Đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Trải qua hơn 30 năm phát triển, hiện nay, Thái Nguyên đã có một cơ cấu tương đối đầy đủ các loại hình doanh nghiệp. Trong khi các

THỰC TRANG VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA Ở TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1.1. Thực trạng

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên đã biết dựa vào lợi thế các tiềm năng sẵn có của Tỉnh như, các nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động dồi dào. Chỉ trong vài năm trở lại đây (2003 - 2006), số lượng các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh đã có sự phát triển mạnh. Năm 2003, mới chỉ có 177 doanh nghiệp với số lao động là  11.805 người, thì đến năm 2006 đã có 389 doanh nghiệp với số lao động là 21.370 người. Nhờ đó, trong những năm qua, kinh tế của Tỉnh đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn phát triển ban đầu, các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh vẫn còn phát triển một cách thiếu định hướng, đầu tư chưa có chiều sâu, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế.

 1.2. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Thái Nguyên trong hội nhập kinh tế quốc tế

1.2.1. Vốn của doanh nghiệp

Sự phát triển nhanh chóng về mặt số lượng của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trong những năm vừa qua đã kéo theo sự gia tăng nguồn vốn huy động cho sản xuất. Nhưng khó khăn chung hiện nay của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở Thái Nguyên là vẫn thiếu vốn để phát triển. Mặc dù, tính đến năm 2006, tổng vốn kinh doanh của loại hình doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa đã đạt 1.632,940 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2003.

Bảng 01: Quy mô vốn của doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên năm 2006

Qua điều tra, khảo sát trên 145 doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên  cho thấy, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm một tỷ lệ khá cao (68,97%), trong khi đó, số doanh nghiệp có quy mô từ 5 đến 10 tỷ đồng chỉ chiếm 31,03%. Như vậy, với đặc thù của ngành Công nghiệp, có thể thấy được phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh có quy mô vốn nhỏ và đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn. Với mức vốn này, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiến tiến. Đồng thời, quy mô vốn nhỏ đã làm ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn vốn từ bên ngoài. Bên cạnh đó, một số hạn chế mà các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh đang gặp phải, đó là hiệu quả kinh doanh chưa cao, công nghệ vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, sức cạnh tranh thấp đã có những tác động xấu đến khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay của các doanh nghiệp này. Chính từ thực tế đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên so với các doanh nghiệp khác trên trong Tỉnh cũng như các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

1.2.2. Nguồn nhân lực

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhìn chung các doanh nghiệp đang trăn trở với một thực trạng chung của lao động trong cả nước đó là tình trạng thừa thầy thiếu thợ, năng lực hành nghề của người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, quy mô về lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh cũng là một khó khăn cho các doanh nghiệp này. So với mặt bằng chung của cả nước thì quy mô lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhỏ hơn (tức là số doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh có quy mô dưới 50 lao động chiếm một tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung). Theo số liệu thu thập từ việc điều tra 145 doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, số doanh nghiệp có lao động dưới 50 chiếm tới 53,34% trong tổng số các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, cao hơn so với 8,5% so với mức trung bình của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực phía Bắc, tập trung chủ yếu ở loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH. Số doanh nghiệp có lao động từ 200 người trở lên chỉ chiếm 6,90%, tập trung chủ yếu trong các công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty có vốn đầu tư nước ngoài. 

Bảng 02: Quy mô lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên năm 2006

Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên

Mặc dù Thái Nguyên là một tỉnh có số lượng lớn các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường đào tạo nghề, nhưng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện làm việc, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác chưa đáp ứng được với yêu cầu của người lao động. Theo số liệu thống kê, mức thu nhập bình quân của người lao động năm 2006 là 1.040.833 đồng/ người/ tháng và chỉ có một số ít các doanh nghiệp này tham gia đóng bảo hiểu xã hội cho công nhân. Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến lợi nhuận chứ chưa thực sự quan tâm đến tay nghề của lao động, dẫn đến tình trạng trình độ của người lao động ngày càng giảm sút, khó bắt kịp với khoa học kỹ thuật tiên tiến. Chính điều này đã dẫn đến những lao động chất lượng có tâm lý không thích làm việc cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và họ thường tìm cơ hội ở các khu công nghiệp và các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Xét về góc độ quản lý, các doanh nghiệp của Tỉnh chịu tốn kém rất nhiều cho việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý, bởi vì đội ngũ lãnh đạo trong các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh chưa được qua đào tạo chiếm một tỷ lệ khá cao. Trong những năm trở lại đây, biết được sự cần thiết về trình độ quản lý nên nhiều chủ doanh nghiệp đã chủ động đi học các lớp đại học tại chức, từ xa, đồng thời cũng tích cực tham gia hoặc cử người của đơn vị tham gia vào các chương trình tập huấn và đào tạo do địa phương và các trường đại học tổ chức. Cũng từ số liệu thống kê thu thập từ 145 doanh nghiệp cho thấy, tính đến hết năm 2006, chủ doanh nghiệp có trình độ trên đại học, đại học và cao đẳng mới chỉ chiếm 37,24%. Trong đó, số người được đào tạo kiến thức về quản trị kinh doanh còn rất hạn chế. Trong khi đó có khoảng 62,76% chủ doanh nghiệp mới có trình độ trung cấp và trình độ phổ thông.

Bức tranh chung về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa thật đáng báo động. Đó là những khó khăn về tình trạng đội ngũ lao động thiếu năng lực và kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm tham gia vào những thị trường mang tính cạnh tranh cao. Trong khi đó, lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất không chỉ thiếu cả về kỹ năng và chuyên môn kỹ thuật, mà còn yếu cả tính chuyên nghiệp. Đây là những thách thức không nhỏ về nguồn nhân lực đối với các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên. Chính vì vậy, nếu không giải quyết tốt bài toán về nguồn nhân lực sẽ khiến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này dần giảm sút trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

1.2.3. Hoạt động phát triển thị trường

Tuy đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nghiên cứu phát triển thị trường, song các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên với quy mô nhỏ, cơ cấu quản lý đơn giản, năng lực quản lý còn nhiều hạn chế nên phần lớn các doanh nghiệp này ít tiến hành hoặc tiến hành không thường xuyên hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường. Hiệu quả trong công tác nghiên cứu thị trường còn nhiều yếu kém, dẫn đến tình trạng nhiều thị trường tiềm năng chưa được khai thác, nhiều doanh nghiệp đã bị giảm thị phần hoặc đánh mất thị trường do không đi sâu vào nghiên cứu. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm chè, thực phẩm và mây tre đan có số lượng lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp này không chỉ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với môi trường kinh doanh trong Tỉnh mà còn với thị trường cả nước. Qua nghiên cứu 145 doanh nghiệp thì chỉ có 60 doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thị trường. Việc nghiên cứu thị trường của 60 doanh nghiệp này chủ yếu là hình thức đi thực tế và thông qua các nguồn tài liệu (chiếm 66,66%), còn hình thức nghiên cứu thông qua thương hiệu và qua các kênh phân phối còn ít (chiếm 11,67%). Nguyên nhân của tình trạng này là do quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực về vốn thấp.

1.2.4. Chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm

Các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực chạy đua để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên cả nước. Chính vì vậy, chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn chưa tạo ra một bước đột phá, mà mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính.

1.2.5. Trình độ công nghệ

Ngoài những khó khăn như đã đề cập ở trên về nguồn nhân lực, vốn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những khó khăn về trình độ công nghệ, trang thiết bị máy móc. Cùng với thực trạng chung của các doanh nghiệp trong nước thì các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở Thái Nguyên đang sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu so với mức trung bình của thế giói. Có tới 92,42% các doanh nghiệp đang sử dụng trình độ công nghệ ở mức trình bình và lạc hậu, trong khi đó, chỉ có 7,58% các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến chỉ tập trung trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công ty cổ phần, còn lại hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động với những công nghệ đã qua sử dụng. Việc sử dụng những công nghệ cũ và lạc hậu kéo theo những hạn chế về mẫu mã, chủng loại, chất lượng... Do đó sẽ làm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng thấp.

KẾT LUẬN

Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên đã có sự cố gắng nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, chưa tương xứng với những tiềm năng sẵn có của Tỉnh.

Bên cạnh đó, trình độ công nghệ và trang thiết bị còn lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao, quy mô vốn của doanh nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay còn hạn chế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, phần lớn các doanh nghiệp phải tiến hành đào tạo lại cho người lao động dẫn đến chi phí đào tạo cao. Một số doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu thị trường nhưng phương pháp nghiên cứu còn dựa vào kinh nghiệm là chính, hình thức nghiên cứu chủ yếu là qua sách báo, tài liệu nên hiệu quả không cao, hầu hết các doanh nghiệp chưa quan tâm và hiểu biết đầy đủ về chiến lược kinh doanh, việc xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức, chi phí cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm ít, doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường.

Đối với các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa ở Tỉnh nên chọn cho mình một lối đi thông qua việc tìm ra các thị trường riêng, tận dụng những lợi thế sẵn có mà các đối thủ cạnh tranh không quan tâm hoặc chưa quan tâm.

Tài liệu tham khảo

1. Nghiên cứu kinh tế số 327 tháng 8 năm 2005.

2. Kinh tế và dự báo tháng 6 năm 2007

3. Chu Văn Cấp: Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, NXB CTQG, 2003.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung tâm thông tin và dự báo kinh tế và xã hội Quốc gia "những thời cơ và thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập đối với doanh nghiệp Việt Nam".

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Chương trình phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2015.

6. Viện Ứng dụng công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ một số ngành sản xuất chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên .

  • Tags: