Đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng về công cụ truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch

LÂM HỮU DANH - HOÀNG HỮU DŨNG - HOÀNG HỮU TIẾN - NGUYỄN DUY CHINH (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) - ĐỖ DUY ĐĂNG - NGUYỄN CÔNG TRÍ (Công ty Cổ phần Công nghệ xác thực số, TP. Hà Nội) - ĐẶNG HUY HOÀNG (Công ty TNHH GEG, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Truy xuất nguồn gốc (TXNG) là công cụ hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD) có thể đảm bảo được chất lượng trong sản xuất và quyền lợi người dùng. Tuy nhiên, các giải pháp TXNG hiện tại còn mang nhiều nhược điểm và NTD nói chung còn chưa có nhận thức và hiểu rõ công dụng của công cụ TXNG trong việc xác định hàng giả/hàng nhái (HG/HN). Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá nhu cầu của DN và NTD về công cụ TXNG sử dụng mã số, mã vạch. Kết quả chỉ ra rằng, TXNG vẫn đang là khái niệm khá mới mẻ với phần lớn NTD. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy NTD sẵn lòng và DN sử dụng, tiếp cận với một hệ thống TXNG, miễn là nó có chất lượng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu khi mua sắm. Ngoài ra, hệ thống TXNG phải đáp ứng nhu cầu xác định hàng thật/hàng giả của NTD. Cuối cùng, có thể tuyên truyền hiệu quả NTD về công cụ TXNG thông qua các kênh như internet và báo chí.

Từ khóa: Truy xuất nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, công nghệ số, mã vạch.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới, mà còn ở ngay thị trường trong nước, khi hàng hóa thế giới tiến vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, DN cần đảm bảo cơ sở cho niềm tin của NTD. Giải pháp là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay NTD. Nhiều DN đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP..., nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. NTD cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin TXNG tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không [1, 2].

Để đảm bảo quyền lợi cho NTD và “giữ” thị phần, nhiều nhà sản xuất đã thực hiện in mã sản phẩm riêng trên bao bì của mỗi sản phẩm để tránh HG/HN. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TXNG cũng dần được hoàn thiện [3, 4, 5, 6]. Cùng với việc đăng ký mã số, mã vạch hiển thị website trên bao bì để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất, một số Công ty đưa ra giải pháp xác thực và truy vấn nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp này chưa được đồng bộ, thiếu linh hoạt, gặp khó khăn trong áp dụng đối với DN sản xuất và NTD khi triển khai với các quy mô sản xuất và các loại sản phẩm khác nhau, công nghệ ứng dụng tự động nhận dạng vật thể chưa đa dạng.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá nhu cầu của DN và NTD về vấn đề công cụ TXNG. Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp cho việc phát triển chức năng phù hợp cho công cụ TXNG trong tương lai và truyền thông nâng cao nhận thức về TXNG cho DN và NTD.

2. Phương pháp

Để khảo sát về nhu cầu ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch để TXNG, 2 bảng câu hỏi: 1 dành cho DN và 1 dành cho NTD, được thiết kế. 20 DN, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc và 40 NTD được chọn để làm 2 khảo sát này.

3. Kết quả đánh giá nhu cầu ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch để TXNG

3.1. Dữ liệu doanh nghiệp

Để đánh giá nhu cầu về công cụ TXNG tại DN, chúng tôi thiết kế bảng câu hỏi khảo sát với 21 câu hỏi và tiến hành khảo sát trên 20 DN. Nội dung chính của Bảng câu hỏi nhằm đánh giá chính xác các vấn đề DN đang vướng mắc và nhu cầu thực tế của DN. Loại hình kinh doanh và ngành nghề kinh doanh của các DN được khảo sát như trình bày tại Bảng 1.

Bảng 1. Loại hình kinh doanh và ngành nghề của các DN được khảo sát

Loại hình kinh doanh và ngành nghề của các DN được khảo sát

Trong 20 DN, có 14 DN hoạt động trong ngành May mặc, 1 DN hoạt động trong ngành Da giầy, 1 DN hoạt động trong ngành Phân bón và 2 DN ngành khác. Ngoài ra, tỉ trọng các DN sản xuất và thương mại là đều nhau. Bảng 2 thể hiện kết quả trả lời của DN ở câu hỏi đầu tiên.

Bảng 2. Khi đưa sản phẩm ra thị trường, ý kiến đánh giá nào từ khách hàng khiến DN quan tâm nhất

Khi đưa sản phẩm ra thị trường, ý kiến đánh giá nào từ khách hàng khiến DN quan tâm nhất

Có 13/20 DN xem phản hồi về giá bán của sản phẩm là điều quan trọng nhất. Tỉ lệ này cao hơn hẳn tỉ lệ 7/20, tương ứng với câu trả lời cho rằng DN xem trọng phản hồi của khách hàng về uy tín DN hay về chất lượng sản phẩm. Điều này là dễ hiểu khi phần lớn DN trong mẫu khảo sát thuộc ngành hàng tiêu dùng, những sản phẩm có độ nhạy rất cao với giá bán. Chính vì vậy, giá cả là yếu tố then chốt mà DN và NTD quan tâm để đảm bảo doanh số và ra quyết định mua hàng. Ngoài ra, ý kiến khách hàng uy tín DN và chất lượng sản phẩm cũng được DN quan tâm đều nhau.

Ở câu hỏi tiếp theo, ý kiến về một số vấn đề hàng hóa cũng được các DN đưa ra ý kiến.

Bảng 3. Vấn đề nào về hàng hóa mà DN đang phải quan tâm nhiều nhất

Vấn đề nào về hàng hóa mà DN đang phải quan tâm nhiều nhất

Vấn đề về hàng nhái được hầu hết DN (15/20) quan tâm nhất. Cá biệt, có 1 DN cho rằng cả năng suất và hàng nhái là vấn đề nghiêm trọng mà DN đang gặp phải. Chỉ có 5/20 DN cho rằng năng suất sản xuất là yếu tố quan trọng. Điều này cũng có thể được giải thích bằng tỉ lệ DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc chiếm phần lớn trong mẫu nghiên cứu. Sản phẩm may mặc và da giày vốn là những sản phẩm rất dễ sao chép và làm hàng nhái. Chính vì vậy, những DN hoạt động trong lĩnh vực này đều cho rằng hàng nhái là mối nguy hại ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của họ. Năng suất cũng là một vấn đề DN lưu tâm, mặc dù không cao bằng vấn đề hàng nhái. Điều này một phần là do các DN, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là từ nước ngoài. Những đối thủ này ứng dụng công nghệ sản xuất và logistic hiện đại, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu chi phí sản xuất, từ đó tăng năng suất sản xuất và cho ra sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Điều này cũng được phản ánh rõ trong kết quả khảo sát của câu hỏi tiếp theo liên quan đến vấn đề mà DN quan tâm trong sản xuất, kinh doanh.

Bảng 4. Vấn đề sản suất/kinh doanh mà DN quan tâm

Vấn đề sản suất/kinh doanh mà DN quan tâm

Hầu hết các DN đều lo lắng về vấn đề tồn kho, cả với đầu vào và đầu ra. Lo lắng về vấn đề chất lượng nguyên liệu chỉ đứng thứ 2 (5/20) sau quản lý tồn kho sản phẩm.

Chính vì vậy, khảo sát về vấn đề TXNG chỉ ra rằng, hầu hết DN vẫn rất đang quan tâm đến vấn đề TXNG.
Bảng 5. DN có quan tâm đến truy xuất nguồn gốc không?

DN có quan tâm đến truy xuất nguồn gốc không?

Bảng 6. Nhu cầu về giải pháp TXNG của các DN trong mẫu khảo sát

Nhu cầu về giải pháp TXNG của các DN trong mẫu khảo sát

Trong 16 DN quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, chỉ có 4 DN có sử dụng giải pháp TXNG, 12 DN không sử dụng biện pháp TXNG nào. Tuy nhiên, tất cả 16 DN quan tâm đến TXNG đều cho rằng TXNG là cần thiết. Đây là điều dễ hiểu khi phần lớn các DN trong mẫu khảo sát là DN hàng tiêu dùng, vốn sẽ quan tâm đến vấn đề HG/HN và sẽ ưu tiên áp dụng giải pháp TXNG là một biện pháp giúp cho khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mang thương hiệu của DN mình.

Bảng 7. DN cần những thông tin gì khi truy xuất nguồn gốc

DN cần những thông tin gì khi truy xuất nguồn gốc

Bảng 7 thể hiện dữ liệu về câu hỏi mối quan tâm của DN khi TXNG. Một nửa DN được khảo sát cho rằng thông tin cho NTD là tối cần thiết khi ứng dụng giải pháp TXNG, phần còn lại cho rằng thông tin nội bộ là quan trọng và chỉ có 1 DN quan tâm đến thông tin cho đại lý. Điều này có thể giải thích bằng mối tương quan giữa nhu cầu của DN và sự quan tâm của DN về việc TXNG. Cụ thể, có thể thấy rõ trong dữ liệu hầu hết các DN có quan tâm đến TXNG đều thuộc DN hàng tiêu dùng. Lĩnh vực hàng hóa này có người tiêu thụ là người dùng cuối, vốn sẽ quan tâm tới thông tin sản phẩm hơn là thông tin cho đại lý và thông tin nội bộ DN.

Ngoài TXNG, có một số tính năng khác mà DN cũng quan tâm, được thể hiện ở Hình 1.

Hình 1: Bên cạnh TXNG, DN còn muốn tính năng gì nữa từ chương trình

Bên cạnh TXNG, DN còn muốn tính năng gì nữa từ chương trình

Có thể thấy, ngoài TXNG, hầu hết các DN đều mong muốn có thể trực tiếp xác thực hàng thật/hàng giả (HT/HG), thể hiện qua 13/20 DN cho rằng, xác thực HT/HG là tính năng quan tâm nhất. Câu trả này phù hợp với kết quả khảo sát trước đó khi DN cho rằng hàng nhái là mối quan tâm lớn nhất. Ngoài ra, mối quan tâm của DN về gian lận thương mại cũng được nhắc đến khi 4/20 DN đưa ra ý kiến rằng, tính năng chống sử dụng lại của tem nhãn là tính năng quan trọng. Các tính năng phụ như kênh truyền thông, chống bán tràn vùng và quản lý khuyến mại đóng vai trò thứ yếu khi chỉ có 7 DN cho rằng đây là tính năng quan trọng trong TXNG. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này. Thứ nhất, có thể do đặc thù sản xuất sản phẩm tiêu dùng, vốn chỉ tiêu thụ ở Việt Nam và không có khái niệm việc bán tràn vùng, từ đó dẫn đến việc các DN còn chưa quan tâm đến tính năng này. Thứ hai, thực tế khảo sát cho thấy, các DN còn đang mơ hồ chưa nắm rõ cơ chế làm thế nào TXNG có thể quản lý khuyến mãi và đóng vai trò là kênh truyền thông đối với NTD, điều này dẫn đến việc DN sẽ không đánh giá cao vai trò của các chức năng này. Cuối cùng, DN sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng dệt may, vốn đã có những kênh truyền thông khác để tương tác giữa DN và khách hàng, chính vì vậy kênh truyền thông qua TXNG còn chưa được xem trọng.

Nhìn chung, thông tin dữ liệu câu trả lời về TXNG từ DN, có thể thấy rằng, hầu hết DN rất quan tâm đến các giải pháp TXNG, chủ yếu để phục vụ cho hoạt động chống HG/HN và gian lận thương mại. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy chỉ 4/20 DN thực sự đã ứng dụng giải pháp TXNG cho hoạt động thương mại sản xuất. Ngoài ra, tất cả 4 DN này đều cho rằng giải pháp TXNG đã được DN áp dụng rất có ích, đặc biệt là khi đưa hàng hóa vào siêu thị. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng, khả năng ứng dụng cao và mức độ đón nhận của DN của đề tài trong ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt là dệt may.

3.2. Dữ liệu người tiêu dùng

Để đánh giá nhu cầu về công cụ TXNG dưới góc độ NTD. Một bảng câu hỏi bao gồm 27 câu hỏi được thiết kế và khảo sát trên 40 NTD.

Hình 2: Thành phần nghề nghiệp của 40 đáp viên trong mẫu

Thành phần nghề nghiệp của 40 đáp viên trong mẫu

Thành phần học sinh sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất (45%) trong toàn bộ mẫu, sau đó là thành phần nhân viên văn phòng (25%), công nhân (12.5%), viên chức (10%) và buôn bán (7.5%). Tần suất mua sắm của các đáp viên trong mẫu thể hiện qua Hình 3.

Hình 3: Tần suất mua sắm của anh/chị trong tuần

Tần suất mua sắm của anh/chị trong tuần

Bảng 8. Tần suất mua sắm của đáp viên trong tuần

Tần suất mua sắm của đáp viên trong tuần

Có thể thấy, 33/40 đáp viên có mua sắm ít nhất một lần trong tuần. Tần suất mua sắm trung bình nhiều nhất là mỗi ngày, với 18/40 đáp viên chọn phương án này. Ngoài ra, các tần suất khác đều có tỉ lệ tương đương nhau. Điều này có thể giải thích bằng việc hầu hết các đáp viên trong mẫu là học sinh/sinh viên và nhân viên văn phòng, những đối tượng cần phải mua sắm thường xuyên cho cuộc sống hằng ngày. Điều này cũng được chứng minh trong câu hỏi tiếp theo (Bảng 8) liên quan đến khảo sát mặt hàng hay mua sắm. Cụ thể, trong số 33 đáp viên có mua sắm ít nhất một lần trong tuần, có đến 30/33 người tiêu dùng mua thực phẩm là mặt hàng mua sắm chính trong các lần mua sắm và chỉ có 3 người trả lời đồ thời trang và điện tử. Kết quả này phù hợp với thói quen mua sắm của người Việt khi hầu hết người tiêu dùng đều có thói quen đi mua sắm thực phẩm thường xuyên. Đồ điện tử và đồ thời trang được mua sắm với tần suất ít hơn hẳn thực phẩm. Điều này hàm ý rằng, TXNG sẽ có khả năng được NTD sử dụng nhiều cho mặt hàng thực phẩm. Mặc dù hầu hết DN trong mẫu khảo sát hoạt động lĩnh vực may mặc và không có DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, tuy nhiên, thực phẩm và may mặc đều là mặt hàng tiêu dùng có một vài điểm chung, như: có khách hàng đều quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm dễ bị làm nhái, làm giả, và có sự cạnh tranh về sản xuất trên thị trường.

Quan điểm của khách hàng về tiêu chí ưu tiên chọn lựa sản phẩm của đáp viên được thể hiện qua câu hỏi tiếp theo.

Bảng 9. Tiêu chí ưu tiên chọn sản phẩm của anh/chị?

Tiêu chí ưu tiên chọn sản phẩm của anh/chị?

Có thể thấy rõ, trong 40 câu trả lời về ưu tiên tiêu chí, 3 tiêu chí: giá cả, chất lượng và thương hiệu có sự phân bố khá đồng đều. Cụ thể, 40% NTD cho rằng giá cả là quan trọng nhất khi mua hàng, theo sau là 32.5% cho rằng thương hiệu là quan trọng và 27.5% NTD cho rằng chất lượng là quan trọng nhất. Điều này phù hợp với quy luật kinh tế cho rằng chi phí là yếu tố quan trọng chi phối hành vi NTD. Tuy nhiên, cần lưu ý giá cả và chất lượng cũng chiếm tỷ lệ cao trong sự quan tâm của NTD. Cụ thể, một món hàng nếu không thuyết phục được niềm tin của khách hàng về xuất xứ thương hiệu và nguồn gốc chất lượng, chưa chắc NTD sẽ lựa chọn món hàng đó, cho dù giá mặt hàng đó có rẻ đi chăng nữa. Điều này được khẳng định ở dữ liệu của 2 câu hỏi tiếp theo. Bảng 10 tóm tắt dữ liệu về câu hỏi thái độ của NTD về HT/HG.

Có thể thấy có tới hơn một nửa (21/40) NTD được khảo sát quan tâm đến vấn đề HT/HG. Trong 19 đáp viên còn lại, 14 đáp viên chọn “không” và 5 đáp viên chọn “không quan tâm lắm”. Ngoài ra, những đáp viên không quan tâm đến vấn đề HT/HG đều không có cách nào để phân biệt HT/HG, hoặc không quan tâm đến việc sử dụng biện pháp nào. Đáng nói hơn, trong 21 đáp viên quan tâm đến vấn đề HT/HG, có đến 18 NTD trả lời rằng chỉ phân biệt bằng kinh nghiệm và chỉ 3 đáp viên phân biệt bằng công cụ.

Bảng 10. Thái độ của các đáp viên về hàng thật/hàng giả

Thái độ của các đáp viên về hàng thật/hàng giả

Xem xét kĩ hơn câu trả lời của 3 đáp viên này, có thể thấy cả 3 đáp viên này đều dùng công cụ iCheck Scanner để kiểm tra mã vạch hàng hóa. Lý do chính được đưa ra vì công cụ này là miễn phí. Tuy nhiên, tính hiệu quả của công cụ này vẫn còn được bỏ ngỏ khi không ai trong NTD cho rằng công cụ này hoàn toàn đầy đủ về mặt cung cấp thông tin (thông tin công cụ cung cấp chưa đầy đủ hoặc không xác thực). Ngoài ra, cả 3 đáp viên đều sẵn lòng thử một công cụ khác, nếu nó hiệu quả hơn. Câu hỏi tiếp theo liên quan đến nhận thức của NTD liên quan đến TXNG.

Bảng 11. Anh/chị có biết về Truy xuất nguồn gốc không?

Anh/chị có biết về Truy xuất nguồn gốc không?

Trong toàn bộ mẫu, gần một nửa (17/40) là có quan tâm đến TXNG, còn lại là không biết (21/40) và không quan tâm (2/40). Ngoài ra, trong 21 người có biết, không đáp viên nào cho rằng TXNG có thể chống hàng giả, tất cả câu trả lời đều là “không cho rằng TXNG có thể chống hàng giả” (3/21) và “không biết chính xác (18/21). Những kết quả này hàm ý một thực trạng rằng, mặc dù người tiêu dùng rất quan tâm đến HT/HG, không nhiều đáp viên biết rằng TXNG là công cụ có thể xác định HT/HG.

Một kết quả thú vị hơn, trong 21 NTD trả lời có biết về TXNG, tất cả (21/21) đều trả lời họ có được kiến thức về TXNG thông qua báo chí và internet. Điều này gợi ý rằng, TXNG vẫn đang là khái niệm chưa được phổ biến trong cuộc sống thường nhật và hứa hẹn kênh báo chí và internet sẽ là kênh tuyên truyền hiệu quả cho các công cụ TXNG sau này.

4. Kết luận

Nghiên cứu đã thực hiện đánh giá nhu cầu về công cụ TXNG với DN và NTD. Thông qua việc khảo sát 40 NTD về TXNG, có thể rút ra một số điểm sau đây:

Đầu tiên, TXNG vẫn đang là khái niệm khá mới mẻ với phần lớn NTD. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, NTD sẵn lòng sử dụng và tiếp cận với một hệ thống TXNG, miễn là nó có chất lượng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu khi mua sắm.

Thứ hai, chức năng quan trọng nhất mà một hệ thống TXNG phải đáp ứng được là cho phép xác định HT/HG. Công cụ TXNG phải cho ra kết quả rõ ràng và dễ hiểu với NTD về nguồn gốc, cho phép người sử dụng xác định được ngay đây có phải là sản phẩm có xuất xứ rõ ràng hay không. Điều này rất quan trọng không chỉ với đối với hành vi mua hàng và niềm tin của NTD, mà còn đóng vai trò quan trọng cho phép nhà sản xuất có thể theo dõi và phát hiện ngay những hành vi gian lận thương mại.

Cuối cùng, hầu hết NTD hiện tại dùng kinh nghiệm để phát hiện HT/HG. Tuy nhiên, kết quả cho thấy có thể tuyên truyền hiệu quả cho NTD về công cụ TXNG thông qua các kênh như internet và báo chí.

Lời cảm ơn: Nhóm nghiên cứu xin cảm ơn sự hỗ trợ kinh phí thực hiện từ đề tài cấp Bộ Công Thương, với mã số: ĐTKHCN.041/18.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Xuân Trường, Phạm Thị Phương Thảo, Đỗ Thị Tuyết, Bùi Ngọc Bích, Vũ Hoàng Dương, Phan Hồng Nga. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Yêu cầu tất yếu. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, S. 2A (2018).
  2. Nguyễn Thị Hoài Thu. Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam. Luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh. Đại học Bách khoa Hà Nội (2011).
  3. Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch.
  4. Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
  5. Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch”.
  6. Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch” ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

EVALUATION OF ENTERPRISES AND CONSUMERS’ DEMAND

FOR ORIGIN TRACING SOLUTIONS UTILIZING BARCODE TECHNOLOGY

•LAM HUU DANH - HOANG HUU DUNG

- HOANG HUU TIEN -  NGUYEN DUY CHINH

Nguyen Tat Thanh University

• DO DUY DANG - NGUYEN CONG TRI

Digital Verifying Technology., JSC

• DANG HUY HOANG

GEG Company Limited

ABSTRACT:

Origin tracing is a useful approach for enteprises and consumers to ensure product quality and consumer rights. However, current origin tracing solutions holds certain drawbacks. In addition, consumers’ perception on the role of origin tracing for detecting counterfeit products has been limited. This study was carried out to evaluate demand for a origin tracing tool that utilizes code and barcode of enterprises and consumers. The results show that the origin tracing is a quite new concept for most of consumers. The data indicates that both consumers and enterprises are willing to accept a modern origin tracing solution, provided that the solution satisfies its users in terms of quality and purchasing information. In addition, a feature that allows identification of counterfeit products should be designed and cater to consumers. Lastly, the promulgation of the origin tracing should be performed via newspapers and onilne media channels.

Key words: Traceability, counterfeit goods, digital technology, barcode.