Đánh giá rủi ro của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán

ThS. NGUYỄN KIỀU HOA và ThS. ĐÀO MỸ HẠNH (Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Theo điều 2 Luật Phá sản năm 2014, phá sản áp dụng với các doanh nghiệp khi mất khả năng thanh toán hoặc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được các khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn. Do vậy, các doanh nghiệp luôn luôn quan tâm đến các khoản nợ đến hạn trả và chuẩn bị nguồn để thanh toán.

Khả năng thanh toán có thể hiểu là năng lực tài chính của doanh nghiệp để có thể thanh toán được các khoản vay và nợ cho các tổ chức, các nhân. Năng lực tài chính của doanh nghiệp có thể tồn tại dưới dạng tiền tệ, các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu, các khoản đầu tư tài chính, các tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền: Hàng hóa, thành phẩm, nguyên vật liệu…

Các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, nhà cung cấp là những đối tượng có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, vì vậy không chỉ bản thân doanh nghiệp mà các đối tượng trên cũng rất quan tâm đến khả năng thanh toán để họ có thể đưa ra các quyết sách hợp lý để đạt được mục tiêu đề ra.

Từ khóa: Khả năng thanh toán, nợ ngắn hạn, rủi ro của doanh nghiệp.

1. Đánh giá rủi ro của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán

1.1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (Htq)

Htq là chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán tổng quát (khả năng thanh toán chung) của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Htq là chỉ tiêu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn trong các hoạt động kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

Để đánh giá chính xác khả năng thanh toán tổng quát của doanh nghiệp, thường xem xét mối quan hệ giữa khả năng thanh toán và nhu cầu thanh toán. Khả năng thanh toán của doanh nghiệp chính là số tổng số tài sản hiện có (tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn), nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp là khoản nợ phải trả (nợ ngắn hạn, dài hạn phải trả cho các đối tượng). Công thức tính:

Chỉ tiêu này cho biết với tổng số tài sản hiện có thì doanh nghiệp có đảm bảo trang trải được các khoản nợ phải trả hay không.

Nếu Htq >= 1: Doanh nghiệp đảm bảo đủ hoặc thừa khả năng thanh toán tổng quát. Tức là tại thời điểm phân tích toàn bộ tài sản của doanh nghiệp có thể trang trải được các khoản nợ phải trả. Nếu giá trị của chỉ tiêu càng cao càng tốt là nhân tố hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn.

Htq < 1: Tổng tài sản của doanh nghiệp không trang trải được các khoản nợ phải trả, giá trị của chỉ tiêu này càng nhỏ hơn 1 thì doanh nghiệp càng mất dần khả năng thanh toán. Chỉ tiêu quá thấp kéo dài có thể doanh nghiệp sắp rơi vào tình trạng giải thể hoặc phá sản.

Tuy nhiên, giá trị của chỉ tiêu chỉ chủ yếu đúng về mặt lý thuyết còn trên thực tế chỉ tiêu này luôn lớn hơn 1. Bởi:

Nếu giá trị của chỉ tiêu bằng 1, tức là toàn bộ tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bằng nợ vay, doanh nghiệp không có đồng vốn chủ sở hữu nào.

Trong trường hợp doanh nghiệp không rơi vào tình trạng phá sản hay giải thể, mặc dù tổng số tài sản hiện có của doanh nghiệp có thể đủ hay thừa khả năng để trang trải các khoản nợ nói chung, tuy nhiên đối với các khoản nợ đến hạn trả, nếu không đủ tiền và tương đương tiền thì doanh nghiệp cũng hiếm khi bán toàn bộ tài sản của mình để trả nợ. Do đó, thực tế kinh nghiệm các nhà phân tích Htq  2 thì các chủ nợ mới có khả năng thu hồi được nợ khi đến hạn.

1.2. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (Hnh)

Nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán trong vòng một năm hay một chu kỳ kinh doanh. Nợ ngắn hạn bao gồm các khoản phải trả người bán, phải trả người lao động, các khoản thuế phải nộp ngân sách nhà nước, vay ngắn hạn…

- Hnh là chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là cao hay thấp. Chỉ tiêu này được tính như sau:

Chỉ tiêu này cho biết với tổng tài sản ngắn hạn hiện có, doanh nghiệp có đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn hay không.

Nếu Hnh >= 1: Doanh nghiệp đảm bảo hoặc thừa khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng số tài sản ngắn hạn hiện có. Nếu giá trị của chỉ tiêu càng cao thì nó phản ánh mức độ mà doanh nghiệp đảm bảo chi trả các khoản nợ càng cao, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp càng tốt; rủi ro phá sản của doanh nghiệp thấp, tình hình tài chính của doanh nghiệp khá tốt.

Nếu Hnh < 1: Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ ngắn hạn, giá trị càng nhỏ hơn 1 thì khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp càng thấp. Nếu Hnh tiến dần về 0 thì doanh nghiệp khó có khả năng trả được nợ, tình hình tài chính của doanh nghiệp đang ở trạng thái xấu, có nguy cơ bị phá sản.

Tuy nhiên ở công thức này có vài điểm cần lưu ý:

Thứ nhất: Nếu doanh nghiệp đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thì khó có thể kết luận được rằng tình hình tài chính của doanh nghiệp là tốt, vì: Khả năng thanh toán của doanh nghiệp lớn có thể do các khoản phải thu (nợ chưa đòi được) lớn hoặc do hàng tồn kho lớn (thành phẩm, hàng hóa tồn kho chưa bán được hoặc doanh nghiệp đang dự trữ một lượng lớn nguyên vật liệu cho sản xuất, khối lượng sản phẩm dở dang). Lúc này, giá trị tài sản ngắn hạn lớn phản ánh việc sử dụng tài sản không hiệu quả vì bộ phận này không sinh lời.

Thứ hai: Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp có thể được hình thành từ nguồn vốn ổn định (khoản vay dài hạn gồm tiền trả trước cho người bán, các khoản cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược hoặc nguồn vốn chủ sở hữu). Chính vì vậy có thể vốn vay ngắn hạn của doanh nghiệp nhỏ nhưng vay dài hạn và nợ khác lớn. Vì vậy, nếu khả năng thanh toán nợ ngắn hạn được xác định bằng công thức trên thì chẳng khác gì dùng nợ để trả nợ.

Trên thực tế, nếu không chịu áp lực phá sản thì không một doanh nghiệp nào đem bán tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn vì sẽ gây khó khăn, gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác không phải tài sản ngắn hạn nào cũng dễ có khả năng chuyển đổi thành tiền như: Nợ phải thu khó đòi, các khoản thiệt hại chờ xử lý, chi phí trả trước… Vì vậy, theo kinh nghiệm các nhà phân tích nhận thấy giá trị chỉ tiêu Hnh phải >= 2 thì doanh nghiệp mới hoàn toàn đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của mình. Tuy nhiên con số này chỉ mang tính chất tham khảo vì nó còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, điều kiện khác nhau của từng ngành.

Ngoài ra, để đánh giá khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, các chuyên gia phân tích còn sử dụng thêm chỉ tiêu Hệ số khả năng chuyển đổi thành tiền của tài sản ngắn hạn. Công thức xác định như sau:

Hệ số này cho biết khả năng chuyển đổi thành tiền của tài sản ngắn hạn tại thời điểm phân tích. Chỉ tiêu này càng lớn chứng tỏ khả năng chuyển đổi thành tiền từ tài sản ngắn hạn lớn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp dồi dào. Chỉ tiêu này nhỏ, khả năng chuyển đổi kém sẽ gây áp lực trong thanh toán do khó khăn trong tìm kiếm nguồn thanh toán.

Vì những hạn chế đã chỉ ra ở trên nên khi đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp các nhà phân tích thường kết hợp thêm hệ số khả năng thanh toán tức thời.

1.3. Hệ số khả năng thanh toán tức thời (Htt)

Chỉ tiêu này cho biết với lượng tiền và tương đương tiền hiện có thì doanh nghiệp có đủ khả năng trang trải các khoản nợ ngắn hạn, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn đến hạn hay không, công thức xác định như sau:

Htt >= 1: Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Chỉ tiêu này càng cao, mức độ an toàn của doanh nghiệp ổn định, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu cao quá và kéo dài chứng tỏ khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp tốt, lượng tiền nhàn dỗi để tại doanh nghiệp lớn dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn giảm vì không sử dụng để đầu tư sinh lời.

Htt < 1: Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Nếu giá trị của chỉ tiêu thấp chứng tỏ dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện, nguy cơ phá sản có thể xảy ra.

Tuy nhiên trong trường hợp mẫu số được xác định là toàn bộ nợ ngắn hạn (bao gồm các khoản nợ phải thanh toán trong thời gian 1 năm) thì dù cho giá trị của chỉ tiêu Htt < 1 doanh nghiệp vẫn có khả năng đảm bảo hay thừa khả năng thanh toán tức thời. Bởi tử số bao gồm các khoản tương đương tiền là các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong chuyển đổi thành tiền.

1.4. Hệ số khả năng thanh toán nhanh (Hn)

Trong một doanh nghiệp có thể có thừa khả năng thanh toán tổng quát và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, trong những giai đoạn nhất định trong năm khi cần thiết thanh toán nhanh các khoản nợ, doanh nghiệp cần xem xét đến khả năng thanh toán nhanh. Khi đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, trước hết doanh nghiệp cần chuyển các tài sản ngắn hạn thành tiền, tuy nhiên có một số loại tài sản như hàng tồn kho có khả năng chuyển đổi thành tiền chậm đặc biệt là hàng ứ đọng, kém phẩm chất. Để đánh giá khả năng thanh toán nhanh, các nhà phân tích sử dụng chỉ tiêu Hn, chỉ tiêu phản ánh với giá trị còn lại của tài sản ngắn hạn (sau khi đã trừ đi giá trị hàng tồn kho - đây là bộ phận có khả năng chuyển đổi thành tiền chậm nhất trong toàn bộ tài sản ngắn hạn) thì doanh nghiệp có đủ khả năng trang trải toàn bộ số nợ ngắn hạn hay không, công thức tính:

Khi Hn >= 1: Doanh nghiệp đảm bảo hoặc thừa khả năng thanh toán nhanh. Nếu giá trị của chỉ tiêu này cao quá cũng không tốt, vì tiền mặt tại quỹ nhiều hoặc các khoản phải thu lớn sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Hn < 1: Doanh nghiệp không đảm bảo được khả năng thanh toán nhanh. Nếu chỉ tiêu này thấp quá và kéo dài đó thể dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện, nguy cơ phá sản có thể xảy ra.

Tuy nhiên khi sử dụng chỉ tiêu Hn cần lưu ý một điểm như sau:

Công thức này đã triệt tiêu khả năng thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp trong việc trả các khoản nợ đến hạn. Tức là chưa tính đến khoản doanh nghiệp có thể thỏa thuận thanh toán bù trừ giữa các khoản nợ phải trả với số tiền bán hàng hóa, thành phẩm. Lúc này công thức đã loại trừ hàng tồn kho ra, vì vậy, nếu doanh nghiệp thực hiện thanh toán bù trừ sẽ làm cho giá trị của hệ số không chính xác.

Mặt khác, cũng như xem xét chỉ tiêu Htq và Hnh trong trường hợp giá trị của chỉ tiêu Hn = 1, nếu không chịu áp lực phá sản hay lý do nào thì hiếm khi doanh nghiệp bán toàn bộ tài sản ngắn hạn hiện có (trừ hàng tồn kho) để thanh toán toàn bộ nợ ngắn hạn, vì như vậy sẽ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Mặt khác, không phải tất cả mọi tài sản ngắn hạn đều có thể bán được như thuế GTGT được khấu trừ, chi phí trả trước ngắn hạn… Trên thực tế qua nghiên cứu tại các doanh nghiệp, giá trị chỉ tiêu Hn (k) được đánh giá như sau:

k < 0,75: Khả năng thanh toán nhanh ở mức thấp;

0,75 =< k =< 2: Khả năng thanh toán nhanh ở mức trung bình;

k > 2: Khả năng thanh toán nhanh ở mức cao.

Tuy nhiên các hệ số trên chỉ được xem xét trong trạng thái tĩnh chưa đủ để đánh giá chính xác khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Vì vậy, cần sử dụng thêm các chỉ tiêu bổ sung như sau:

* Số vòng quay các khoản phải thu khách hàng (PTKH)

Chỉ tiêu này đánh giá khả năng tốc độ chuyển đổi thành tiền từ các khoản PTKH. Giá trị của chỉ tiêu càng cao chứng tỏ doanh nghiệp thu hồi được các khoản PTKH kịp thời, ít bị chiếm dụng vốn; đồng thời cho biết được mức độ hợp lý của các khoản phải thu đối với từng mặt hàng cụ thể của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu này cao quá, doanh nghiệp cần xem lại chính sách về phương thức thanh toán của mình có thể quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ. Vì vậy khi đánh giá chỉ tiêu này, cần xem xét đến chính sách tín dụng bán hàng của doanh nghiệp.

Công thức xác định như sau:

Tổng tiền bán chịu = Tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thực tế trong kỳ - Tổng số tiền đã thu bằng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng.

* Thời gian 1 vòng quay PTKH (kỳ thu tiền trung bình)

Chỉ tiêu này phản ánh số ngày cần thiết để thu hồi được các khoản phải thu khách hàng, nếu giá trị của chỉ tiêu càng nhỏ, chứng tỏ tốc độ thu hồi tiền hàng càng nhanh, doanh nghiệp ít bị chiếm dụng vốn; ngược lại chỉ tiêu này càng cao, tốc độ thu hồi tiền hàng càng chậm, số vốn doanh nghiệp bị chiếm dụng nhiều.

* Số vòng quay hàng tồn kho hay số vòng luân chuyển hàng tồn kho (HTK)

Chỉ tiêu này cho biết số lần mà hàng tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ, được sử dụng để đánh giá khả năng luân chuyển của HTK. Chỉ tiêu này càng cao, càng chứng tỏ HTK vận động không ngừng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá tốt làm cho khả năng chuyển đổi HTK thành tiền cao. Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ tiêu này để phân tích cần quan tâm đến đặc điểm, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng hoặc ngành nghề đặc thù thì cần tính toán chỉ tiêu cho từng nhóm hàng để đánh giá được chính xác.

* Thời gian một vòng quay của HTK

Chỉ tiêu này phản ánh số ngày mà HTK luân chuyển được một vòng quay, giá trị của chỉ tiêu này càng thấp, chứng tỏ HTK vận động nhanh, khả năng chuyển đổi thành tiền được đánh giá cao và ngược lại.

2. Liên hệ thực tế đánh giá rủi ro của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán tại Công ty TNHH Vina Taiyo Spring

Các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán sử dụng để đánh giá rủi ro của Công ty được phân tích qua bảng dữ liệu dưới đây:

Nợ ngắn hạn năm 2015 tăng hơn năm 2014 là 41.552.767.321 đồng tương ứng với mức tăng là 113,0%. Điều này cho thấy, trong năm 2015, doanh nghiệp đã sử dụng một khoản vay nợ ngắn hạn lớn để tài trợ cho tài sản.

Xét khả năng thanh toán tổng quát của Công ty, hệ số Htq cả 2 năm 2014 và 2015 đều nhỏ hơn 1, chứng tỏ cả 2 năm toàn bộ tài sản của doanh nghiệp không đủ để trang trải các khoản nợ phải trả. Các nhà quản trị doanh nghiệp cần đưa ra các chính sách để cải thiện tình trạng trên vì nếu tình trạng này kéo dài, sẽ gây áp lực trong thanh toán các khoản nợ phải trả.

Chỉ tiêu Hnh của Công ty năm 2015 giảm hơn năm 2014 là 0,83 lần tương ứng với mức giảm là 52,27%. Điều này cho thấy, năm 2014 tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của Công ty. Tình hình tài chính của doanh nghiệp đang có chiều hướng xấu đi.

Giá trị chỉ tiêu Htt và Hn ở năm 2015 đều giảm so với 2014 lần lượt là 0,33 lần và 0,54 lần chứng tỏ khả năng thanh toán tức thời và khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp giảm, rủi ro tài chính xuất hiện. Xét thực tế, năm 2015 khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp ở mức thấp.

Qua các chỉ tiêu trên thấy tình hình tài chính của Công ty đang có dấu hiệu không tốt, xuất hiện các rủi ro tài chính trong năm 2015. Vì vậy, các nhà quản trị của Công ty cần nghiên cứu các biện pháp cải thiện tình trạng trên.

Để đưa ra các nhận xét xác đáng hơn, xét bổ sung các chỉ tiêu sau:

Số vòng quay HTK năm 2015 tăng hơn năm 2014 là 1,44 vòng tương ứng với mức tăng là 28,42%, đã làm cho thời gian để HTK vận động được 1 vòng giảm 15,99 ngày. Điều này chứng tỏ HTK năm 2015 vận động và luân chuyển nhanh, khả năng chuyển đổi thành tiền từ HTK tăng, giúp doanh nghiệp gia tăng được lượng tiền để phục vụ thanh toán hơn.

Các khoản PTKH bình quân năm 2015 tăng hơn năm 2014 là 2.344.763.447 đồng. Số vòng quay PTKH năm 2015 giảm so với năm 2014 là 0,86 vòng tương ứng 8,95% làm số ngày cần thiết để thu hồi được các khoản nợ PTKH tăng thêm 3,37 ngày. Điều này chứng tỏ khả năng chuyển đổi thành tiền từ các khoản PTKH giảm, doanh nghiệp thu hồi tiền hàng chưa kịp thời, đang bị khách hàng chiếm dụng vốn nhiều, dẫn đến lượng tiền có thể sử dụng cho thanh toán nợ ít.

Qua phân tích trên ta thấy, tại doanh nghiệp năm 2015 HTK là một bộ phận chuyển đổi thành tiền cao, giúp doanh nghiệp có được nguồn lực để thanh toán các khoản nợ khi đáo hạn.

3. Kết luận

Các doanh nghiêp muốn tồn tại, phát triển, tránh được nguy cơ giải thể, phá sản buộc các doanh nghiệp phải đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn. Vì vậy, để đạt được mục tiêu của mình các nhà quản lý doanh nghiệp cần phải đưa ra các quyết sách phù hợp, phân tích khả năng thanh toán, đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp, đánh giá được rủi ro có thể gặp phải để có thể đưa ra được các sách lược đúng đắn, mang lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Văn Công, Phân tích báo cáo tài chính (2010), Nhà xuất bản Giáo dục.

2. Nguyễn Ngọc Quang, Phân tích báo cáo tài chính (2011), Nhà xuất bản Tài chính.

3. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2014 và 2015 của công ty TNHH Vina Taiyo Spring.

4. https://voer.edu.vn/m/phan-tich-kha-nang-thanh-toan/1efc6be2

ASSESSING RISKS OF AN ENTERPRISE VIA

ITS SOLVENCY RATIOS

l Master. NGUYEN KIEU HOA

Master. DAO MY HANH

Faculty of Environmental and Natural Resources Economics

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

According to Article Two of the Law on Brankuptcy of Vietnam issued in 2014, bankruptcy is a legal status of an insolvent enterprise that fails to meet its debt liability for three months from the deadline for repayment. Hence, enterprises always concern in coming debts and allocating funds to repay these debts. Solvent can be defined as the ability of an enterprise to meet its financial obligations. Credit institutions, investors, suppliers have close ties to the enterprise. Therefore, they also pay attention to the enterprises solvency in order to carry out appropriate decisions on doing business with the enterprise.

Keywords: Solvency, short term debt, risks of enterprises.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây