Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong vùng dịch bệnh

Trong những ngày qua, dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh, thành phố vẫn sẽ diễn biến phức tạp; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương theo tinh thần bảo đảm mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Chủ động hỗ trợ địa phương

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh;  chủ động tham gia, hỗ trợ Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp cận các nguồn vắc xin trên thế giới với đề xuất, hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, tránh hình thức, chung chung.

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ hàng hóa, cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng nông sản.

Hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hiện là tuyến đầu, pháo đài phòng, chống dịch. Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành và địa phương liên quan (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang...) chủ động, phối hợp, hỗ trợ tích cực 2 tỉnh với tinh thần “Bắc Ninh, Bắc Giang đang nỗ lực phòng chống dịch vì cả nước; cả nước đang quan tâm, hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh”.

Nhiều giải pháp tích cực

Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ cũng đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ hàng hóa, cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng nông sản tại các địa phương, nhất là những tỉnh đang là tâm điểm của dịch bệnh.

Ngày 26/5, Bộ Công Thương đã ra Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ tại thị trường trong nước sản lượng lớn các mặt hàng nông sản của các địa phương đã, đang và sắp vào vụ thu hoạch được kịp thời, hiệu quả.

Trong Chỉ thị này, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống từ 2 lần trở lên so với năm cao nhất.

Đồng thời, có nhiệm vụ tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương thông qua Sở Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường; chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu; đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tổ chức cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu trong lực lượng để thống nhất các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch.

Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng đề nghị, Cục QLTT địa phương phải chủ động phối hợp với các đơn vị tại địa phương cùng bàn giải pháp triển khai phù hợp với địa bàn mỗi tỉnh. Giao cho các Đội QLTT đi từng địa bàn tuyên truyền phổ biến vận động các cửa hàng, kho bến bãi cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Đặc biệt, các Cục QLTT phải có báo cáo gửi UBND tỉnh để chỉ đạo chung trong các Ban phòng chống dịch, Ban chỉ đạo 389 tỉnh về việc tạo điều kiện thông thoáng cho hàng nông sản lưu thông trong tỉnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động bà con, cơ sở kinh doanh có hình thức tiêu thụ an toàn, phù hợp, hỗ trợ nông dân trong cả nước tiêu thụ trong nội địa.

Bắc Hà