Để khu vực tư nhân có động lực áp dụng công nghệ mới

Để giữ cho khu vực tư nhân năng động và có động lực áp dụng công nghệ mới, Chính phủ cần đảm bảo duy trì sự cạnh tranh khi một số thị trường gần như bị thống trị một cách tự nhiên bởi những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật số do nắm giữ bí quyết, có tác động ngoại lai mạng lưới và lợi thế về quy mô.

Theo WB, để trở thành cường quốc kỹ thuật số, Việt Nam sẽ cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới.

Hiện Việt Nam được so sánh với các đối thủ ngang hàng và có tham vọng về sự phổ biến điện thoại di động như Thái Lan, Hàn Quốc, Xin-ga-po; người dân, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng kết nối tốt với Internet.

Thêm nữa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty CNTT hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel,… 

Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980, và gần đây là Trung Quốc.

Báo cáo Điểm lại gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành cường quốc kỹ thuật số. Chính phủ cần tập trung giải quyết 3 thất bại của thị trường bằng những giải pháp thông minh.

Đầu tiên là đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số. Đây là giải pháp trọng tâm vì có tới 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do số hóa.

Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, những công việc này sẽ đòi hỏi nhiều  kỹ năng mới. Có thể kỳ vọng thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần dần do nhu cầu cao về lao động có kỹ năng sẽ làm tăng mức lương tương đối. Điều này sẽ khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên theo WB, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng người lao động có thể không có thông tin hoặc nguồn lực tài chính để đầu tư vào con đường học vấn dài hơn.

Với tốc độ hiện tại, Việt Nam có thể mất 25 năm để có số lượng sinh viên đăng ký vào các trường đại học như tại Thái Lan hiện nay.

Giải pháp thứ hai là phải đảm bảo khu vực tư nhân trong nước luôn năng động vì chu kỳ đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số rất ngắn.

Để giữ cho khu vực tư nhân năng động và có động lực áp dụng công nghệ mới, Chính phủ cần đảm bảo duy trì sự cạnh tranh khi một số thị trường gần như bị thống trị một cách tự nhiên bởi những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật số do nắm giữ bí quyết, có tác động ngoại lai mạng lưới và lợi thế về quy mô.

Đã có thể thấy sự tập trung như vậy trong thị trường băng thông rộng cố định và tăng mạnh trong truyền thông xã hội (với sự thống trị của Facebook) và các phân ngành kỹ thuật số khác, như thương mại điện tử, fintech, tài chính kỹ thuật số và quản lý dữ liệu.

Do đó, WB cho rằng, cần có chính sách để giảm bớt các rào cản gia nhập và tăng cường các quy định pháp lý để tránh việc lạm dụng. Đồng thời, ở khía cạnh khác, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nhỏ và có tài năng đang gặp khó khăn về tài chính bằng việc cung cấp cho họ nhiều phương án tài trợ như đã được thực hiện thành công ở một số quốc gia khác, trong đó có Singapore.

Giải pháp thứ ba và cũng là giải pháp cuối cùng là Chính phủ cần tạo điều kiện cho việc tiếp cận dữ liệu và thông tin.

Đây là một hàng hóa công vì lợi ích của việc chia sẻ thông tin thường cao hơn chi phí thu thập thông tin đó. Chính phủ có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin bằng cách liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến ​​dữ liệu mở - trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến theo cách thân thiện với người dùng.

Chính phủ cũng có thể khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu vì các công cụ và nền tảng kỹ thuật số mới đã làm giảm sự độc quyền của Nhà nước. Tất cả những hoạt động này cũng nên tính đến quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu và người dùng dữ liệu.

Đại Từ