Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ
Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ

 

Đồng thời, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục tập trung nguồn lực, xây dựng kế hoạch triển khai hoàn thành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các Đề án, dự án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ năm 2020 đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Tập trung rà soát kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 và mục tiêu phát triển cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với tình hình đất nước trong bối cảnh mới.

Đối với công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, đặc biệt là các dự án nguồn điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là các dự án nhiệt điện tại khu vực phía Nam để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Cùng với đó, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong 8 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng như tháng 6/2020 và tháng 7/2020.

Trong đó: ngành khai khoáng giảm 5,1%; ngành chế biến, chế tạo giảm 0,1%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. (Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng các năm 2012-2020 lần lượt là: 6,3%; 5,4%; 6,5%; 9,8%; 7,2%; 8,2%; 10,8%; 9,5%; 2,2%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể, đồng thời dịch bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hợp lý tại một số địa bàn, khu vực có ổ dịch hoặc có khả năng lây nhiễm cao trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh tế ở các địa phương khác, không áp dụng giãn cách xã hội trên quy mô lớn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 14%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 6,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 5,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,3%; sản xuất trang phục giảm 4,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,2%; dệt tăng 1,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,8%.

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: khai thác quặng kim loại tăng 14,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,3% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,8%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 7,8%.