Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khai thác, chế biến sâu quặng apatit

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vừa có buổi làm việc với một số đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản apatit thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Triển khai thực hiện Đề án đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025, đã được phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 22/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/8/2022, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với một số đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản apatit thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Hội Tuyển khoáng Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem, Viện Nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghiệp, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu.

apatit
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã giới thiệu tóm tắt phạm vi, mục tiêu và nội dung chính của Đề án đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025 và các nội dung hỗ trợ từ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025.

Ông Cường cho biết, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản có nhu cầu đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị dây chuyền sản xuất đều có thể tham gia để nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình cho hoạt động nghiên cứu, cũng như việc kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ, chuyên gia đầu ngành để cùng triển khai các hoạt động nghiên cứu, đổi mới tại doanh nghiệp. 

Chia sẻ về thực trạng sản xuất kinh doanh và hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị tại đơn vị, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam khẳng định, việc nghiên cứu công nghệ tuyển cũng như các loại thuốc tuyển phù hợp để loại bỏ oxit tạp chất, nâng cao thành phần P2O5 trong quặng tinh đối với quặng apatit loại II nghèo và loại IV là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh trữ lượng quặng apatit loại I và loại III công ty được cấp phép khai thác ngày càng cạn kiệt, việc cung cấp quặng đầu vào cho các dây chuyền tuyển của công ty ngày càng khó khăn. "Bên cạnh đó là nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu cải tiến, thay thế thiết bị tuyển thế hệ cũ bằng dây chuyền thiết bị tiên tiến có năng suất cao, tiêu hao điện năng thấp, có khả năng điều khiển, giám sát tập trung" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đại diện Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cũng cho biết, liên quan đến nghiên cứu làm giàu quặng apatit loại II nghèo và loại IV, đơn vị này đang phối hợp với Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài làm giàu quặng apatit loại II nghèo bằng phương pháp hóa học, đề tài được triển khai theo nhiều giai đoạn.

apatit 1
Đoàn công tác tham quan khai trường mỏ của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem (đơn vị sử dụng quặng tinh apatit làm nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất DAP) mong muốn có sự tham gia của các nhà khoa học trong các vấn đề nghiên cứu: cải tiến hệ thống thiết bị phù hợp với nguồn quặng tinh chất lượng thấp, hàm lượng oxit kim loại tổng cao, không ổn định,... nhằm nâng cao khả năng phản ứng, chất lượng sản phẩm và giảm tiêu hao nguyên vật liệu tại xưởng sản xuất DAP, giảm thiểu tổn thất lượng lớn P2O5 hiện được đưa ra bãi thải gyps; giảm hàm lượng pha rắn trong axit, nâng cao chất lượng sản phẩm tại xưởng sản xuất axit.

Ông Chu Văn Giáp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghiệp đưa ra một số định hướng nghiên cứu mới, chế biến quặng apatit thành sản phẩm beta-dicalcium phosphate (β-DCP) đạt yêu cầu làm nguyên liệu để sản xuất gốm sứ gia dụng cao cấp, có thể xuất khẩu sang các nước có người Hồi giáo sinh sống do văn hóa người Hồi giáo không sử dụng các sản phẩm gốm sứ (bát, đĩa) làm bằng xương động vật. Ngoài ra, việc sử dụng axit clohydric (HCl) để chế biến quặng apatit sẽ thu được β-DCP và không tạo ra chất thải gyps như công nghệ hiện tại.

Tiếp tục các định hướng nghiên cứu mới đối với quặng apatit Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu cũng trao đổi về một số nội dung nhiệm vụ khoa học công nghệ đang thực hiện giữa Phòng thí nghiệm trọng điểm và Công ty TNHH Apatit Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng quặng apatit loại II nghèo bằng phương pháp hóa học thay cho phương pháp tuyển hiện đang áp dụng. "Với phương pháp mới này, chất lượng quặng apatit loại II nghèo không những được nâng lên mà còn thu hồi được tối đa sản phẩm phụ đi kèm có giá trị kinh tế" - bà Vũ Thị Thu Hà cho biết. 

apatit b
Tham quan dây chuyền sản xuất DAP

 

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tuyển khoáng Việt Nam đã trao đổi thêm các nội dung liên quan đến nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch, lộ trình đến năm 2025 về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngành khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam” do Bộ Công Thương đặt hàng Hội Tuyển khoáng Việt Nam thực hiện từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2022.

Theo ông Hoàn, để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, việc đánh giá thực trạng, nhu cầu ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến và xây dựng các nhiệm vụ cụ thể đến năm 2025, định hướng các nhiệm vụ đến năm 2035 nhằm phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản nói chung và các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng apatit nói riêng là mục tiêu chính của nhiệm vụ. "Hội Tuyển khoáng Việt Nam mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn để xây dựng được danh mục các đề xuất nhiệm vụ liên quan đến đối tượng khoáng sản apatit sát với nhu cầu thực tế" - ông Hoàn cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, việc đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao chất lượng quặng apatit loại II và loại IV là rất cấp thiết. Phó Tổng Giám đốc Lê Hoàng lưu ý các đơn vị thành viên phối hợp với Ban kỹ thuật thuộc Tập đoàn nghiên cứu, xây dựng danh mục đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ tham gia Đề án đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025, đồng thời phát huy hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tập đoàn, từ đó triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Sau khi các đơn vị trao đổi về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản trong thời gian vừa qua và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ông Đào Trọng Cường và ông Lê Hoàng thống nhất giao nhiệm vụ cho bộ phận chuyên môn của hai bên tiếp tục rà soát, hoàn thiện Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần triển khai nghiên cứu trong thời gian tới. 

 

PV