Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng không nung

THS. NGUYỄN THANH SƠN (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Vật liệu xây dựng không nung là loại vật liệu được làm từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt. Quá trình sản xuất loại vật liệu này không gây ảnh hưởng môi trường nên còn gọi là vật liệu xanh. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam.

Từ khóa: vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh, ngành Xây dựng.

1. Thực trạng sản xuất và sử dụng vật liệu không nung tại Việt Nam

Việt Nam hiện có 112,4 nghìn doanh nghiệp (năm 2019) hoạt động trong ngành xây dựng với trên 1,6 triệu lao động. Xây dựng được đánh giá là một lĩnh vực tiêu thụ nhiều vật liệu khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã định hướng ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng từ 8-10%/năm trong cơ cấu ngành Xây dựng, đến năm 2030, đáp ứng khoảng 95% nhu cầu thị trường trong nước. Theo đó, ngành Vật liệu xây dựng hiện không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển tích cực. Cụ thể, công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN) đã tăng gấp 2-3 lần so với 10-15 năm trước.

Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung tại Việt Nam là thành quả của quá trình đổi mới vật liệu xây dựng đã triển khai thực hiện từ Chính phủ, các Bộ, ngành đến chính quyền địa phương ở cấp tỉnh trong suốt cả thập kỷ qua (từ năm 2009 đến năm 2020). Đáng chú ý là, VLXKN được đưa vào sản xuất và sử dụng với mục tiêu giảm bớt tác động bất lợi đến tình hình biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện đúng cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam tham gia Nghị định thư Kyoto. Đặc biệt, việc phát triển ngành VLXKN có vai trò hỗ trợ rất lớn trong việc xử lý chất thải tro xỉ của một số ngành như nhiệt điện than, sản xuất sắt thép,… Đến nay, đổi mới vật liệu xây dựng - vật liệu xây không nung đã trở thành một trong những giải pháp dài hạn cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Hiện nay, việc sản xuất và sử dụng VLXKN vẫn luôn được chú trọng đẩy mạnh phát triển, từ 8% trong cơ cấu vật liệu xây dựng cả nước năm 2010 lên 30% năm 2020. Trong chuỗi cung ứng đầu vào, giai đoạn 2010- 2016, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung từ Trung Quốc và ở một số nước Châu Âu. Từ sau năm 2017, dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất VLXKN được các nhà máy chế tạo ngay ở Việt Nam với các nguồn nguyên liệu thô, đa dạng góp phần giảm chất thải ra môi trường, giảm khai thác tài nguyên. Tại Việt Nam hiện có hơn 1.600 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất VLXKN. Tổng công suất thiết kế của các cơ sở sản xuất VLXKN năm 2019 là trên 10 tỷ viên QTC (chiếm khoảng 30% công suất thiết kế của vật liệu xây) (Báo cáo của Bộ Xây dựng). Ngành VLXKN đã hình thành được nhóm các doanh nghiệp chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN phục vụ cho ngành sản xuất VLXKN với công nghệ tiên tiến và chi phí rẻ hơn nhập khẩu so với những năm đầu 2010.

Các chủng loại sản phẩm vật liệu, cấu kiện không nung ngày càng đa dạng như gạch bê tông (block xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp (gạch AAC), gạch bê tông bọt, tấm tường bê tông khí chưng áp, tấm tường bê tông rỗng, tấm tường bê tông polystyron, tấm tường thạch cao, tấm 3D,… Tuy nhiên, chi phí của nguồn cung cấp hoạt động đầu vào hiện vẫn chiếm tới 60-70% chi phí hoạt động xây dựng. Hơn nữa, lực lượng lao động trong ngành xây dựng tuy dồi dào, nhưng không được đào tạo đầy đủ, thiếu chuyên môn, không đáp ứng yêu cầu về tính chuyên nghiệp và năng suất lao động của ngành xây dựng chỉ đứng thứ 16 so với các ngành khác. Hiện nay, việc định hướng và hình thành nhà cung ứng máy móc thiết bị, các vùng nguyên vật liệu cho ngành chưa được xây dựng quy hoạch.

Mặc dù hiện nay số doanh nghiệp sản xuất VLXKN có sự gia tăng đáng kể lại phân bố không đều giữa các vùng miền, đa phần tập trung ở miền Bắc (chiếm 70%). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp được thành lập tự phát, đa phần không thuộc đề án phát triển và gần nguồn nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, chủng loại VLXKN tại Việt Nam, dù được đánh giá cao về sự đa dạng, nhưng giá thành sản xuất các loại VLXKN còn cao, một phần là do hạ tầng giao thông chưa thuận lợi đã đẩy chi phí vận chuyển tăng lên.

Ở đầu ra, khách hàng có nhu cầu sử dụng VLXKN thông qua thị trường dân dụng, thị trường công nghiệp và hạ tầng xây dựng. Trong đó, thị trường dân dụng chịu nhiều tác động và ảnh hưởng lớn từ nhu cầu nhà ở và thị trường bất động sản. Người tiêu dùng tư nhân vẫn có thói quen sử dụng vật liệu xây dựng đã qua sản xuất như gạch từ đất sét nung mà chưa có nhiều động lực đổi mới và còn nhiều e ngại với các loại VLXKN, chỉ có số ít sử dụng cho các công trình phụ như nhà kho, hàng rào,… Đa phần các công trình sử dụng nguồn VLXKN là các dự án xây dựng bằng ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các quy định về sử dụng VLXKN.

Dù đã được chú trọng, quan tâm nhưng Việt Nam hiện vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, đề tài nghiên cứu khoa học trong triển khai sử dụng VLXKN cả trong công trình nhà nước và tư nhân, cơ chế cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất VLXKN. Thêm vào đó, chưa có chính sách cụ thể trong hạn chế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung. Việc thực thi các chiến lược, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN tại từng tỉnh, thành còn thiếu sự đồng nhất. Cụ thể, là cả nước mới chỉ có 35/63 tỉnh có chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện xóa bỏ sản xuất gạch nung thủ công và tăng cường sử dụng VLXKN; 45/63 tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch đất sét nung và tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN.

Ngoài ra, ngành VLXKN của Việt Nam chưa có sự đổi mới, đồng thời với sự tham gia giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng trong cả ngành vật liệu xây dựng. Các nhà sản xuất, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, nhà thầu xây dựng, cùng với các chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia kinh tế chưa có sự phối hợp nhiều trong quá trình sản xuất và sử dụng VLXKN thi công công trình. Những hạn chế trên cũng chính là rào cản sự phát triển của VLXKN và góp phần làm chậm quá trình đổi mới vật liệu xây của ngành Xây dựng.

2. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển chuỗi cung ứng

Theo báo cáo của Tổ chức Triển vọng Đô thị hóa Thế giới, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 105,45 triệu người và dân số đô thị chiếm 44,2% (tương đương 46,6 triệu người), tăng 48% so với hiện nay. Trong 10 năm tới, xây dựng nhà không để ở có tốc độ tăng trưởng thực tế cao nhất trong số các sản phẩm xây dựng của Việt Nam, đạt bình quân 7,6%/năm. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 13% dân số Việt Nam hiện thuộc tầng lớp trung lưu và dự kiến sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Do đó, nhu cầu sử dụng VLXKN là rất lớn. Chính vì vậy, để vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng và giảm tác động xấu từ biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, Ngành VLXKN cần được thúc đẩy tăng trưởng đổi mới ở góc độ chuỗi cung ứng và cả cơ chế và chính sách.

Để tháo gỡ khó khăn cho cả khâu sản xuất và tiêu thụ VLXKN, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp sản xuất VLXKN, chiến lược phát triển VLXKN cần bổ sung chương trình quy hoạch cụm, khu công nghiệp sản xuất VLXKN gần các vùng nguyên liệu cần thiết như đá, xỉ than, tro bay,… để giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí xử lý thải trong quá trình vận chuyển sản xuất và tăng số lượng sản phẩm sử dụng tro bay, xỉ than trong sản xuất VLXKN.

Tăng cường chính sách thuế môi trường, thuế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung nhằm hạn chế sử dụng gạch đất sét nung và tăng cường sử dụng VLXKN vào công trình có sử dụng ngân sách nhà nước lẫn công trình tư nhân.

Tăng cường đầu tư khuyến khích, đề tài nghiên cứu khoa học trong triển khai sử dụng VLXKN cả trong công trình nhà nước và tư nhân, có cơ chế cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất VLXKN.

Tại từng vùng, địa phương, các công ty sản xuất VLXKN được định hướng chuyển đổi cần có định hướng thị trường ngay từ đầu trong sản xuất vật liệu xây không nung. Lựa chọn các nguồn lực đầu vào phù hợp với đặc tính vùng miền, thị trường tiêu thụ là rất cần thiết. Đặc biệt định hướng công nghệ, cải tiến ngay từ giai đoạn đầu tư ban đầu, đổi mới dựa vào nhu cầu thị trường thông qua kết nối với thông tin nhà thầu thi công xây lắp cùng với nâng cao năng lực tổ chức để giảm chi phí, cắt giảm các hoạt động không cần thiết thông qua sử dụng máy móc thiết bị, phần mềm quản lý. Tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm VLXDKN mới chất lượng cao, phù hợp với từng vùng xây dựng nhằm giảm tỷ lệ nứt tường. Ngoài ra, các công ty sản xuất VLXKN dựa vào chất lượng sản xuất của mình để lựa chọn địa điểm vùng, công ty cung ứng đầu vào chất lượng phù hợp để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chú trọng nghiên cứu triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật khi sản xuất và sử dụng VLXKN hiệu quả. Đồng thời, phối hợp cùng nhà khoa học tại viện, trường đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thị trường, truyền thông giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc sản xuất và sử dụng VLXKN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hendriks, C.A, Worrell, E. Price Martin, N. Ozawa Meida, L. (2002). Emission
    Reduction of Greenhouse Gases from the Cement Industry. USA: International Energy
    Agency (IEA).
  2. Pham D Huu, Dao Van Dong. (2008). Research in high performance concrete
    using system analysis theory and development, Proc. of the 3rd Inter. Conf. in
    Construction Concrete, Hochiminh city, Vietnam. 3. Tucker, S. Csiro. (2000). On line brochure. Australia: CSIRO.
  3. Tuấn Việt (2019), Ngành VLXD 2019: Bức tranh nhiều sắc màu, http://reatimes.
    vn/nganh-vat-lieu-xay-dung-2019-buc-tranh-nhieu-sac-mau-32331.html

 Some solutions to solve difficulties faced by the production and the supply of unburnt building material in Vietnam

Master. Nguyen Thanh Son

Faculty of Business Administration, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Unburnt building material is made from by-products, waste or aggregates through forming and pressing processes without the use of heat. The production of unburnt building material does not affect the environment. Hence, the unburnt building material is considered as the green construction material. This paper analyzes the current production of unburnt building material in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to solve difficulties faced by the production and the supply of unburnt building material in Vietnam.

Keywords: unburnt building materials, green materials, construction industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2021]