Đề xuất 6 nhóm chính sách trong xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... trên thế giới hiện nay.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, đại diện báo chí đã đặt câu hỏi về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế và dự kiến những nội dung mới sẽ được đề xuất nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay.

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng Luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế.

"Chúng tôi đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất đối với việc xây dựng dự thảo Luật này", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.

khu công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung giải đáp các vấn đề xung quanh đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhưng đồng thời cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...

6 nhóm chính sách tập trung vào chính sách hỗ trợ, cụ thể:

Thứ nhất, nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm và đã triển khai một số dự án như thế này ở một số khu, tuy nhiên chưa triển khai trên phạm vi rộng.

Thứ hai, nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao. Ví dụ những loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, rồi khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái… Các khu này có tính chất đặc thù và có những chính sách ưu việt hơn, thì chúng ta cũng phải có những tiêu chí, quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp này, để đảm bảo việc phát triển mục tiêu của khu công nghiệp chuyên biệt.

Thứ ba, nhóm chính sách phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.

Thứ tư, phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, ở đây là các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ. Chúng ta lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, vừa là nơi sinh sống cho các chuyên gia, người lao động, tạo ra dịch vụ công cộng xã hội, cho cộng đồng, cho cả doanh nghiệp ở trong các khu công nghiệp này.

Thứ năm, các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các khu công nghiệp chuyên biệt, để đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào đây, khuyến khích phát triển khu công nghiệp này.

Cuối cùng, thông qua các chính sách này nhắm đến việc điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà chúng ta vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để làm sao vừa tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này vừa là nơi đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước.

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 28/3/2024 tại Hà Nội, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất, khuyến nghị cần có những giải pháp hữu hiệu để  phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam theo hướng xanh, bền vững.

Đơn cử, theo ông Lê Hữu Phúc - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, thực tiễn dự án FDI chủ yếu ở khu công nghiệp, trong khi đó thu hút FDI ở khu kinh tế còn thấp với những vướng mắc ở vấn đề pháp lý.

Ông Phúc cho rằng, thể chế chính sách liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Do đó, cần ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý, tạo động lực phát triển hơn cho các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Hoàng Phương