Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 51,75 USD/thùng, giảm 61 US cent hay 1,2% so với đóng cửa phiên vừa qua. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm 1% hay 63 US cent xuống 60,81 USD/thùng.
 
Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 5% trong phiên trước do các thị trường tài chính trên thế giới tăng vọt bởi hy vọng Washington và Bắc Kinh sớm có thể kết thúc tranh chấp thương mại, làm dịu những lo lắng về chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và khả năng ảnh hưởng của nó tới tăng trưởng toàn cầu.
 
Ngân hàng ANZ cho biết “trong bối cảnh căng thẳng thương mại dịu đi và đồng USD yếu hơn, giá dầu tăng sau khi Saudi Arabia trấn an thị trường rằng việc cắt giảm sản lượng của họ sẽ vẫn diễn ra”.
 
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết ông tin tưởng rằng việc cắt giảm nguồn cung bắt đầu cuối năm 2018 của OPEC và một số đồng minh, gồm cả Nga, nhằm hạn chế dư cung sẽ khiến thị trường trở lại cân bằng. Ông Khalid al-Falih cho biết ông không loại trừ khả năng kêu gọi hành động thêm trong tương lai, nếu cần.
 
Bất chấp điều này, ngân hàng Mỹ Morgan Stanley đã giảm dự báo giá dầu trung bình hơn 10% trong năm 2019, chỉ ra “dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn” và nguồn cung dầu ngày càng tăng từ các nước ngoài OPEC là lý do cho việc giảm dự báo giá dầu của họ.
 
Hiện nay Morgan Stanley dự kiến giá dầu Brent đạt trong bình 61 USD/thùng trong năm nay, giảm từ ước tính 69 USD/thùng trước đó, và dầu thô Mỹ đạt trung bình 54 USD/thùng, so với 60 USD/thùng dự báo trước đây. Họ cho biết “việc cân bằng thị trường này sẽ đòi hỏi kỷ luật của OPEC tiếp tục tốt trong năm 2020”.
 
Nguồn sản lượng mới chủ chốt đến từ Mỹ, nơi sản lượng dầu thô vẫn ở mức kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 4/1/2019, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Điều đó dẫn tới dự trữ nhiên liệu tăng lên.
 
Mặc dù dự trữ dầu thô giảm 1,7 triệu thùng xuống 439,74 triệu thùng, vẫn trên mức trung bình 5 năm theo mùa tại 435 triệu thùng.
Dự trữ xăng tăng 8,1 triệu thùng lên 248,1 triệu thùng, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2016. Dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 10,6 triệu thùng lên 140,04 triệu thùng.