Đề xuất khung phân tích môi trường kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)

NCS.ThS. LÊ ĐÌNH CHIỀU, TS. ĐẶNG HUY THÁI, PGS.TS. NGUYỄN NGỌC KHÁNH, ThS. NGUYỄN VĂN THƯỞNG (Khoa Kinh tế - QTKD, Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

TÓM TẮT:

Phân tích môi trường kinh doanh, bao gồm môi trường bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong công tác kế hoạch của doanh nghiệp và là căn cứ trực tiếp để xây dựng kế hoạch (bao gồm cả kế hoạch chiến lược và kế hoạch tác nghiệp) của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện hoạt động này một cách bài bản. Thông qua bài viết, nhóm nghiên cứu sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như nghiên cứu lý thuyết, khảo sát thực tế…; trên cơ sở tìm hiểu những đặc trưng của doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV, đề xuất khung phân tích môi trường kinh doanh phù hợp với các doanh nghiệp này.

Từ khóa: Khung phân tích, môi trường kinh doanh, doanh nghiệp khai thác than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

1. Đặt vấn đề

Phân tích môi trường kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích tìm ra cơ hội, nguy cơ từ môi trường bên ngoài và điểm mạnh, điểm yếu trong nội bộ doanh nghiệp. Việc phân tích được thực hiện với các dữ liệu quá khứ để chỉ ra xu hướng, làm cơ sở cho dự báo biến động của môi trường kinh doanh trong tương lai. Từ những dự báo này, doanh nghiệp sẽ xác định các mục tiêu (dài hạn và ngắn hạn) và các kế hoạch hành động cho mình (kế hoạch chiến lược và kế hoạch tác nghiệp). Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà môi trường kinh doanh biến đổi rất mau lẹ, khôn lường. Hiện nay tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV, công tác kế hoạch chủ yếu được thực hiện dựa theo các hướng dẫn của TKV và tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này chưa quan tâm nhiều đến hoạt động phân tích môi trường kinh doanh. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của công tác kế hoạch do thiếu căn cứ cần thiết (kết quả phân tích và dự báo biến động của môi trường kinh doanh). Do đó, doanh nghiệp cần phải triển khai thực hiện việc phân tích môi trường với đầy đủ các nội dung để phát huy tối da hiệu quả của hoạt động này.

2. Đề xuất khung phân tích môi trường phù hợp với doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV

2.1. Một số đặc trưng của doanh nghiệp khai thác than ảnh hưởng đến công tác kế hoạch

Mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đều có những đặc trưng ảnh hưởng đến hoạt động quản trị nói chung và công tác kế hoạch nói riêng. Đối với doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV, khi phân tích môi trường kinh doanh để thực hiện công tác kế hoạch, cần lưu ý đến một số đặc trưng:

- Doanh nghiệp khai thác than khai thác nguồn tài nguyên trong lòng đất, do đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như hiệu quả của hoạt động này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi điều kiện mỏ địa chất tự nhiên của vỉa than;

- Diện sản xuất của các doanh nghiệp này thay đổi nhanh và khó dự báo chính xác, phụ thuộc nhiều vào kết quả và chất lượng của công tác thăm dò địa chất;

- Doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV đều là các doanh nghiệp quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều; bao gồm nhiều đơn vị, nhiều bộ phận với chức năng chuyên môn hóa. Hoạt động quản trị nói chung và công tác kế hoạch nói riêng cần phải kết nối được các bộ phận, các đơn vị này.

- Thị trường Than Việt Nam giai đoạn hiện nay cũng có những biến động lớn. Việc Tổng công ty Than Đông Bắc - Bộ Quốc phòng tách ra hoạt động độc lập với TKV, cùng với sự tham gia khai thác than của một số doanh nghiệp ngoài TKV đã phá vỡ thế độc quyền trong việc sản xuất than của TKV. Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ than trong nước ngày càng tăng, trong khi trữ lượng than hiện tại đang giảm theo quá trình khai thác dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu than từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu nội địa. Như vậy, hiện nay thị trường than Việt Nam có rất nhiều chủ thể tham gia cả vào hoạt động khai thác và nhập khẩu than, làm cho thị trường này ngày càng sôi nổi.

- Bên cạnh đó, cùng với đặc trưng của mô hình công ty mẹ - công ty con trong TKV cũng như sự khác biệt về điều kiện mỏ địa chất giữa các doanh nghiệp khai thác than khác nhau trong TKV dẫn đến việc TKV chi phối, can thiệp tương đối lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp khai thác than.

2.2. Khung phân tích môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV

Từ nội dung cơ bản của việc phân tích môi trường kinh doanh, đồng thời có phản ánh, tính đến những đặc trưng của doanh nghiệp khai thác than kể trên; để đảm bảo việc phân tích môi trường có trọng tâm và hiệu quả, nhóm nghiên cứu đề xuất khung phân tích môi trường kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV như trong Bảng 1.

Bảng 1. Khung phân tích môi trường kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV

Thành tố môi trường

Nội dung phân tích

A. MÔI TRƯỜNG BÊN NGOÀI

I. MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ

1. Môi trường chính trị - pháp luật

a. Môi trường chính trị

- Mối quan hệ ngoại giao (tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu than; nhập khẩu máy móc thiết bị; thu hút đầu tư nước ngoài; và đầu tư khai thác than ở nước ngoài (nếu có)).

b. Môi trường pháp luật

- Các luật, bộ luật có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp khai thác than: Bộ luật lao động; luật tài nguyên; luật bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan đến doanh nghiệp như luật doanh nghiệp, các luật thuế, luật đầu tư, luật thương mại… (quan tâm đến những điều, khoản trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp khai thác than).

- Luật quốc tế, các công ước quốc tế có tác động đến Việt Nam và có liên quan đến hoạt động khai khoáng như vấn đề tài nguyên, môi trường, sử dụng lao động…

2. Môi trường kinh tế

- Sự phát triển của các ngành kinh tế của nền kinh tế quốc dân và tác động đến ngành Than;

- Một số biến kinh tế vĩ mô liên quan đến doanh nghiệp khai thác than như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát…

3. Môi trường văn hóa - xã hội

a. Môi trường văn hóa

- Tác động của văn hóa vùng miền đến người lao động

b. Môi trường xã hội

- Sự phát triển của xã hội và tác động đến nhu cầu, mức hưởng thụ của người lao động;

- Việc thu hút lao động của các khu vực kinh tế, các doanh nghiệp khác bằng thu nhập, điều kiện làm việc, phúc lợi…

4. Môi trường công nghệ

- Các công nghệ khai thác than và khả năng áp dụng trong điều kiện của Việt Nam;

- Xu hướng đổi mới công nghệ; chu kỳ công nghệ liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến than.

5. Môi trường tự nhiên

- Trữ lượng tài nguyên thăm dò đến thời điểm hiện tại và dự kiến thăm dò trong tương lai;

- Vấn đề tổn thất tài nguyên và hướng khắc phục;

- Vấn đề cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường;

- Nguồn năng lượng thay thế và tác động đến ngành Than;

- Vấn đề thời tiết, khí hậu và những ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, chế biến than.

- Biến đổi khí hậu và tác động đến hoạt động khai thác, chế biến than.

II. MÔI TRƯỜNG NGÀNH (HAY MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH)

1. Khách hàng

- Doanh nghiệp giao than qua đầu mối nào của Tập đoàn;

- Khả năng nhận than của các đầu mối;

- Kinh nghiệm và khả năng phối hợp kinh doanh giữa doanh nghiệp và đầu mối tiêu thụ;

- Quyền hạn và khả năng tìm kiếm các khách hàng lẻ để tự tiêu thụ của doanh nghiệp.

2. Nhà cung cấp

- Những nhà cung cấp nào là chỉ định của Tập đoàn. Khả năng cung ứng kịp thời của họ; kinh nghiệm và khả năng phối hợp kinh doanh của các nhà cung cấp đó với doanh nghiệp;

- Những yếu tố đầu vào nào doanh nghiệp được chủ động trong việc cung ứng; các nhà cung cấp nào có khả năng cung ứng những yếu tố đó và khả năng cung ứng, uy tín, cũng như mối quan hệ của họ đối với doanh nghiệp

3. Đối thủ cạnh tranh hiện tại

- Khả năng cạnh tranh của các đối thủ trong việc thu hút các yếu tố đầu vào, đặc biệt là lao động;

- Khả năng cạnh tranh (về số lượng, chất lượng, giá cả) của các doanh nghiệp ngoài TKV và doanh nghiệp nhập khẩu than (doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV thực chất là một đơn vị kinh doanh của Tập đoàn nên về cơ bản không có đối thủ cạnh tranh về tiêu thụ trong nội bộ TKV).

4. Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

- Những doanh nghiệp nào đang có ý định tham gia vào khai thác, nhập khẩu than và những nguồn lực, năng lực cạnh tranh của họ.

5. Sản phẩm thay thế

- Nhận diện những sản phẩm thay thế than và khả năng phát triển những sản phẩm thay thế đó ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

B. ĐÁNH GIÁ NỘI BỘ DOANH NGHIỆP

1. Đánh giá các nguồn lực

- Đánh giá các nguồn lực của doanh nghiệp như nhân lực, nguồn lực tài chính, công nghệ, thông tin…

2. Phân tích hoạt động kinh doanh

- Phân tích tình hình cung ứng và sử dụng các yếu tố đầu vào: Phân tích tình hình sử dụng lao động; phân tích tình hình sử dụng TSCĐ; phân tích tình hình cung ứng và dự trữ vật tư;

- Phân tích hoạt động sản xuất;

- Phân tích chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm;

- Phân tích tình hình tiêu thụ; lợi nhuận;

- Phân tích tình hình tài chính.

3. Phân tích hoạt động của các bộ phận chức năng

- Phân tích các hoạt động quản trị theo lĩnh vực như quản trị sản xuất (các bộ phận về công nghệ sản xuất, điều độ sản xuất…); quản trị nhân lực; quản trị tài chính; quản trị chi phí; công tác nghiên cứu và phát triển…

Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu

3. Triển khai thực hiện phân tích môi trường kinh doanh tại doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV

Hoạt động phân tích môi trường kinh doanh cần được tiến hành thường xuyên, ít nhất hai lần trong một năm. Một lần được thực hiện vào thời điểm giữa năm làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo; một lần thực hiện vào thời điểm cuối năm làm căn cứ triển khai thực hiện kế hoạch trong năm tiếp theo. Chủ thể phân tích môi trường kinh doanh của doanh nghiệp là các nhà quản trị cấp cao của doanh nghiệp, với sự trợ giúp của các bộ phận phòng ban chức năng. Phòng Kế hoạch chủ trì việc tổng hợp phân tích, viết báo cáo. Sử dụng ma trận SWOT để tổng hợp kết quả phân tích.

Quy trình phân tích môi trường kinh doanh được thực hiện theo các bước:

Bước 1. Lập kế hoạch phân tích để có cơ sở triển khai thực hiện các công việc một cách chặt chẽ và đầy đủ. Kế hoạch phân tích cần chỉ ra các công việc phải thực hiện, các nguồn lực cần thiết để thực hiện các công việc đó.

Bước 2. Chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để thực hiện hoạt động phân tích một cách thuận tiện và hiệu quả. Một số nguồn lực cần phải chuẩn bị như các tài liệu, thông tin, công cụ, nhân lực và các nguồn lực khác để thực hiện hoạt động phân tích.

Bước 3. Tiến hành phân tích. Ở nội dung này, doanh nghiệp cần thực hiện:

- Phân tích môi trường bên ngoài để dự báo các cơ hội và nguy cơ đối với doanh nghiệp trong tương lai;

- Đánh giá nội bộ doanh nghiệp để thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp và khả năng tận dụng các cơ hội, né tránh các nguy cơ từ môi trường bên ngoài.

Bước 4. Tổng hợp, lập báo cáo phân tích. Từ kết quả phân tích, tiến hành tổng hợp và lập báo cáo phân tích. Báo cáo phân tích cần chỉ ra được các nội dung:

- Tổng hợp các cơ hội, nguy cơ từ môi trường bên ngoài;

- Tổng hợp những điểm mạnh, điểm yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp;

- Dự kiến các mục tiêu, phương án kế hoạch (kế hoạch chiến lược và kế hoạch tác nghiệp) có thể triển khai hiệu quả.

Sau khi xây dựng xong báo cáo phân tích, có thể tổ chức hội nghị phân tích để tranh thủ thêm các ý kiến của các bên liên quan và các chuyên gia; đồng thời cũng để phổ biến thông tin từ kết quả phân tích cho các cá nhân, bộ phận hữu quan trong doanh nghiệp.

4. Kết luận

Thông qua bài viết, nhóm nghiên cứu đã phân tích, chỉ ra những đặc trưng của doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV, để từ đó đưa ra khung phân tích môi trường phù hợp với các doanh nghiệp này. Bài viết cũng đề xuất quy trình các bước thực hiện việc phân tích môi trường tại các doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV. Phân tích môi trường kinh doanh là một khâu, một công đoạn trong công tác kế hoạch; do đó, cần được thực hiện đồng bộ trong mối quan hệ với các hoạt động, các khâu khác của công tác kế hoạch để đảm bảo công tác kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngô Kim Thanh và cộng sự (2012). Giáo trình Quản trị chiến lược. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Bùi Đức Tuân và cộng sự (2005). Giáo trình Kế hoạch kinh doanh. NXB Lao động - Xã hội.
  3. Nghị định số 105/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
  4. Công văn số 4295/TKV-KH của TKV về việc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2019.

PROPOSING THE FRAMEWORK FOR ANALYZING BUSINESS ENVIROMENT WHICH IS SUITBALE FOR COAL MINING ENTERPRISES UNDER VINACOMIN

Ph.D’s student, Master. LE DINH CHIEU

Ph.D DANG HUY THAI

Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN NGOC KHANH

Master. NGUYEN VAN THUONG

Faculty of Economics - Business Administration

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

Analyzing business environment, including external and internal business environment, is an important work in the enterprise's planning and a direct basis for making plans, including strategic plans and operational plans, of businesses. However, coal mining enterprises under Vietnam National Coal - Mineral Industries Holding Corporation Limited (Vinacomin) have not paid much attention to the business environment analysis as well as do this work in a methodical manner. This study was conducted by using a combination of research methods such as theoretical research and field surveys. By understanding the characteristics of coal mining enterprises under Vinacomin, this study proposes a framework for analyzing business environment which is suitable for these enterprises.

Keywords: Analytical framework, business environment, coal mining enterprise, Vietnam National Coal -Mineral Industries Holding Corporation Limited (Vinacomin).