thu, chi phí khi tính thuế thu nhập DN, giá tính thuế, thuế suất khi tính thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nhà nước trao quyền tự chủ cho DN được phép tự in, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ,… từ đó, tạo  ra những kẽ hở trong việc kê khai thuế. Để hạn chế, ngăn chặn tối đa người nộp thuế kê khai sai, nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, làm thất thu NSNN, cơ quan quản lý thuế rất chú trọng đến công tác thanh tra - kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Bảng 3. Kết quả thanh tra - kiểm tra thuế

Đơn vị tính: Triệu đồng

Trương Thị NhiNguồn: Báo cáo tổng kết giai đoạn 2016 - 2020 của Cục Thuế Vĩnh Long

Bảng 3 - kết quả thanh tra - kiểm tra thuế đối với các DN trong giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy: Tổng số tiền truy thu và thu phạt từ năm 2016 - 2018 tăng liên tục, năm 2017 số tiền truy thu và thu phạt tăng 15.953 triệu đồng, tăng 61,1% so với năm 2016. Năm 2018, số tiền truy thu và thu phạt tăng 6.184 triệu đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đến năm 2019 tổng số tiền truy và thu phạt giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2018, do các cơ quan quản lý thuế chỉ tập trung thanh tra - kiểm tra thuế đối với các DN thuộc các lĩnh vực, ngành nghề kinh được đánh giá là còn thất thu, các DN liên tục lỗ qua nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, các DN có số thuế hoàn lớn. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020và các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế, công tác thanh tra - kiểm tra tập trung đối với DN có rủi ro cao về thuế, riêng đối với các DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì chưa thực hiện thanh tra - kiểm tra. Kết quả năm 2020, tổng số tiền truy thu và thu phạt là 26.532 triệu đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2019.

Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra thuế nhằm chống thất thu NSNN, đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và giúp người nộp thuế nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế. Tổng số tiền truy thu và thu phạt trong giai đoạn 2016 - 2020 là 174.517 triệu đồng: trong đó, tổng số tiền thuế đã nộp vào NSNN là 137.729 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 78,9% và số tiền còn lại phải nộp bổ sung vào NSNN là 36.788 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 21,1%.

3.2.2. Đánh giá kết quả thanh tra - kiểm tra thuế

Qua công tác thanh tra - kiểm tra thuế các DN tại tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật thuế của DN phổ biến như:

Khấu trừ thuế GTGT đầu vào không phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đối tượng không chịu thuế GTGT, không phân bổ thuế GTGT đầu vào cho doanh thu không chịu thuế; Kê khai doanh thu tính thuế GTGT sai thời điểm, kê khai thiếu doanh thu công trình nghiệm thu, xác định sai thuế suất thuế GTGT đầu ra, kê khai sót hóa đơn đầu ra, xuất hóa đơn ghi giá thanh toán thấp hơn so với giá thực tế,…;

Không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; đưa vào chi phí tính thuế TNDN các khoản chi không phục vụ sản xuất - kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ; đưa vào chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) không thuộc sở hữu; hạch toán thiếu thu nhập từ lãi tiền gửi, các khoản tài trợ, thanh lý TSCĐ, bán phế liệu phế phẩm; hạch toán chi phí nguyên vật liệu vượt định mức, chi phí dự phòng sản phẩm không đúng đối tượng...; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đủ hồ sơ, hạch toán chi phí không có hóa đơn chứng từ, không đúng đối tượng, trích khấu hao vượt mức khống chế...;

Ngoài ra, còn có hiện tượng kế toán kê khai khống số liệu, chứng từ kế toán để giảm số thuế phải nộp: hạch toán giá vốn sai quy định; có dấu hiệu khai không phù hợp để trốn thuế như: kê khai doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNDN có sai lệch, số liệu kê khai thuế không khớp với báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh hoặc các mẫu biểu kèm theo báo cáo tài chính của đơn vị.

4. Kết luận và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác công tác thanh tra - kiểm tra thuế tại tỉnh Vĩnh Long

4.1. Kết luận

Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020 ,cơ quan quản lý thuế tại Vĩnh Long đã thực hiện thanh tra - kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế là 2.215 cuộc, tăng 56 cuộc so với kế hoạch (2.159 cuộc), chiếm 2,6%. Qua kết quả thanh tra - kiểm tra thuế, tổng số tiền thuế truy thu và thu phạt là 174.517 triệu đồng, tổng số tiền thuế đã nộp vào NSNN là 137.729 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 78,9%, số tiền còn lại phải nộp bổ sung vào NSNN là 36.788 triệu đồng.

Từ kết quả phân tích thực trạng trên cho thấy vi phạm pháp luật thuế của các DN tỉnh Vĩnh Long còn tương đối cao, gây thất thoát cho NSNN, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tỉnh cần phải có các giải pháp kịp thời để kéo giảm thực trạng vi phạm, góp phần tăng thu cho NSNN, tạo sự công bằng trong xã hội.

4.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác công tác thanh tra - kiểm tra thuế tại tỉnh Vĩnh Long

Bên cạnh việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác thanh tra - kiểm tra thuế, hoạt động thanh tra - kiểm tra thuế cần đảm bảo tác dụng ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của DN. Cơ quan quản lý thuế cần quyết liệt thực hiện những giải pháp, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác công tác thanh tra - kiểm tra tại tỉnh Vĩnh Long, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Đổi mới công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện chính sách thuế, tập huấn, hướng dẫn để tránh sai sót, sai phạm có thể xảy ra, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành thuế của người nộp thuế.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế,… để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.

Thứ ba: Kiện toàn đội ngũ làm công tác thanh tra - kiểm tra thuế, đảm bảo công chính, liêm minh, thông thạo về pháp luật, nâng cao số lượng, chất lượng thanh tra - kiểm tra; Tăng cường công tác đào tạo tập huấn, trao đổi nghiệp vụ để nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra - kiểm tra thuế; xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng thanh tra - kiểm tra. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức kế toán, kỹ năng phân tích báo cáo tài chính, chuẩn mực kế toán cho lực lượng thanh tra - kiểm tra thuế.

Thứ tư: Lập kế hoạch, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng nội dung phân tích rủi ro, phối hợp thiết lập hệ thống dữ liệu đồng bộ, vận hành liên thông giữa các bộ phận chức năng nhằm thực hiện nhanh, hiệu quả công tác thu thập, phân tích, đánh giá và phân loại mức độ rủi ro kết hợp với việc nắm sát tình hình hoạt động của DNNVV để phục vụ hiệu quả công tác thanh tra - kiểm tra thuế.

Thứ năm: Tăng cường công tác hậu kiểm, tiến hành thanh tra - kiểm tra đột xuất những đơn vị có dấu hiệu vi phạm, chú ý các DNNVV có mối quan hệ kinh tế với nhiều DNNVV khác, các DNNVV có giao dịch liên kết, liên tục lỗ qua nhiều năm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020.
  2. Cục Thuế Vĩnh Long (2016 - 2020). Báo cáo tổng kết công nhiệm vụ công tác thuế và nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế.
  3. Frank, M. M., Lynch, L. J., & Rego, S. O. (2009). Tax reporting aggressiveness and its relation to aggressive financial reporting. The Accounting Review, 84(2), 467-496.
  4. Gemmell, N.,& Hasseldine, J.(2012). The tax gap: a methodological review. Bingley, United Kingdom: Emerald Group Publishing Limited.
  5. Lê Quang Cường & cộng sự (2012). Giáo trình Thuế 1. Nhà xuất bản Lao động.
  6. Plumley, A. (2005). Preliminary update of the tax year 2001 individual income tax underreporting gap estimates. In  Annual Conference on Taxation and Minutes of the Annual Meeting of the National Tax Association, 19-25. National Tax Association.
  7. Quốc hội (2019). Luật Quản lý thuế, số 38/2019/QH14.

  8. Singh,V. (2003). Malaysian Tax Adminitration, 6th ed. Kuala Lumpur: Longman.

ASSESSING THE TAX INSPECTIONS AND EXAMINATIONS OF VINH LONG PROVINCE DEPARTMENT OF TAX FROM 2016 TO 2020

Truong Thi Nhi1

Chan Thi Hong Cuc1

1University of Economics Ho Chi Minh City - Vinh Long Province Campus

Abstract:

This study assessed the tax violations of Vinh Long Province’s enterprises by examining tax inspections and examinations. Group discussion, statistical, descriptive and comparative methods were used in this study to assess the tax violations. The statistics about the tax violations of Vinh Long Province’s enterprises are collected from Vinh Long Province Department of Tax’s reports on tax duties over the period from 2016 to 2020. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the tax inspections and examinations of the provincial Department of Tax in the coming time.

Keywords: tax, tax inspections and examinations, Vinh Long Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2021]