Gỗ là một trong những mặt hàng được cảnh báo về khả năng gian lận xuất xứ
Gỗ là một trong những mặt hàng được cảnh báo về khả năng gian lận xuất xứ

 

Quyết định này là cơ sở để Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động nhằm đấu tranh chống các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, ngày 31 tháng 12 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành chương trình hành động của Bộ đồng thời đề nghị các Bộ, ngành khác khẩn trương xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện.

Việc ban hành Đề án, Nghị quyết khẳng định quan điểm của Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp các biện pháp PVTM và định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững, được các đối tác thương mại đánh giá cao.

Để triển khai các nhiệm vụ giao trong Đề án, Nghị quyết, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện các công việc sau:

Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án 824, trong đó chú trọng vào công tác theo dõi, giám sát và cảnh báo với những mặt hàng có nguy cơ cao, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục triển khai kiểm tra thực tế các trường hợp nghi ngờ lẩn tránh xuất xứ, thắt chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (đối với các thị trường đòi hỏi C/O), tăng cường hợp tác với các nước liên quan trong các hoạt động chống lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ...

Trên cơ sở Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng hệ thống theo dõi tình hình xuất nhập khẩu của một số ngành hàng quan trọng với các đối tác có kim ngạch lớn, đồng thời phân tích dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau, từ đó nhận diện nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM cũng như hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương đã ban hành Danh mục hàng hóa cảnh báo sớm theo Đề án 824 gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, EU và Ca-na-đa. Danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên.

Danh sách này cũng sẽ được mở rộng cả về mặt hàng và thị trường tùy theo tình hình thực tiễn.

Danh sách sản phẩm được Bộ Công Thương công khai trên trang tin điện tử của Bộ tại địa chỉ: www.moit.gov.vn, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan, tổ chức cá nhân có nhu cầu tìm hiểu có thể truy cập để lấy thông tin hoặc liên hệ với Bộ Công Thương để trao đổi các vấn đề liên quan khác.

Một nội dung khác là chủ động cung cấp thông tin cho các đối tác thương mại lớn (như Hoa Kỳ, EU) về công tác phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ đề xuất xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, phối hợp giữa hai bên trong quá trình đấu tranh với hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.

Phía Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác, chia sẻ thông tin, tuyên truyền phổ biến để nâng cao hiệu quả xử lý vấn đề lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bộ Công Thưỡng cũng đã sửa đổi, ban hành một số văn bản pháp luật để hạn chế nguy cơ lẩn tránh, gian lận xuất xứ, gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu (nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định khai báo tự nguyện thông tin về năng lực sản xuất gỗ dán xuất khẩu;

Ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ gán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ; Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu).

[Quảng cáo]