Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nghiệm thu đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tranh kính” tại cơ sở sản xuất của anh Mầu Văn Dũng, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nghiệm thu đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tranh kính” tại cơ sở sản xuất của anh Mầu Văn Dũng, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường.

Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nông thôn mới là mục tiêu lâu dài và nhất quán của Đảng và Nhà nước đã được triển khai thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua và cần tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn mới.

Theo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2014 - 2020 của các địa phương trên cả nước cho thấy hoạt động khuyến công đã được triển khai hiệu quả, nội dung hỗ trợ gắn với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa -hiện đại hóa, phát triển bền vững.

Các nội dung như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhiều cơ sở CNNT được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động. Các hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; tổ chức hội chợ, triển lãm hàng CNNT, hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm … đã giúp cơ sở CNNT chú trọng nâng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hình thành liên kết tiêu thụ từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng hiệu quả.

Nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, nhiều hoạt động mới được triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu của các cơ sở CNNT. Quy mô, chất lượng đề án khuyến công từng bước được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện, quản lý đề án của các đơn vị /tổ chức dịch vụ khuyến công và các đơn vị, cơ sở CNNT trực tiếp thực hiện đề án khuyến công ngày càng tốt hơn.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ các hoạt động khuyến công, ngày 20/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, với các mục tiêu nhằm tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới, cụ thể: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT và hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình khuyến công quốc gia sẽ tập trung các nội dung hoạt động: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT; Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; Hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT; Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển CNNT, công tác truyền thông; Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.

Trong đó sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương. Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa, công nghệ 4.0 vào các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến do cơ sở CNNT tự nghiên cứu, sản xuất, gia công chế tạo và ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, được cơ quan quản lý công nhận. Đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững; hỗ trợ các cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ tư vấn, đánh giá, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng; phổ biến, tập huấn, đào tạo cho các cơ sở CNNT tiếp cận các nội dung liên quan về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Chương trình khuyến công quốc gia trong giai đoạn mới cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT thông qua các hoạt động: Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia; tổ chức hội chợ, triển lãm hàng CNNT, hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu và đầu tư các phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm CNNT, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm CNNT; hỗ trợ tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm cho các cơ sở CNNT. Đồng thời, tích cực hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ tư vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp…

Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực và trực tiếp tới các nền kinh tế. Tại Việt Nam, trong các đợt dịch bùng phát, rất nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí tạm đóng cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với các loại hình doanh nghiệp cả nước, các cơ sở CNNT gặp rất nhiều khó khăn. Bối cảnh chung đó hơn bao giờ hết, cần có sự đồng hành của chính sách khuyến công.

Ðể đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, tập trung nhiều vào đối tượng doanh nghiệp, trong đó có các cơ sở CNNT - đối tượng chính của chính sách khuyến công. Với việc đẩy mạnh thực hiện theo các nội dung của Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần hiệu quả trong việc hỗ trợ các cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình mới. Đó cũng chính là động lực cho phát triển CNNT trong thời gian tới.