Đánh giá mức độ hài lòng của hành khách tham gia giao thông bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Ths. NGUYỄN THỊ LÊ NA (Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Phát triển hệ thống giao thông công cộng là một trong những giải pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại bài báo này, chúng tôi phân tích đặc điểm của hành khách và đánh giá mức độ hài lòng khi họ đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Qua đó, chúng tôi đánh giá về mức độ thuận tiện của tuyến tàu điện đầu tiên tại Hà Nội để có cơ sở đề xuất giải pháp cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Từ khóa: giao thông công cộng, tàu điện, hành khách, mức độ hài lòng.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, Hà Nội là một trong các thành phố có tốc độ gia tăng về dân số lớn nhất cả nước do tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ kết hợp với tốc độ đô thị hóa trong hơn 10 năm trở lại đây. Song song với gia tăng về dân số là sự gia tăng về phương tiện giao thông cá nhân. Theo thống kê của Sở Giao thông, Thành phố Hà Nội đang quản lý trên 7 triệu phương tiện giao thông (bao gồm xe ô tô, xe máy điện, xe máy) với tốc độ tăng trưởng xe máy là 10,2%/ năm và tốc độ tăng trưởng ô tô là 5,5%/ năm [1]. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quá tải. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trong nhiều năm. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhóm giải pháp đã được nghiên cứu và triển khai. Trong đó, thay thế phương tiện cá nhân bằng các phương tiện công cộng như xe bus và tàu điện trên cao là giải pháp khả thi được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng.

Tháng 11 năm 2021, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành. Hệ thống tàu Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu hoạt động liên tục với vận tốc tối đa lên tới 80km/h và vận tốc khai thác là 35km/h. Tàu đi qua 12 nhà ga, với tần suất 10 phút một chuyến. Vào khung giờ cao điểm, tần suất được tăng lên với khoảng cách thời gian khoảng 6 phút/chuyến, sức chứa 960 người/đoàn tàu [2]. Với vận tốc và tần suất như vậy, hành khách sẽ tiết kiệm được tối đa thời gian di chuyển. Ngoài ra, có rất nhiều tuyến xe bus kết nối với tàu và có điểm trông giữ xe tại các nhà ga, giúp hành khách thuận tiện trong việc tham gia giao thông bằng tàu điện trên cao.

Bài báo nghiên cứu kết quả khảo sát các hành khách tham gia giao thông bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông để đánh giá một số đặc điểm hành khách và mức độ hài lòng của hành khách khi tham gia loại hình phương tiện giao thông mới này. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các chính sách và giải pháp hợp lý nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn trong thành phố, cũng như góp phần lan tỏa lợi ích của loại hình giao thông hiện đại này tới người dân.

2. Phương pháp luận và dữ liệu khảo sát

Nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát trực tiếp các hành khách thông qua bảng câu hỏi nhằm đánh giá mức độ hài lòng và mong muốn của họ khi tham gia giao thông trên một phương tiện giao thông công cộng mới này. Phạm vi khảo sát là 621 hành khách gồm 315 người được khảo sát vào khung giờ 1 từ 14h đến 17h và 306 người được khảo sát vào khung giờ 2 từ 06h đến 09h. Việc xem xét lựa chọn mẫu ở 2 khung giờ khác nhau cho thấy được sự khác biệt về một số đặc điểm của các hành khách do mục đích tham gia giao thông trong các khung giờ trong ngày khác nhau.

Bảng hỏi gồm 5 câu hỏi đơn giản, chia thành 2 phần: Phần I gồm 2 câu hỏi về đối tượng và mục đích đi tàu của hành khách. Phần II là những câu hỏi liên quan đến phương tiện đi đến ga tàu, tần suất đi tàu trong 1 tuần và đánh giá cá nhân. Câu hỏi liên quan đến đánh giá cá nhân được chia thành các câu hỏi lựa chọn, sử dụng thang điểm 5 điểm để đo lường, phạm vi từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý). Kết quả trả lời câu hỏi phần I được thể hiện Bảng 1.

Bảng 1. Một số thông tin của người được khảo sát.

 

Hạng mục

T lệ

(Khung giờ 1)

T lệ

(Khung giờ 2)

 

Hạng mục

T lệ

(Khung giờ 1)

T lệ

(Khung giờ 2)

 

Đối tượng hành khách

Công chức

6.67%

51.96%

Mục đích tham gia giao thông

Đi làm

12.38%

55.88%

Sinh viên

72.38%

30.39%

Đi học

27.62%

26.47%

Nghỉ hưu

8.57%

10.79%

Đi chơi

49.52%

11.77%

Khác

12.38%

6.86%

Khác

10.48%

5.88%

Qua Bảng 1 cho thấy vào khung giờ 1 từ 14h đến 17h, hành khách tham gia giao thông bằng tàu Cát Linh - Hà Đông chủ yếu là sinh viên (chiếm 72,38% số hành khách được hỏi) chủ yếu với mục đích đi chơi và trải nghiệm lần đầu tiên đi tàu điện (49,52%). Tuy nhiên, vào khung giờ 2 từ 06h đến 09h, hành khách chủ yếu là công chức và sinh viên (51,96% là công chức và 30,39% là sinh viên); mục đích chính tham gia giao thông vào khung giờ này là đi làm (55,88%) và đi học (26,47%). Điều này khẳng định tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã đáp ứng đúng đối tượng khách hàng.                                                                                     

3. Phân tích kết quả khảo sát

Nhóm nghiên cứu phân tích kết quả khảo sát về các loại phương tiện hành khách sử dụng đi đến ga tàu và đánh giá mức độ hài lòng của hành khách, nhằm cung cấp một số thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như các cơ quan quản lý hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội.

3.1. Các loại phương tiện hành khách sử dụng đến ga tàu điện

Để tham gia giao thông công cộng bằng tàu Cát Linh - Hà Đông, hành khách sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau để đi đến ga tàu điện (Bảng 2).

Bảng 2. Các loại phương tiện hành khách sử dụng đến ga tàu

Phương tiện đi đến ga tàu

Số người tham gia khảo sát

Tlệ

Đi bộ

237

38.16%

Xe máy

204

32.85%

Xe đạp

99

15.94%

Xe bus

63

10.15%

Ô tô

18

2.90%

Tổng cộng

621

100.00%

Theo kết quả trên, gần 50% số hành khách tham gia khảo sát đi xe máy và xe đạp đến ga tàu điện. Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của hành khách, Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận có ga đường sắt bố trí điểm trông giữ xe hợp lý cho hành khách. Đến nay, cơ bản các quận đã bố trí đủ các điểm gửi xe. Hiện tại, dọc tuyến tàu điện này có hơn 50 tuyến xe bus tại kết nối tại các nhà ga [2]. Tuy nhiên, số hành khách đi xe bus đến ga tàu chiếm tỷ trọng thấp (10,15%), đa số các hành khách này ở gần bến xe bus và chỉ phải đi 1 chặng xe bus để đến gas. Ngoài ra, do chỉ có 1 tuyến tàu điện, nên đa số hành khách tham gia giao thông bằng tàu điện ở gần dọc tuyến tàu (38,16% hành khách đi bộ đến ga tàu).

3.2. Đánh giá mức độ hài lòng của hành khách

Theo kết quả khảo sát, trên 80% số hành khách tham gia khảo sát đều đồng ý và rất đồng ý với tất cả các nhận định mà nhóm nghiên cứu đưa ra về việc tham gia giao thông công cộng bằng tàu điện (Bảng 3). Đặc biệt, khoảng 88% số hành khách đồng ý và rất đồng ý với ý kiến về việc góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường của loại hình giao thông công cộng mới này ở Hà Nội. Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội đang trở nên nghiêm trọng hơn. Hà Nội đã tăng cường thêm nhiều tuyến xe bus góp phần giảm phương tiện cá nhân, mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường,… Tuy nhiên, ùn tắc giao thông vẫn là vấn nạn chưa có lời giải. Điển hình là một số tuyến đường xảy ra ùn tắc thường xuyên như Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Trãi, Sơn Tây - Nguyễn Lương Bằng,… (Bảng 3)

Bảng 3. Kết quả khảo sát ý kiến của hành khách

Nội dung

Rất đồng ý

Đồng ý

Trung lập

Không đồng ý

Rất không đồng ý

Tổng cộng

Giảm tắc nghẽn giao thông

333

219

63

6

0

621

Giảm ô nhiễm môi trường

327

219

72

3

0

621

Giảm chi phí đi lại

291

237

90

3

0

621

Giá vé tàu hợp lý

273

231

108

9

0

621

Giá vé gửi xe tại các ga hợp lý

276

231

96

12

6

621

Mua vé tàu thuận tiện

282

246

87

6

0

621

Tần suất tàu chạy hợp lý

303

234

81

3

0

621

Thời gian tàu dừng tại ga hợp lý

261

246

96

15

3

621

Kết nối ga tàu với các tuyến xe bus thuận tiện

243

261

105

12

0

621

Bãi gửi xe tại các ga hợp lý

294

210

102

15

0

621

Kết quả trên cho thấy trên 81% số người tham gia khảo sát đều cho rằng giá vé tàu, vé gửi xe tại các nhà ga, thời gian tàu dừng tại các nhà ga và kết nối các tuyến bus với tàu hợp lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số hành khách có ý kiến thời gian dừng tàu từ 25-30 giây tại các nhà ga để hành khách lên tàu còn ngắn đối với người già và trẻ em, nên tăng thêm thời gian dừng tàu vì sự an toàn của tất cả các hành khách. Khoảng 85% hành khách cho biết họ giảm được chi phí đi lại so với sử dụng phương tiện cá nhân. Nếu hành khách di chuyển từ điểm đầu (ga Cát Linh) tới điểm cuối (ga Yên Nghĩa) chỉ mất thời gian trên 23 phút và chi phí tiền vé là 15.000 đồng. Trong trường hợp phải lên xuống ở nhiều ga khác nhau, hành khách có thể lựa chọn mua loại vé có giá 30.000 đồng thì có thể sử dụng trong 1 ngày [2]. Có 537/621 hành khách (trên 86%) đồng ý với nhận định về tần suất tàu hiện nay là hợp lý. Việc nắm rõ thời gian tàu đến các nhà ga sẽ giúp hành khách có kế hoạch di chuyển hiệu quả. Trong trường hợp bị lỡ tàu, hành khách cũng chỉ phải chờ trong thời gian ngắn để đi chuyến kế tiếp. Điều này giúp cho hành khách cảm thấy thoải mái khi tham gia giao thông bằng tàu điện.  

4. Kết luận và khuyến nghị

Theo kết quả phân tích ở trên cho thấy đa số hành khách tham gia khảo sát rất hài lòng khi tham gia giao thông trên tuyến tàu điện Cát Linh. Tuy nhiên, đa số hành khách tham gia tàu điện trên cao hiện nay có điều kiện thuận tiện như ở gần các nhà ga hoặc ở gần bến xe bus có kết nối trực tiếp với các nhà ga. Do mới chỉ có 1 tuyến tàu điện trên cao, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông công cộng bằng tàu điện của đa số người dân. Việc xây dựng thêm các tuyến tàu điện tại Hà Nội không những góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan Thủ đô.

Để tăng cường hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị sau:

- Bên cạnh việc điều chỉnh những bất cập về tổ chức các làn đường, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông trên các trục đường chính để giảm tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra khắp nơi trên thành phố Hà Nội hiện nay, UBND thành phố sớm đưa ra các chính sách hợp lý để quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông công cộng; tăng cường đầu tư cải tạo và mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông nội đô.

- Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cần nghiên cứu đưa ra phương án điều chỉnh và bổ sung thêm các tuyến bus kết nối với tuyến tàu điện hiện có để việc đi lại của người dân được thuận tiện và an toàn hơn; Nghiên cứu hiệu quả của các loại hình vận tải công cộng đang vận hành để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp với nhu cầu.

- Các đơn vị truyền thông cần tăng cường tuyên truyền tới người dân tích cực tham gia giao thông bằng các phương tiện công cộng nhằm hạn chế phương tiện cá nhân trên đường, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thanh Trà (2021). 9 nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội. Truy cập https://www.vietnamplus.vn
  2. PV (2021).Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức bàn giao và khai thác vận hành từ ngày 6/11. Truy cập https://www.mt.gov.vn
  3. Rahul Raoniar, Amudapuram Mohan Rao, S. Velmurugan (2015).

Public Transport Performance Evaluation Techniques - A Review. Truy cập https://www.researchgate.net/profile/Rahul-Raoniar/publication/305992592_Public_Transport_Performance_Evaluation_Techniques_-A_Review/links/57a8c94308aef20758cd08f5/Public-Transport-Performance-Evaluation-Techniques-A-Review.pdf

Evaluating the satisfaction of passengers with the Cat Linh - Ha Dong metro’s transport service

Master. Nguyen Thi Le Na

Faculty of Energy and Industrial Management

Electric Power University

Abstract:

Developing a public transport system is one of the effective solutions to reduce traffic congestion in big cities, and this solution is adopted by most countries around the world. This study analyzes the characteristics of passengers and evaluates their satisfaction with the Cat Linh - Ha Dong metro’s transport service in order to evaluate the convenience of the first metro line in Hanoi. Based on the study’s results, some solutions are proposed to help Cat Linh - Ha Dong metro better meet the needs of passengers.

Keywords: public transport, metro, passenger, satisfaction.  

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8  năm 2022]