Đánh giá hiệu quả sử dụng công nghệ di động đến kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên

ThS. NGUYỄN THANH MAI THY (Giảng viên Bộ môn Anh văn tổng quát, Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Học tập nói chung và đặc biệt là trong học ngoại ngữ có sự hỗ trợ của thiết bị di động mang lại cả lợi ích và thách thức trong việc tối ưu hóa kết quả đầu ra của sinh viên nhằm đạt được mục tiêu học tập. Bằng phương pháp sử dụng một số phần mềm như ELSA, Bingo Blabla, Speaky, tác giả đã thực nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của các ứng dụng di động trong vai trò hỗ trợ học tập có thể giúp sinh viên cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh. Tác giả sử dụng phương pháp hỗn hợp bao gồm định lượng và phỏng vấn để đánh giá khách quan về vai trò của các ứng dụng công nghệ trong thực nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các khía cạnh của kỹ năng nói tiếng Anh tăng lên 17%, qua phỏng vấn hầu hết sinh viên tham gia quá trình thực nghiệm đều tin rằng việc sử dụng thiết bị di động sẽ hữu ích cho việc học tiếng Anh. Kết quả cũng gợi ý rằng việc tăng cường sử dụng công nghệ dưới dạng các ứng dụng học tập trên thiết bị di động tạo cơ hội cho cả giảng viên và sinh viên trong việc nâng cao chất lượng dạy và học nói chung cũng như giảng dạy và học tập kỹ năng nói tiếng Anh nói riêng.

Từ khóa: MALL, điện thoại, kỹ năng nói, tiếng Anh.

1. Giới thiệu

Giảng dạy và học tập “kỹ năng Nói” là một phần quan trọng của việc học và dạy ngôn ngữ tiếng Anh. Song, trong nhiều năm, việc dạy nói đã bị coi nhẹ và nhiều giảng viên dạy tiếng Anh dạy nói chỉ như một sự lặp lại các bài tập hoặc ghi nhớ các đoạn hội thoại.

 Tuy nhiên, thế giới ngày nay đòi hỏi mục tiêu của việc dạy nói phải nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của sinh viên. Bởi vì, chỉ bằng cách đó, sinh viên mới có thể thể hiện bản thân và học cách tuân theo các quy tắc văn hóa xã hội phù hợp trong từng hoàn cảnh giao tiếp. Để dạy người học ngôn ngữ thứ hai cách nói theo cách tốt nhất có thể, một số ứng dụng trên di động như ELSA, Speaky, Bingo Blabla, có thể áp dụng cho các môi trường lớp học cùng với các đề xuất dành cho giảng viên dạy ngôn ngữ tiếng Anh.

Hiện nay phần mềm trên di động đang trở nên phổ biến và các công cụ sử dụng AI như các phần mềm nhận dạng giọng nói được coi là những công cụ tốt nhất để dạy kỹ năng nói. Bài báo này nhằm mục đích thảo luận một số công nghệ hiện đại có sẵn cho giảng viên tiếng Anh ngày nay để nâng cao kỹ năng nói của người học ngoại ngữ thứ hai.

2. Cơ sở lý thuyết về học tập sử dụng thiết bị di động và đánh giá kỹ năng nói tiếng Anh

2.1. Học tập sử dụng thiết bị đi động

Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh là cần thiết và hữu ích cho cả giảng viên và sinh viên. Các công cụ công nghệ đã được coi là cách giúp sinh viên cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ, trong đó có kỹ năng nói, như Internet, podcast, hội nghị truyền hình, video, phần mềm,…

Trong đó, kỹ năng nói tiếng Anh là một trong những kỹ năng sinh viên phải thành thạo khi học tiếng Anh. Việc cải thiện khả năng nói tiếng Anh của sinh viên luôn được các giảng viên quan tâm; tuy nhiên, phương pháp đối với từng giảng viên còn khác nhau và đôi khi việc sử dụng còn lúng túng.

Ngày nay, học tập ngôn ngữ bằng cách sử dụng thiết bị di động (Mobile-assisted language learning - MALL) đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là phương pháp học ngôn ngữ được sự hỗ trợ thông qua việc sử dụng thiết bị di động cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Với MALL, sinh viên có thể truy cập tài liệu học ngôn ngữ và giao tiếp với giảng viên và bạn học của mình bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với một kết nối thích hợp. Bằng cách sử dụng phương pháp này trong các lớp học, sinh viên sẽ có cơ hội rèn luyện và thậm chí giao tiếp với nhau để cải thiện kỹ năng nói.

2.2. Kỹ năng dạy nói tiếng Anh

Dạy nói là "quá trình xây dựng và chia sẻ ý nghĩa thông qua việc sử dụng các ký hiệu bằng lời nói và không lời, trong nhiều ngữ cảnh khác nhau" (Chaney, 1998).

Một số phương pháp dạy nói trong tiếng Anh bao gồm những hoạt động chính như sau:

a) Thảo luận

Phương pháp thảo luận là phương pháp phổ biến trong thúc đẩy kỹ năng nói tiếng Anh. Sau một bài học dựa trên nội dung, một cuộc thảo luận có thể được tổ chức để cải thiện khả năng nói bằng cách sinh viên có thể đưa ra kết luận, chia sẻ ý kiến về một sự kiện hoặc tìm giải pháp trong nhóm thảo luận của mình. Trước khi thảo luận, điều cốt yếu là mục đích của hoạt động thảo luận do giảng viên đặt ra. Bằng cách này, các điểm thảo luận phù hợp với mục đích này, để sinh viên không dành thời gian tán gẫu với nhau về những điều không liên quan.

b) Nhập vai và mô phỏng

Phương pháp nhập là phương pháp để sinh viên đóng một vai như diễn viên. Sinh viên giả họ đang ở trong các bối cảnh xã hội khác nhau và có nhiều vai trò xã hội khác nhau. Trong các hoạt động đóng vai, giảng viên cung cấp thông tin cho người học như họ là ai và họ nghĩ gì hoặc cảm thấy gì. Chẳng hạn, giảng viên đưa ra yêu cầu với sinh viên rằng "Bạn là Cường, bạn đến gặp bác sĩ và kể cho anh ta nghe những gì đã xảy ra đêm qua, và..." (Harmer, 1984)

Mô phỏng rất giống với nhập vai nhưng ở mức độ phức tạp hơn. Trong mô phỏng, sinh viên có thể mang các vật phẩm, đạo cụ đến lớp để tạo ra một môi trường thực tế. Ví dụ, trong lớp học kinh tế, nếu một sinh viên đóng vai trò là CEO một công ty, cô ấy sẽ mang báo cáo tài chính, hồ sơ nhân sự để trình bày chủ đề,... Nhập vai và mô phỏng có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, vì chúng mang tính giải trí, chúng tạo động lực cho sinh viên. Thứ hai, như Harmer (1984) đề xuất, chúng làm tăng sự tự tin của những sinh viên còn do dự, thiếu tự tin.

Ngoài ra, một số hoạt động cũng được xem xét để rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh đó là phỏng vấn, mô tả bức tranh,… đều là phương pháp cải thiện kỹ năng nói hiệu quả.

2.3. Phương pháp đánh giá kỹ năng nói tiếng Anh

Đánh giá kỹ năng nói tiếng Anh là hoạt động có mục đích, nhằm cung cấp thông tin bản chất về quá trình thu được sau khi giảng dạy một kỹ năng cụ thể, từ đó đánh giá phương pháp giảng dạy của giảng viên và sinh viên thu nhận về quá trình học tập của mình.

Tiêu chí đánh giá của Ben Knight (1992) được liệt kê dưới 5 khía cạnh để đánh giá như sau:

1. Ngữ pháp

a) Tính đa dạng: Càng sử dụng đa dạng các thì, các thể loại bị động, chủ động,... thì càng được đánh giá cao.

b) Tính chính xác: Sử dụng ngữ pháp đúng với tình huống được đánh giá cao.

2. Từ vựng:

a) Tính đa dạng:

b) Tính chính xác sử dụng từ:

3. Phát âm

a) Trọng âm

b) Liên kết từ

4. Thành thạo

a) Tốc độ nói

b) Sự gián đoạn trong quá trình nói.

5. Nội dung của bài nói

a) Sự liên kết chặt chẽ và mạch lạc của bài nói.

b) Liên quan

Đánh giá các tiêu chí phụ được đánh giá khách quan và phù hợp. Chẳng hạn tính "tính đa dạng" trong tiêu chí "ngữ pháp", sinh viên càng sử dụng đa dạng các thì, các thể loại bị động, chủ động,… càng được đánh giá cao. Đối với "Tính chính xác" thì sử dụng ngữ pháp đúng với tình huống được đánh giá cao.

Trong những phương pháp giảng dạy khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau để đánh giá những cách thích hợp nhất để khơi gợi. Và những kỹ năng này để bài kiểm tra của sinh viên phù hợp và đạt điểm chính xác. Tuy nhiên,  phương pháp của Ben Knight (1992) có thể thấy đánh giá kỹ năng nói của sinh viên phù hợp cho nghiên cứu này.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Người tham gia

Về số lượng sinh viên nhóm thử nghiệm là 38 sinh viên và nhóm đối chứng là 36 sinh viên của 2 lớp GD2-03 và GD2-04, Trường Đại học Văn Lang.

3.2. Phần mềm sử dụng

a) ELSA

ELSA (English Learning Speech Assistant) là một ứng dụng trên điện thoại hỗ trợ học nói tiếng Anh giao tiếp. ELSA hoạt động như là một trợ lý tiếng Anh giao tiếp sẽ lựa chọn những bài học tiếng Anh và giúp rèn luyệt phát âm để giao tiếp tiếng Anh. Một vài chức năng đáng chú ý của ELSA đó là: (1) so sánh giọng nói tiếng Anh với giọng của người bản xứ, (2) nhận hướng dẫn để sửa lỗi sai trong tiếng Anh giao tiếp, (3) nhận phản hồi về những âm thanh khác trong luyện nói tiếng Anh thông qua bảng phiên âm IPA với chức năng Phản hồi Nâng cao, và (4) xem video hướng dẫn cách phát âm các âm tiết khó trong tiếng Anh giao tiếp.

Đây là ứng dụng do người Việt Nam sáng lập.

b) Speaky và Lingo Blabla

Hai phần mềm kết nối những người bạn học tiếng Anh trên toàn thế giới. Ứng dụng này giúp người tham gia thực hành với những người bạn cũng đang tìm học ngôn ngữ (tiếng Anh) và những người học sẽ học hỏi lẫn nhau đơn giản bằng cách trao đổi các kỹ năng ngôn ngữ

cần thiết.

3.3. Thủ tục nghiên cứu

Giai đoạn 1: Phân tích sự khác biệt giữa lớp được áp dụng và lớp không được áp dụng phương pháp dạy học sử dụng các phần mềm hỗ trợ học nói tiếng Anh.

Hình 1: Các bước thực nghiệm sử dụng phần mềm hỗ trợ kỹ năng nói tiếng Anh

Các bước thực nghiệm sử dụng phần mềm hỗ trợ kỹ năng nói tiếng Anh

Sinh viên sẽ trải qua 3 bước trong giai đoạn này đó là:

Bước 1: Hướng dẫn sử dụng phần mềm ELSA để cải thiện phát âm các từ, câu.

Bước 2: Sinh viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm Speaky và Bingo BlaBla.

Bước 3: Sinh viên tham gia vào các cuộc mô phỏng và thảo luận nhằm để giảng viên đánh giá sự cải thiện trong kỹ năng nói tiếng Anh. Trong mô phỏng và thảo luận, giảng viên thành lập các nhóm sinh viên, thường là 4 hoặc 5 sinh viên trong mỗi nhóm và đưa ra các câu gây tranh cãi như “Công ty A có báo cáo tài chính tốt hơn với công ty B. Anh chị hay chứng minh luận điểm trên hoặc phản bác điều đó?” hoặc “Mạng xã hội Facebook có nhiều điểm hại. Anh chị hãy nêu quan điểm trình bày đồng ý hay phản bác luận điểm đó?". Sau đó, mỗi nhóm làm việc về chủ đề của họ trong một khoảng thời gian nhất định và trình bày ý kiến của mình trước lớp. Điều quan trọng là bài phát biểu phải được chia đều cho các thành viên trong nhóm. Cuối cùng, cả lớp quyết định nhóm chiến thắng là người đã bảo vệ ý tưởng một cách tốt nhất.

Giai đoạn 2: Sử dụng phương pháp kiểm định thống kê t-test phân tích thống kê để tìm ý nghĩa sự khác biệt giữa trước và sau quá trình áp dụng phương pháp đối với lớp GD2-03.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả đánh giá trước và sau khảo sát

Kết quả Nói trước và sau kiểm tra được thực hiện thông qua bài kiểm tra cấp bậc có chữ ký của t-test để xác định liệu có sự khác biệt trung bình giữa hai mẫu được ghép nối hay không.

Chủ đề trước khi thực nghiệm là tiện ích và mạng xã hội trong khi chủ đề sau thực nghiệm là Báo cáo tài chính, Mạng xã hội. Khả năng nói của sinh viên được đánh giá trong tiêu chí của Ben Kinght (1992) như minh họa ở Bảng 1.

Bảng 1. Đánh giá nhóm thực nghiệm trước và sau quá trình áp dụng phương pháp

Đánh giá nhóm thực nghiệm trước và sau quá trình áp dụng phương pháp

Kết quả thống kê như sau:

Bảng 2. Kết quả thống kê trước và sau nghiên cứu

Kết quả thống kê trước và sau nghiên cứu

Từ Bảng 2 ta thấy tỷ lệ trước thực nghiệm trung bình kỹ năng đạt được là 57% và sau thực nghiệm là 74%. Như vậy, tỷ lệ tăng tương ứng trung bình 5 kỹ năng nói được đánh giá theo Ben Knight là 17%. Để xác định kết quả là phù hợp ta tính toán được giá trị của sig (p) là 0,023. Có nghĩa là p = 0,023 thấp hơn 0,050 hoặc p < 0,05. Theo đó, chúng ta có thể suy ra rằng, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về động lực của sinh viên trước và sau khi sử dụng Ứng dụng ứng dụng trên di động để học từ vựng, hoặc Ha (giả thuyết thay thế) được chấp nhận và Ho (giả thuyết khống) bị bác bỏ.

4.2. Kết quả sau phỏng vấn

Sau khi được phỏng vấn, nhóm tập trung và cá nhân cho thấy rằng việc sử dụng ELSA giúp khẳng định niềm tin của sinh viên về việc sử dụng thiết bị di động trong các lớp học. Các sinh viên chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị di động đã giúp họ giảm bớt lo lắng và cải thiện kỹ năng phát âm và nói của họ. Những người tham gia cho biết những điều họ học được qua ELSA khá dễ nhớ và áp dụng hơn sau này.

Đối với các mạng xã hội cộng đồng nói tiếng Anh như Speaky, Bingo Blabla, mặc dù nhiều sinh viên thất vọng về kết quả sử dụng phần mềm này, tuy nhiên vẫn ở mức chấp nhận được, Nhiều sinh viên có thể nói với một số bạn bè quốc tế, tuy nhiên vẫn khó hiểu vì sự khác biệt về giọng nói một số nước khác nhau.

Một thiếu sót lớn là ELSA chỉ tập trung vào các khía cạnh phân đoạn của phát âm. Sự chú ý vào các âm thanh riêng lẻ không phải là một vấn đề, tuy nhiên, sự thiếu cân bằng giữa các cơ hội thực hành theo phân đoạn và siêu phân đoạn là một vấn đề nan giải. Tài liệu nghiên cứu về phát âm cho thấy rõ ràng rằng việc tập trung hướng dẫn phát âm vào các tính năng siêu phân đoạn (suprasegmental) giúp cải thiện khả năng hiểu và độ trôi chảy hơn là tập trung vào phân đoạn (segmental).

5. Kết luận và khuyến nghị

Từ kết quả thực nghiệm nghiên cứu cho thấy sử dụng phần mềm hỗ trợ nói trên thiết bị di động đã cải thiện đáng kể kỹ năng nói của sinh viên tham gia với tỷ lệ trung bình các chỉ tiêu là 17%. Kết quả chỉ ra rằng, hầu hết sinh viên tham gia quá trình thực nghiệm đều tin rằng việc sử dụng thiết bị di động sẽ hữu ích cho việc học tiếng Anh. Một số sinh viên thậm chí còn nghĩ rằng những thiết bị như vậy là công cụ thực sự cần thiết. Theo Fahad (2009) cũng cho thấy, việc sử dụng thiết bị di động trong việc học ngoại ngữ là một sự hỗ trợ tốt cho sinh viên và chúng là công cụ hữu ích và phát triển nhanh chóng cho các lớp học ngoại ngữ. Kết quả này cũng trùng hợp với nghiên cứu của Hsu và cộng sự (2013), nghiên cứu đã xác nhận tính hữu ích của học tập trên đi động với 90% số người tham gia nghiên cứu. Như vậy có thể kết luận rằng việc triển khai các ứng dụng di động làm trợ giúp học tập có thể giúp sinh viên và giảng viên trong hỗ trợ giảng dạy và học tập tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nói để nâng cao kỹ năng nói của sinh viên.

Từ kết quả nghiên cứu trên và qua phỏng vấn, tác giả có một số khuyến nghị như sau:

Các ứng dụng di động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và là công cụ trợ giúp học tập của sinh viên. Các ứng dụng này được sử dụng bên ngoài lớp học có thể khiến sinh viên nâng cao kỹ năng và trở thành những người học độc lập, học tập suốt đời. Việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ sửa lỗi, kiểm tra phát âm và trao đổi có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế để cải thiện kỹ năng nói. Nhìn chung các ứng dụng đều nhiều chức năng, không chỉ giúp cải thiện kỹ năng nói mà còn học những kỹ năng khác như viết, nghe, đọc,… với phương pháp giảng dạy được sử dụng và lựa chọn các ứng dụng học tập di động thích hợp.

Tác giả đã sử dụng phương pháp Thảo luận và Mô phỏng trong nghiên cứu cho thấy, phương pháp này không chỉ được coi như một phương pháp giảng dạy mà còn đánh giá kỹ năng nói sinh viên. Qua thực nghiệm cho thấy, phương pháp mô phỏng được sử dụng nhằm giúp giảng viên và sinh viên chia sẻ kiến thức, xây dựng và mối quan hệ và đánh giá kỹ năng của sinh viên. Hoạt động này không chỉ nâng cao tư duy tranh luận, kỹ năng nói và ra quyết định nhanh chóng, đồng thời sinh viên còn học cách thể hiện và biện minh cho bản thân theo những cách lịch sự trong khi không đồng ý với những người khác.

Kinh nghiệm cho thấy để thảo luận nhóm hiệu quả thì tốt hơn hết là giảng viên không nên thành lập các nhóm lớn, vì những sinh viên ít nói có thể tránh đóng góp trong các nhóm lớn. Các thành viên trong nhóm có thể do giảng viên chỉ định hoặc sinh viên có thể tự xác định, nhưng các nhóm nên được sắp xếp lại trong mọi hoạt động thảo luận để sinh viên có thể làm việc với nhiều người và học cách cởi mở với những ý tưởng khác nhau. Cuối cùng, sinh viên phải luôn được khuyến khích đặt câu hỏi, diễn giải ý tưởng, bày tỏ sự ủng hộ, kiểm tra để làm rõ,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Norah Fahad. (2009). Students' attitudes and perceptions towards the effectiveness of mobile learning in King Saud University, Saudi Arabia. Turkish Online Journal of Educational Technology, 8(2), 111-119.
  2. Ching-Kun Hsu, Gwo-Jen Hwang, Chih-Kai Chang. (2013). A personalized recommendation-based mobile learning approach to improving the reading performance of EFL students. Computers & Education, 63(1), 327-336.
  3. Harmer, J. (1984). The Practice of English Language Teaching. London: Longman.
  4. Ben Knight. (1992). Assessing speaking skills: A workshop for teacher development. ELT Journal, 46(3), 294-302.

EVALUATING THE EFFECT OF MOBILE APPLICATIONS

ON STUDENTS' ENGLISH SPEAKING SKILLS

• NGUYEN THANH MAI THY

Lecturer, Department of General English,

Faculty of Foreign Languages, Van Lang University

ABSTRACT:

With the mobile technologies being gradually integrated into learning and the evolutionary development of smartphones, the market of educational mobile apps, especially for second language learning, has been rapidly growing. However, researches on using mobile apps to foster English language learning remain scant. The author using some apps such as ELSA, Bingo Blabla, Speaky, have experimented to evaluate the impact of mobile applications that can help students improve their English-speaking skills. Moreover, the author uses a mixed method that includes quantitative analysis and interviews to objectively assess the role of technological applications in experiments. It is reamarked that students were very enthusiastic exploring and practicing mobile learning applications although they got problem with unstable internet connection. Technology in the form of mobile learning applications gives both teachers and students opportunities to improve the quality of teaching and learning. It is relevant to any subjects by selecting appropriate mobile learning applications.

Keywords: MALL, mobile phones, speaking skill, English.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]