Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại tại doanh nghiệp CNHT

Để công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý hiện đại đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm và đẩy mạnh.

Ngành CNHT vẫn còn nhiều hạn chế

Với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và các văn bản chính sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện, góp phần hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển và lớn mạnh. Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia

Tuy nhiên, CNHT vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nhiều bất cập. Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý hiện đại tại doanh nghiệp CNHT

Tại Dự thảo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, có ghi rõ định hướng: Chương trình phát triển CNHT Hà Nội tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT mà thành phố Hà Nội có nhu cầu và lợi thế phát triển, bao gồm: công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, điện tử, tự động hóa và thiết bị kỹ thuật điện, công nghệ sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất và sử dụng vật liệu mới.

Hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước.

Phát triển thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh sự liên kết - cung ứng trong Vùng kinh tế Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm CNHT, và đã phát triển trong Vùng như: sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên); điện thoại di động (Bắc Ninh; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc); điện tử văn phòng, gia dụng (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc)…

Dự thảo cũng hướng tới mục tiêu năm 2025, sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT. Trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Chính vì thế, để khắc phục khó khăn và hoàn thành những mục tiêu này, Sở Công Thương Hà Nội đã có rất nhiều các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nâng cao hệ thống quản lý và áp dụng vào sản xuất. Cụ thể, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, nhưng Sở Công Thương đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT Hà Nội với các nội dung: Quản trị doanh nghiệp; Quản trị sản xuất; Phổ biến nhận thức, cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường và năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và nước ngoài. Giảng viên là các chuyên gia hàng đầu đến từ các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, Bộ Công Thương, các Tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Tổ chức lớp tập huấn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT Hà Nội áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất...

Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; từng bước đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu và danh mục hàng hóa sản phẩm sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào một quốc gia để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khi gặp khủng hoảng; chủ động tiếp cận, thu hút các đối tác đầu tư để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại sau đại dịch Covid-19.

PT