Đẩy mạnh chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ thực tiễn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội

ThS. CẤN THỊ THÙY LINH (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết tổng quan về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (CDCCKTNN) và khái quát thực trạng chính sách CDCCKTNN từ thực tiễn huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất một số định hướng và giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh chính sách CDCCKTNN ở huyện Thạch Thất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Từ khóa: chính sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

 1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, và triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, hiệu quả và bền vững. CDCCKT nói chung, CCKTNN nói riêng là vấn đề được Thành phố, cũng như huyện Thạch Thất đặc biệt quan tâm nhằm đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn huyện và thành phố. Tuy nhiên, thực trạng thực hiện chính sách CDCCKTNN ở Thạch Thất cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do đó, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh chính sách CDCCKTNN ở huyện Thạch Thất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

2. Nội dung

2.1. Tổng quan về chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

CCKT là tổng thể các mối quan hệ chủ yếu về chất lượng và số lượng tương đối ổn định của các yếu tố, các bộ phận hợp thành của nền kinh tế, bao gồm: Cơ cấu tái sản xuất, cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu các vùng kinh tế.

CCKTNN là tổng thể các mối quan hệ, các yếu tố hợp thành nền nông nghiệp theo những quan hệ tỷ lệ nhất định và có sự tác động lẫn nhau gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể. Nông nghiệp là một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, bao gồm cả nông, lâm và ngư nghiệp. CDCCKTNN là quá trình làm biến đổi cấu trúc ngành nông nghiệp và các mối quan hệ tỷ lệ bên trong ngành nông nghiệp theo những định hướng và mục tiêu nhất định. Đó là quá trình chủ động làm thay đổi cấu trúc và các quan hệ tỷ lệ giữa các yếu tố cấu thành ngành nông nghiệp từ một trạng thái nhất định tới trạng thái hợp lý hơn để đạt hiệu quả mong muốn, thông qua sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý bằng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách,… trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan.

Chính sách CDCCKTNN là một bộ phận của chính sách cơ cấu kinh tế, bao gồm một hệ thống các nguyên tắc, quan điểm, công cụ và biện pháp mà Nhà nước sử dụng nhằm thực hiện quá trình CDCCKTNN theo định hướng chiến lược của từng giai đoạn phát triển.

Hiện nay nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, do vậy các chính sách CDCCKTNN cũng phải theo hướng CNH, HĐH đất nước gắn với những mục tiêu: (1) Phát triển nông nghiệp toàn diện, hình thành các vùng tập trung chuyên canh về cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; (2) Phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao thay thế dần những cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị thấp trong nội bộ từng phân ngành trồng trọt hoặc chăn nuôi; (3) Chuyển dịch bớt lao động, diện tích canh tác từ trồng trọt sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; (4) Thực hiện thủy lợi hoóa, điện khí hóa, sinh học hóa trên cơ sở điều kiện của mỗi địa phương, mỗi vùng cụ thể để đảm bảo sự phát triển bền vững; (5) Phát triển công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa với quy mô, trình độ phù hợp ở nông thôn; kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại và gắn với vùng nguyên liệu, gắn với hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và dựa trên một nền khoa học công nghệ tiên tiến.

2.2. Khái quát thực trạng chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội

Nằm ở phía Tây thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất có tổng diện tích đất tự nhiên là 18.459,05 ha với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và nguồn lực để phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức đúng yêu cầu CDCCKTNN trước đòi hỏi của quá trình CNH, HĐH, huyện Thạch Thất đã ban hành nhiều chính sách nhằm chuyển đổi CCKTNN của huyện theo hướng gắn với nhu cầu của thị tr­ường trong nước và quốc tế.

 Thực hiện Đề án “Mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020” đã cho kết quả là tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 98%, diện tích tưới tiêu chủ động đạt 95% diện tích canh tác.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao vào 100% diện tích gieo cấy; Chỉ đạo chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp trồng rừng sinh thái với trồng cây ăn quả, cây dược liệu[1], đến nay đã có 121 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao[2].

Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, đã hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với quy mô ngày càng lớn, cơ bản thay thế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong dân cư. Toàn huyện hiện có 179 trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung theo quy hoạch[3], đặc biệt mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng và lợn thương phẩm cho thu nhập kinh tế cao Các giống vật nuôi có năng suất chất lượng cao tiếp tục được nhân rộng; Đàn gia cầm, thủy cầm siêu thịt, siêu trứng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tập trung tăng nhanh[4]; Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kịp thời khống chế dịch, bệnh xảy ra.

Thực hiện tốt việc duy trì, bảo vệ và chăm sóc 2.088 ha rừng/3.449,8 ha đất có rừng; tiếp tục trồng mới thay thế, bổ sung 446,3 ha ở 3 xã miền núi; chỉ đạo khai thác có hiệu quả 520 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, năng suất, sản lượng cá hàng năm tăng lên. Công tác chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục được quan tâm.

Với tính ưu việt của những chính sách CDCCKTNN của huyện Thạch Thất những năm qua cho thấy những kết quả đạt được như: Tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân là 3,4%/năm (vượt 0,8%/năm); trong đó tỷ trọng giá trị ngành trồng trọt chiếm 49,5%, tăng 3,9%/năm; giá trị ngành chăn nuôi chiếm 50,5%, tăng bình quân 3,3%/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong các chính sách CDCCKTNN của huyện Thạch Thất, dẫn đến hiệu quả, thu nhập trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa được nhân rộng; hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vấn đề này, do vậy cần có những định hướng rõ ràng trong xây dựng và ban hành các chính sách, giải pháp thúc đẩy sự CDCCKTNN huyện Thạch Thất trong thời gian tới.

3. Giải pháp đẩy mạnh chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội

Một là, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.

Để việc hoạch định, thực thi chính sách CDCCKTNN trên địa bàn huyện Thạch Thất hiệu quả hơn và đảm bảo sự vận dụng linh hoạt các chính sách thúc đẩy sự CCKTNN cần thực hiện đồng bộ các nội dung sau: (1) Nâng cao trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu trong việc hoạch định, thực thi, đánh giá và phân tích chính sách CDCCKTNN tại huyện Thạch Thất; (2) Nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm việc tại địa phương thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm làm việc, năng lực hoạch định chính sách; (3) Tổ chức phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của từng phòng ban, đơn vị của từng địa phương trên địa bàn huyện; phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cá nhân phụ trách, xây dựng quy chế phối hợp, phân cấp ủy quyền trong quy trình ban hành và triển khai chính sách; (4) Tăng cường sự tương tác và phối hợp trong quy trình ban hành và triển khai chính sách nhằm khắc phục tình trạng cấp trên thiếu sâu sát với cấp dưới, thiếu sự kiểm tra, giám sát, điều chỉnh đối với hoạt động của cấp dưới; chú trọng bồi dưỡng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; khen thưởng kịp thời cán bộ làm chính sách tốt và xử phạt nghiêm minh các cán bộ vi phạm; (5) Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện chính sách; để qua đó, kịp thời tổng hợp, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, sai sót, đây cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Hai là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.

Chính sách CDCCKTNN của huyện có đạt được mục đích đề ra hay không, không chỉ phụ thuộc vào chất lượng chính sách và năng lực của chủ thể thực thi chính sách, mà còn phụ thuộc vào thái độ của đối tượng chính sách, các chủ thể thụ hưởng chính sách, đó chính là người dân. Theo đó, cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, khuyến khích người dân chủ động tham gia vào công tác quy hoạch, tham gia “Hiến kế, hiến của, hiến công”, đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương để thúc đẩy quá trình CDCCKTNN của huyện đảm bảo đúng định hướng.

Mặt khác, từ khi tiến hành lập quy hoạch, người dân cần tham gia vào các hoạt động ngay từ đầu. Sự tham gia của người dân và cộng đồng đóng vai trò quan trọng thì việc hoạch định, thực thi chính sách đảm bảo đi đúng trọng tâm, trọng điểm; giải quyết tốt những khó khăn bức xúc của người dân và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân trong huyện. Bởi vậy, cần coi trọng việc nâng cao mức độ tiếp nhận của đối tượng chính sách, tôn trọng và đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền chính sách; Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình cụ thể hóa chính sách hay ban hành kế hoạch thực hiện chính sách; Cần thực hiện và phát huy phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Ba là, thực hiện công tác quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi.

Huyện Thạch Thất cần khẩn trương xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với ngành trồng trọt: Quy hoạch và xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao; các vùng sản xuất rau an toàn, rau cao cấp, vùng hoa, cây cảnh, vùng cây ăn quả. Trong đó:

- Cây lương thực: Giữ vững diện tích gieo trồng lúa khoảng 3.700 ha. Xây dựng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, cơ giới hóa đồng bộ quy mô tập trung tại các xã: Lại Thượng, Cẩm Yên, Đại Đồng, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Hạ Bằng, Thạch Xá, Chàng Sơn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đầu tư thâm canh để đạt năng suất 65 tạ/ha/vụ hàng năm.

- Cây thực phẩm: Đưa diện tích trồng rau lên 700 - 800 ha, tập trung tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải, Phú Kim, Đại Đồng, Cẩm Yên, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Năng suất phấn đấu đạt 260 - 280 tạ/ha/năm.

- Hoa, cây cảnh: Phấn đấu toàn Huyện có 150 ha tại các xã: Phùng Xá, Thạch Xá, Đại Đồng, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Bình Phú, Hạ Bằng, Tân Xã, Đồng Trúc. Nhân rộng mô hình trồng hoa chất lượng cao tại các xã: Đại Đồng, Yên Bình, Tiến Xuân, Canh Nậu, Dị Nậu, Phú Kim, Hương Ngải.

- Cây ăn quả: Khuyến khích hình thành các vùng cây ăn quả tập trung tại các xã vùng gò đồi.

Thứ hai, đối với ngành chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Nhanh chóng hình thành các khu chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến công nghiệp tập trung, xa các khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Trong đó:

- Chăn nuôi trâu, bò: Chủ yếu phát triển ở các vùng gò đồi và vùng núi; duy trì đàn trâu có 5.470 con trâu, sau đó giảm dần; đàn bò tăng lên 9.500 con.

- Chăn nuôi lợn: Phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại tập trung, xa khu dân cư. Đưa giống lợn có tỷ lệ nạc cao vào sản xuất. Phấn đấu quy mô đàn lợn đạt 105 - 110 nghìn con. Trang trại chăn nuôi lợn tập trung bố trí tại các xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung.

- Chăn nuôi gia cầm: Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm theo mô hình trang trại công nghiệp và bán công nghiệp xa khu dân cư, thuận tiện trong công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh thú y tập trung; bố trí tại các xã có điều kiện mặt bằng như: Cẩm Yên, Lại Thượng, Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình, Bình Yên, Kim Quan.

Thứ ba, đối với ngành lâm nghiệp: Phát triển, bảo vệ rừng với diện tích hiện có với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, bảo tồn cây quý hiếm. Làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng. Tích cực trồng rừng mới tập trung, cải tạo diện tích rừng trồng hiện có, kết hợp phát triển cây ăn qua tập trung phục vụ phát triển du lịch sinh thái ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.

Thứ tư, đối với ngành thủy sản: Tăng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, bố trí chủ yếu ở các xã vùng trũng, tiếp giáp với Sông Tích, như: Xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Phú Kim, Kim Quan, Cần Kiệm, Bình Yên, Thạch Xá, chuyển đổi một phần đất lúa vùng úng trũng năng suất thấp để nuôi trồng thủy sản.

Bốn là, phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật: hệ thống thủy lợi, giao thông, thông tin trên địa bàn huyện.

Huyện Thạch Thất cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bằng nhiều biện pháp, như: (1) Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương theo các chương trình dự án khuyến nông và sự đầu tư hỗ trợ của Thành phố Hà Nội; (2) Thực hiện chính sách vốn, tài chính tập trung vốn cho phát triển nông nghiệp, đảm bảo lợi ích cho người nông dân; lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, mục tiêu quốc gia, các chương trình khuyến nông, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn huyện; (3) Tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, bao gồm hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi, chợ đầu mối, kho chứa,…

Năm là, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

Thị trường nông sản ở huyện hiện nay vẫn là thị trường manh mún, phân tán, chất lượng sản phẩm hàng hóa kém, sự cạnh tranh trên thị trường thấp. Do vậy, cần phải tập trung giải quyết tốt một số biện pháp về thị trường, giúp nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản phẩm, theo đó cần thực hiện thống nhất các biện pháp sau:

Thứ nhất, cần khuyến khích phát triển các mô hình doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm liên kết với nông dân để đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, phát huy mạng lưới chợ nông thôn để tiêu thụ nông sản cho nông hộ, kịp thời cung cấp sản phẩm tươi sống an toàn với giá cả hợp lý cho nhu cầu nhân dân trên địa bàn huyện.

Thứ ba, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng cấp thành phố, huyện trong việc dự báo về thị trường và tìm kiếm thị trường để định hướng sản xuất cả về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển từng loại nông sản. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường để giúp nông dân tham gia các hội chợ nông sản, quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư, UBND huyện cần có chính sách hỗ trợ đầu tư đưa các công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vào phục vụ sản xuất; Xây dựng một số nhà sơ chế, kho lạnh, hệ thống sấy khô hạt, nhà lưới để sản xuất rau, hoa theo hướng an toàn.

4. Kết luận

Tóm lại, để sự CDCCKTNN trên địa bàn huyện Thạch Thất tiếp tục theo xu hướng tiến bộ, phát triển thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu là cần thiết. Mỗi giải pháp có vị trí, vai trò và tầm quan trọng riêng, song giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau nhằm phát huy có hiệu quả thế mạnh, tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và con người của huyện Thạch Thất, đẩy mạnh chính sách CDCCKTNN góp phần xây dựng huyện Thạch Thất trở thành huyện có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Ở các xã: Yên Bình, Yên Trung

[2] Các mô hình giống lúa cao sản chất lượng cao, mô hình trồng hoa, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi ở Đại Đồng, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Tiến Xuân; các vùng sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn với diện tích 200 ha ở các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên, Yên Bình cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm

[3] Trong đó 57 trang trại chăn nuôi lợn, 34 trang trại chăn nuôi gia cầm, 13 trang trại nuôi trâu bò, 40 trang trại nuôi dê, 35 trang trại lợn rừng ở các xã: Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung, Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan...

[4] Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 1.812.012 con tăng 723.163 con so với năm 2015

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng bộ huyện Thạch Thất (2020). Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ huyện Thạch Thất.
  2. Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2010). Giáo trình Chính sách kinh tế, Nxb. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
  3. Thu Thủy (2020). Đoàn thẩm tra Thành phố đánh giá công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
  4. Ủy Ban nhân dân huyện Thạch Thất (2020). Báo cáo 4 năm thực hiện chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2019.
  5. Ủy Ban nhân dân TP. Hà Nội (2020). Hồ sơ đề nghị thẩm định xét, công nhận huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

 

PROMOTING THE AGRICULTURAL ECONOMIC RESTRUCTURING

POLICY BASED ON THE PRACTICAL IMPLEMENTATION

IN THACH THAT DISTRICT, HANOI

Master. CAN THI THUY LINH

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

This paper presents an overview of the agricultural economic restructuring policy and the implementation of the agricultural economic restructuring policy in Thach That District, Hanoi in recent years. Based on the paper’s findings, some basic orientations and solutions are proposed to promote the implementation of agricultural economic restructuring policy in Thach That District in industrialization, modernization, efficiency and sustainability directions in the coming time.

Keywords: policies, economic restructuring, agricultural economic structure.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]