Đầu tư trực tiếp nước ngoài thức đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:
Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như thu hút được nhiều nguồn vốn FDI để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng với trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và là đầu tầu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những hạn chế, như: chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa tập trung vào một ngành nào chính, chưa tạo ra những ưu điểm vượt bậc của từng ngành; đồng thời, chưa tập trung nguồn lực cho việc phát triển, đổi mới công nghệ theo chiều sâu để khắc phục tình trạng trở thành thị trường lao động giá rẻ gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay... Nghiên cứu nhằm góp phần làm rõ hơn tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, từ đó đưa ra những chính sách, biện pháp thích hợp, nâng cao hiệu quả thu hút FDI, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu
Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về dân số, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và là đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế. TP. HCM đã có nhiều chính sách, biện pháp quan trọng để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và luôn được đánh giá là địa phương đứng tốp đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ nguồn vốn đó, Thành phố đã có động lực to lớn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng các ngành sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng của các ngành phi nông nghiệp trong tổng sản phẩm nội địa (GRDP), xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
So với các địa phương khác trong cả nước, TP. HCM có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như thu hút được nhiều nguồn vốn FDI để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng với trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và là đầu tầu kinh tế của cả nước.
TP. HCM có kinh tế rất phát triển, GRDP tăng khá cao, bình quân 9,6%/năm, từ năm 2013 đến nay, GRDP năm sau tăng cao hơn năm trước; quy mô kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) ngày càng tăng, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 33,1%; tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng: năm 2011, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 57,8% đến năm 2016 tăng lên 59%, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng giảm từ 41,17% (năm 2011) xuống 39,62% (năm 2016) và tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 1,03% (năm 2011) xuống 0,84% (năm 2016); chuyển dịch cơ cấu nội ngành rõ rệt, tăng dần các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nông nghiệp đô thị.
Thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng của TP. HCM được kiểm soát tốt và huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đóng góp ngân sách của Thành phố vào ngân sách cả nước năm sau cao hơn năm trước, năm 2011 chiếm 27,7%; năm 2015 chiếm 30%, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. GRDP bình quân đầu người tăng 12%/năm, đến cuối năm 2015 ước đạt 5.538 USD/người. Vai trò, vị trí của Thành phố về kinh tế ngày càng tăng thể hiện ở việc chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế đất nước (từ 18,3% năm 2011 tăng lên 21,5% năm 2015).
Môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh được cải thiện; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp quy hoạch. Tổng vốn đầu tư xã hội và hiệu quả đầu tư tăng; giai đoạn 2006 - 2010 một đồng vốn ngân sách thu hút 8,5 đồng vốn xã hội, giai đoạn 2011 - 2015 thu hút trên 12,5 đồng; chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,56 [1]. Đây là điều kiện thuận lợi, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại TP. HCM.
2. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. HCM
2.1. Tác động của FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng
Định hướng chung của TP. HCM đối với ngành công nghiệp và xây dựng là nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng hàm lượng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư, trong đó chú trọng nguồn lực đầu trực tiếp của nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp. Từ những định hướng đúng đắn đó, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp và xây dựng TP. HCM luôn phát triển với tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2010 - 2015, ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng trung bình là 7,45%), đồng thời thu hút đầu tư vào ngành ngành công nghiệp và xây dựng cũng có sự tăng trưởng cao. (Bảng 2.1) Theo bảng số liệu trên, chúng ta thấy từ năm 2010 đến năm 2016, tốc độ thu hút đầu tư vào ngành Công nghiệp TP. HCM hầu hết đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, chỉ có năm 2012 sụt giảm ở mức không đáng kể. Đối với ngành Xây dựng, có tốc độ phát triển cao hơn, tuy nhiên lại có sự chênh lệch giữa các năm, tốc độ tăng vốn đầu tư FDI vào ngành Xây dựng tăng cao nhất là vào năm 2012 (301,1%), vì thế năm 2013 mặc dù chỉ đạt 63,3% so với năm 2012 nhưng đây vẫn là mức cao.
Với sự gia tăng vốn đầu tư FDI đối với ngành Công nghiệp và Xây dựng đã làm cho cơ cấu ngành Công nghiệp và Xây dựng ở TP. HCM chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại. Nếu năm 2010, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 57,14% tổng giá trị sản xuất khu vực công nghiệp thì năm 2015 đã nâng lên 61,98% tổng giá trị sản xuất khu vực công nghiệp toàn Thành phố. Trong số 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 3 ngành Hóa chất - Nhựa cao su, Cơ khí và Điện tử - Công nghệ thông tin có tỷ trọng giá trị sản xuất tăng liên tục trong giai đoạn 2010 - 2015. Cụ thể, ngành Hóa chất - Nhựa cao su tăng từ 17,90% năm 2010 lên 21,06% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2015. Hiện ngành đang phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường và tăng giá trị gia tăng, với công nghệ và thiết bị không ngừng được cải tiến, đầu tư.
Ngành Cơ khí tăng từ 17,4% năm 2010 lên 21,01% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghệp năm 2015. Nhiều công nghệ, trang thiết bị thế hệ mới đã được các doanh nghiệp (DN) ứng dụng, đặc biệt là các dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động bằng máy tính đã được các DN trong nước sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao…
Ngành Điện tử - Công nghệ thông tin có quy mô sản lượng sản xuất chiếm khoảng trên 27% so với cả nước, với tỷ trọng tăng từ 4,08% năm 2010 lên 5,31% tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp năm 2015. Nhiều trung tâm công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin phát triển như Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao Thành phố… đã thu hút được các tập đoàn kinh tế thế giới như Intel, Nidec…
Riêng ngành Chế biến tinh lương thực thực phẩm thì có xu hướng giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất từ 17,79 năm 2010 xuống còn 16,4. Điều này phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao.
Đối với 2 ngành công nghiệp truyền thống là Giày da và Dệt may: Mặc dù trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn, nhưng các ngành hàng sản xuất truyền thống như May mặc, Giày da vẫn duy trì mức tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ tốt. Ngoại trừ các cơ sở của hộ gia đình, TP. HCM có trên 5.400 doanh nghiệp dệt và may (bao gồm cả sản xuất và thương mại), với tổng số lao động trên 306.000 công nhân. Sản lượng của ngành May mặc sản xuất chiếm trên 37% tổng sản lượng toàn quốc. Bên cạnh thuận lợi về sản xuất, các doanh nghiệp ngành Dệt may và Giày da cũng tận dụng được các chương trình, chính sách hỗ trợ của Thành phố để phát triển thị trường tiêu thụ, nhất là thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ công tác điều tra khảo sát thị trường, phát triển mạng lưới phân phối,... (Bảng 2.2) 2.2. Tác động của FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ
Sau hơn 40 năm giải phóng, TP. HCM luôn là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nền kinh tế chủ yếu dựa vào hai ngành Công nghiệp - xây dựng và Dịch vụ. Trong đó, ngành Dịch vụ được Thành phố xác định là thế mạnh số một. Nếu như năm 2010, tỷ trọng ngành Dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế chiếm 55,98% thì năm 2015 đã tăng lên 59,9%; đây là ngành có tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu ngành kinh tế của TP. HCM. Mục tiêu đặt ra cho ngành này là đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân cao hơn ít nhất 1,2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi khu vực kinh tế, tạo sự biến đổi căn bản chất lượng tăng trưởng, tạo tiền đề để tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới. Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, cùng với sự thành công trong thu hút nguồn vốn FDI thì ngành Dịch vụ TP. HCM đã có những bước tiến mang tính đột phá, liên tục tăng dần qua từng năm, khẳng định quá trình tăng tốc mới và có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành Dịch vụ bình quân đạt 13%/năm. (Bảng 2.3) Như vậy, theo bảng số liệu trên chúng ta thấy chỉ số phát triển nguồn vốn FDI vào ngành Dịch vụ ở TP. HCM giai đoạn 2010 - 2016 liên tục tăng, chứng tỏ đây là lĩnh vực rất hấp dẫn và nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 9 nhóm ngành dịch vụ chính thì ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm; Kinh doanh bất động sản; Y tế, Giáo dục - đào tạo và ngành Du lịch có chỉ số phát triển đầu tư FDI cao hơn so với các lĩnh vực khác.
2.3. Tác động của FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp
Về nông nghiệp, giai đoạn 2010 - 2016 là thời kỳ TP. HCM đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng giảm dần diện tích sản xuất lúa năng suất thấp kém hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất giống, các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nông nghiệp đô thị. Chính vì vậy, mặc dù hiện nay TP. HCM có diện tích đất nông nghiệp là hơn 112 nghìn ha, giảm hơn 9,5 nghìn ha so với năm 2010 song giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng bình quân hơn 6%/năm. Cơ cấu ngành nông nghiệp TP. HCM được thể hiện qua bảng số liệu và sơ đồ sau:(Bảng 2.4), (Sơ đồ 2.1) Như vậy, từ năm 2010 đến năm 2016, cơ cấu nông nghiệp của TP. HCM có sự thay đổi theo hướng như sau: tăng dần giá trị, tỷ trọng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao) và lĩnh vực sản xuất thủy sản, đồng thời giá trị của lĩnh vực lâm nghiệp có xu hướng giảm, tỷ trọng của lĩnh vực này cũng giảm dần. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thành phố vẫn đang tích cực chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản cũng theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công tác dự báo, kết hợp xây dựng nông thôn mới. Tỷ trọng các ngành đến cuối năm 2016 so với năm 2010 như sau: trồng trọt từ 26,7% tăng lên 27,9%; chăn nuôi giảm từ 44,2% còn 39,1%; thủy sản từ 21,1% lên 25,8%; lâm nghiệp từ 1,3 còn 0,9%. (Bảng 2.5) Chúng ta thấy giai đoạn 2010 - 2016, tổng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp TP. HCM có sự thay đổi: 3 năm đầu tăng cao, các năm sau giảm hơn song cũng dần tăng lên. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào ngành Nông nghiệp so với đầu tư vào các ngành khác của TP. HCM thì con số này còn rất nhỏ bé và khiêm tốn: năm 2010 chiếm 0,6% đến năm 2016 chỉ còn 0,28%. Bởi đây là lĩnh vực các nhà đầu tư mới bắt đầu chú ý và không đòi hỏi cần phải lượng vốn lớn như là đầu tư vào ngành công nghiệp hay dịch vụ.
Cùng với ngành Công nghiệp, Xây dựng và ngành Dịch vụ, ngành Nông nghiệp Hồ Chí Minh đang dần có những sự chuyển dịch theo hướng tích cực, có được sự chuyển dịch đó là do nhiều nguyên nhân nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nguồn vốn FDI đối với sự chuyển dịch các ngành kinh tế ở TP. HCM trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, thời gian tới, với những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và sự hội nhập kinh tế một cách mạnh mẽ đòi hỏi TP. HCM cần phải biết phát huy những thế mạnh, đồng thời phải có những chính sách và biện pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thu hút nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế của Thành phố theo hướng hiện đại, xứng đáng là một trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam.
3. Những vấn đề đặt trong việc thu hút FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. HCM
Nghiên cứu thực trạng thu hút FDI thúc đẩy CDCCKT TP. HCM thời gian qua đã giúp cho chúng ta có được cái nhìn toàn diện về kết quả thu hút FDI cũng như sự tác động của FDI đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Thành phố. Trên cơ sở đó, tác giả nhận thấy có một số vấn đề cần phải giải quyết để nâng cao hiệu quả thu hút FDI thúc đẩy CDCCKT trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách: TP. HCM cần tận dụng cơ hội mà Quốc hội khóa XIV vừa thông qua về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù để phát triển Thành phố nhanh và bền vững hơn. Với sự tạo điều kiện đó, các cấp, các ngành và các cơ quan liên quan của Thành phố cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để ban hành hoặc tham mưu ban hành những chính sách mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Trong đó, rất cần thiết ban hành những chính sách thu hút đầu tư nổi bật hơn so với các tỉnh và Thành phố khác để phát huy tốt mọi tiềm năng, thế mạnh mà Thành phố đã có được.
Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu đầu tư FDI theo hướng hợp lý hơn: Hiện nay việc thu hút FDI của TP. HCM vẫn còn sự mất cân đối trong việc đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực và khu vực khác nhau của Thành phố. Vì vậy, Thành phố cần tăng cường việc chỉ đạo, định hướng để giảm sự mất cân đối trong cơ cấu đầu tư FDI theo hướng: không chỉ tập trung vào các ngành, các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao, vào những khu vực nội thành có đầy đủ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mà còn tập trung vào những ngành, những lĩnh vực và các khu vực đang chậm phát triển để phát triển đồng đều hơn. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào TP. HCM hiện nay chủ yếu đến từ các nước Châu Á mà chưa thu hút được nhiều dự án từ các nước phát triển nên gây khó khăn cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại. Vì thế, phải tăng cường xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nước phát triển đầu tư vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố trong thời gian tới.
Thứ ba, về vấn đề công nghệ. Để đạt được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu thì TP. HCM cần có những biện phát chủ động, tích cực và quyết liệt hơn trong việc khuyến khích các dự án công nghệ cao đầu tư vào Thành phố và hạn chế các dự án có công nghệ lạc hậu, công nghệ “thanh lý” từ nước ngoài. Nếu giải quyết tốt vấn đề công nghệ sẽ góp phần nâng cao hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời cũng giải quyết tốt vấn đề môi trường giúp Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thứ tư, về môi trường đầu tư. Muốn có môi trường đầu tư hấp dẫn và lợi thế hơn so với các địa phương khác trong cả nước đòi hỏi trong thời gian tới TP. HCM cần phải nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư như: nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp; tăng đầu tư cho giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của các nhà đầu tư...
Tóm lại, nếu giải quyết tốt các vấn đề nêu trên thì TP. HCM sẽ có nhiều điều kiện để nâng cao hiệu quả thu hút FDI thúc đẩy CDCCKT theo hướng tích cực hơn trong thời gian tới.
4. Kết luận
Hiện nay, vai trò của FDI đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của các địa phương là không thể phủ nhận. Tuy nhiên mỗi địa phương khác nhau lại có những thuận lợi và khó khăn khác nhau trong thu hút đầu tư. Điều đó đã ảnh hưởng đến kết quả thu hút FDI và sự tác động của vốn FDI đối với CDCCKT ở mỗi địa phương là khác nhau.
Đối với TP. HCM, đây là đô thị đặc biệt với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, trong những năm qua, Thành phố luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và CDCCKT. Đến nay, nhờ nguồn vốn FDI đã thu hút, cơ cấu kinh tế của Thành phố đã chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng của Đảng bộ và tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu mang tính mũi nhọn, hiện đại. Tuy nhiên, việc thu hút FDI nhằm thúc đẩy CDCCKT của TP. HCM thời gian qua vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa tập trung đi sâu vào chuyển đổi công nghệ theo chiều sâu.
Vì vậy, thông qua việc nghiên cứu chuyên đề sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng thu hút FDI thúc đẩy CDCCKT TP. HCM hiện nay, đồng thời thấy được những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy CDCCKT Thành phố trong thời gian tới, xứng đáng là đầu tàu vững vàng của kinh tế đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tiếng Việt
1. Trúc Mai, Cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các KCX-KCN TP.HCM, http://www.ven.org.vn
2. GS.TSKH. Nguyễn Thiện Nhân, Thành phố Hồ Chí Minh: Bốn bài học về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, http://mbtvn.wordpress.com
3. Trần Văn Nhưng (2001), Xu hướng chuyển dịch CCKT ngành Công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
4. Trương Thị Sâm (2005) (chủ biên), Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, NXB Khoa học xã hội, TP. HCM.
5. TS. Trương Thị Minh Sâm, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, http://vass.gov.vn.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, năm 2008.
7. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2005 đến 2016, NXB Thống kê, Hà Nội.
8. Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (2005), Định hướng phát triển KT-XH Thành phố Hồ Chí Minh 2005 - 2015 và dự báo 2015 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếng nước ngoài
1. Mutazhamdalla Nabulsi (2001), A study of sustained growth policies: Malaysias Economic development model, http://www.lib-vni.com/dissertation/resull.
2. Sharmistha Self (2002), Education and Economic growth: A causal analysis, http://www.lib-vni.com /dissertation/resull.
3. Winford Henderson Masanjala (2003), Empirical analysis of Economic growth, http://www.lib-vni.com /dissertation/resull.

Foreign direct investment promotes the transfer of economic restructuring in Ho Chi Minh city

NGUYEN THI BICH THUY

Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Ho Chi Minh City (HCMC) has a geographic location, natural conditions,  and transportation conditions that are favorable for socio-economic development. They also attract a lot of FDI to contribute to the mordern industrialization. HCMC should serves as cultural and social centers and the economic locomotive of the whole country. However, in attracting FDI, promoting the economic restructuring in Ho Chi Minh City, there are still limitations such as not matching the potentials and strengths. Regarding shortcomings, FDI does not concentrate on one particular major branch or create any outstanding advantages. At the same time, resources have not been allocated to the development and renovation of technology in order to overcome the situation of becoming a cheap labor market for foreign enterprises. This article will help to further clarify the situation of attracting foreign direct investment which has impacted the economic restructuring of HCMC in the past few years, thus creating appropriate policies and measures to raise the efficiency. attract FDI, promote economic restructuring in accordance with the direction.

Keywords: Foreign direct investment (FDI), economic restructuring, Ho Chi Minh City.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây